Chuẩn bị hệ thống y tế cho điều trị là cấp thiết hơn bao giờ hết

Thứ Sáu, 30/07/2021, 18:53
Bộ trưởng Bộ Y tế nhận định, trong giai đoạn này dịch đang ở giai đoạn tấn công, đối với các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam, thực hiện giãn cách xã hội chỉ làm phẳng hoá đường cong của lây nhiễm. 


Báo cáo tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương về tình hình phòng, chống dịch COVID-19 và phương án tổ chức, triển khai thực hiện các nội dung, nhiệm vụ được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ Nhất liên quan đến công tác phòng, chống dịch COVID-19 do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì vào sáng 30/7, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, một số quốc gia đã tiêm chủng vaccine nhưng vẫn tăng ca mắc, do đó giải pháp mà các nước hiện đang thực hiện là quay trở lại triển khai quyết liệt tất cả các biện pháp chống dịch đã thực hiện.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, biến chủng Delta có tốc độ lây lan nhanh, mạnh và gia tăng ca mắc trong thời gian rất ngắn, gây ra áp lực quá tải cho hệ thống y tế. Do đó, việc chuẩn bị hệ thống y tế cho điều trị là cấp thiết hơn bao giờ hết đối với tất cả các quốc gia trong giai đoạn này. Tất cả các quốc gia đều cảnh báo không thể chủ quan với biến thể Delta đang phá vỡ và làm đảo lộn tất cả các thành tựu chống dịch của nhiều quốc gia.

Về tình hình dịch tại Việt Nam, tính đến 19h00 ngày 29/7, cả nước ghi nhận 128.413 ca mắc, trong đó 126.205 ca ghi nhận trong nước, 31.780 người khỏi bệnh và 863 ca tử vong. Đợt dịch thứ 4 đã ghi nhận 125.561 ca, trong đó có 124.635 ca trong nước, 28.963 người đã khỏi bệnh, 828 ca tử vong.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long báo cáo tại Hội nghị. (Ảnh: Thái Bình)

Bộ trưởng Bộ Y tế cũng thông tin, trong vòng 11 ngày thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 tại 19 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam và 6 ngày giãn cách tại TP Hà Nội, cả nước ghi nhận 74.434 ca mắc.

“Chúng tôi nhận định, trong giai đoạn này dịch đang ở giai đoạn tấn công. Đối với các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam, thực hiện giãn cách xã hội chỉ làm phẳng hoá đường cong của lây nhiễm”, Bộ trưởng Bộ Y tế nói.

Ông Long cũng nhấn mạnh, các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam cần hết sức lưu ý tình trạng trở nặng của người bệnh sẽ diễn ra ở giai đoạn này và “trong vòng một thời gian ngắn nữa sẽ có nhiều bệnh nhân nặng. Đây chính là đặc điểm dịch tễ của đợt dịch lần này”.

Bộ trưởng Bộ Y tế kiểm tra công tác chống dịch tại tỉnh Bình Dương vào chiều 29/7. (Ảnh: Thái Bình)

Để chuẩn bị tình huống dịch bệnh gia tăng, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19, Bộ Y tế đã có những hướng dẫn, do đó, tuỳ vào mức độ đánh giá và tình hình dịch trên địa bàn, mỗi địa phương cần xây dựng các kịch bản phòng chống dịch phù hợp, để tránh khi dịch xảy ra lại lúng túng, bị động, đặc biệt trong điều trị.

Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị các đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố phải tập trung cao độ cho cơ sở vật chất để chuẩn bị sẵn cho công tác điều trị. Trong dó, chủ động lên phương án chuẩn bị theo các tầng điều trị, đặc biệt lưu ý hệ thống hồi sức trong cơ sở điều trị ở tầng cao nhất.  Các địa phương cần quán triệt thực hiện trong điều trị là yêu cầu tất cả các bệnh viện hạng 1, bệnh viện đa khoa tỉnh bắt buộc phải có khu hồi sức tích cực và oxy trung tâm (quy mô từ 50 - 100 giường); bệnh viện tuyến quận, huyện cũng phải có oxy và oxy trung tâm.

Bộ Y tế đề nghị các địa phương phải làm việc ngay với các nhà cung cấp oxy, rà soát lại tất cả trang thiết bị trên tinh thần “4 tại chỗ”. Bộ Y tế cũng sẽ hỗ trợ nhưng các địa phương cần chủ động.

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, đã huy động lực lượng tinh nhuệ thiết lập và nâng thành 5 trung tâm hồi sức tích cực tại TP Hồ Chí Minh; đồng thời Bộ Y tế thiết lập thêm trung tâm hồi sức tích cực tại các tỉnh Bình Dương, Long An, Đồng Tháp, Cần Thơ, Tiền Giang, tại Đồng Tháp.

Ngay từ bây giờ, các tỉnh thành phố khác ở khu vực miền Trung, miền Bắc, đặc biệt các địa phương khu vực miền núi phía Bắc cần chuẩn bị ngay những nội dung trên, không có tâm lý chủ quan, tránh bị động khi có dịch xảy ra trên địa bàn. 



Tr.Hằng
.
.