Sửa luật để phục vụ nhân dân tốt hơn

Thứ Bảy, 18/03/2023, 13:42

Ngày 17/3, Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an trình bày tờ trình trước Ủy ban thường vụ Quốc hội về đề nghị sửa đổi, bổ sung; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật CAND. Theo đó, Ủy ban thường vụ Quốc hội sẽ xem xét cho ý kiến để trình Quốc hội đưa vào chương trình kỳ họp lần thứ V tới đây.

Đáp ứng yêu cầu đảm bảo an ninh, trật tự trong tình hình mới

Trung tướng Lê Quốc Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật CAND nhằm thể chế hóa Nghị quyết số 12 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh xây dựng lực lượng CAND thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới; thể chế hóa chỉ đạo điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu tại Nghị quyết số 28 của Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội.

Sửa luật để phục vụ nhân dân tốt hơn -0
Cảnh sát đường thủy ra quân trấn áp tội phạm.

Cụ thể, từ năm 2021, thực hiện điều chỉnh tuổi nghỉ hưu theo mục tiêu tăng tuổi nghỉ hưu chung, thu hẹp dần khoảng cách về giới trong quy định tuổi nghỉ hưu; bảo đảm thống nhất, đồng bộ với quy định về tăng tuổi nghỉ hưu của người lao động; khắc phục một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Luật CAND liên quan đến thăng cấp bậc hàm cấp tướng trước thời hạn đối với sĩ quan CAND có thành tích đặc biệt xuất sắc đạt được trong chiến đấu và công tác; quy định một số vị trí có cấp bậc hàm cấp tướng trong CAND phù hợp với quy định của Đảng và yêu cầu công tác.

Theo dự thảo, Bộ Công an đề nghị tăng hạn tuổi phục vụ của hạ sĩ quan, sĩ quan, công nhân công an thêm 2 tuổi; riêng nữ sĩ quan có cấp bậc hàm đại tá tăng 5 tuổi, nữ sĩ quan có cấp bậc hàm thượng tá tăng 3 tuổi; công nhân công an, nam tăng 2 tuổi, nữ tăng 5 tuổi. Lộ trình tăng hạn tuổi phục vụ của sĩ quan, hạ sĩ quan, công nhân công an cơ bản như quy định của Bộ luật Lao động năm 2019, tức là mỗi năm tăng 3 tháng đối với nam và 4 tháng đối với nữ; riêng sĩ quan, hạ sĩ quan có hạn tuổi phục vụ cao nhất dưới 60 tuổi đối với nam, dưới 55 tuổi đối với nữ thì có thể thực hiện tăng ngay 2 tuổi, không theo lộ trình nêu trên. Thời điểm để tính tăng hạn tuổi phục vụ cao nhất bắt đầu từ năm 2021 và không áp dụng đối với trường hợp đã nghỉ công tác trước ngày Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật CAND có hiệu lực.

Sửa luật để phục vụ nhân dân tốt hơn -0
Cán bộ Công an làm căn cước công dân cho người dân.

Thiếu tướng Phạm Công Nguyên, Cục trưởng Cục pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp Bộ Công an cho biết, qua các thời kỳ khác nhau, hạn tuổi phục vụ cao nhất của sĩ quan, hạ sĩ quan Công an nhân dân có cấp bậc hàm đại tá, cấp tướng được quy định bằng tuổi nghỉ hưu của người lao động (nam: 60 tuổi, nữ: 55 tuổi); đối với cán bộ, chiến sĩ có cấp bậc hàm từ thượng tá trở xuống thì thấp hơn so với tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện bình thường nhưng cơ bản bằng tuổi nghỉ hưu đối với người lao động làm công việc nặng nhọc, nguy hiểm, độc hại (nam: 55 tuổi; nữ: 53 tuổi), vì lực lượng CAND là lực lượng vũ trang, phần lớn cán bộ, chiến sĩ được bố trí tại đơn vị trực tiếp chiến đấu hoặc phục vụ chiến đấu nên đòi hỏi phải có sức khỏe tốt và không thể đáp ứng khi độ tuổi quá cao. Do đó, tương quan giữa hạn tuổi phục vụ cao nhất của sĩ quan, hạ sĩ quan CAND phần lớn thấp hơn 2 tuổi so với tuổi nghỉ hưu của người lao động.

Tuy nhiên, hiện nay Bộ luật Lao động năm 2019 quy định tăng đều 2 tuổi đối với người lao động nam so với Bộ luật Lao động năm 2012 (từ 60 tuổi lên 62 tuổi). Vì vậy, trên cơ sở kế thừa khoảng cách về tuổi nghỉ hưu của sĩ quan, hạ sĩ quan CAND so với người lao động, thực tiễn bố trí, sử dụng sĩ quan, hạ sĩ quan, người lao động trong CAND, tính chất đặc thù của lực lượng vũ trang thì việc thực hiện tăng 2 năm phục vụ đối với sĩ quan, hạ sĩ quan CAND vẫn đáp ứng được yêu cầu thực tiễn công tác phòng, chống tội phạm, bảo đảm an ninh, trật tự. Đối với nữ sĩ quan có cấp bậc hàm đại tá tăng 5 tuổi theo mức độ tăng tuổi nghỉ hưu đối với lao động nữ của Bộ luật Lao động; nữ sĩ quan có cấp bậc hàm Thượng tá thì tăng 3 tuổi vì phần lớn các sĩ quan này được bố trí làm công tác kiểm tra, hướng dẫn, quản lý đơn vị cấp phòng, thường xuyên trực tiếp thực hiện nhiệm vụ chiến đấu, phục vụ chiến đấu trong môi trường nặng nhọc, độc hại.

Đối với công nhân công an, đề nghị tăng hạn tuổi phục vụ cao nhất cho tương đồng với mức độ tăng tuổi của Bộ luật Lao động (nam: 62 tuổi, nữ: 60 tuổi); vì tính chất lao động của công nhân công an cơ bản như người lao động trong điều kiện bình thường.

Sửa luật để phục vụ nhân dân tốt hơn -0
Lực lượng Công an chuẩn bị lên đường làm nhiệm vụ.

Đổi mới thăng hàm cấp tướng

Chính sách thứ 2 là quy định về thăng cấp bậc hàm cấp tướng trước thời hạn đối với sĩ quan CAND có thành tích đặc biệt xuất sắc đạt được trong chiến đấu và công tác. Việc bổ sung nội dung này nhằm xác định cụ thể tiêu chí, tiêu chuẩn thành tích đặc biệt xuất sắc đạt được trong chiến đấu và công tác để làm căn cứ đề nghị Chủ tịch nước xem xét, quyết định thăng cấp bậc hàm cấp tướng theo quy định tại khoản 1, Điều 26, Luật CAND.

Bên cạnh đó, dự thảo Luật kiến nghị sửa đổi, bổ sung theo hướng quy định sĩ quan CAND được xét thăng cấp bậc hàm từ đại tá lên thiếu tướng phải còn ít nhất đủ 3 năm công tác. Trường hợp không đủ 3 năm công tác sẽ do Chủ tịch nước quyết định. Bộ Công an cũng đề nghị bổ sung 6 vị trí có cấp bậc hàm cao nhất là cấp tướng trong CAND, gồm: 1 vị trí có cấp bậc hàm cao nhất là thượng tướng là Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh và 5 vị trí có cấp bậc hàm cao nhất là thiếu tướng. Bổ sung quy định trưởng công an thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương, trung đoàn trưởng có cấp bậc hàm cao nhất là đại tá. Sửa đổi, bổ sung khoản 4, Điều 25 theo hướng quy định trung đoàn trưởng, trưởng công an thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương có cấp bậc hàm cao nhất là đại tá.

Thiếu tướng Phạm Công Nguyên cho biết thêm, thành phố trực thuộc thành phố bản chất gồm nhiều quận gộp lại (như TP Thủ Đức hiện nay) lớn hơn cấp quận nên điều chỉnh trần cấp bậc hàm đại tá là hoàn toàn phù hợp; Trung đoàn trưởng Trung đoàn Cảnh sát cơ động, đặc nhiệm, không quân, bảo vệ mục tiêu là những đơn vị quân số đông, tương đương cấp phòng, trực tiếp chiến đấu nên trần cấp hàm tương đương các phòng nghiệp vụ của cấp cục là phù hợp. Đặc biệt, sau khi tổ chức lại bộ máy của Bộ Công an, nhiều đơn vị trọng yếu chưa được bố trí trần cấp hàm cấp tướng, việc sửa đổi đảm bảo công bằng, liên thông, thống nhất giữa các vị trí.

Phù hợp với thực tiễn công tác, chiến đấu

Ủy viên Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Vũ Huy Khánh cho biết, việc sửa đổi một số quy định của Luật CAND năm 2018 trong thời điểm hiện nay là cần thiết, phù hợp với đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, sự phù hợp với Hiến pháp, tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, tính khả thi của dự thảo luật, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, đáp ứng yêu cầu bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Trường Giang nhất trí với việc cần phải sửa đổi, bổ sung Luật CAND và cho rằng việc sửa đổi 5/46 nội dung của Luật CAND sau hơn 4 năm thi hành Luật CAND năm 2018 là cần thiết vì trên thực tế có xảy ra bất cập; đề nghị cần rà soát kỹ lại xem nếu nội dung gì cần sửa đổi thì đề xuất luôn trong lần này; đồng thời cần làm rõ thêm lý do vì sao trong dự thảo Luật lại đề nghị thực hiện quy định tăng tuổi nghỉ hưu lùi về từ 1/1/2021 khi Bộ luật Lao động có hiệu lực. Đây là đẩy hiệu lực trở về trước, theo quy định thì Bộ có quyền như vậy nhưng tại Điều 152, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật nêu rõ không được quy định trách nhiệm pháp lý nặng hơn. Vì vậy, phải làm rõ lùi thời hạn thực hiện tăng tuổi nghỉ hưu là trách nhiệm pháp lý nặng hơn hay được quyền lợi cao hơn.

Là công nhân viên trong lực lượng CAND, chị Nguyễn Thị Phương cho biết, công việc chính của chị là phục vụ bếp ăn của cán bộ, chiến sĩ nên hằng ngày chị có trách nhiệm kiểm tra thực phẩm của nhà cung cấp đảm bảo tươi, sạch; phối hợp chế biến thức ăn, dọn dẹp vệ sinh bếp ăn. “Công việc như vậy cũng không quá nặng nề, vất vả, cũng giống như làm việc vặt ở nhà nên tôi thấy hoàn toàn có thể đáp ứng đến năm 60 tuổi được. Công nhân viên công an chúng tôi thường được tuyển dụng muộn nên tôi mong muốn làm việc lâu hơn để có thời gian đóng bảo hiểm nhiều hơn, sau này lương hưu cao hơn” - chị Phương cho biết.

Sửa luật để phục vụ nhân dân tốt hơn -0
Công an quận Ba Đình, Hà Nội tuyên truyền, nhắc nhở người dân chấp hành, tuân thủ pháp luật.

Thiếu tá Hoàng Văn Phương, Công an tỉnh Thái Nguyên cho biết, nam cán bộ nghiệp vụ nếu 55 tuổi nghỉ hưu thì vẫn còn khá trẻ, đang có kinh nghiệm công tác nếu nghỉ hưu sẽ dẫn tới lãng phí. “Tôi thấy tăng 2 tuổi đối với cấp thiếu tá, trung tá là phù hợp vì nữ 53, nam 55 tuổi vẫn khá trẻ, lại chênh lệch tới 7 tuổi so với tuổi nghỉ hưu dân sự nên đề xuất tăng 2 tuổi với đối tượng này là hợp lý”.

Đại tá Phan Thị Hường, Phó Giám đốc Công an tỉnh Thanh Hóa cho rằng: 3 chính sách sửa đổi, bổ sung trong dự thảo Luật CAND đều rất cần thiết và hợp lý. “Chúng tôi đã được lấy ý kiến trong toàn lực lượng, được thảo luận, bàn bạc và đi đến thống nhất. Đặc biệt, về lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu tôi thấy rất hợp lý vì hiện nay tuổi thọ tăng lên, sức khỏe tăng lên nên có thể đáp ứng tốt công việc. Phụ nữ ở độ tuổi từ 50 trở lên thì con cái đã lớn, đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm công tác nên có thể dành nhiều thời gian để cống hiến hơn. Bên cạnh đó, việc kéo dài tuổi nghỉ hưu đối với cán bộ công an còn phù hợp với tuổi nghỉ hưu của các cán bộ công chức khác hiện nay” - Đại tá Phan Thị Hường cho biết.

Phương Thủy
.
.