Jim Yong Kim - người được Tổng thống Obama tiến cử chức vụ Chủ tịch World Bank:

Ẩn số của giới tư bản tài chính

Thứ Năm, 05/04/2012, 05:25

Chính quyền Tổng thống Barack Obama vừa đề cử ông Jim Yong Kim vào chức vụ Chủ tịch ngân hàng thế giới (WB), thay cho ông Robert Zoellick, người sẽ từ nhiệm vào tháng 6 năm nay.

Theo tin từ Wall Street Journal, tuyên bố đề cử ông Kim đã chính thức được đưa ra trong buổi sáng ngày 23/3, trước khi ông Obama bắt đầu chuyến thăm Hàn Quốc. Điều lạ ở chỗ giới tư bản tài chính thế giới không hề biết tới cái tên Jim Yong Kim. Dư luận chỉ biết tới ông trong hoạt động y khoa tại các tổ chức từ thiện phi lợi nhuận và đứng đầu trường đại học danh tiếng Darthmouth. Giải thích tại sao không giới thiệu một nhân vật xuất thân từ tầng lớp chính trị hoặc tài chính, Tổng thống Obama nói "Đã đến lúc để một nhân vật chuyên nghiệp trong lĩnh vực phát triển chỉ đạo một tổ chức quốc tế quan trọng nhất về phát triển".

Jim Yong Kim sinh ngày 8/12/1959 trong một gia đình có bố là nha sĩ và mẹ là tiến sĩ nghiên cứu Nho giáo. Gia đình Kim di cư tới Muscatine, bang Iowa từ khi ông mới 5 tuổi. Trong khi bố mẹ rất tự hào về nguồn gốc của gia đình thì Kim lại tỏ ra xấu hổ vì trình độ học thức gia đình "quá cao". Lúc còn nhỏ, ông chỉ muốn trở thành một cầu thủ NBA nhà nghề, nhưng khi vào trung học ông mới thấy đó là một mơ ước "tầm thường và buồn cười". Chính những thành tích nổi bật ở trung học khiến mọi người đều trầm trồ ngưỡng mộ cậu bé Kim. Kim từng chơi ở vị trí tiền vệ của đội bóng bầu dục Trường Muscatine, liên tục làm lớp trưởng và có tên trong danh sách đại biểu sinh viên ưu tú khi tốt nghiệp. Ông được vinh danh là một trong số các sinh viên top đầu của trường, với điểm số loại xuất sắc.

Kim chưa bao giờ có ý định theo đuổi con đường y khoa mà luôn chăm chú nghiên cứu triết học và khoa học chính trị. Ấy vậy nhưng câu nói của người bố đã thức tỉnh con người ông: "Con là một người Hàn Quốc, sống và học tập tại Mỹ. Bố muốn con phải có những kỹ năng thực tế thuần thục để tự tin ra ngoài xã hội, chứ không chỉ cần một cái đầu nhiều chữ". Năm 1982, ông tốt nghiệp Đại học Brown, và sau đó lấy bằng tiến sĩ tại Đại học Harvard. Ông sở hữu khối kiến thức bao quát nhiều lĩnh vực như nhân chủng học, phân tích xã hội, y dược và y tế toàn cầu.

Thực tế, dư luận "choáng" trước chuyên môn và tỏ ra ngưỡng mộ những đóng góp của Kim đối với nhân loại. Chính ông đã dùng kiến thức được học tại trường nhằm giải quyết các vấn đề phức tạp khiến giới y học phải đau đầu suốt thời gian qua. Mục tiêu hướng tới của Kim là các nước nghèo tại châu Phi, các nước đang phát triển gặp khó khăn trong triển khai hoạt động chăm sóc sức khỏe, dân trí thấp cùng cơ sở hạ tầng cần được nâng cấp. Trong khi đó, hoạt động của WB hướng tới "cung cấp các khoản vay lãi suất thấp, thậm chí không có lãi suất hỗ trợ các quốc gia nghèo trong các lĩnh vực giáo dục, y tế, xây dựng, tài chính và quản lý tài nguyên môi trường". Rõ ràng Jim Yong Kim là nhân vật hoàn hảo cho vị trí chủ tịch WB.

Chính sự nghiệp hoạt động y khoa và những cống hiến xuất sắc cho sức khỏe nhân loại trở thành bàn đạp đưa ông Kim vào WB.

Cơ duyên nào đưa ông tới vị trí Hiệu trưởng Đại học Dartmouth chính là tài năng cùng cam kết với những nhà lãnh đạo rằng "sẽ tìm kiếm giải pháp thỏa đáng cho mọi vấn đề". Thời điểm 10 năm trước, Dartmouth trải qua "cơn bĩ cực" khi bè phái lãnh đạo chia rẽ lẫn nhau, tự đình công đòi quyền lãnh đạo trường một cách đáng xấu hổ, thậm chí yêu cầu "vị trí làm việc thực tế và không bao giờ thay đổi" trong tương lai.

Ông luôn tâm niệm câu nói của người tiền nhiệm trong tuyên bố sinh viên năm 1946: "Mọi vấn đề của thế giới đều là của bạn. Nếu thế giới luôn hướng tới sự phát triển toàn diện của con người, thì chẳng có sai lầm nào là không thể sửa". Quả thực, chính "câu thần chú" ấy đã giúp ông trên con đường sự nghiệp và gặt hái thành công ngoài mong đợi, thậm chí có phần may mắn. Cách đây không lâu, ông bất ngờ nhận được 35 triệu đôla từ một Mạnh Thường Quân giấu tên, và nhanh chóng triển khai các dự án mới về sức khỏe toàn cầu được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hỗ trợ.

Tài năng và những cống hiến xuất sắc

Ít ai có thể ngờ một hiệu trưởng đại học lại được đề cử vào vị trí có tầm quan trọng bậc nhất trên thương trường tài chính thế giới. Chính sự nghiệp hoạt động y khoa và những cống hiến xuất sắc cho sức khỏe nhân loại trở thành bàn đạp đưa ông vào WB. Với 20 kinh nghiệm, Kim đã góp phần cải thiện tình trạng y tế ở các nước đang phát triển, thành lập và trực tiếp điều hành PIH (Các đối tác vì sức khỏe cộng đồng), một tổ chức phi lợi nhuận hỗ trợ hoạt động y tế tại các nước nghèo như Haiti, Peru hay Ruanda.

Từ năm 2004 tới 2006, ông đảm nhiệm vị trí giám đốc Cục Phòng chống HIV/AIDS của WHO. Ông chịu trách nhiệm điều phối chương trình tại các nước đang phát triển, cải thiện hiệu quả phòng ngừa và điều trị, đồng thời tiến hành các dự án nhân đạo vì cộng đồng. Không một ai dám nghi ngờ năng lực y khoa của ông, họ thậm chí còn phải "ngả mũ thán phục" Kim với kiến thức thực sự sâu rộng về bệnh lao và nhiều bệnh truyền nhiễm khác. Chính ông đã phát triển phương pháp chìa khóa trong chữa trị một dạng lao kháng thuốc tại Peru giữa những năm 90.

Kim đi tiên phong trong chiến dịch 3 năm (2002-2005) đẩy lùi đại dịch thế kỷ với mục tiêu chữa trị cho 3 triệu bệnh nhân nhiễm mới HIV. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu bệnh học cho rằng đây là điều không tưởng, liên tục chỉ trích chiến dịch "quá xa rời thực tiễn" mà lại không tập trung phân phối thuốc điều trị hay các hỗ trợ xét nghiệm dành cho các nhóm đối tượng đặc biệt như phụ nữ mang thai. Kim vẫn tiếp tục triển khai chiến dịch và phải tới năm 2007 mới có thành công bước đầu. Kế hoạch 3 năm chưa hoàn thành được coi là ngoài dự kiến khiến ông cùng cộng sự phải lên tiếng xin lỗi dư luận: "Tất cả những gì chúng tôi cần làm là gửi lời xin lỗi tới các nước nghèo. Tôi phải thừa nhận rằng chúng tôi chưa làm đủ và đã bắt đầu quá muộn".

Lời xin lỗi đánh dấu một bài học làm lãnh đạo quan trọng khiến Kim nhận ra sai lầm và hiểu rõ bản chất những rủi ro đe dọa tới thành công của một chiến dịch. Quan trọng hơn, ông cùng cộng sự đã biến HIV/AIDS từ bản án tử trở thành căn bệnh có thể được kiểm soát tại những khu vực nghèo nhất thế giới. Và chính ông cũng thay đổi hoàn toàn quan niệm y học trong điều trị các đại dịch từng biết tới của lịch sử loài người.

Năng lực lãnh đạo "trời cho" là nhân tố quan trọng đưa Jim Yong Kim tới chiếc ghế lãnh đạo WB. Bên cạnh việc tập trung khai thác có hiệu quả các chương trình y tế, ông tiếp tục "cầm trịch" dự án triển khai y tế toàn cầu với sự hợp tác của Đại học Harvard. Trước đó, ông đã từng được tung hô khi giải quyết ổn thỏa những vấn đề tại Trường Dartmouth trong thời điểm bị cắt giảm ngân sách và bạo loạn vốn vay của sinh viên.

Kim đã từng nói thế này về phong cách lãnh đạo: "Điều quan trọng nhất khi làm lãnh đạo là phải có một cái nhìn trung thực song cũng phải thật nghiêm khắc về chính bản thân mình. Không phải cứ thu hút dư luận là thành lãnh đạo. Không phải nghe những lời khen từ dư luận là làm xong việc. Thiết nghĩ người lãnh đạo phải thực sự gánh vác trách nhiệm, với tôi đó là làm sao giúp người dân được khỏe mạnh và thoát nghèo. Sự thực là WB cần đưa thế giới từ bờ vực suy sụp trở lại với quỹ đạo phục hồi, chứ không nên quá tập trung vào tài chính".

Trong suy nghĩ, Kim luôn cố gắng biến những vấn đề của thế giới thành chuyện cá nhân để dễ dàng tìm ra lời đáp chính xác nhất có thể. Người ta nói Kim là nhà vô địch trong cuộc đua đi tìm công bằng xã hội tới mức ông luôn theo đuổi mục tiêu mà nhiều chính trị gia cho rằng "không thể thực hiện". Ông ủng hộ lý thuyết toàn diện dựa trên quyền lợi và quan hệ cộng đồng trong tiếp cận giải quyết các vấn đề y tế. Chính ông khẳng định cộng đồng quốc tế cần loại bỏ suy nghĩ "cô lập" y tế với các lĩnh vực chính trị xã hội, mà phải hợp tác nhằm nâng cao cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng dịch vụ song song với phát triển kinh tế. Nhờ vậy, ông nằm trong danh sách 25 lãnh đạo tài năng nhất nước Mỹ năm 2005 và top 100 nhân vật ảnh hưởng nhất thế giới do tạp chí Time bình chọn năm 2006.

Sự lựa chọn thú vị của Tổng thống Obama

Kim rất ít khi nhận được lời chê trách nào trong cương vị Hiệu trưởng Trường Dartmouth. Chính ông đã truyền cảm hứng học tập, ý tưởng đổi mới và thay đổi bộ mặt nơi đây. Ông ấp ủ hy vọng đào tạo những thế hệ sinh viên Dartmouth tài năng nhằm cung cấp nhân lực cho các chiến dịch ứng phó thử thách toàn cầu. Tuy nhiên, đời nào người giỏi lại không phải chịu cảnh biển dậy sóng.

Năm 2011, ông bị tố cáo khi từ chối tăng chi ngân sách và yêu cầu phải giải thích rõ mọi chuyện. Ông đã công khai vấn đề bằng một bản báo cáo tài chính chi tiết trong cuộc họp với lãnh đạo các trường, khoa thành viên và lấy lại danh dự cho bản thân. Những phần tử không ưa ông tiếp tục "quăng bom"  khi lên mặt báo nói xấu hiệu trưởng là người "kém uy quyền và tín nhiệm". Số khác chê trách năng lực lãnh đạo của Kim để dẫn tới mất đoàn kết nội bộ trong khối các trường, gây biểu tình, ngừng học, rằng ông không dành đủ thời gian quan tâm và tạo điều kiện cho cấp dưới.

Chuyên gia kinh tế Jeffrey Sachs chia sẻ: "WB cần được cải tổ để trở thành nơi mọi ý tưởng được thảo luận, xây dựng các đề án nhằm giải quyết các vấn đề nhức nhối hiện nay bao gồm nghèo đói, bệnh tật và tình trạng xuống cấp môi trường trầm trọng". Sachs cho biết bản thân ông từng tiến cử một nhân vật tầm cỡ ở Mỹ song Tổng thống Obama lại lựa chọn một nhân vật châu Á. Điều này cho thấy tiêu chí hoạt động của WB đã tới lúc cần thay đổi và không bị lệ thuộc vào những lối mòn ngày trước. Còn nhớ, trước Kim đều là những nhân vật xuất chúng như chính trị gia Barber Conable, chiến lược gia Robert McNamara hay nhà ngoại giao John McCloy. Tuy nhiên, ngoại trừ sự thông minh và nhạy bén trên chính trường, họ lại bỏ quên các vấn đề xã hội mà chỉ chú tâm vào thị trường tài chính.

Rõ ràng, Jim Yong Kim là một lựa chọn khá thú vị, tuy nhiên vẫn còn nhiều hoài nghi về khả năng nắm quyền của ông. WB vốn đòi hỏi một ứng viên có chỗ đứng trên trường quốc tế và một tầm nhìn bao quát cùng sự hiểu biết về tài chính. Rõ ràng, Kim có vẻ "thiệt" hơn các ứng viên khác khi gần như không có nền tảng kiến thức tài chính.

Người ta cho rằng chuyện đề cử của Tổng thống Obama đang khiến WB "đi thụt lùi" trong vai trò một cơ quan hành pháp làm chỗ dựa cho các nước nghèo về phương diện y tế. Khi đó, WB sẽ chỉ là một tổ chức từ thiện già nua lấy tiền của người giàu chia cho người nghèo mà bỏ quên đi các trách nhiệm xã hội thuộc nhiều lĩnh vực quan trọng khác. Tất nhiên việc này là chiêu bài "ngoại giao mềm" của Nhà Trắng. Mỹ luôn bị phê phán vì đã cố tình giữ chức chủ tịch WB từ khi thành lập đến nay.

Theo thông lệ, Mỹ giữ chủ tịch WB, châu Âu chia nhau chức tổng giám đốc IMF. Nhưng nhiều nền kinh tế mới nổi như Trung Quốc, Brazil, Ấn Độ đang đòi chia sẻ quyền lực. Dù Jim Young Kim là người Mỹ, nhưng với gương mặt gốc Á, ông Obama đã phần nào làm lắng dịu những chỉ trích của phần thế giới còn lại. Trong lúc kinh tế Mỹ và châu Âu đang chao đảo, dù có dấu hiệu hồi phục, thì việc bổ nhiệm này là nước cờ khá cao tay

Lâm Anh - Thùy Dương
.
.