Sự trở lại của những tấm mạng che mặt

Thứ Năm, 23/09/2021, 13:23

Trở lại với quyền lực sau 20 năm, Taliban đang cố gắng chứng tỏ rằng họ không còn mong muốn áp đặt lên đất nước Tây Nam Á ấy một chế độ cai trị khắc nghiệt như năm 2001. Tuy vậy, bất chấp những lời hứa hẹn liên tiếp được đưa ra từ trước khi các cánh quân Taliban tiến vào Kabul, ở những diễn biến mới nhất, dường như những nỗi lo ngại của giới quan sát toàn cầu về sự tụt lùi của tiến trình bình đẳng giới từng bước trở thành hiện thực.

Từ một tấm bảng tên

Theo các hãng tin lớn như Reuters hay Al Jazeera, vào ngày 17-9, tấm bảng gắn trước cổng tòa nhà trụ sở Bộ Phụ nữ Afghanistan đã bị gỡ bỏ. Thay thế cho nó là một tấm biển khác, rất dài và khó nhớ nhưng lại mang một thông điệp tương đối rõ ràng: “Bộ Thuyết giáo, Hướng dẫn, Tuyên truyền đức hạnh và ngăn chặn tội lỗi”. Như Al Jazeera dẫn các hình ảnh lan truyền trên mạng xã hội, hay như các hình ảnh mà Hãng Reuters cung cấp, có không ít phụ nữ biểu tình trước cửa tòa nhà.

Sự trở lại của những tấm mạng che mặt -0
Phụ nữ biểu tình trên đường phố Kabul.

Cụ thể hơn, ngày 19-9, đài NPR (Mỹ) dẫn lời Thị trưởng tạm quyền của Kabul - ông Hamdullah Namony thông báo một quy định mới được Taliban ban hành, yêu cầu các nhân viên nữ làm việc cho chính quyền thủ đô Kabul ở nhà cho đến khi có quyết định tiếp theo. Quy định này chỉ áp dụng trường hợp ngoại lệ cho những nhân viên nữ làm các công việc mà nam giới không thể thay thế được, bao gồm những người làm việc tại các bộ phận thiết kế hay kỹ thuật của thành phố và nhân viên dọn dẹp tại các nhà vệ sinh công cộng dành cho phụ nữ.

Ông Namony không đề cập chính xác số lượng nhân viên nữ trong chính quyền toàn thành phố sẽ buộc phải ở nhà theo quy định mới, song cho hay: Trước khi Taliban nắm quyền kiểm soát Kabul hồi tháng 8, chỉ có chưa tới 1/3 số nhân viên làm việc cho chính quyền thành phố này là phụ nữ. Trong khi đó, một lãnh đạo cấp cao của Taliban tuyên bố: Phụ nữ không được phép làm việc chung với nam giới tại các bộ của chính phủ.

Việc thay thế Bộ Phụ nữ cũ bằng một cái tên mới nhấn mạnh đến các quy chuẩn cũng như tính răn đe, hiển nhiên, gợi lên một cách rõ ràng về các quy định mang tính cấm cản sẽ được áp dụng trong tương lai gần. Cái tên của nó vang lên như một lời cảnh báo âm thầm và rõ ràng, rằng không nghi ngờ gì nữa, Luật Hồi giáo Saria đã và đang trở lại, như thiết chế đạo đức truyền thống không thể bị chối bỏ.

Sự trở lại của những tấm mạng che mặt -0
Tấm biển trước cửa Bộ Phụ nữ đã bị thay đổi.

Phụ nữ Afghanistan đã có 20 năm được thoát khỏi những quy định ngặt nghèo của bộ luật đó. Cho đến hiện tại, những người phụ nữ biểu tình trên các đường phố Kabul vẫn giữ một thói quen - thói quen kịp bén rễ qua 2 thập niên. Họ không đeo mạng che mặt - thứ phụ kiện trang phục đã hiện hữu cả nghìn năm trong thế giới Hồi giáo, mà Taliban tôn thờ.

Và tấm mạng che mặt đó cũng là một thứ biểu tượng. Đi kèm với nó, sẽ là rất nhiều những hệ lụy khác, mà một “đất nước Afganistan mới” sẽ phải làm quen dần dần, khi chúng xuất hiện thông qua ý chí của một chính quyền cũ mà mới. Ví dụ, ngày 18-9, các học sinh nam từ lớp 7 đến lớp 12 đã được đề nghị trở lại trường học, cùng các giáo viên nam. Song, học sinh nữ và giáo viên nữ thì chưa có chỉ dẫn gì.

Ví dụ, các nhân viên Ngân hàng Thế giới (World Bank) đang tham gia dự án trị giá 100 triệu USD mang tên Dự án Phát triển nông thôn và trao quyền kinh tế cho phụ nữ đã không còn được làm việc ở Bộ Phụ nữ cũ, kể từ khi nó mang tên mới.

Và nữa, các nữ nhân viên của Bộ Phụ nữ trước đây thổ lộ rằng họ đã cố gắng đi làm trong vài tuần qua nhưng đều bị yêu cầu trở về nhà. Câu hỏi mà không ít trong số họ đặt ra: "Tôi là trụ cột kinh tế duy nhất trong gia đình. Không còn bộ này, phụ nữ Afghanistan phải làm thế nào đây?”.

Afghan_women_culture_1200-1632324307840.jpg
Phong trào phản kháng bằng cách post ảnh với trang phục rực rỡ và những khuôn mặt để trần lên mạng xã hội của phụ nữ Afghanistan.

Cho đến giờ, cũng chưa có cơ quan hữu trách nào đứng ra trả lời những câu hỏi như vậy. Trong sự im lặng lạnh lẽo đó, bất cứ công dân Afghanistan lớn tuổi nào cũng sẽ nhớ lại khoảng thời gian mà Taliban nắm quyền trước đây, trong quá khứ, từ năm 1996 đến năm 2001. Luật Hồi giáo Saria chính là cơ sở pháp luật và với bộ luật đó, nữ giới buộc phải ở nhà. Nếu đi ra đường, họ bắt buộc phải mang mạng che mặt. Họ không được phép để những người đàn ông lạ nhìn thấy dung nhan của mình. Nếu không tuân thủ nghiêm túc điều này, họ sẽ phải làm việc với Bộ Khuyến khích đạo đức và ngăn ngừa đồi bại - một kiểu cơ quan “cảnh sát đạo đức”, như Bộ Phụ nữ vừa đổi tên hiện tại.

Đến tương lai bất định

Cộng đồng quốc tế, mà trước hết là Liên Hợp Quốc, không thể không bày tỏ nỗi quan ngại sâu sắc về những tin tức mới nhất từ Kabul. Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) nhấn mạnh: “Điều quan trọng là mọi trẻ em gái, kể cả các nữ sinh, có thể học tập trở lại mà không bị trì hoãn. Vì điều đó, chúng ta cần giáo viên nữ quay lại giảng dạy”. Song, điều này hoàn toàn không phụ thuộc vào UNICEF, hay bất cứ lực lượng nước ngoài nào nữa.

Sự trở lại của những tấm mạng che mặt -0
Trang phục của nữ sinh viên thời Taliban nắm quyền 20 năm trước, hình ảnh vừa được khơi lại trong hiện tại.

Mà thực ra, chính UNICEF cũng còn quá nhiều việc phải bận tâm. Trên trang chủ của họ, lời kêu gọi khẩn thiết rằng “Chúng tôi vô cùng lo lắng khi còn rất nhiều trẻ em gái ở Afghanistan chưa được phép đi học vào lúc này” chỉ là một trong rất nhiều vấn đề, như giúp đỡ trẻ em ở các nước nghèo trên toàn thế giới chống chọi với các hệ lụy của đại dịch COVID-19, hay là hàn gắn những vết thương chiến tranh, lo miếng ăn chỗ ở cho chính trẻ em Afghanistan nói chung.

Ở cấp đại học, vào tuần trước, tân Bộ trưởng Giáo dục Afghanistan dưới chính thể mà Taliban lãnh đạo - ông Abdul Baqi Haqqani tuyên bố: Phụ nữ Afghanistan sẽ được phép học đại học nhưng sẽ phải học tập trong điều kiện tách biệt với nam giới. Nghĩa là, hình thức các lớp học hỗn hợp cả nam và nữ sinh viên sẽ phải chấp dứt. Có điều, ông Abdul Baqi Haqqani tin rằng chuyện này sẽ được thế giới Hồi giáo ủng hộ.

Bên cạnh đó, từ đầu tháng, Bộ Giáo dục mới cũng hé lộ rằng các sinh viên nữ sẽ phải mặc trang phục abaya truyền thống và trùm khăn niqab che hầu hết khuôn mặt, còn các lớp học được chia theo giới tính hoặc ít nhất phải có rèm che giữa nhóm học viên nam và học viên nữ. Ông Haqqani cũng khẳng định sẽ có đủ giáo viên nữ. Nếu không đủ, trường học được phép tìm các phương án thay thể để không vi phạm các quy định. Việc triển khai sẽ tùy thuộc năng lực của các trường. Giáo viên nam cũng có thể dạy các lớp học dành cho nữ sau rèm che, hoặc sử dụng công nghệ. Vấn đề là, mới chỉ có cấp đại học được gợi ý như vậy, còn các cấp tiểu học và trung học thì chưa có gì.

Những động thái đó, cho đến hiện tại, vẫn là cách Taliban muốn chứng minh với thế giới rằng họ sẽ không áp dụng các chính sách hà khắc trong quá khứ - điều từng khiến một nửa dân số đất nước Tây Nam Á ấy không thể làm việc hay học tập. Rõ ràng, những gợi ý mới so với năm xưa đã là khá nhiều nhượng bộ, nếu xét trên quan điểm của một nhà nước mang tính thần quyền. Song, nói gì thì nói, chúng cũng vẫn là sự thu hẹp đáng kể những quyền bình đẳng mà phụ nữ Afghanistan từng được hưởng. Như bà Mabouba Suraj - lãnh đạo Mạng lưới Phụ nữ Afghanistan thổ lộ, bà cảm thấy kinh ngạc trước một loạt sắc lệnh mà Taliban đưa ra nhằm hạn chế quyền tự do của phụ nữ và các bé gái.

Sự trở lại của những tấm mạng che mặt -0
Tương lai của những bé gái Afghanistan trở nên mờ mịt.

Trước mắt những người phụ nữ Afghanistan là cả một tương lai mờ mịt. Và, nếu họ không muốn chấp nhận thì đó sẽ là cả một cuộc đấu tranh cam go. Những giá trị phổ quát như bình đẳng giới hay tự do cá nhân dành cho phụ nữ đã và đang bị “đưa trở lại khuôn khổ”.

Song, có lẽ vẫn luôn có cách nào đó để thay đổi thực tế ấy, với sự chung tay góp sức của cả cộng đồng quốc tế. Taliban vẫn cần được thừa nhận vị thế của mình, vẫn cần xây dựng những mối quan hệ hợp tác để phát triển kinh tế, tái thiết đất nước. Bối cảnh ấy vẫn le lói những tia hy vọng, để các giá trị phổ quát được bảo vệ, thông qua những điều kiện hay cam kết ở thì tương lai. 

Miễn là, thế giới có đủ sự lưu tâm đến vấn đề này, khi những tấm mạng che mặt đã lại sẵn sàng trùm phủ cả Afghanistan...

Mây Linh    
.
.