Nguyễn Kim Thoa Chắp cánh cò vàng cho nông dân Việt

Thứ Sáu, 16/02/2018, 15:17
Gần cả cuộc đời gắn bó với người nông dân một nắng hai sương, trăn trở lớn nhất của chị Nguyễn Kim Thoa là làm sao chia sẻ thật nhiều những nhọc nhằn, vất vả của nông dân, giúp họ có được mùa màng bội thu, sống được trên chính mảnh ruộng của mình. Với trăn trở đó, chị đã xây dựng nên Tập đoàn Con Cò Vàng để đồng hành với bà con, giúp họ nâng cao năng suất.


Trưởng thành từ “trường lính”

Sinh ra ở ngoại thành Hà Nội, nhưng lớn lên một chút lại sống ở TP Hồ Chí Minh, lớn hơn nữa lại quay ra Hà Nội học, rồi khi đi làm lại vào TP Hồ Chí Minh, có thể nói chị Nguyễn Kim Thoa là người con của cả 2 miền Nam-Bắc. Nhưng chính xác hơn, chị là người con của cả 3 miền, vì cha chị gốc miền Trung, đi hoạt động cách mạng ở miền Nam, rồi tập kết ra Bắc nơi ông cưới mẹ chị là một giáo viên ở ngoại thành Hà Nội.

Là người con của 3 miền nên tuổi thơ của chị Thoa không sống yên một chỗ. Năm lên 3, chị đã phải xa cha, vì ông vào Nam công tác. Hơn 10 tuổi, ba chị đón cả gia đình vào TP Hồ Chí Minh để sinh sống. Rồi sau khi học hết phổ thông, chị lại được các bác đưa về Hà Nội để theo học Trường Sĩ quan Tài chính (ở Từ Liêm, Hà Nội).

 Đó chính là ngôi trường của con nhà binh, nơi học sinh được rèn luyện kỷ luật nghiêm khắc như trong quân đội, mỗi học sinh đều như một người lính, luôn ở trong tư thế sẵn sàng hành quân. Chị kể, trường có thể báo động bất cứ lúc nào, nhiều khi nửa đêm trường thổi còi tập hợp hành quân, mọi học sinh phải dậy khoác ba lô lên đường hành quân, đi suốt đêm tới sáng mới trở về. Đôi khi lên giảng đường, giáo viên điểm danh thấy có người vắng mặt lại thổi còi báo động, buộc học sinh phải ra sân vận động chạy mấy chục vòng.

Không chỉ vậy, tháng nào trường cũng yêu cầu mỗi học sinh phải nộp cho trường 12 kg rau xanh, mỗi năm nộp 1.000 viên gạch… Kỷ luật và rèn luyện của trường quá nghiêm khắc đã khiến nhiều bạn bè của chị chịu không nổi, xin chuyển sang trường khác. Thế nhưng chị cho biết, những ai trụ lại nổi ở trường đều được trui rèn rất tốt, trở thành những con người có chất thép như những người lính thực thụ.

Sở dĩ chị có thể trụ lại ở trường cũng nhờ ảnh hưởng chất thép của ba. Tuổi thơ chủ yếu sống với mẹ, nhưng ba luôn là tấm gương để chị noi theo. Với chị, ba là người của công việc, người của đất nước, ông luôn làm việc bất kể ngày đêm, vì nhiệm vụ không nghĩ tới bản thân. Do đó, chị luôn mơ ước sau khi học xong sẽ đi theo con đường binh nghiệp của ba. Ba chị khi đó là Đại tá, Phó Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Lục quân 2.

Đau đáu với khó khăn của nông dân

Sau khi ra trường, chị được điều về công tác ở Bộ Tư lệnh Quân khu 7. Lúc đó chiến tranh Campuchia đang diễn ra, mẹ không muốn chị về Quân khu 7 vì sợ bị điều động sang chiến trường nước bạn, nhưng ba chị cho rằng nếu Nhà nước cần thì cứ đi. Tuy nhiên, chị được cấp trên phân công tác tại một nhà máy xi măng của Quân khu 7 ở Ngã tư An Sương, một phần vì chị học chuyên về xây dựng cơ bản.

Khi đó, đường từ nhà chị đến Ngã tư An Sương rất xa, lại vắng vẻ. Chị thì đạp xe đi làm có một mình, đôi khi phải về tối nên người nhà cảm thấy lo lắng. Vì vậy, anh con nuôi của mẹ chị đã xin cho chị chuyển công tác về Công ty Vật tư Nông nghiệp TP Hồ Chí Minh, thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ở gần nhà. Đây là công ty chuyên về phân bón, nhưng không sản xuất mà chủ yếu là phân phối theo chế độ tem phiếu.

Lúc đầu, chị được giao công tác quản lý tài chính, nhưng vì cơ quan neo người nên chị kiêm nhiệm thêm nhiều công việc như kinh doanh, thu nợ, đòi nợ… Chị còn nhớ, lúc đó mỗi lần đi miền Tây đòi nợ rất khó khăn, thường phải mất cả tuần vì đường sá, cầu cống không thuận tiện như bây giờ. Sau đó, hưởng ứng “Những việc cần làm ngay” của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, công ty chị bắt đầu bỏ chế độ phân phối phân bón theo tem phiếu, chuyển qua sản xuất.

Trải qua 20 năm công tác ở công ty phân bón, chị rất gắn bó với người nông dân. “Bà con nông dân rất gần gũi, đặc biệt bà con Nam Bộ tính tình phóng khoáng, tình cảm thân thương, tin tưởng như người thân”, chị Thoa tâm sự. 

Tuy nhiên, trong một thời gian dài chị nhận thấy người nông dân hoàn toàn phụ thuộc vào các loại phân bón nhập khẩu. Các loại phân bón này không được sản xuất chuyên biệt cho một vùng đất, một loại cây trồng đặc thù nào, nên khi sử dụng không mang lại hiệu quả cao. Để cải thiện, bà con nông dân đã thử mọi cách để pha trộn các loại phân với nhau, rất vất vả và hiệu quả không cao.

Thấu hiểu khó khăn đó của bà con, chị Nguyễn Kim Thoa đã tự nhủ lòng sẽ cho ra đời được các loại phân có thể phù hợp với từng thổ nhưỡng riêng biệt và từng giống cây trồng đặc thù của từng vùng.

Để đồng quê bình yên cánh cò

Từ đó, chị đã bắt tay xây dựng nên Công ty phân bón Con Cò Vàng. Chị giải thích: “Con cò vừa mang hình ảnh thân thương của những người mẹ Việt Nam tảo tần “lặn lội bờ sông”, vừa mang hình ảnh của ruộng đồng Việt Nam “cánh cò bay lả bay la”. Còn “vàng” là tượng trưng cho màu lúa vàng, và cũng để nói rằng công ty sẽ cố gắng để đạt chất lượng quý như vàng”.

Nhờ tình yêu, sự gắn bó với bà con nông dân, chị Oanh đã không quản ngại gian khó tìm tòi học hỏi, đi thực tế từng vùng đất, học hỏi kinh nghiệm của từng người, tiếp nhận những tiến bộ khoa học kỹ thuật và hợp tác với nhiều nhà khoa học danh tiếng để nghiên cứu và sản xuất thành công nhiều loại phân bón mới phù hợp với từng vùng đất, từng loại cây.

Nhìn lại chặng đường đã qua, chị Nguyễn Kim Thoa chia sẻ: “Làm nghề gì cũng phải có kiến thức, chuyên môn nghiệp vụ. Nhưng quan trọng hơn hết là phải làm bằng cái tâm của mình”. Với chị, cái tâm đó chính là muốn san sẻ với bà con nông dân. Chị nói không biết tự bao giờ niềm vui và nỗi buồn của chị luôn đồng hành cùng người nông dân. Nghe tin bà con được mùa, được giá chị rất vui, vui như chính mình trúng số độc đắc vậy. Trái lại, mỗi khi nghe tin bà con mất mùa, lòng chị lại đau như cắt.

Chính vì vậy, tiêu chí kinh doanh của Con Cò Vàng là luôn đồng hành cùng người nông dân từ lúc bón phân cho đến lúc thu hoạch. Tất cả các cửa hàng, nhà phân phối của công ty đều có biển “Cam kết bảo hành chất lượng từng bao phân bón”. Và chị đã làm điều đó từ cách nay 15 năm, nên đã được bà con nông dân rất tin tưởng. Con Cò Vàng cam kết: Chỉ coi là hoàn thành quy trình sản xuất phân bón khi nhà nông dùng sản phẩm của mình đạt năng suất và chất lượng nông sản. “Yếu tố quan trọng nhất để thành công của doanh nghiệp chính là uy tín”, chị Thoa chia sẻ.

Có thể thấy, không phải ngẫu nhiên chị Nguyễn Kim Thoa được trao danh hiệu Nữ hoàng phân bón, Doanh nhân tâm tài ASEAN, Bông hồng vàng Việt Nam, Doanh nhân doanh nghiệp Việt Nam vàng thế kỷ 21, Doanh nhân Việt Nam làm theo lời Bác… và còn rất nhiều những danh hiệu cao quý khác mà Nhà nước và xã hội phong tặng.

Long Phượng
.
.