Syria - những lằn ranh vẫn đó

Thứ Tư, 22/03/2023, 10:45

Bình thường hóa quan hệ, trong những ngày qua, đang trở thành một xu hướng mới rất đáng chú ý nổi lên tại khu vực Trung Đông. Tuy vậy, vẫn luôn hiện hữu những ngoại lệ đầy nghịch lý, nhưng lại không làm cho ai bất ngờ, mà tình cảnh của Syria là một thí dụ điển hình.

Xu thế tất yếu

Ngày 10/3, Iran và Saudi Arabia đã nhất trí nối lại quan hệ ngoại giao sau 7 năm thù địch khiến an ninh khu vực Vùng Vịnh luôn căng thẳng. Hai nước cũng nhất trí mở lại đại sứ quán tại thủ đô của mỗi nước trong vòng 2 tháng tới.

KJNF7VGFFVLJDOLSEZFUHXEFGE-1679454506258.jpg
Tổng thống Syria Bashar al-Assad trong chuyến công du tới Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất.

Ngày 15/3, Bộ trưởng Tài chính Saudi Arabia Mohammed Al-Jadaan cho biết vương quốc Hồi giáo này có thể sẽ đầu tư “rất sớm” vào Iran, sau khi hai nước ký thỏa thuận nối lại quan hệ ngoại giao. Ông nêu rõ: “Có rất nhiều cơ hội cho các khoản đầu tư của Saudi Arabia vào Iran. Chúng tôi không thấy có trở ngại gì miễn là các bên tôn trọng các điều khoản trong bất kỳ thỏa thuận tương lai nào". Và, giới quan sát quốc tế hầu như đều có chung nhận định: Đây là một bước tích cực góp phần củng cố hòa bình, an ninh trong khu vực và trên thế giới, hướng tới sự ổn định và thịnh vượng tại khu vực Trung Đông.

Thỏa thuận bình thường hóa quan hệ giữa Saudi Arabia và Iran sẽ là cơ hội để tăng cường hợp tác kinh tế và thương mại, đầu tư chung nhằm khai thác các tiềm năng kinh tế to lớn, đặc biệt là nguồn tài nguyên dầu mỏ khổng lồ của hai nước phục vụ cho công cuộc phát triển. Tóm lại, một tương lai tươi sáng đang ló dạng và các nhà phân tích đang chờ đợi chuyến công du chính thức của Tổng thống Iran Ebrahim Raisi tới Ryiadh, theo lời mời của Quốc vương Salman bin Abdulaziz, như một cột mốc.

Sau 10 năm băng giá, mối quan hệ ngoại giao song phương giữa Ai Cập và Thổ Nhĩ Kỳ - hai cường quốc hàng đầu của cộng đồng các quốc gia Hồi giáo ở Trung Đông -Bắc Phi cũng đã và đang thay đổi một cách chóng mặt.

Theo những nguồn tin chính thống, hai bên đang nỗ lực sắp xếp cho cuộc gặp giữa Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah El-Sisi và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan. Ngày 18/3, Bộ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu thông báo: "Chúng tôi đang làm việc để tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc gặp giữa hai nguyên thủ quốc gia".

Syria - những lằn ranh vẫn đó -0
Một thập kỷ xung đột đã tàn phá trầm trọng Syria.

Đây sẽ là lần hội kiến trực tiếp thứ hai giữa hai nhà lãnh đạo, sau cuộc gặp tại thủ đô Doha của Qatar bên lề lễ khai mạc World Cup 2022 hồi tháng 11 năm ngoái. Sau đó, mới tháng trước, Bộ trưởng Ngoại giao Ai Cập Sameh Shoukry đã thăm Thổ Nhĩ Kỳ, nhằm thể hiện tình đoàn kết cũng như sự chia sẻ, ngay sau khi thảm họa động đất kinh hoàng ập tới. Ông nhấn mạnh: “Chuyến thăm này là một thông điệp về tình hữu nghị và đoàn kết”, đồng thời khẳng định rằng Ai Cập sẽ tiếp tục làm hết sức mình để giúp đỡ Thổ Nhĩ Kỳ, trong công cuộc khắc phục các tổn thất kinh hoàng từ thảm kịch, cũng như trên tiến trình tái thiết.

Mối quan hệ giữa Cairo và Ankara đã từng trở nên rất lạnh nhạt, kể từ sau cuộc chính biến năm 2013 lật đổ cựu Tổng thống Ai Cập Mohamed Morsi, người có mối quan hệ chặt chẽ với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan. Dù vậy, sau những biến động dữ dội trên bản đồ địa chính trị thế giới trong những năm gần đây, nhu cầu hòa giải và hợp tác đã trở thành một xu thế tất yếu.

Thảm kịch thiên tai vừa xảy ra đã góp phần đẩy nhanh tiến trình ấy. Không chỉ với Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập còn sẵn lòng chìa tay ra với Syria.

Trước khi đến Thổ Nhĩ Kỳ, Bộ trưởng Ngoại giao Ai Cập Sameh Shoukry cũng tới Damascus. Tại đây, ông đã gặp Tổng thống Syria Bashar Al-Assad và người đồng cấp Syria Faisal Mekded. Thay mặt Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sissi, ông chuyển lời chia sẻ và cảm thông sâu sắc tới Chính phủ và nhân dân Syria.

Trong quá khứ, Syria đã mất tư cách thành viên AL sau làn sóng biểu tình chống chính phủ nước này hồi năm 2011. Kể từ đó, Syria đã không tham gia các hội nghị thượng đỉnh Liên đoàn Arab (AL) hoặc hội nghị của Liên minh Nghị viện Arab (APU). Song, ngày 26/2, Chủ tịch Hạ viện Ai Cập Hanafy El-Gebaly kêu gọi tất cả các quốc gia Arab ủng hộ Syria quay trở lại với AL. Cùng lên tiếng đồng vọng với Ai Cập và cùng cố gắng chuyển hàng viện trợ đến Syria còn có chính phủ nhiều quốc gia thành viên cộng đồng Arab Hồi giáo khác, như Iraq, Jordan, Palestine, UAE và Libya.

Mới nhất, ngày 19/3, Tổng thống Syria Bashar al-Assad có chuyến thăm chính thức đến Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (U.A.E). Đây là chuyến thăm thứ hai của nhà lãnh đạo Syria tới một quốc gia láng giềng Vùng Vịnh kể từ sau trận động đất kinh hoàng ngày 6/2.Tháng trước, ông đã tới Oman trong chuyến thăm chính thức đầu tiên và duy nhất của mình tới các nước Arab, từ khi bắt đầu xảy ra cuộc nội chiến tại Syria hồi năm 2011.

Rào cản từ phương Tây

Tại U.A.E, quốc gia bình thường hóa quan hệ với Syria từ năm 2018, Tổng thống Syria nhận được từ “người hàng xóm” cam kết hỗ trợ hơn 100 triệu USD nhằm khắc phục hậu quả thiên tai. Đây thật sự là điều vô cùng cần thiết với Syria, bởi thảm họa động đất ấy đã và đang làm trầm trọng hơn tình cảnh mà đất nước Syria - vốn đã cực kỳ khó khăn bởi xung đột, nội chiến, khủng bố, cấm vận, dịch bệnh và biến đổi khí hậu... suốt hơn một thập kỷ qua - phải đối diện.

Syria - những lằn ranh vẫn đó -0
Các lực lượng quân đội nước ngoài vẫn hiện diện trên lãnh thổ Syria.

Theo đánh giá từ các cơ quan Liên hợp quốc, khu vực chịu ảnh hưởng bởi động đất ở phía Tây Bắc Syria đang trở thành một cuộc khủng hoảng nhân đạo mới. Mặc dù số nạn nhân tử vong được xác nhận ở Syria thấp hơn so với Thổ Nhĩ Kỳ, song Syria hoàn toàn không có khả năng cũng như điều kiện chuẩn bị để ứng phó với thảm họa ở mức độ nghiêm trọng này.

Theo ước tính của Viện Trung Đông có trụ sở tại Washington (Mỹ), có tới 60% cơ sở hạ tầng của Tây Bắc Syria hư hại hoặc bị phá hủy trong trận động đất hôm 6/2, với các cơ sở y tế đã bị tàn phá nặng nề. Cuộc khủng hoảng nhân đạo ngày càng phức tạp hơn do tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng nhân viên y tế, thuốc men và thiết bị cứu hộ.

Đến ngày 16/3, Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc (OCHA) vẫn nhấn mạnh: Số người cần hỗ trợ tại quốc gia Trung Đông này đã ở mức cao chưa từng có, ngay từ trước khi xảy ra thảm họa động đất, với hơn 15 triệu người cần viện trợ nhân đạo và hơn 90% người dân sống trong nghèo khó.

Syria, không kém gì Thổ Nhĩ Kỳ, cần được hỗ trợ rất nhiều nhằm vượt qua nghịch cảnh. Hơn thế, đất nước bị tàn phá như kéo tụt lùi hàng chục năm phát triển ấy cũng cần được trao các cơ hội tái thiết để có thể tự cứu mình, vì những lý do nhân đạo cơ bản.

Syria - những lằn ranh vẫn đó -0
Syria cần rất nhiều sự hỗ trợ để tái thiết đất nước.

Những cơ hội ấy đã được bộc lộ, chính trong các nỗ lực hàn gắn mà cộng đồng Arab Hồi giáo cũng như thế giới đưa ra. Vấn đề là, trong những diễn biến song song, lại có những rào cản nhất định không lay chuyển.

Theo hãng tin Nga TASS, cũng trong ngày 16/3, với một tuyên bố chung, các chính phủ Mỹ, Anh, Pháp và Đức khẳng định rằng họ sẽ không chấp nhận bình thường hóa quan hệ với Syria cho đến khi tìm ra được một giải pháp chính trị cho cuộc xung đột triền miên ở quốc gia này.

Tuyên bố chung, được đưa ra nhân dịp tròn 12 năm cuộc xung đột Syria bùng nổ, nêu rõ: "Chúng tôi không bình thường hóa quan hệ với chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad, cũng như không tài trợ cho việc tái thiết những thiệt hại do chế độ này gây ra trong cuộc xung đột hoặc dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt".

4 cường quốc phương Tây ấy cũng nhấn mạnh rằng họ đã ban hành các miễn trừ khẩn cấp đối với những chính sách trừng phạt, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc cung cấp viện trợ nhân đạo và ứng phó thiên tai tới các khu vực bị ảnh hưởng bởi động đất. Tuy nhiên, bất chấp động thái này, cách tiếp cận chung của họ đối với Chính phủ Syria vẫn không thay đổi.

Ở một khía cạnh nào đó, động thái này nếu không phải là sự thể hiện rõ ràng về áp lực “chọn phe” dành cho Syria trong một trật tự thế giới đa cực mới đang hình thành thì cũng có thể coi là một biểu hiện “hành động nhân đạo có chọn lọc”. Ai cũng có thể hình dung, nếu không được giảm nhẹ những hình thức cấm vận - trừng phạt từ phương Tây, mọi nỗ lực viện trợ nhằm tái thiết Syria cho cả một thập kỷ bị tàn phá sẽ chỉ như “muối bỏ bể”. Giới phân tích quốc tế cũng vẫn còn nhớ, suốt cả thập kỷ ấy, kể từ khi “Mùa xuân Arab” bùng lên để quét qua cả dải Bắc Phi - Trung Đông, qua những tháng ngày kinh hoàng khi thế giới phải đối diện với sự trỗi dậy của bóng ma chết chóc mang tên Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, đến tận bây giờ, mục tiêu lớn nhất (hay nói cách khác là giải pháp chính trị duy nhất) đối với phương Tây chính là việc chế độ hiện tại ở Syria phải bị thay đổi.

Với tuyên bố chung thể hiện lập trường cứng rắn này của Mỹ, Anh, Pháp, Đức, không ai dám chắc, những nỗ lực thúc đẩy hòa bình cho Syria mà Liên hợp quốc vẫn đang thúc đẩy liệu có sớm đạt được thành tựu gì, bất kể việc cả khu vực Trung Đông đang nồng ấm trở lại qua những cái bắt tay...

Mây Linh
.
.