Herberts Cukurs – Phi công hay tội phạm chiến tranh?

Chủ Nhật, 09/12/2018, 08:25
85 năm trước, vào một ngày tháng 8-1933, viên phi công người Latvia là Herberts Cukurs trên một chiếc máy bay tự chế đã cất cánh từ sân bay Riga để thực hiện một hành trình lịch sử tới châu Phi. Thành công rực rỡ của chuyến bay tới Gambia đã giúp Cukurs trở thành một anh hùng dân tộc thực sự. Nhưng Chiến tranh thế giới thứ hai đã thay đổi tất cả.

Tại đất nước Latvia bị chiếm đóng, Cukurs gia nhập lực lượng SS, và theo nhiều nguồn tin khác nhau, đã đích thân sát hại rất nhiều người Do Thái. Biến mất tăm sau khi kết thúc chiến tranh, nhưng phải đến 20 năm sau, các điệp viên của Mossad mới lần ra dấu vết của Cukurs tại Nam Mỹ. Sau kết cục bi thảm của phi công huyền thoại người Latvia, vẫn còn rất nhiều ý kiến tranh luận về con người thực sự của Herberts Cukurs…

Đại bàng huyền thoại của Latvia

Herberts Cukurs sinh ngày 4-5-1900 trong một gia đình thợ nguội có đông con tại thành phố cảng Liepaja. Vào năm 1917, chàng thanh niên trẻ Cukurs rời bỏ quê hương, khi đó đang bị quân Đức chiếm đóng, chạy sang Nga để tránh bị bắt gia nhập quân đội Đức. Tuy nhiên, chỉ một thời gian sau anh ta quay trở về, đến năm 1919 gia nhập quân đội của nước cộng hòa Latvia mới được thành lập.

Nằm trong đội hình một tiểu đoàn bộ binh với vai trò xạ thủ súng máy, Cukurs đã tham gia chiến đấu chống lại lực lượng Bolshevik, được phong quân hàm trung sĩ nhờ lòng dũng cảm. Khi lên tới cấp bậc trung úy, Cukurs được nhận vào trường huấn luyện bay.

Herberts Cukurs luôn được coi là một phi công huyền thoại trong lịch sử của Latvia.

Vào những năm 1920 khi đó, hàng không được coi là một lĩnh vực khoa học mới và tiên tiến nhất. Mỗi một phi công ghi được một kỷ lục về tốc độ hay tầm bay đều được ghi nhận trong lịch sử thế giới như một anh hùng.

Do đặc biệt đam mê bầu trời và dành tất cả thời gian cho sở thích này, Cukurs nhanh chóng trở thành một trong những phi công xuất sắc nhất của Latvia. Hơn nữa, anh ta còn thể hiện được khả năng cũng như đam mê trong lĩnh vực chế tạo khi tự mình thiết kế được các thiết bị bay cũng như cải tiến được nhiều bộ phận trên máy bay.

Đến năm 1924, Cukurs bị đuổi khỏi quân đội cũng chính bởi sự đam mê và quyết tâm làm bằng được mọi việc theo ý mình. Giới chỉ huy khi đó bắt anh ta phải xuất ngũ sau hàng loạt những vụ vi phạm kỷ luật: chẳng hạn như tự ý lái máy bay chui qua một cây cầu tại Liepaja hay lượn ngay trên các đường phố đông đúc tại đây. Cukurs được mệnh danh là “Chkalov của Latvia” không chỉ bởi tài nghệ lái máy bay, mà còn vì lòng đam mê mạo hiểm tương tự như phi công huyền thoại Xôviết.

Tính cách nổi loạn của Cukurs còn khiến anh ta dính líu vào rất nhiều rắc rối khác. Sau khi được nhận lại vào quân đội nhờ tài năng của mình, Cukurs lại tiếp tục bị đuổi vào năm 1930 vì tội… buôn lậu rượu từ Estonia. Thói quen đam mê và chơi bời cũng khiến Cukurs khánh kiệt tới mức phải tuyên bố phá sản. Dù vậy, chàng phi công tài năng cũng không nản chí, tìm cách gây dựng từ đầu bằng nghề tài xế và phân phát hàng. Sau khi tích cóp đủ tiền, Cukurs quay trở lại với đam mê thiết kế chế tạo máy bay.  Một trong những mẫu máy bay thành công nhất của Cukurs chính là chiếc C-3 đã đi vào lịch sử.

Vào thời kỳ đó, những siêu sao thực sự trên khắp thế giới chủ yếu là những phi công đã thực hiện được những chuyến bay dài kỷ lục. Cukurs cũng quyết định bằng mọi cách phải nổi tiếng theo con đường này.

Vào năm 1933, ông thực hiện chuyến bay dài kỷ lục vào thời đó tới Gambia (Tây Phi). Đúng như mong đợi, Cukurs đã trở thành một anh hùng thực sự sau khi thành công trở về nước. Chưa đầy một năm sau, ông được mời trở lại phục vụ quân đội cùng với việc phong quân hàm đại úy. Cũng trong thời gian này, Cukurs còn thể hiện một tài năng nữa trong lĩnh vực văn chương với việc cho xuất bản cuốn sách “Chuyến bay tới Gambia”.

Năm 1936, trên chiếc máy bay tự chế C-6 khác, Cukurs đã thực hiện một hành trình dài đầy ấn tượng tới Tokyo, sau đó lần lượt tới Nga, Trung Quốc, Indonesia và Ấn Độ. Sau đó còn phải kể tới vài chuyến bay tới Trung Đông và Bắc Phi. Tất cả những ấn tượng trong các chuyến phiêu lưu của mình được Cukurs mô tả rất sống động trong cuốn tiểu thuyết “Giữa mặt đất và mặt trời” xuất bản năm 1937.

“Tên đồ tể thành Riga”

Sau khi nhà nước xã hội chủ nghĩa tại Latvia được thành lập, Cukurs bị sa thải khỏi quân ngũ. Tới Moskva vào mùa xuân năm 1941, ông được mời tham gia vào các dự án thiết kế máy bay chiến đấu cho Hồng quân. Tuy nhiên, Cukurs đã khước từ với lý do hoàn cảnh gia đình để quay trở lại quê nhà.

Những nạn nhân Do thái trong chiến tranh thế giới thứ hai.

Cũng vì chuyến đi Nga trên cũng khiến cho Cukurs chút nữa phải trả giá bằng mạng sống của mình, do bị chính quyền chiếm đóng của phát xít Đức sau đó nghi ngờ ông có mối quan hệ với cộng sản. Một người quen cũ là Victor Arajs đã cứu ông khỏi nguy cơ bị xử bắn. Ân nhân này khi đó đang được phát xít Đức giao nhiệm vụ thành lập một lực lượng cảnh sát bao gồm những cư dân địa phương (gọi là tổ chức Arajs Kommando), một trong những nhiệm vụ chính là tham gia “giải quyết triệt để vấn đề Do Thái tại Latvia”.

Như để trả ơn cứu mạng, Cukurs tham gia vào lực lượng này và hoạt động rất tích cực. Theo lời của nhiều nhân chứng còn sống sót, Cukurs đã tham gia trực tiếp vào những tội ác của Arajs Kommando. Do vào thời điểm đó đã là một người rất nổi tiếng, mọi hành động tội ác của Cukurs đều được các nhân chứng nhớ rất rõ.

“Tôi thấy những người Do Thái bị đưa ra khỏi thành phố, và chính Herberts Cukurs chỉ huy các binh lính làm việc này. Ông ta mặc bộ đồ phi công màu đen – một nhân chứng có tên Kraam kể lại – Ông ta ra lệnh cho tôi và những người khác chất xác những người Do Thái lên chiếc xe trượt tuyết và chuyển tới nghĩa địa. Một phụ nữ Do Thái hét lên khi bị kéo lên chiếc xe tải vì không muốn bị chia tách với đứa con gái. Cukurs rút khẩu súng lục bắn chết bà luôn. Tôi cũng nhìn thấy ông ta chĩa súng vào đứa bé gái đang khóc vì mất mẹ...”.

Nhân chứng Eliezer Karstadtcòn nhớ rõ sự kiện ngày 9-12-1941, khi Cukurs cùng quân lính lùng sục từng ngôi nhà và lôi những người Do Thái ra ngoài. Cũng chính ông nhìn thấy Cukurs tự tay bắn chết một phụ nữ vào ngày này.  Nhân chứng Eduard Smits còn khẳng định, Cukurs rời khỏi Arajs Kommando vào cuối năm 1942. Lần cuối cùng ông ta còn bắt gặp Cukurs tại Latvia là vào mùa hè năm 1943. Khi đó viên phi công này lại mặc thường phục.

Trả giá!

Không lâu trước khi kết thúc chiến tranh, Cukurs chạy khỏi Latvia, đầu tiên là tới Pháp, sau đó là Brazil, mang theo cô vợ Milda cùng hai cậu con trai. Tới Brazil, Cukurs định cư tại Rio de Janeiro và bắt tay vào kinh doanh – mở một dịch vụ cho thuê canô, ván trượt và cả một chiếc máy bay do mình tự chế tạo. Chẳng bao lâu, ông ta bỏ vợ và cũng rất nhanh chóng cưới một phụ nữ Brazil.

Nhưng cuộc sống bình an của Cukurs bên kia đại dương không kéo dài được lâu. Bắt đầu xuất hiện những tin đồn về những tội ác thảm sát người Do Thái của ông ta. Những mối quan hệ làm ăn xấu đi nhanh chóng, chưa kể có cả một nhóm người lạ còn đột nhập vào cửa hàng để đập phá. Cukurs bác bỏ mọi lời buộc tội nhằm vào mình. Ông ta khẳng định không những không sát hại người Do Thái, mà còn giúp 5 người trốn thoát khỏi bàn tay của những tên đao phủ. Không thể thuyết phục được những người xung quanh, Cukurs cùng vợ chuyển tới thành phố Santos. Ông đã hai lần xin nhập quốc tịch Brazil nhưng đều bị từ chối.

Ngay sau khi kết thúc chiến tranh, các tổ chức xã hội và cơ quan mật vụ của nhà nước Israel non trẻ bắt đầu chiến dịch quy mô truy lùng những tên tội phạm phát xít cũ có nợ máu với người Do Thái. Các điệp viên của Mossad săn lùng các đối tượng này tại nhiều thủ đô trên khắp thế giới, cũng như cả những địa điểm ẩn náu xa xôi nhất. Những kẻ bị phát hiện và bắt giữ hoặc bị đưa ra tòa án ngay tại địa phương, hoặc đưa về Israel xét xử.

Trong nhiều trường hợp, khi cả hai phương án trên đều không thể, bản án sẽ được tuyên và thực hiện ngay tại nơi phát hiện. Kết cục đáng buồn của Cukurs lại nằm trong trường hợp này. Cukurs dù không phải là một tội phạm phát xít cỡ lớn, nhưng sự nổi tiếng trước đó đã khiến ông ta được chú ý đặc biệt. Nhờ sự giúp đỡ của cộng đồng Do Thái tại Brazil, các điệp viên Mossad đã lần ra dấu vết của “Tên đồ tể thành Riga” vào giữa những năm 1960.

Có hai giả thuyết về cái chết của Cukurs. Theo giả thuyết đầu tiên, một điệp viên Mossad giả vờ làm quen với tay cựu phi công, cảnh báo ông ta về mối nguy hiểm và khuyên nên chạy trốn tới Uruguay. Trong thời gian chạy trốn, Mossad dự định sẽ đánh thuốc mê, sau đó giấu Cukurs trong một chiếc hòm đặc biệt, chuyển về Israel để xét xử. Tuy nhiên, Cukurs khi tới Urugay đã tỏ ra nghi ngờ và quyết định hành động theo kế hoạch của riêng mình. Lo ngại để sổng mất Cukurs, nhóm điệp viên Mossad quyết định thủ tiêu tại chỗ vào ngày 23-2-1965.

Còn theo giả thuyết thứ hai, Sukurs bị một cựu tù nhân từ Riga (từng bị mất cả gia đình tại đây) phát hiện ra. Tự giới thiệu là một cựu trung úy phát xít, anh ta dần có được sự tin cậy của Cukurs, đề nghị cùng mở một công ty kinh doanh chung. Cả hai tới Uruguay để xem xét địa điểm đặt văn phòng. Tại đây đã có một nhóm điệp viên Israel chờ sẵn, đọc bản án và hành quyết ngay bằng một phát đạn vào đầu.

Vào ngày 7-3-1965, văn phòng của Hãng tin Associated Presstại Bonn (Tây Đức) nhận được một lá thư nặc danh của một nhóm tự xưng là “Những người không bao giờ quên lãng”. Các tác giả bức thư khẳng định, họ đã hành hình Cukurs vào ngày 23-2-1965 vì tội đã tham gia vào chiến dịch sát hại hơn 30 ngàn người tại Latvia trong những năm Chiến tranh thế giới thứ hai. Phần cuối lá thư còn đề một địa chỉ tại Montevideo, nơi quả thực sau đó đã tìm ra chiếc hòm chứa thi thể của viên phi công.

Sự dính líu của mật vụ Mossad trong vụ này còn được khẳng định gián tiếp ngay sau đó qua việc, ngay trong ngày Hãng Associated Press nhận được lá thư nặc danh, tờ báo “Yedioth Ahronoth” của Israel đã cho đăng bài báo với tiêu đề: “Cukurs, kẻ sát hại những người Do Thái tại Riga, đã bị bắt cóc và phát hiện đã chết trong một chiếc hòm tại Uruguay”. Mọi việc về sau đã rõ ràng hơn, sau khi một điệp viên có mật danh "Anton Kunzle” từng trực tiếp hành quyết Cukurs đã cho xuất bản cuốn sách nhan đề “Tiêu diệt tên đao phủ từ Riga”.

Anh hùng hay đao phủ?

Ngay tại đất nước Latvia hiện nay vẫn đang có nhiều tranh luận trái chiều xung quanh nhân vật Cukurs. Không ít những người hâm mộ cho rằng ông ta chỉ là nạn nhân của sự vu cáo vì Cukurs không hề giết người Do Thái mà ngược lại còn cứu giúp họ. Phe này quả quyết rằng, Cukurs chỉ đảm trách cương vị quản lý một trạm xe ôtô trong thành phần của Arajs Kommando. Vào năm 2014, tại một loạt thành phố lớn của Latvia đã công diễn vở nhạc kịch “Cukurs. Herberts Cukurs”, trong đó viên phi công được mô tả là một người vô tội, là nạn nhân của hoàn cảnh khi đó.

“Nguyên nhân khiến chúng tôi bắt tay dàn dựng đề tài này là do Herberts Cukurs vẫn đang là một trong những nhân vật thú vị nhất, cho dù có nhiều đánh giá trái chiều về nhân cách trong lịch sử. Có thể nói ông ta là một người có nhiều khía cạnh như tên cướp Kaupens” – đạo diễn Uris Millers của vở nhạc kịch giải thích. Tên tuổi của Cukurs cũng vừa được nhắc tới ngay tại Cuộc thi ca khúc truyền hình châu Âu “Eurovision”, nơi cô ca sĩ Laura Rizzotto từ Brazil lại tham gia đại diện cho Latvia. Việc lựa chọn nữ ca sĩ này làm đại diện đã gây rất nhiều tranh luận tại Latvia, nguyên nhân là do Rizzotto chính là chắt của Cukurs.

Cho dù Laura không lọt vào được vòng chung kết, nhưng sự chú ý của các phóng viên đối với cô lại chẳng kém cạnh gì so với các thí sinh vào vòng trong. Trong cuộc trả lời phỏng vấn một tờ báo của Latvia, cô ca sĩ này vẫn tuyên bố: “Cụ của tôi là một phi công xuất sắc và là một người yêu nước chân chính của Latvia”.

Quỳnh Nga (tổng hợp)
.
.