Thông điệp của Mỹ từ báo cáo "Những giới hạn trên các vùng biển số 150"

Thứ Năm, 20/01/2022, 08:02

Không chỉ đặt câu hỏi về tuyên bố chủ quyền đơn phương của Trung Quốc đối với hơn 100 thực thể địa lý trên Biển Đông, báo cáo mới nhất của Bộ Ngoại giao Mỹ còn khẳng định, các hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông, bao gồm cả “yêu sách lịch sử” đối với hầu hết các phần của tuyến thương mại hàng hải quan trọng này đã “phá hoại nghiêm trọng pháp quyền” trên các đại dương và các quy định được công nhận rộng rãi trong luật pháp quốc tế.

Quyền lịch sử mơ hồ

Mang tên "Những giới hạn trên các vùng biển số 150", báo cáo mới nhất của Bộ Ngoại giao Mỹ được công bố hôm 12-1 một lần nữa khẳng định, tuyên bố đơn phương về chủ quyền hàng hải của Trung Quốc tại Biển Đông đã chống lại các quy định của Công ước Quốc tế của Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982).

"Mỹ không có quan điểm nào về chủ quyền đối với khoảng 250 đảo, đá ngầm, bãi cạn và bờ biển ở Biển Đông nhưng chúng tôi nhất quyết đòi quyền đi lại tự do qua các tuyến đường thương mại trên biển, đặc biệt là ở những khu vực mà quyền kiểm soát hàng hải của Bắc Kinh trái với luật pháp quốc tế. Vì lý do này, Mỹ và nhiều quốc gia khác đã bác bỏ những tuyên bố (của Trung Quốc) để ủng hộ trật tự hàng hải quốc tế ở Biển Đông và trên toàn thế giới dựa trên UNCLOS 1982”, báo cáo nhấn mạnh.

Thông điệp của Mỹ từ báo cáo
Biển Đông đang trở thành điểm nóng về hàng hải. Ảnh: Getty

Cũng theo đánh giá của các chuyên gia Mỹ, ngoài việc thiếu “nội dung thực chất”, tuyên bố của Trung Quốc về “quyền lịch sử” đối với vùng biển rộng 3,5 triệu km2 “còn thiếu vì nhiều sự mơ hồ”. "Trung Quốc đã tuyên bố rằng các quyền lịch sử của họ được 'bảo vệ bởi luật pháp quốc tế" nhưng họ không đưa ra được lập luận pháp lý cho tuyên bố như vậy", báo cáo đề cập và phân tích, Bắc Kinh viện dẫn cái gọi là “đường 9 đoạn” để khẳng định quyền của mình đối với toàn bộ Biển Đông nhưng Tòa án Trọng tài biển ở The Hauge đã ra phán quyết trong vụ kiện Philippines-Trung Quốc rằng yêu sách này là "không có cơ sở pháp lý" và trái với UNCLOS mà nước này là một thành viên.

Câu hỏi về tuyên bố chủ quyền

Chưa hết, báo cáo mới nhất của Bộ Ngoại giao Mỹ cũng đặt câu hỏi về tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với hơn 100 thực địa ở Biển Đông bị nhấn chìm dưới mặt nước khi thủy triều lên. Báo cáo cho biết, những tuyên bố như vậy không phù hợp với luật pháp quốc tế, vì các thực thể như vậy không phải là đối tượng của yêu sách chủ quyền hợp pháp hoặc có khả năng tạo ra các vùng biển như lãnh hải. Hiện nay, Trung Quốc đang sử dụng các tuyên bố chủ quyền đối với các đối tượng địa lý như vậy để vẽ hoặc khẳng định quyền vẽ "đường cơ sở thẳng" cũng như tuyên bố chủ quyền lãnh hải.

Bộ Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh không một đảo nào trong số 4 nhóm đảo mà Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông đáp ứng các tiêu chí địa lý để sử dụng các đường cơ sở thẳng theo UNCLOS. “Không có cơ quan luật quốc tế riêng biệt nào ủng hộ quan điểm của Trung Quốc rằng họ có thể bao bọc toàn bộ các nhóm đảo trong các đường cơ sở thẳng. Luật pháp quốc tế cũng không cho phép Trung Quốc khẳng định các tuyên bố chủ quyền đối với vùng nội thủy, lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa dựa trên việc xem xét từng nhóm đảo được Bắc Kinh đơn phương tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông”, báo cáo có đoạn viết. Ngoài ra, báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ còn chỉ rõ: “Trong các vùng biển mà Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền, nước này cũng đưa ra nhiều tuyên bố về quyền tài phán không phù hợp với luật pháp quốc tế".

Cho đến nay, để khẳng định việc ủng hộ tự do hàng hải trên Biển Đông, Mỹ đã tăng cường các nỗ lực lập luận và ngoại giao để thách thức lại với những đòi hỏi vô lý của Trung Quốc trên Biển Đông. Thậm chí, Washington còn điều động một số tàu sân bay và thiết giáp hạm để khẳng định quyền “tự do hàng hải” ở Biển Đông, đồng thời củng cố liên minh của mình với các quốc gia khác trong khu vực như Ấn Độ, Nhật Bản và Australia, thông qua nhóm Bộ tứ Ấn Độ - Thái Bình Dương... Gần đây nhất, hôm 15-1, Mỹ cũng cử nhóm tàu sân bay đến Biển Đông để tham gia tập trận. Một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Bắc Kinh cho biết, hai tàu quân sự của Mỹ, USS Carl Vinson và USS Essex cùng các tàu khác trực thuộc đã đi vào vùng biển này. Tuy nhiên, hải quân Mỹ chưa xác nhận thông tin về cuộc tập trận.

Về phía Trung Quốc, dù tuyên bố chủ quyền đối với các khu vực ở Biển Đông đã bị giáng một đòn mạnh vào năm 2016 khi Tòa án Trọng tài biển ra phán quyết có lợi cho Philippines, khẳng định, Trung Quốc “không có quyền lịch sử đối với các nguồn tài nguyên trong vùng biển của Biển Đông”, Bắc Kinh vẫn không chấp nhận phán quyết. Cơ sở lập luận mà nước này đưa ra đối với các yêu sách của mình phần lớn dựa vào cái được gọi là "đường 9 đoạn". Thuật ngữ này được sử dụng để mô tả những gì Trung Quốc coi là phạm vi tuyên bố chủ quyền của họ đối với vùng biển có từ lâu đời trong lịch sử.

Những năm gần đây, Bắc Kinh đã tăng cường sự hiện diện quân sự của mình ở Biển Đông và xây dựng các đảo nhân tạo để lắp đặt thiết bị quân sự. Cái gọi là lực lượng dân quân hàng hải của Trung Quốc cũng được triển khai và bị cáo buộc “quấy rối” ngư dân Philippines và “tràn vào” các vùng biển trong vùng đặc quyền kinh tế của Manila. Vào tháng 10-2021, Malaysia cũng cáo buộc Trung Quốc “xâm phạm” vào các vùng biển của họ. Trung Quốc cũng đã có nhiều hành vi quấy nhiễu trên các vùng biển thuộc chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam...

Sông Thương
.
.