Nhiều sai phạm ở Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam

Thứ Năm, 05/05/2022, 08:23

Thanh tra Chính phủ vừa công bố kết luận thanh tra công tác quản lý tài chính, tài sản công, thực hiện các dự án đầu tư; tổ chức hợp tác nghiên cứu, đào tạo, liên kết đào tạo cấp bằng thạc sĩ, tiến sĩ giai đoạn 2015-2019 của Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam (Viện Hàn lâm KHXH). Từ đây, cho thấy hàng loạt sai phạm, khuyết điểm gây lãng phí ngân sách nhà nước cần phải được khắc phục, chấn chỉnh và xem xét trách nhiệm cá nhân, tập thể liên quan.

Nhiều đề tài cấp cơ sở, cấp bộ không hợp lý

Theo kết luận thanh tra, trong 7 nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị và của Viện Hàn lâm KHXH nhưng được phê duyệt dưới dạng đề tài cấp cơ sở, cấp bộ và bố trí kinh phí để thực hiện không hợp lý; có 3 đề tài, nhiệm vụ không có đóng góp về khoa học cho xã hội; 37 đề tài, nhiệm vụ cấp Bộ do văn phòng chủ trì chưa được tổ chức nghiệm thu cấp cơ sở trước khi nghiệm thu cấp Bộ; 18 đề tài, nhiệm vụ cấp Bộ nhưng không nghiệm thu cấp bộ; 29 đề tài, nhiệm vụ trùng thời gian; 30 hội đồng nghiệm thu đề tài khoa học cấp Bộ không đúng thành phần; 55 đề tài, nhiệm vụ khoa học cấp Bộ được giao cho cá nhân ngoài đơn vị chủ trì; 67 hội đồng nghiệm thu nhiệm vụ khoa học cấp cơ sở nhiệm vụ khoa học cấp Bộ của các đơn vị, căn cứ vào các quy chế quản lý khoa học do Viện Hàn lâm KHXH ban hành đã hết hiệu lực; 191 hội đồng nghiệm thu nhiệm vụ khoa học cấp cơ sở không đúng thành phần; 75 đề tài, nhiệm vụ nghiệm thu chậm tiến độ.

Kết luận thanh tra còn cho biết nhiều đề tài, nhiệm vụ cấp cơ sở, chủ nhiệm đề tài sử dụng lại một phần, có đề tài sử dụng lại nhiều nội dung của đề tài, nhiệm vụ đã được nghiên cứu trước (cùng chủ nhiệm) không đúng quy chế quản lý khoa học, xảy ra ở phần lớn các đơn vị được thanh tra.

Đặc biệt, tại một số đơn vị thuộc Viện Hàn lâm KHXH đã xảy ra tình trạng nghiệm thu đề tài khoa học cấp cơ sở nhiều bất thường trong cùng một ngày. Có cảm giác những hội đồng nghiệm thu làm việc... như máy.

Nhiều sai phạm ở Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam -0
Trụ sở Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam.

Đơn cử tại Viện Nghiên cứu châu Âu, chỉ với 1 hội đồng đã nghiệm thu 18 đề tài trong ngày 6-12-2016, 18 đề tài trong ngày 12-12-2017, 16 đề tài vào ngày 5-12-2018 và 15 đề tài vào ngày 25-11-2019.

Còn tại Viện Ngôn ngữ học, chỉ với 2 hội đồng đã nghiệm thu 13 đề tài vào ngày 17-12-2018 và kỷ lục 22 đề tài trong ngày 19-11-2019. Tại Viện Sử học đã nghiệm thu 7 đề tài trong buổi chiều ngày 13-1-2019 và 11 đề tài trong ngày 15-11-2019 chỉ với 2 hội đồng khoa học.

Trong giai đoạn 2015-2019, công tác đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ tại Viện Hàn lâm KHXH có nhiều hạn chế, khuyết điểm về tuyển sinh, quy trình, chương trình và quản lý đào tạo. Việc quản lý tài chính có nhiều vi phạm, trong đó, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam chi phụ cấp cho một số chức danh, phụ cấp cán bộ công tác địa phương không đúng quy định, với số tiền hơn 700 triệu đồng; kê khai thiếu tiền thuế gần 2 tỉ đồng.

Thanh tra Chính phủ kiến nghị kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của tập thể lãnh đạo Viện qua các thời kỳ; kiến nghị thu hồi số tiền gần 6 tỉ đồng đã chi không có trong quy định.

Quản lý tài chính bất cập, lỏng lẻo

Cũng theo kết luận thanh tra, Viện Hàn lâm KHXH thực hiện chưa tốt công tác quản lý tài chính, tài sản, thực hiện các dự án và tổ chức nghiên cứu khoa học, để xảy ra nhiều khuyết điểm, vi phạm.

Các đơn vị trực thuộc chưa thực hiện đúng, đầy đủ các quy chế, quy định của Nhà nước; công tác quản lý tài sản công, thực hiện các dự án, đặc biệt việc cho thuê trụ sở, nhà, đất vi phạm các quy định của pháp luật trong thời gian dài không được chấn chỉnh; việc thực hiện và đánh giá, nghiệm thu các đề tài còn mang tính hình thức, chất lượng chưa cao; có việc còn làm lãng phí ngân sách nhà nước.            

Cụ thể, trước năm 2017, Viện Hàn lâm KHXH lập dự toán thu, nộp ngân sách nhà nước hằng năm, trong đó số liệu của năm lập dự toán thấp hơn ước thực hiện của năm trước, dự toán không bao quát hết các nguồn thu tại một số đơn vị có nguồn thu từ hoạt động sự nghiệp theo quy định tại các thông tư hướng dẫn hằng năm của Bộ Tài chính.

Không lập danh mục dự toán cụ thể cho từng đơn vị; không căn cứ tình hình thực tế của các đơn vị cấp dưới để xây dựng dự toán theo quy chế của Viện Hàn lâm KHXH. Không ban hành định mức phân bố dự toán chỉ ngân sách cho các đơn vị trực thuộc theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.

Viện Hàn lâm KHXH giao dự toán hằng năm cho các đơn vị trực thuộc còn điều chỉnh bổ sung nhiều lần trong năm, giao dự toán còn chậm gây khó khăn cho đơn vị; có trường hợp giao bổ sung dự toán khi chưa thực hiện quyết toán hợp đồng, giao dự toán trước kinh phí của năm sau. Giao dự toán về Văn phòng Viện Hàn lâm mang tính dự phòng không đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước. Giao dự toán hoạt động khoa học chung, có nội dung chưa có trong quy định của Nhà nước, tổng số tiền gần 6 tỉ đồng (giai đoạn 2015-2018). Phân bổ dự toán lần đầu hằng năm chậm; phân bổ khi chưa xây dựng phương án cụ thể dẫn đến phân bổ nhiều lần mới được phê duyệt. Phân bổ kinh phí mua sắm tài sản hằng năm chưa căn cứ vào nhu cầu thực tế và định mức trang thiết bị của từng đơn vị theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.

Đối với các đơn vị cấp dưới, có đến 12 đơn vị chưa sửa đổi, bổ sung quy chế chi tiêu nội bộ theo quy định mới của Bộ Tài chính; 8 quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị, có một số nội dung không đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước; không công khai dự toán và quyết toán ngân sách hằng năm (các lần điều chỉnh, bổ sung) theo hướng dẫn của Bộ Tài chính. Các ban chức năng tham mưu, dự kiến kế hoạch hằng năm nhưng không gửi văn phòng để lập dự toán; các đề tài, nhiệm vụ được chuyển tiếp qua nhiều năm do văn phòng chủ trị nhưng không lập dự toán theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

Văn phòng thực hiện thu kinh phí quản lý đề tài không đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước (trước năm 2017) với tổng số tiền hơn 1 tỷ đồng. Học viện KHXH sử dụng nguồn ngân sách nhà nước giao để chi tiền lương, phụ cấp cho lao động hợp đồng ngoài chỉ tiêu biên chế; thanh toán phụ cấp cho các chức danh không có trong quy định số tiền 750 triệu đồng; sử dụng nguồn ngân sách nhà nước chi tiền lương, phụ cấp lương cho viên chức, người lao động hợp đồng ngoài chỉ tiêu biên chế 1,2 tỉ đồng. Không xây dựng quỹ nhuận bút, định mức chi tiết thù lao đọc duyệt, biên tập; không tổ chức đấu thầu in tạp chí theo quy chế hoạt động.

Hạch toán, trích lập các quỹ hoạt động không dúng quy định của Chính phủ số tiền 7,7 tỉ đồng; kê khai thuế chưa đầy đủ số tiền 1,9 tỉ đồng; không đề nghị ghi thu-ghi chi vào ngân sách nhà nước các khoản thu từ phí, lệ phí theo quy định của Bộ Tài chính. Bảo tàng Dân tộc học nộp không đầy đủ các loại thuế theo quy định số tiền 1,1 tỉ đồng (thuế giá trị gia tăng 123  triệu đồng).

Nhiều sai phạm ở Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam -0
Bảo tàng Dân tộc học, một trong những đơn vị có sai phạm liên quan đến việc cho thuê nhà, đất.

Về quản lý tài sản công, Viện Hàn lâm KHXH?chậm ban hành quy chế quản lý và sử dụng tài sản công, không phê duyệt quy chế phối kết hợp sử dụng chung trụ sở làm việc. Dẫn đến, các đơn vị trực thuộc thực hiện không đầy đủ các quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.

Văn phòng Viện Hàn lâm không xây dựng phương án sắp xếp, xử lý các cơ sở nhà, đất được giao quản lý; dẫn đến, có 5 cơ sở nhà, đất chưa có phương án sắp xếp chính thức; 3 cơ sở nhà đất chưa có phương án sắp xếp; 2 cơ sở chưa được phê duyệt sắp xếp; 10 cơ sở chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sự dụng đất... và một số cơ sở nhà đất có tranh chấp chưa được giải quyết, có 8 cơ sở nhà, đất không sử dụng, sử dụng không hiệu quả trong thời gian dài phải được trả lại Nhà nước theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.

Bảo tàng Dân tộc, Văn phòng, Nhà xuất bản KHXH cho các tổ chức, cá nhân thuê cơ sở, nhà, đất và liên doanh, liên kết trong thời gian dài nhưng không lập đề án sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê; không thực hiện đấu giá, không thực hiện trích khấu hao tài sản; không thông báo công khai giá cho thuê, vi phạm quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công. Viện KHXH vùng Trung bộ tùy tiện cho doanh nghiệp sử dụng đất (10.000m2) không có hợp đồng, vi phạm Luật Quản lý, Sử dụng tài sản nhà nước.

Giai đoạn 2015-2019, Viện Hàn lâm còn nhiều hạn chế, khuyết điểm trong công tác quản lý, sử dụng tài sản công các đơn vị trực thuộc như Bảo tàng, Văn phòng, Viện KHXH vùng Trung bộ, Nhà xuất bản KHXH tùy tiện cho thuê trụ sở là nhà, đất không chấp hành các quy định của Nhà nước về quản lý, sử dụng tài sản công. Trách nhiệm thuộc lãnh đạo Viện Hàn lâm phụ trách lĩnh vực quản lý tài chính, Ban Kế hoạch - Tài chính với trách nhiệm tham mưu và các đơn vị trực thuộc có khuyết điểm sai phạm trong thời kỳ 2015-2019.

Kiến nghị xử lý trách nhiệm với Giám đốc Học viện Khoa học xã hội

Với những sai phạm trên, Thanh tra Chính phủ kiến nghị xử lý trách nhiệm: Tập thể lãnh đạo Viện Hàn lâm KHXH với trách nhiệm trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, phê duyệt về công tác quản lý tài chính, tài sản công, thực hiện các dự án đầu tư, nghiên cứu khoa học và tổ chức đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ trong giai đoạn 2015-2019. Kiểm điểm theo từng giai đoạn, thời điểm, làm rõ trách nhiệm và có hình thức xử lý dúng quy định của pháp luật đối với cá nhân, tổ chức thuộc các đơn vị tham mưu (Ban Quản lý khoa học, Ban Kế hoạch - Tài chính, Văn phòng, Ban Tổ chức)...

Nhiều sai phạm ở Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam -0

Kiến nghị xử lý Trưởng Ban Quản lý khoa học, Chánh Văn phòng và thủ trưởng các đơn vị trực thuộc, Trưởng Ban Kế hoạch - Tài chính, Trưởng Ban Tổ chức cán bộ, Giám đốc Học viện KHXH, Viện trưởng Viện KHXH vùng Trung bộ qua các thời kỳ, Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học...

Yên Chi
.
.