Viễn Đông Nga: Mòn mỏi mong “trái ngọt” từ đầu tư Trung Quốc

Thứ Ba, 21/09/2021, 10:29

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhiều lần gọi việc thúc đẩy phát triển kinh tế ở vùng Viễn Đông của Nga là “ưu tiên quốc gia của toàn thế kỷ 21”. Và trong phần lớn thập niên qua, ông đã tìm cách tranh thủ sự giúp đỡ của Trung Quốc.

Tuy nhiên, các chuyên gia nói rằng những nỗ lực của Điện Kremlin nhằm thu hút đầu tư và thương mại lớn hơn của Trung Quốc đến khu vực xa xôi này đã thất bại. Nhiều dự án đầu tư được hứa hẹn của Trung Quốc ở Viễn Đông vẫn chỉ nằm trên giấy tờ. Trong khi đó, đại dịch COVID-19 đã làm gián đoạn quan hệ thương mại giữa hai bên.

Viễn Đông Nga: Mòn mỏi mong “trái ngọt” từ đầu tư Trung Quốc -0
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin tham dự Diễn đàn Kinh tế Phương Đông ở Vladivostok, Nga (tháng 9-2018).

Vùng Viễn Đông của Nga lẽ ra sẽ trở thành một trong những khu vực hưởng lợi lớn nhất từ quan hệ đối tác đang phát triển giữa Moscow và Bắc Kinh. Khu vực rộng lớn này có đường biên giới dài 4.000 km với Trung Quốc và ngập tràn các nguồn tài nguyên thiên nhiên như khí đốt tự nhiên, than đá, vàng, kim cương, gỗ và hải sản. Kể từ khi tuyến đường sắt xuyên Siberia được xây dựng vào cuối thế kỷ 19, Viễn Đông cũng trở thành một trung tâm trung chuyển chính cho hàng hóa đi lại giữa châu Âu và châu Á.

Tuy nhiên, bất luận những lợi thế này, trong những thập niên sau khi Liên Xô sụp đổ, khu vực này đã trải qua một đợt di dân do kinh tế trì trệ. Tổng thống Putin đã cam kết hồi sinh “vận mệnh” của vùng Viễn Đông, một phần nhờ sự trợ giúp của đầu tư thương mại và đầu tư lớn hơn từ Trung Quốc. Trong một bài viết trước khi quay trở lại vị trí Tổng thống Nga vào năm 2012, ông Putin tuyên bố khu vực này phải đón được “luồng gió Trung Quốc” trên cánh buồm kinh tế của mình.

Kể từ đó, Điện Kremlin đã thiết lập hơn một chục “khu vực phát triển ưu tiên” ở Viễn Đông. Các khu này tìm cách lôi kéo các nhà đầu tư nước ngoài thành lập các cơ sở sản xuất trong khu vực bằng cách cung cấp cho họ mức thuế ưu đãi và chi phí tiện ích thấp hơn.

Ngoài ra, vào năm 2018, trong chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới cảng Vladivostok của Viễn Đông, Nga và Trung Quốc đã ký một lộ trình hợp tác 6 năm ở Viễn Đông. Tài liệu đã cung cấp cho Trung Quốc một danh sách các dự án đầu tư được khuyến nghị trong các lĩnh vực như nông nghiệp, du lịch và cơ sở hạ tầng giao thông.

Điện Kremlin cũng đã theo đuổi một loạt các dự án năng lượng lớn với Trung Quốc ở Viễn Đông. Vào tháng 12-2019, Nga khởi động đường ống dẫn khí đốt tự nhiên Power of Siberia trị giá 55 tỷ USD đến Trung Quốc. Dự án đại diện cho đường ống dẫn khí đốt đầu tiên giữa hai nước và là một phần của hợp đồng trị giá 400 tỷ USD được ký năm 2014 để cung cấp khí đốt cho Trung Quốc trong 30 năm. Trong khi đó, tại thị trấn Svobodny, các tập đoàn năng lượng khổng lồ của Nga đã bắt đầu xây dựng khu phức hợp sản xuất polyme lớn nhất thế giới và gần đây đã mở một trong những nhà máy xử lý khí đốt lớn nhất thế giới. Các cơ sở này nhằm cung cấp cho thị trường Trung Quốc các thành phần nhựa và khí thiên nhiên tinh chế.

Một ưu tiên khác là cải thiện cơ sở hạ tầng trên biên giới chung của họ. Vào năm 2019, Nga và Trung Quốc đã hoàn thành việc xây dựng một cây cầu dài 1.080m bắc qua sông Amur, nối hai thành phố Blagoveshchensk và Hắc Hà. Hai nước mới đây đã hoàn thành xây dựng một dự án lớn khác trên sông Amur: một cây cầu đường sắt dài 2.200m giữa vùng Nizhneleninskoye và huyện Đồng Giang thuộc tỉnh Hắc Long Giang. Mặc dù việc khai trương hai cây cầu đã bị trì hoãn do đại dịch nhưng chúng được kỳ vọng sẽ cho phép thêm 25 triệu tấn hàng hóa qua biên giới Nga-Trung mỗi năm.

Tuy nhiên, gần một thập niên sau khi ông Putin kêu gọi vùng Viễn Đông hướng tới hợp tác với Trung Quốc, có rất ít dấu hiệu cho thấy sự đột phá trong khu vực này.

Denis Suslov, một nhà kinh tế tại Chi nhánh Viễn Đông của Viện Hàn lâm Khoa học Nga, cho biết hầu hết các dự án đầu tư của Trung Quốc vào khu vực này chỉ tồn tại trên giấy. Suslov giải thích rằng nhiều công ty Trung Quốc không muốn đầu tư vào Viễn Đông do cơ sở hạ tầng giao thông kém của khu vực và điều kiện khí hậu khó khăn, điều làm tăng thêm chi phí đáng kể cho bất kỳ dự án nào. Ngoài ra, quy mô dân số nhỏ của Viễn Đông có nghĩa là việc thành lập các nhà máy sản xuất hàng hóa cho thị trường địa phương là không có lợi.

Đại dịch COVID-19 đã làm dấy lên những rào cản mới giữa Viễn Đông và Trung Quốc. Kể từ khi Nga đóng cửa biên giới với Trung Quốc vào cuối tháng 1-2020, việc đi lại giữa các doanh nhân và khách du lịch giữa hai nước láng giềng đã ngừng lại. Đồng thời, các công ty Viễn Đông đã bị buộc phải giao tất cả hàng hóa của họ đến Trung Quốc thông qua các container đóng kín để tuân thủ các hạn chế dịch tễ của Bắc Kinh.

Yêu cầu này đã tạo ra những rào cản đáng kể về mặt hậu cần cho các công ty trong khu vực. Vasily Chervenetsky, giám đốc hậu cần của Soya ANK, một nhà xuất khẩu đậu nành Viễn Đông, cho biết tuyến đường sắt xuyên Siberia đã trở nên quá tải với các chuyến hàng than, dầu và khí đốt đến mức đầu năm nay công ty của ông đã phải đợi cả tuần mới có thể nhận hàng hóa.

Tuy nhiên, việc vượt qua những trở ngại dịch tễ học có thể còn dễ dàng hơn những trở ngại về chính trị. Artyom Lukin, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Liên bang Viễn Đông, nói rằng không giống như nhiều đối tác của Bắc Kinh trong Sáng kiến Vành đai và Con đường, Nga không sẵn sàng hy sinh chủ quyền của mình để đổi lấy đầu tư lớn hơn của Trung Quốc ở Viễn Đông.

Ông nói: “Cho đến nay, Moscow vẫn miễn cưỡng cho phép các nhà đầu tư nước ngoài, bao gồm cả Trung Quốc, giành quyền kiểm soát đối với một số tài nguyên chiến lược hoặc cơ sở hạ tầng như cảng, do lo ngại về an ninh quốc gia và mong muốn để dành quyền sở hữu tài sản quý giá nhất của Nga cho các công ty Nga. Tuy nhiên, điều đó có thể thay đổi nếu tình hình kinh tế của Nga bị ảnh hưởng nghiêm trọng”.

Bích Hạnh (Tổng hợp)
.
.