Chuyện gia đình của nhà tình báo: Giữa bao la tình người

Thứ Hai, 19/01/2015, 17:25
Chưa một lần được thực sự biết mặt cha (lần duy nhất được gần gũi ông là 3 ngày trên chiến khu, khi ấy Minh Vân mới hơn 1 tuổi), song có thể nói, hình bóng của người cha luôn bao trùm lên mọi hoạt động của cô con gái bé bỏng. Đó là tài năng, đức độ và lòng nhân ái mà ông truyền lại cho con gái, thông qua ân tình từ những người đồng chí, đồng đội của ông đã dành cho Minh Vân. Hay có thể nói, mọi bước thăng, trầm mà Minh Vân đã trải qua, đều phảng phất hình ảnh người cha, nhà tình báo Hoàng Minh Đạo.

Tôi xây dựng gia đình vào tháng 6/1971. Một đám cưới đơn giản, tổ chức nhờ ở nhà một người bạn, số 66 Ngô Quyền. Áo dài đi mượn. Guốc mới mẹ Kíu mua tặng. Má Hai cho 20 đồng tiền bánh kẹo. Mẹ Kíu cho 15 đồng tiền trà nước. Tôi lấy chồng đa phần là do tác động của hai bà mẹ.

Đám cưới xong, mẹ Kíu muốn chúng tôi về ở cùng. Nhưng chúng tôi quyết định đi thuê một phòng nhỏ ở số 4 Trương Hán Siêu. Phòng chỉ rộng 3m2, lại ở cạnh nhà vệ sinh công cộng… Cho đến một ngày, chú Tuyến ở trong thành đến thăm, thấy chật chội quá, liền bảo sẽ báo cáo với tổ chức. Thực sự lúc đó tôi cũng không hiểu "tổ chức" là cơ quan nào. Khoảng hơn 4 tháng sau, chú lại đến và nói với tôi: Cháu sắp có nhà ở khu tập thể Nam Đồng, hưởng theo tiêu chuẩn con của đồng chí Đào Phúc Lộc!

Tôi được chuyển đến khu tập thể Nam Đồng. Một căn phòng 18m2 quả là mơ ước của bao gia đình công chức Hà Nội thời đó. Nó quá rộng rãi so với một gia đình nhỏ chẳng có đồ đạc gì. Mãi sau tôi mới biết khu tôi ở toàn là những gia đình các vị tướng, Chính ủy Mặt trận, Tham mưu trưởng…

Bức chân dung nhà tình báo Hoàng Minh Đạo - Đào Phúc Lộc tặng con gái năm 1969.

Tại khu tập thể Nam Đồng, cách nhà tôi một cái sân có ông già cụt chân đến tận háng. Ông tên là Tám Mỹ, người Cần Thơ đi tập kết. Nghe nói cha tôi là Hoàng Minh Đạo, ông Tám tự chống nạng gỗ lên tận nhà tôi để nói chuyện. Ông tự giới thiệu là cựu chiến binh từng chiến đấu ở Tiểu đoàn 307. Ông bảo: "Bay là con ba Đạo, đang chiến đấu ở ngay trong vùng đất quê tao. Nên bay hãy coi tao như người nhà, nương tựa nhau mà sống!".

Thật cảm động, bởi những tấm lòng ngay thẳng như ông Tám Mỹ. Nghĩ lại, sao hồi đó ai cũng nghèo, ai cũng khó khăn, nhưng tại sao mọi người lại sống với nhau chân tình thế?

Thời gian này, có rất nhiều chú, bác từ chiến trường ra dưỡng bệnh tại K5A, K5B ở Nghi Tàm - Quảng Bá. Khi chưa có tin xấu của cha tôi, các bác còn mang thư và cả quà của cha nữa. Khi đã có tin xấu của cha, các bác, cô chú lại gọi tôi lên để động viên, an ủi.

Các bác và các cô chú này tôi nghe nói làm lớn lắm ở trong miền Nam như: Bác Hai Văn; bác Năm Hộ; chú Bảy Dự; bác Hai Sớm; bác Bảy An; chú Hai Phụng; chú Năm Xuân… Với sự giúp đỡ cực kỳ chân tình của bác Bảy An theo lời nhắn gửi của ba Đạo tôi mà mẹ Kíu đã được xóa thành phần từ "Thành phần tư sản bóc lột" xuống "Thành phần tiểu thương buôn bán".

Trước lúc bác Bảy An đi ba ngày thì có tin xấu của cha tôi, rằng ông mất tích! Lúc đó tôi đang lên gặp bác Năm Hộ ra chữa bệnh để nhận thư và quà nên nghe vậy thì biết vậy. Bác Bảy ra đi và hơn một tháng sau tôi được má Hai bảo: Con còn nhớ bác Bảy An không? Bác vừa hy sinh rồi! Bác Bảy An vào đến Lộc Ninh thì bị một quả bom B52 rơi trúng hầm, tung xác toàn bộ.

Tôi sửng sốt vì mới gặp và ăn cơm với bác đấy cơ mà? Chạy ngay xuống mẹ Kíu báo tin, bà lặng đi một lúc rồi bảo: Đạo ơi, chị cảm ơn em, cảm ơn anh Bảy!

Sau giải phóng 1975, tôi có được gặp bác gái của bác Bảy An mới hay tin trước khi bác Bảy ra Bắc chữa bệnh và đi họp thì hai bác ở hai chiến trường khác nhau cũng không gặp nhau được. Khi bác Bảy vào, tổ chức báo cho giao liên đưa bác gái lên Trung ương Cục để gặp bác trai. Nhưng lên đến nơi lại nghe tin bác trai bị trúng bom dọc đường…

Bức hình duy nhất Minh Vân chụp cùng bố Đào Phúc Lộc - mẹ Hoàng Minh Phụng tại chiến khu Việt Bắc, Đại Từ, Thái Nguyên.

Hai bác cùng ở miền Nam, nhưng ở hai chiến trường khác nhau, không có điều kiện gặp nhau thường xuyên nên vẫn chưa có con. Tôi lặng đi vì thương xót. Tại sao người tốt đều vậy, đều ra đi một cách nhanh chóng?

Khu nhà tôi ở Nam Đồng gần cổng bảo vệ, trước sân nhà có một cái ao. Tôi thân với cô Quảng. Nhà cô có ba em tên là Bắc, Nam và Lan. Sau giải phóng, tôi mới biết chồng cô từng là Tư lệnh của Mặt trận Sài Gòn. Tên chú là Nguyễn Ngọc Lộc, bí danh Tư Quỳ, rất thân với cha tôi. Thấy bảo chú là hình ảnh người lính trong bài thơ "Dáng đứng Việt Nam" trong đợt Tổng tiến công Mậu Thân 1968.

Vào một sáng Chủ Nhật, khoảng tháng 8/1973, tôi đang ngồi chơi với Đào, con gái đầu lòng, thì thấy có một xe com-măng-ca đến đậu trước cửa nhà. Trong xe một người trung niên mặc áo cổ vuông quân đội hỏi về nhân thân của tôi. Khi biết tôi là con ba Đạo, ông la lớn: “Đây đúng là bay rồi”!

Rồi ông bảo tôi lên xe và chở tôi đến số 8 đường Chu Văn An. Đó là nhà khách Trung ương. Sau đó tôi biết tên anh là Mười Lù. Anh Mười Lù dẫn tôi lên lầu một, vào một cái phòng rất lớn, thấy có 3 người, trong đó có một người tôi đã biết, đó là Anh hùng Hồ Thị Bi.

Người đàn ông cao, gầy hỏi tôi: Cháu tên gì? Cha cháu có những tên gì? Tôi trả lời xong, ông nhìn tôi một lúc rồi nói: Con có cái xương cằm giống bố quá! Và quay ra nói với người phụ nữ còn lại trong phòng: Đúng con anh Năm rồi!

Ông dặn tôi: Gọi chú bằng chú vì chú thua bố cháu một tuổi. Chú là Năm Xuân, hay còn gọi là chú Tám Cao (tức Đại tướng Mai Chí Thọ) ở với cha cháu rất nhiều năm từ đánh Pháp đến đánh Mỹ. Đây là dì Bảy Huệ ở Ban Tổ chức Trung ương và là vợ của bác Mười Cúc (Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh). Dì Năm (tức Anh hùng Hồ Thị Bi) thì con biết rồi!

Ông bảo tôi ăn bánh kẹo đi. Một lúc sau, ông nói: Bố cháu trên đường đi công tác gặp phải bọn thám báo Mỹ bao vây. Anh em đánh trả quyết liệt. Nhưng lực lượng ta yếu, vì chỉ có một tiểu đội bảo vệ. Trong khi đó, tụi nó có cả máy bay trực thăng, tàu thủy, pháo bay ở các căn cứ bắn sang dày đặc…

Tôi thực sự toát mồ hôi. Như vậy là niềm hy vọng cuối cùng chờ đợi một phép màu đã tắt ngấm. Tôi bật khóc!

Chờ đợi mãi rồi Ngày Toàn thắng 30/4/1975 đã đến!

Tôi lên tàu thủy Thống Nhất vào ngày 22/6/1975, chuyến đi chỉ có hai mẹ con với một túi quần áo. Lúc đó tôi vô tư đến mức quyết định đem trả lại chìa khóa căn hộ tập thể tôi đang ở cho Ban Quản lý. Đó là căn hộ tập thể tôi được phân ở khu Nam Đồng và tôi có toàn quyền sử dụng.

Nhưng vì ao ước vào Nam tìm cha, nên tôi không nghĩ ra điều gì cả. Sau chiến thắng thống nhất đất nước ai cũng vậy. Chỉ hy vọng tìm được gia đình sau thời gian chia cắt. Nhưng chiến tranh là vậy. Nó đã cướp đi mọi niềm hy vọng của một người con suốt tuổi thơ côi cút là tôi.

Sau nhiều biến cố, tôi trở lại thành phố Hồ Chí Minh và được phân công về làm Phó Giám đốc Xí nghiệp Đông lạnh. Lâu lâu tôi lại gặp những người bạn cũ trước đây, giờ đã có địa vị ở những địa phương khác nhau. Bạn bè mừng rỡ, tinh thần vô tư và tôi luôn được các bạn giúp đỡ nhiệt tình. Đến bây giờ thì tôi hiểu do mình sống "ruột để ngoài da", không bon chen, không kèn cựa nên dễ sống và luôn có được tình bạn gắn bó lâu dài.

Bà Minh Vân thay mặt gia đình đón nhận danh hiệu Anh hùng LLVTND của liệt sĩ Đào Phúc Lộc, tại Hà Nội năm 1998.

Khi tôi mới về, nhà máy mỗi năm chỉ nhập xuất hơn 5 triệu USD. Thời gian sau, nhà máy đã có nguồn đối lưu cao, doanh thu trên 30 triệu USD. Nhà máy của tôi được khen thưởng liên tục. Mặc dù doanh thu tăng như vậy, nhưng trong tôi luôn vảng vất câu hỏi: Tại sao càng sản xuất có năng suất cao thì khi hoạch toán lại càng bị lỗ? Lúc đấy ít người để ý đến vấn đề này, chỉ tập trung vào việc có hàng xuất đi là có hàng đối lưu về.

Tôi bắt đầu xem xét vấn đề một cách nghiêm chỉnh. Và tôi đã tìm ra, cứ lô hàng nào đi qua một số đối tác nhất định là sau đó đều có bản fax gửi lại xin giảm giá từ 20% đến 30% giá xuất… Và thường được ông Mười giám đốc đồng ý cho giảm. Và còn nhiều sự việc bất thường khác nữa. Như tiền đem đầu tư ở các bè cá An Giang, Cần Thơ để nhận hàng nguyên liệu về và trả lại là hàng đối lưu như xe Honda, phân bón, hạt nhựa, các loại xi măng…

Đó là những mặt hàng cao cấp, vì hồi ấy hàng hóa rất hiếm. Sau đó những mặt hàng chiến lược luôn được điều tiết cho các nơi sẽ giao nguồn nguyên liệu mà hàng đó sẽ là hàng xuất đi cho các công ty trên, với tỉ lệ có ưu đãi đặc biệt… Và đa phần hàng đối lưu đã gây thua lỗ cho nhà máy.

Đem thắc mắc đó nói chuyện và trao đổi với nhiều người trong công ty và tổng công ty thì đều nhận được thái độ phủ định. Có người còn nói: "Cô đừng làm mất uy tín nhà máy!".

Tôi vẫn đi làm và cảm thấy cô lập. Rồi việc có một số người đề cử cho ông giám đốc của tôi thành Anh hùng Lao động không thành cũng đổ lỗi cho tôi…

Khi có phong trào "Những việc cần làm ngay" của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, sau nhiều ngày suy nghĩ, tôi làm đơn xin ra làm ngoài… Sau này tôi chỉ nghe nói bức thư đó là cơ sở cho thanh tra vào làm việc với nhà máy.

Tôi bắt đầu hành trình đi tìm công việc mới trong lòng đầy lo lắng. Sự việc tôi bỏ Nhà nước xin ra làm việc bên ngoài lúc đó còn là hành động mới lạ. Thực tế, thời đó có rất ít người Việt Nam làm cho nước ngoài, vì chưa có chính sách mở cửa kinh tế và cũng chưa có chính sách, quy định cụ thể cho người Việt Nam làm cho nước ngoài.

Tôi đã tự tìm ra đường đi cho mình. Tôi không cãi cọ hoặc trả thù ai cả. Song tôi luôn tự nhủ với lòng mình: Hãy cố gắng! Đừng có vi phạm pháp luật mà ảnh hưởng đến vong linh của bố. Cái gì làm được tôi quyết làm, không nề hà gì cả. Tôi thực hiện đúng lời mẹ Kíu dạy khi còn bé: Mình làm gì, miễn không trộm cắp là được.

Rồi thì mọi việc cũng qua đi. Các con tôi siêng năng làm việc và rất thương yêu tôn trọng mẹ, sống thân tình với nhau. Tôi rất vui và hạnh phúc vì những kết quả ban đầu có hậu. Tôi nghĩ, ai chả mong những điều hạnh phúc ở đoạn cuối đời.

Nhiều khi ngẫm lại, mới thấy cuộc sống thật không dễ dàng. Khi tôi quyết định nghỉ công việc ở Nhà nước ra làm dân để có tiền nuôi con, tôi đã gặp bao nhiêu là rắc rối. Lúc đó cũng có nhiều người ganh ghét. Một số người lòng ích kỷ cao hơn tình bạn cũng đã tìm mọi cách dìm mình xuống, đạp thêm cho mau chìm. Cũng có nhiều kẻ ăn theo, kiểu giậu đổ bìm leo.

Rồi những kẻ đạo đức giả xuất hiện, tỏ vẻ ta đây là lương thiện nên thêu dệt thêm nhiều chuyện thị phi. Nhất là khi biết tôi ký hợp đồng làm giám đốc cho công ty nước ngoài. Lúc đó hơi ấu trĩ giáo điều nên tôi bị cơ quan chức năng gọi lên gọi xuống, hạch sách đủ điều. Tôi đã bị đơm đặt bao nhiêu là chuyện ác ý, để làm quà cho người khác. Mục đích của những kẻ đó đều nhằm chứng minh chỉ có họ là người tốt nhất trong thiên hạ!

Tôi đã cố gắng loại bỏ tất cả những người được gọi là bạn đó. Tôi biết, xung quanh mình còn rất nhiều bạn tốt. Và tôi đã cố gắng vượt qua được bằng ý chí kiên cường và tự tạo niềm tin cho mình. Tôi cảm ơn các bạn tốt của tôi, và tôi luôn biết ơn họ mãi mãi. Và ngược lại, tôi cũng cảm ơn những kẻ tiểu nhân kia, cũng nhờ họ mà tôi đã mạnh mẽ hơn và quyết tâm vươn lên hơn nữa!

* Theo "Không thể mồ côi" của Minh Vân, NXB CAND - 2014.

M.V.
.
.