Quá trình phi công nghiệp hóa tại “công xưởng châu Âu”
“Quá trình phi công nghiệp hóa của Đức đã bắt đầu và có vẻ như không ai làm gì để ngăn chặn nó”. Nhận định phản ánh khá sát thực tế ngành công nghiệp của nền kinh tế hàng đầu Liên minh châu Âu (EU) đã được Phòng Thương mại và Công nghiệp Đức (DIHK) trích dẫn nguyên văn trong cuộc khảo sát mới, kèm lời cảnh báo nếu chính phủ không hành động đủ thì quá trình phi công nghiệp hóa sẽ nghiễm nhiên diễn ra ngay tại nơi từng là trung tâm sản xuất công nghiệp toàn cầu. Một trong những vấn đề chính thúc đẩy quá trình này là chính sách năng lượng quốc gia.
Cuộc khảo sát của DIHK được thực hiện đối với khoảng 3.300 công ty thành viên, có tiêu đề "Phong vũ biểu chuyển đổi năng lượng". Kết quả cho thấy số lượng các công ty công nghiệp cân nhắc việc cắt giảm sản xuất hoặc chuyển ra nước ngoài đang không ngừng tăng lên. Tình trạng này đặc biệt nghiêm trọng trong nhóm các công ty lớn.
Chính sách năng lượng của Đức đang ngày càng trở thành yếu tố nguy cơ khiến các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp phải cân nhắc đến việc chuyển đổi địa điểm. Theo Phó Giám đốc điều hành DIHK Achim Dercks, niềm tin của nền kinh tế Đức vào chính sách năng lượng đã bị tổn hại nghiêm trọng. Nếu như trước năm 2023, nhiều công ty vẫn nhìn thấy cơ hội từ quá trình chuyển đổi năng lượng đối với hoạt động của mình thì gần đây lại nhận thấy rõ ràng rủi ro đã lớn hơn lợi ích.
Đặc biệt, các công ty sử dụng nhiều năng lượng đang buộc phải phải dừng hoặc hạn chế sản xuất. Đến nay, có 45% trong số tất cả các công ty có mức chi phí điện cao đang lên kế hoạch hoặc đã triển khai các bước như vậy - nhiều hơn 7% so với năm ngoái. Một công ty được xếp vào nhóm có chi phí điện "cao" nếu khoản chi này chiếm hơn 14% doanh số.
Tình trạng thậm chí còn tồi tệ hơn trong nhóm các công ty sản xuất lớn. Trong số các công ty công nghiệp có hơn 500 nhân viên, 51% đã có kế hoạch cắt giảm sản xuất hoặc chuyển địa điểm ra nước ngoài, tăng rõ rệt so với mức 43% trong khảo sát năm 2023. Điều đáng lo ngại là các công ty lớn thường có vị thế tốt trên trường quốc tế, giúp họ dễ dàng thực hiện các kế hoạch chuyển địa điểm.
Đó là chưa kể, hơn 1/3 các công ty cho biết đã đầu tư ít hơn cho các quy trình hoạt động cốt lõi do giá năng lượng cao, 1/4 cho biết có thể tham gia bảo vệ khí hậu với ít nguồn lực hơn và 1/5 các công ty phải hoãn đầu tư vào nghiên cứu và phát triển. Nhìn chung, 2/3 các công ty nhận thấy khả năng cạnh tranh của công ty đang bị đe dọa. Theo cách nhìn nhận của DIHK, cùng với việc các công ty thay đổi địa điểm sản xuất theo hoạch định thì những con số trên chỉ ra một mối đe dọa cấp tính khác đối với Đức với tư cách là một trung tâm công nghiệp. Việc các công ty không còn đầu tư vào các quy trình cốt lõi của mình nữa cũng đồng nghĩa là sẽ dần giải thể.
Dư luận đang hướng mũi dùi vào liên minh “đèn giao thông” cầm quyền, cho rằng chính sách hiện nay đã không thể đáp ứng hiệu quả yêu cầu cấp bách từ vấn đề “địa điểm”. Đứng trước những kết quả dự báo kinh tế thuộc hàng yếu nhất trong EU, Chính phủ Đức gần đây đã trình bày một kế hoạch cho "sáng kiến tăng trưởng".
Dù vậy, Phó Giám đốc điều hành DIHK Achim Dercks, lấy làm tiếc vì Berlin "hoàn toàn bỏ qua các giải pháp bền vững cho vấn đề nguồn cung năng lượng và giá năng lượng". Theo ông, đối với nhiều công ty, đây hiện là vấn đề mang tính quyết định khi lựa chọn địa điểm và nếu không dành quan tâm đúng mức tới vấn đề này thì đến một lúc nào đó, tất cả những gì có thể làm đó là đứng nhìn quá trình phi công nghiệp hóa của đất nước diễn ra.
Giải thích khi trình bày kết quả khảo sát, ông Dercks cho rằng các chính trị gia thường không mảy may quan tâm nguyện vọng của các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Thực tế là Bộ trưởng Kinh tế Liên bang Robert Habeck (thuộc đảng Xanh) thường chỉ ra rằng giá năng lượng đã lại giảm đáng kể sau khi lên mức cao kỷ lục do tác động của cuộc xung đột Ukraine, dẫn chứng một vài con số giá thị trường giao ngay riêng lẻ hoặc biểu thuế khách hàng mới. Tuy nhiên, cả hai điều này đều không có nhiều ý nghĩa đối với gánh nặng chi phí dài hạn và không giúp ích cho việc bảo đảm các khoản đầu tư của các công ty.
Phó Chủ tịch DIHK Dercks lưu ý trên thị trường tương lai, giá điện vẫn cao gấp đôi so với trước cuộc khủng hoảng. Ví dụ, giá khí đốt cao gấp 4-5 lần so với ở Mỹ. Trong bối cảnh này, việc các đại diện chính phủ lựa chọn dẫn chứng các mức giá thị trường giao ngay để che giấu tình hình thực tế là không thể chấp nhận được.
Khi nói đến những trở ngại cụ thể về chính sách năng lượng, hầu hết các công ty đều đề cập tình trạng quan liêu quá mức và thiếu kế hoạch. Ví dụ, vẫn chưa rõ nguồn hydro được cho là sẽ thay thế khí đốt tự nhiên trong nền kinh tế sẽ đến từ đâu. Cũng có những nghi ngờ về cái gọi là chiến lược nhà máy điện của Bộ Kinh tế Đức, trong đó dường như doanh nghiệp ngày càng giảm lòng tin về mục tiêu loại bỏ việc sản xuất điện từ than vào năm 2030.
Phó Chủ tịch DIHK cho rằng những rào cản tăng trưởng do chính sách năng lượng gây ra chỉ có thể được giải quyết bằng cách điều chỉnh tư duy. Các công ty hiện cần nhìn thấy một quan điểm bền vững về nguồn cung cấp năng lượng đáng tin cậy với giá cả cạnh tranh. Đối với khoảng 80% các công ty, yêu cầu chính là tiếp tục giảm thuế và nghĩa vụ đối với giá điện. DIHK đã đưa ra danh sách 10 đề xuất có thể được thực hiện trong ngắn hạn để cải thiện tình hình. Điều này bao gồm việc đẩy nhanh việc mở rộng lưới điện để có thể sử dụng năng lượng tái tạo hiệu quả hơn. Đồng thời, nên có các khoản trợ cấp từ ngân sách liên bang để giảm chi phí lưới điện.