Thơ trong đời sống đô thị hiện đại: Rừng nhiều cây nhưng tùng, bách vắng

Thứ Bảy, 20/02/2016, 16:35
Thơ trong đời sống đô thị hiện đại vẫn giữ sức sống nhất định. Tuy nhiên, trong đời sống ấy của thơ cũng đang tồn tại không ít vấn đề.


Ngày thơ Việt Nam năm 2016 do Hội nhà văn TP Hồ Chí Minh tổ chức, đã có trên 30 câu lạc bộ trên địa bàn TP Hồ Chí Minh muốn được đăng ký tham gia.

Vài năm trở lại đây, khá nhiều kỷ lục của “làng” thơ Việt được lập bởi các nhà thơ đang sinh sống, làm việc tại thành phố. Nói theo cách của nhà thơ Văn Lê là TP Hồ Chí Minh nói riêng, các đô thị hiện đại nói chung với thơ vẫn như là mảnh đất tốt cho nhiều cây cối tốt tươi…

Điểm lại các hiện tượng nổi bật nhất của thơ với TP Hồ Chí Minh trong 5 năm trở lại đây, nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm tự hào khẳng định, giữa trung tâm kinh tế sôi động nhất cả nước, thơ cũng đang có đời sống khá sôi động.

Ngày hội thơ ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội). Ảnh: vne

Nói như cách tự trào của nhà thơ Lê Minh Quốc thì “thơ tặng hiện nay đang rất đắt hàng” (thơ xuất bản để tặng – PV). Thế nên, việc những tập thơ bán ra hàng ngàn bản ngay sau khi ra mắt bạn đọc như của Phong Việt, Nguyễn Thiên Ngân là những kỷ lục không chỉ của riêng TP Hồ Chí Minh.

Việc thực hiện tập thơ độc bản bằng giấy Dó được rao bán đầu giá ban đầu 5 triệu đồng, kết quả thu về đến 280 triệu đồng cũng là một trong các kỷ lục khó quên của làng thơ thành phố…

Thơ trong đời sống đô thị hiện đại vẫn giữ sức sống nhất định. Tuy nhiên, trong đời sống ấy của thơ cũng đang tồn tại không ít vấn đề.

Trong hội thảo về thơ trong đời sống đô thị hiện đại của TP Hồ Chí Minh 5 năm trở lại đây do Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh tổ chức ngày 20-2, nhà thơ Quang Chuyền tâm sự: “Cuộc sống sang trang và thay đổi từng phút, từng giờ. Thơ phát triển rầm rộ trên nhiều ngả, nhiều xu hướng. Nào thì thơ truyền thống, thơ cách tân, nào thì thơ tượng trưng, thơ triết lý, sắp đặt… Người thì thu vào tình yêu riêng tư. Người thì quan niệm viết thơ không cần người hiểu, quan điểm thẩm mỹ mới chưa định hình.

Thơ xuất bản tràn lan. Nhà thơ ra ngõ là gặp. Có nhà thơ bỏ thời gian, công sức dịch thơ ta ra thơ Tây, thơ Việt ra thơ Việt. Nhà thơ in thơ số lượng vài trăm cuốn một tập. Thơ tặng biếu nhau. Mà tặng biếu nhau thơ ngày nay cũng lắm ngần ngại. Thơ chủ yếu để các nhà thơ đọc nhau, phẩm bình nhau. Có chiều hướng đáng buồn là thơ ngày một phát triển còn người đọc thơ là công chúng đông đảo ngày một ít đi.

Hội thảo “Thơ trong đời sống đô thị TP Hồ Chí Minh” ngày 20-2.

Trong bối cảnh nền kinh tế thị trường, các phương tiện truyền thông phát triển lấn át, đồng tiền chi phối. Cùng với sự xâm nhập văn hoá của nước ngoài, nền thơ của chúng ta đang hướng như tỷ lệ nghịch giữa thơ và độc giả. Có người đã phải thốt lên: Độc giả đang quay lưng lại với thơ…

Điều này có lẽ một  có phần đúng nhưng không hẳn như thế. Một dân tộc có truyền thống từ trẻ đến già yêu thơ, chi ít trong đời cũng có vài câu thơ ngẫu hứng. Một dân tộc có thần đồng thơ từ lúc 8 tuổi, có mẹ già chỉ võ vẽ biết chữ, thuộc và đọc xuôi, đọc ngược Truyện Kiều. Sao có thể bảo độc giả chối từ thơ?”.

Nhà thơ, nhà báo Lê Minh Quốc cũng không khỏi băn khoăn: “Thơ đứng ở đâu trên đường phố/ Tôi hỏi vòm xanh không vọng tiếng trả lời/ Mẹ gánh gồng chân đi không bén đất/ Miếng cơm ăn tần tảo giọt mồ hôi”…

Cũng tại hội thảo, hầu hết các nhà thơ, nhà nghiên cứu đều chung nhận định, sở dĩ thơ chưa được độc giả đón nhận nhiều, một phần do khách quan xã hội song cũng do phía chủ quan người làm thơ.

Nhà thơ thường vẫn chưa thoát khỏi cái tôi hạn hẹp để có những bài thơ, câu thơ chuyển tải được, vươn tới được cái chung của nhân loại mà ai đọc cũng có thể cảm nhận mình trong đó. Làm thơ để làm giàu cho tiếng Việt, có nội dung viết về dân tộc nhưng nhân loại đều hiểu được vẫn là khoảng trống của làng thơ Việt…

Nhà thơ Nguyễn Vũ Quỳnh: “Sự năng động của thơ tại TP Hồ Chí Minh mười mấy năm qua là điều đáng ghi nhận ở người cầm bút…Thơ hiện nay ở thành phố mang tên Bác có rất nhiều câu thơ, khổ thơ, bài thơ và tập thơ hay nhưng nhà thơ tên tuổi như nhiều năm trước ngày càng ít. Tác phẩm ra đời mỗi năm có số lượng rất nhiều nhưng lại có rất ít tác giả và tác phẩm ở lại với bạn đọc... Nhiều người viết ngộ nhận mình là nhà thơ, viết lách hời hợt, thiếu nhân văn,có chữ mà không có nghĩa. Nhà xuất bản chưa thực hiện nghiêm chức năng của “người gác cửa”, làm cho người viết ngộ nhận cái họ xuất bản là tác phẩm, là thơ trong khi đó không phải là thơ…
Ngọc Nguyễn
.
.