Ông Antony Blinken tới Trung Đông

Thứ Hai, 06/02/2023, 09:44

Từ ngày 29/1, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken bắt đầu chuyến công du đầu tiên trong năm 2023 đến Trung Đông thăm Ai Cập, Israel và Palestine. Trong 1 tháng qua, ông Blinken là quan chức cấp cao thứ 3 được Chính quyền Tổng thống Biden cử đến thăm Trung Đông.

Các nhà phân tích cho rằng chuyến thăm của ông Blinken có nhiều việc phải làm, bao gồm xoa dịu tình hình căng thẳng giữa Israel và Palestine, kết nối với chính phủ cánh hữu ở Israel và xây dựng liên minh chống Iran ở Trung Đông... Tuy nhiên, để thực hiện được những mục tiêu này không phải là chuyện dễ dàng.

Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, chuyến thăm lần này đã thảo luận về một loạt ưu tiên toàn cầu và khu vực, bao gồm cả cuộc khủng hoảng Ukraine, vấn đề Iran và quan hệ Israel - Palestine. Theo truyền thông Mỹ, chuyến thăm của ông Blinken đã được lên kế hoạch từ vài tuần trước đó. Gần đây, xung đột Isael - Palestine bùng phát trở lại và gây thương vong. Tình hình Israel - Palestine trở thành nội dung chính trong chuyến công du Trung Đông lần này, điều này cũng làm cho chuyến thăm gặp nhiều khó khăn hơn.

Ông Antony Blinken tới Trung Đông -0
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken có bài phát biểu ngay khi tới sân bay Ben Gurion, Tel Aviv, Israel hôm 30/1.

Các nhà phân tích cho rằng việc ông Blinken quyết định đến thăm Trung Đông vào thời điểm này dựa trên một số cân nhắc. Thứ nhất, làm trung gian hòa giải quan hệ Israel - Palestine và xoa dịu tình hình căng thẳng. Ngay trước chuyến thăm của ông Blinken, khu vực Israel - Palestine đã liên tục xảy ra các vụ bạo lực. Kể từ khi Israel tiến hành “các cuộc tấn công ban đêm” tại nhiều khu vực ở Bờ Tây sông Jordan vào mùa xuân năm ngoái, xung đột Israel - Palestine ngày càng gia tăng. Việc Tổng thống Netanyahu trở lại nắm quyền vào tháng 12/2022 và có lập trường cứng rắn hơn trong vấn đề Israel - Palestine khiến xung đột leo thang hơn nữa. Kể từ đầu năm 2023, ít nhất 30 người Palestine đã thiệt mạng trong các cuộc xung đột. Điều đáng chú ý là ngoài chuyến thăm của ông Blinken lần này, còn có các chuyến thăm của Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan và Giám đốc Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) William Burns cũng đã tới Trung Đông. Ông Willam Burns còn đến thăm cả Ai Cập.

Cân nhắc thứ hai là việc tiếp tục kết nối với chính phủ cánh hữu nhất trong lịch sử Israel. Truyền thông nước ngoài bình luận rằng mối quan hệ giữa ông Netanyahu và đảng Dân chủ Mỹ luôn căng thẳng, chẳng hạn như ông Netanyahu từng công khai phản đối thỏa thuận hạt nhân Iran do cựu Tổng thống Obama thúc đẩy. Cuối năm 2022, sau khi xuất hiện chính phủ cánh hữu nhất trong lịch sử Israel, sự bất đồng giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và ông Netanyahu ngày càng rõ hơn, đặc biệt là trong vấn đề Israel - Palestine. Tuy nhiên, xét đến việc Mỹ cần sự hỗ trợ của Israel trong các vấn đề như khủng hoảng Ukraine, thì ông Biden vẫn hy vọng quan hệ Mỹ - Israel sẽ có khởi đầu tốt đẹp dưới thời chính quyền ông Netanyahu.

Thứ ba, mục đích chuyến thăm là nhằm mở rộng Thỏa thuận Abraham và xây dựng hệ thống đồng minh Trung Đông chống lại Iran, đồng thời thúc đẩy thêm các quốc gia Arab cải thiện quan hệ với Israel, thực hiện bình thường hóa quan hệ. Đây cũng là nhiệm vụ chính trong chuyến thăm Israel trước đó của ông Sullivan. Cụ thể, ông Blinken có thể thảo luận với Israel về việc tổ chức Diễn đàn Negev sắp tới. Diễn đàn này đã được nội các Israel thông qua nhằm thúc đẩy hợp tác giữa Israel và các nước Arab.

Để thực hiện được mục tiêu với thời gian gấp gáp và nhiệm vụ nặng nề này không phải là chuyện dễ dàng đối với ông Binken. Ông khó có thể đảm nhận vai trò “người hòa giải” để xoa dịu tình hình căng thẳng giữa Israel và Palestine. Ông Binken cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hiện trạng lịch sử đối với đền thờ Hồi giáo al-Aqsa. Điều này là nhằm vào việc Bộ trưởng An ninh quốc gia Israel tới thăm đền thờ Al-Aqsa hồi đầu tháng 1/2023, điều này bị người Palestine và người Arab coi là hành động khiêu khích làm gia tăng căng thẳng.

Ông Antony Blinken tới Trung Đông -0
Chuyến thăm đền thờ Hồi giáo al-Aqsa của Bộ trưởng Bộ An ninh Quốc gia Israel Itamar Ben-gvir gây tranh cãi dữ dội.

Sau khi lên cầm quyền, chính quyền Tổng thống Mỹ Biden đã đưa ra một số cam kết, bao gồm thúc đẩy hòa bình giữa Israel và Palestine, thực hiện “giải pháp hai nhà nước”, mở lại lãnh sự quán Mỹ tại Jerusalem, ngăn Israel mở rộng các khu định cư..., nhưng đến nay đều chưa thực hiện được. Bởi vậy, theo đánh giá, việc ông Blinken muốn hòa giải xung đột Israel - Palestine ở mức độ nào đó chỉ là một động thái xoa dịu tình hình và phát ngôn nhấn mạnh việc duy trì hiện trạng lịch sử chỉ là để xoa dịu phía Palestine.

Về cuộc khủng hoảng Ukraine, truyền thông Mỹ cho rằng Mỹ sẽ tiếp tục tìm kiếm sự ủng hộ của Israel đối với Ukraine, nhưng đồng thời tránh chỉ trích lập trường của Israel về vấn đề này. Do cân nhắc đến quan hệ với Nga và ảnh hưởng của Nga ở khu vực Trung Đông, đến nay Israel mới chỉ hỗ trợ y tế và nhân đạo cho Ukraine chứ vẫn tránh gửi trang thiết bị quân sự sát thương cho Kiev.

Ngoài ra, có nhiều thách thức trong quá trình Israel mở rộng “vòng bạn bè” và xây dựng liên minh chống Iran. Do vấn đề Palestine và xung đột Arab - Israel chưa được giải quyết nên hầu hết các nước Arab, bao gồm cả Saudi Arabia, khó có thể bình thường quan hệ với Israel. Hơn nữa, hệ sinh thái nội bộ của Trung Đông cũng không ngừng thay đổi. Ví dụ, Iran và Saudi Arabia luôn duy trì tiếp xúc, đã tiến hành nhiều vòng đàm phán. Gần đây, Ngoại trưởng Iran cho biết sẽ tiếp tục đối thoại với Saudi Arabia về việc thực hiện bình thường hóa quan hệ. Còn như trong chuyến thăm trước đó của ông Sullivan tới Israel để tìm cách thúc đẩy việc thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Israel và Saudi Arabia, Saudi Arabia đã trả lời rằng sẽ không bình thường hóa quan hệ với Israel nếu không có cam kết về “giải pháp hai nhà nước”.

Mỹ dường như đang cho thấy một thực trạng “lực bất tòng tâm” trong các vấn đề Trung Đông. Dẫu vậy, việc 3 quan chức cấp cao của nước này lần lượt đến Trung Đông vừa qua cho thấy chính quyền Tổng thống Biden vẫn quan tâm đến Trung Đông và muốn lập nên công tích. Có lẽ người Mỹ lo ngại rằng Trung Quốc, Nga hoặc cả Iran sẽ lấp vào khoảng trống mà Mỹ để lại ở khu vực này. Tuy nhiên, Mỹ không muốn và cũng không thể đầu tư nhiều nguồn lực vào lúc này nên lại chỉ có thể sử dụng cách thức cũ là làm trung gian giữa Israel và các nước Arab khác. Về hiệu quả thì còn phải chờ xem.

Ngọc Lan (Tổng hợp)
.
.