Nỗ lực hồi hương cổ vật

Thứ Sáu, 26/05/2023, 12:53

21 cổ vật từng được trưng bày tại Bảo tàng Met sẽ sớm quay trở lại Ý. Vấn đề được đưa ra ngay sau khi các nhà chức trách truy ngược lại cách thức những món đồ này vào Hoa Kỳ. Các nhà điều tra nói rằng, đó là một câu chuyện liên quan đến đường dây buôn lậu, cướp bóc và tội phạm có tổ chức.

Đế chế La Mã có thể đã biến mất từ lâu  nhưng các cổ vật này - như Tượng đàn ông bán thân bằng đồng từ thế kỷ thứ nhất - sẽ sớm rời New York, Mỹ và trở về quê hương của chúng ở Rome, Ý.

"Những cổ vật này sẽ thuộc về người dân Ý"- Michael Alfonso, thuộc Cơ quan Điều tra An ninh Nội địa, Hoa Kỳ cho biết. Tổng giá trị của những cổ vật này trị giá 19 triệu USD. “Điều đó rất quan trọng vì đây là lịch sử, văn hóa và bản sắc của chúng tôi nên quay trở lại với chúng tôi” - Tướng Roberto Ricccardi, thuộc Bộ Tư lệnh Bảo vệ Di sản Văn hóa Carabinieri, Ý cho biết.

tra co vat-2.jpg -0
FBI gặp khó khăn trong việc trao trả lại chủ nhân các cổ vật. Ảnh: CNN

Đây là phần kết của cuộc điều tra do Luật sư thuộc quận Manhattan, Mỹ điều hành kéo dài nhiều năm và nhiều quốc gia. Các nhà điều tra cho biết bốn kẻ buôn lậu ở Ý đã cầm đầu các đường dây tội phạm, thâm nhập các địa điểm khảo cổ và sau đó buôn lậu cổ vật bị đánh cắp đưa ra khỏi đất nước. 21 trong số 58 tác phẩm đó cuối cùng đã được trưng bày tại Met - bao gồm cả Đầu tượng Athena bằng đá cẩm thạch, đã bị đánh cắp từ một ngôi đền và trưng bày tại bảo tàng vào năm 1996.

"Chúng tôi sẽ khắc phục tất cả những sai lầm trong quá khứ" - Riccardi cho hay. Những khách du lịch như gia đình Frennel từ Atlanta, Mỹ và gia đình Pearce từ Vancouver, Canada nói rằng, các bảo tàng đang phải đối mặt với nạn cướp bóc di sản  ngay cả những bảo tàng ít khách.

Patrick Fennell đến từ Atlanta, người đã đến thăm Met nói với News 4: “Nếu chúng không được mua một cách hợp pháp, tôi nghĩ chúng nên quay trở lại các quốc gia khác”.

Nhiều khó khăn để trả lại

Trước đó, WP đã cho hay, một chiếc bình thời nhà Minh, bức tranh khảm của Ý và xương của hàng trăm người Mỹ bản địa đã được tìm thấy trong một nhà kho ở Indianapolis trong nhiều năm qua.

Một nhóm đặc vụ của Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đang tìm kiếm chủ nhân của những cổ vật này để trả lại nhưng họ lại gặp phải nhiều khó khăn. Họ chỉ có thể trả lại khoảng 15% số vật phẩm vì không đủ người đến nhận lại, đặc vụ FBI Tim Carpenter,  người đứng đầu đơn vị tội phạm nghệ thuật của FBI cho biết trong một tuyên bố. Các cổ vật là một phần của "sự phục hồi tài sản văn hóa lớn nhất trong lịch sử FBI", đã được tìm thấy vào năm 2014, cơ quan điều tra hàng đầu của Mỹ cho biết trong một tuyên bố chính thức.

Nỗ lực hồi hương cổ vật -0
Hàng ngàn cổ vật từ khắp nơi trên thế giới được tìm thấy tại một trang trại. Ảnh: CNN

Trước đây, vụ án của một nhóm tội phạm nghệ thuật đã giúp FBI phát hiện trang trại ở Waldron, thành phố Indianapolis, bang Indiana. Tại đó, các nhà điều tra tìm thấy hàng ngàn cổ vật từ khắp nơi trên thế giới và thậm chí là hài cốt của hàng trăm người Mỹ bản địa đang được cất giữ. Ông Don Miller, chủ trang trại là một "nhà khoa học đã nghỉ hưu, người đã giúp chế tạo quả bom nguyên tử đầu tiên", theo FBI. Ông đã đi du lịch trong nhiều thập kỷ, thu về hơn 42.000 vật phẩm trong nhà.

Thấy khác lạ

Trước đó, Don Miller nói trong bài phỏng vấn với CBS vào năm 2014 rằng ông làm công việc truyền giáo và đi thám hiểm khảo cổ nghiệp dư tới 200 quốc gia để thu thập cổ vật. Don Miller đã trưng bày bộ sưu tập của mình tại nhà và mời mọi người tham quan nó như thể họ đang đến thăm một bảo tàng. Tim Carpenter cho biết: “Lần đầu tiên khi chúng tôi vào nhà Don Miller và thấy kích thước của bộ sưu tập thì nó không giống bất cứ thứ gì mà chúng tôi đã từng phát hiện trước đây”.

"Don (Miller) đã thu thập khá nhiều thứ", đặc vụ Tim Carpenter của FBI nói trong một tuyên bố. "Ông ấy thu thập từ mọi nơi trên thế giới nhưng niềm đam mê của ông ấy lại là hàng hóa văn hóa của người Mỹ bản địa". FBI cũng cáo buộc rằng một số cổ vật đã bị lấy cắp bất hợp pháp.

Trước khi qua đời vào năm 2015, ông Miller đã đồng ý tự nguyện giao nộp lại các cổ vật mà ông có được bằng cách vi phạm "luật pháp tiểu bang và liên bang cùng với các điều ước quốc tế" cho FBI. "Ông ấy hợp tác với chúng tôi trong suốt quá trình điều tra. Ông ấy cũng mong muốn chúng tôi có thể trả lại cho chủ sở hữu hợp pháp và để tổ tiên người Mỹ bản địa được cải táng một cách thích hợp".

Đánh cắp vẫn diễn ra

Tại Mỹ, các địa điểm chôn cất người Mỹ bản địa được bảo vệ theo Đạo luật bảo vệ và hồi hương mồ mả của người Mỹ bản địa năm 1990 (Native American Graves Protection and Repatriation Act), cho phép người Mỹ bản địa có quyền đối với các cổ vật được tìm thấy trong các khu chôn cất và các công trình khảo cổ diễn ra tại các khu chôn cất đó cũng phải được phê duyệt theo quy định mới được tiến hành.

Nỗ lực hồi hương cổ vật -0
Số cổ vật được cảnh sát Tây Ban Nha thu giữ vì người dò kim loại đăng lên mạng. Ảnh: Policia Nacional Interior

Mặc dù bị cấm bởi các luật của tiểu bang và liên bang nhưng việc đánh cắp các đồ cổ bao gồm cả xương người cổ từ các khu chôn cất người Mỹ bản địa vẫn diễn ra. Chính phủ liên bang đã thường xuyên truy tố những người lấy cắp, mua bán trái phép các xương người cổ Mỹ bản địa.

Gần đây nhất 3 người đàn ông ở Ohio đã bị kết án vào năm 2019 vì bán bất hợp pháp hài cốt người Mỹ bản địa, trong khi 1 người khác bị buộc tội mua xương người cổ. Hiện chưa có thông báo chính thức từ FBI liệu có xác định rằng Don Miller đã vi phạm luật này hay không nhưng FBI đã tuyên bố rằng cơ quan này đang nỗ lực xác định và trả lại các xương người cổ này. Cùng với đó, Pete Coffey - người đứng đầu bộ lạc Arikara ở Bắc Dakota đang hợp tác với FBI để đưa một số xương người cổ được tìm thấy trong nhà của Don Miller trở về bộ lạc của mình. 

Trong gần 5 năm qua, FBI đã làm việc với các nhà khảo cổ học, nhà nhân chủng học, chuyên gia bộ lạc và chính phủ nước ngoài để xử lý và trả lại hài cốt. Holly Cusack-McVeigh, Phó giáo sư Nhân chủng học và nghiên cứu tại bảo tàng tại Đại học Indiana - Đại học Purdue Indianapolis, đã làm việc với các sinh viên của mình để giám tuyển và chuẩn bị trao trả cổ vật quý hiếm.

Tuy nhiên, không dễ để xác định nơi mọi thứ thuộc về. Các nhà chức trách đã liên lạc với hàng trăm bộ lạc người Mỹ bản địa và thông báo cho các thành viên của Liên hợp quốc về các cổ vật được thu hồi với hy vọng họ sẽ nhận dạng chúng. Cơ quan chức năng cũng đã cấp cho họ quyền truy cập vào một trang web riêng chứa đầy đủ thông tin.

Trao trả cho Guatemala

Trước đó, Mỹ trao trả cho Guatemala cổ vật nghìn năm tuổi, các cổ vật nói trên là những tác phẩm điêu khắc bằng đá vôi. Bộ sưu tập này gồm 4 tác phẩm thuộc về thời kỳ phát triển sớm của nền văn minh Maya (từ thế kỷ thứ V tới thế kỷ VII) và 3 tác phẩm thuộc về thời kỳ phát triển muộn của nền văn minh đã lụi tàn này (từ thế kỷ VII tới thế kỷ X), được cho là bị buôn lậu trái phép vào Mỹ từ thập kỷ 70.

Đặc vụ FBI Elizabeth Rivas, chuyên viên điều tra các vụ tội phạm trong lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật cho hay: Trong các tác phẩm trên có 4 tác phẩm điêu khắc bằng đá vôi có niên đại từ năm 400 đến 600 sau Công Nguyên, khắc hình các con quái vật sống trong đường nối giữa Trái Đất và thế giới trong lòng đất; 3 tác phẩm còn lại - được khắc đầy các chữ tượng hình, là một kiểu niên lịch cổ xưa - một thời đã từng được khảm bên ngoài một ngôi đền cổ ở vùng Petexbatun ở Guatemala.

Tuy nhiên, FBI đã quyết định không khởi tố hình sự vụ việc này sau khi đã thu hồi các cổ vật.

FBI trích dẫn nhận định của các chuyên gia cổ vật học cho biết, những tác phẩm điêu khắc trên mang những hình tượng đặc trưng của nền văn minh Maya về một loài “sơn thần” chỉ có trong trí tưởng tượng. Hiện tại chính quyền Guatemala cho biết đang cân nhắc việc trưng bày 7 tác phẩm trên tại một địa điểm thích hợp.

Trước đó, từ năm 1970, Mỹ đã hợp tác với nhiều nước trên thế giới để trả lại các cổ vật bị buôn bán trái phép. Năm 2004, FBI thành lập một đơn vị đặc biệt chuyên về lĩnh vực cổ vật và các tác phẩm nghệ thuật. Từ đó đến nay, đơn vị này đã thu hồi hơn 14.850 vật phẩm, với tổng trị giá hơn 165 tỷ USD.

Nền văn minh Maya là nền văn minh cổ đặc sắc bên cạnh nền văn minh Andes, được xây dựng bởi người Maya, một bộ tộc thổ dân châu Mỹ mà từ 2000 năm trước đây đã từng sinh sống ở bán đảo Yucatán, thuộc Đông Nam México, Bắc Guatemala và Honduras ngày nay. Nền văn minh này phát triển rực rỡ từ thế kỷ V tới thế kỷ X và đạt một trình độ cao về tổ chức nhà nước cũng như về kiến trúc, toán học, thiên văn và điêu khắc, trở thành 1 trong 3 nền văn minh quan trọng nhất cùng với hai nền văn minh Azteca và Inca tại châu Mỹ trong thời kỳ tiền Columbus.

Tóm tội phạm cổ vật qua mạng xã hội

FBI phối hợp với Cảnh sát Tây Ban Nha mới đâyđã bắt giữ một người dò kim loại sau khi phát hiện anh ta đăng ảnh các cổ vật tìm được lên mạng xã hội. Cơ quan chức năng đã tìm được số cổ vật tạo tác là đồ trang sức bằng vàng của người Phoenicia - nền văn minh Canaan cổ đại. Số cổ vật này có từ 1.200 năm trước Công Nguyên. Cảnh sát đã phát hiện ra các cổ vật sau khi người dò kim loại đăng ảnh kho báu lên mạng, theo Guardian.

Cuộc điều tra bắt đầu khi các cảnh sát đặc nhiệm nhận ra các cổ vật được chia sẻ trên các trang web khác nhau. Trong số báu vật đó, có một bông tai bằng vàng được cho là có nguồn gốc từ nền văn minh Phoenicia, và có tuổi đời 2.500 - 3.200 năm.

“Khi cảnh sát xác định được nghi phạm, họ nhận ra rằng hành vi trộm cắp của người này không phải ngẫu nhiên hay do hoàn cảnh, mà đã diễn ra trong một thời gian dài - Cảnh sát Quốc gia Tây Ban Nha cho biết - Và nghi phạm cũng đã bị phạt nhiều lần vì các hành vi tương tự trong quá khứ”. Lục soát nhà nghi phạm ở Villamartín, tỉnh Cádiz, tây nam Tây Ban Nha, cảnh sát phát hiện nhiều cổ vật khác, gồm một đồng tiền dirham cổ bằng vàng, 5 mảnh của một chuỗi hạt hoặc vòng đeo tay, một lượng lớn tiền xu từ các thời đại khác nhau và bức tượng phụ nữ bán thân.

Các cảnh sát cũng thu giữ chiếc rìu bằng đồng, chiếc cân La Mã, một con sư tử bằng đồng và 3 máy dò kim loại. Nghi phạm đã dẫn cảnh sát đến một trang trại gần Jerez de la Frontera, nơi anh ta nói mình tìm thấy các cổ vật. Cảnh sát đang điều tra xem mục đích của người này đơn thuần là thu thập các cổ vật hay để mua bán.

Theo tờ El País của Tây Ban Nha, nghi phạm có thể bị phạt hoặc ngồi tù từ 6 tháng đến 3 năm. Tờ báo cho rằng nhiều cổ vật có thể là đồ cúng lễ. Các chuyên gia nói với El País rằng hầu hết số cổ vật này có thể xuất phát từ thời La Mã cổ đại hoặc muộn hơn, trong đó có một cái khóa của người Visigoth.

Long Trần
.
.