Kinh hoàng “khu hiến tế” Quintero, Chile

Thứ Hai, 16/03/2020, 08:43
Tại Quintero, tình trạng rò rỉ dầu thô và ô nhiễm từ ngành công nghiệp nặng đang gây tổn thất nặng nề cho sức khỏe của dân bản địa. Và có một cuộc chiến để dọn sạch một trong những "khu hiến tế" này của những người dân, với mong muốn làm sạch đất nước Chile của họ.


Vào nơi “bẩn nhất Chile”

Một buổi sáng dịp cuối tháng 8 năm 2018, bà Carolina Astudillo rời nhà mình tại Quintero (thành phố duyên hải của tỉnh Valparaiso, cách thủ đô Santiago de Chile khoảng 2 giờ lái xe), và ngờ ngợ nhận ra có sự biến đổi không khí quanh mình. Lúc đến cuối khối nhà, Astudillo đã ho khù khụ. Bà cảm thấy mình như muốn bệnh, tay chân tê cứng. 

"Thật cay đắng. Tôi hầu như chả thể thở được. Họng đau, tay chân cứ đơ ra", bà Astudillo rùng mình nhớ lại. Sự tình chẳng quá bất ngờ đối với người dân Quintero và các ngôi làng lân cận đó.

Nhiều người hàng xóm cũng mắc phải các chứng bệnh hô hấp như hen suyễn. Không khí thường có vị đắng của kim loại hơn là vị mặn mòi của biển cả. Ngay cả bờ biển cũng đen hơn bình thường, cát thường nhớp nháp xỉ than đá từ các tàu hàng đang đến. Vài xác chim chết dạt trên bờ biển, và một số gia đình đã ăn thịt chúng khi họ đi dã ngoại.

Sóng biển đánh than đá dạt lên bờ ở thành phố Quintero, Chile. Ảnh nguồn: Mongabay.

Nhưng lần này thì tệ hơn bình thường. Vài loại khí hóa học bao gồm Methyl chloroform, Nitrobenzene và Toluene thoát ra từ nhà máy hóa chất và lọc dầu cạnh bên đã phủ chụp lên cả thành phố. Khoảng ngày 21 tháng 9 đến ngày 18 tháng 10 năm 2018 đã có 1.398 người phải điều trị do ngộ độc khí trong các bệnh viện địa phương, theo báo cáo của Bộ Y tế Chile. Các cư dân thành phố Quintero và vùng Puchuncaví còn đối mặt với một cuộc khủng hoảng công nghiệp khác. 

Chỉ cách nơi bà Astudillo sống cùng chồng, con vài cây số là trung tâm của nền công nghiệp Chile. Nó là ngôi nhà cho một số ngành công nghiệp lớn nhất và bẩn nhất: các nhà máy điện than, nhà máy xi măng, nhà máy nhiệt điện, khí đốt thiên nhiên. Vốn chỉ có một lò luyện đồng hồi năm 1960, ngày nay nơi đây có khoảng 20 cơ sở công nghiệp khác nhau, chúng nằm trong một kế hoạch nhà nước nhằm thúc đẩy sản xuất. 

Khu công viên công nghiệp với mục đích là đầu tàu cho sự tăng trưởng kinh tế ở Chile, quốc gia được xếp vào hàng ngũ "những nước phát triển", là một ý tưởng bắt nguồn từ Bộ trưởng hợp tác kinh tế Tây Đức, ông Walter Scheel. 

Ông này đã thị sát Vịnh Quintero trong lúc diễn ra công tác xây dựng nhà máy sản xuất đồng, thời điểm đó ông Scheel từng phát biểu: "Chile không chỉ một quốc gia phát triển căn cơ mà còn là một quốc gia toàn tâm hướng tới sự phát triển". 

Nhưng phát triển cũng đồng nghĩa phải trả giá. Dân tình và các nhà hoạt động đã từ lâu gọi Quintero là một trong những "khu hiến tế" của Chile, nói nôm na thì đó là những khu mà chỉ số ô nhiễm và nhiễm độc đặc biệt cao, và rằng cả thiên nhiên và con người ở các nơi đó đã bị vắt kiệt sức cho sự phát triển kinh tế.

Ông Rodrigo Barría từ Tổ chức Hòa bình xanh Chile, than thở: "Chúng tôi vẫn thường gọi Quintero là Chile Chernobyl. Môi trường bết bát mà không thể sửa chữa. Đất đai hư hết, nước sạch cũng nghèo nàn. Người dân đang bị "tế sống". Xã hội bất an, dân tình nghèo khổ".

 Có 5 "khu hiến tế" ở Chile, và suốt nhiều năm, các cộng đồng dân cư ở những nơi này đã đấu tranh không mệt mỏi nhằm giành quyền được sống trong môi trường lành mạnh. Họ cần thắt chặt các quy định công nghiệp, bồi thường cùng những dịch vụ y tế tốt hơn. 

Năm 2019, các nhà chiến dịch đã giành được chiến thắng lịch sử khi Tòa án tối cao đã xác nhận chính phủ Chile phải chịu hoàn toàn trách nhiệm cho nạn ô nhiễm môi trường trong năm 2018, và phải cần các bước đi vững chắc để tránh tái lập lại thảm họa. 

Trong khi Chile tất bật chuẩn bị tổ chức hội nghị môi trường quốc tế COP25 vào năm 2019 thì Tổng thống Sebastian Pinera đã giới thiệu một bản kế hoạch khử carbon năm 2040, với hứa hẹn về một nhà máy khử độc ở Quintero nhằm bình thường hóa và đóng băng các mức độ hạt vật chất, sulfur dioxide và nitrogen oxide trong vòng 3 năm. 

Chính phủ Chile tuyên bố sẽ có sự cắt giảm đáng kể. Lấy ví dụ như công ty đồng Codelco được phê chuẩn cho sản xuất 1.000 tấn hạt đồng/năm, nhưng các kế hoạch mới sẽ yêu cầu công ty này giảm 91% sản xuất chỉ còn 89 tấn hạt đồng/năm.

Nhưng kế hoạch của ông Sebastian Pinera đã bị rạn nứt khi kế hoạch khử carbon chỉ đóng cửa mỗi 2 nhà máy lâu đời và sản xuất ít hiệu quả nhất ở Quintero đến năm 2024, còn các tổ chức môi trường vẫn ca thán việc không giải quyết triệt để mức độ thủy ngân hay kim loại nặng có mặt trong vùng. 

Tiếp đó là việc ông Sebastian Pinera phải rút khỏi buổi hội nghị sau khi một cuộc biểu tình quy mô lớn diễn ra tại Chile vào tháng 10 năm 2019. Kể từ đó hàng triệu người đã xuống đường biểu tình vì những bất công sâu sắc. Sau đó các cuộc biểu tình đã lan sang đòi hỏi các tiêu chuẩn sống, từ tư nhân hóa chăm sóc sức khỏe, quyền cho người bản địa và môi trường. 

Và yêu cầu ngừng ngay "các khu hiến tế": 20 trẻ em ở Quintero phải nhập viên do ngộ độc sulphur dioxide. Bà Astudillo rầu rĩ nói: "Nói nhiều không giải quyết việc gì, tình thế không xoay chuyển. Chúng tôi bị bỏ rơi".

Tác động ô nhiễm nặng nề

Bà Katta Alonso, một nhà hoạt động 65 tuổi, thuộc Tổ chức các phụ nữ trong Khu hiến tế (WOSZ), từng sống ở ngôi làng lân cận Las Ventanas. Nhà bà ngoảnh mặt ra vịnh Quintero, nơi từng là một điểm nghỉ mát hè được yêu thích. 

Bụi khói mù mịt từ các nhà máy bao phủ bầu trời thành phố Quintero, Chile. Ảnh nguồn: UrduPoint.

Bà Alonso nhớ lại khoảng thời gian trước khi Quintero hoạt động công nghiệp: "Ồ, chất lượng sống thời đó miễn chê! Chúng tôi sống sát biển, làm ăn khấm khá nhờ đất đai và du lịch. Nơi đây có nhiều cồn cát, thiên nhiên và chim trời. Đùng một cái nhà máy mọc lên, lúc đầu người ta nghĩ đến cơ hội nhiều việc làm. Nhưng dần dà họ thấy mình lầm". 

Dân tình dần cảnh giác với những bất ổn chỉ vài năm sau khi các nhà máy đi vào hoạt động. Cuối thập niên 1960 đã có các báo cáo về gia súc và ngựa chết, đất đai ngày một hoang hóa. Những người già vẫn rùng mình khi kể lại các công nhân xanh xao khi làm việc trong nhà máy luyện đồng, rồi lăn đùng ra chết vì ung thư. Nội tạng họ có các sắc tố màu xanh lá cây do ô nhiễm.

Năm 2013, xác của 4 công nhân được khai quật, kim loại nặng như thủy ngân và thạch tín được tìm thấy trong xương họ. Tác hại còn dai dẳng. Ngành công nghiệp đánh cá ở Quintero bị hủy bỏ do ít cá và biển cả quá ô nhiễm. Nồng độ thạch tín cao được tìm thấy ở nhiều loài. Năm 2016, loài cua Jaiba Peluda có lượng thạch tín lên tới 57,58mg/kg vượt xa mức cho phép là 2mg/kg. 

Dân Quintero đối mặt với chứng dị ứng. Một số học sinh không thể ăn cơm trưa ngoài sân chơi do mức độ ô nhiễm quá cao. Và các tai nạn công nghiệp xảy ra như cơm bữa bao gồm 3 sự cố tràn dầu lớn xảy ra tại vịnh Quintero trong vòng 6 năm qua. Vụ tràn dầu lớn nhất trong năm 2014 khi 37.000 lít dầu được bơm thẳng ra biển sau khi 2 tàu dầu mất liên lạc. 

Trước đó vào năm 2011, hơn 40 trẻ em đổ bệnh sau một vụ rò rỉ hóa học tại một nhà máy luyện đồng đã gây ra chứng nôn mửa, vọp bẻ và ngất xỉu. Một cuộc điều tra đã cho thấy các mức độ chì và thạch tín trong trường học, nơi nằm cách nhà máy luyện đồng Codelco (sở hữu nhà nước) chỉ đúng 500m.

Ô nhiễm than cũng để lại tác động nặng nề. Năm 2018, bà Katte Alonso đếm có đến 146 ngày xỉ than từ ngoài biển tràn lên bờ. Tháng 10 năm 2019 là 170 ngày. Bà Maria Araya, chủ tịch hội đồng cố vấn của bệnh viện tại Quintero, bức xúc: "Quyền đời sống của chúng tôi đã không được công nhận. Lũ trẻ dễ bị tổn thương, chúng không thể tận hưởng nhiều thứ như trẻ em bình thường. Đôi khi chúng không thể thở ngoài lớp học, không thể đi học hay tập thể dục. Số người mắc bệnh hen suyễn, ung thư đã lên tăng gấp đôi".

Một báo cáo gần đây của Đại học Catolica (Santiago de Chile) đã công bố rằng trong các "khu hiến tế", người dân dễ mắc các chứng bệnh và chết sớm. Tỷ lệ ung thư đã hủy hoại sự đa dạng sinh học. Bà Florencia Ortúzar (từ Hiệp hội phòng vệ môi trường liên Mỹ - AIDA) cho rằng các công ty vẫn xả thải do các quy định ràng buộc sản xuất khá lỏng lẻo. Chẳng hạn như khuyến nghị của WHO là lượng xả thải sulphur dioxide là 20 ug/m3 / ngày, nhưng ở Chile đang là 250ug/m3 / ngày.

Bà Florencia Ortúzar lưu ý đến "nhiều ngành công nghiệp quan trọng" cho nền kinh tế Chile hiện diện trong vùng Quintero-Puchuncavi, có bao gồm 4 nhà máy nhiệt điện than. Mặc dù có trữ lượng lớn về năng lượng mặt trời và năng lượng xanh, cuộc chạy đua về phát triển và tăng trưởng kinh tế ở Chile vẫn bám vào những ngành công nghiệp này. Chile là quốc gia Nam Mỹ đầu tiên tham gia vào khối OECD, và là nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực. 

Bà Florencia Ortúzar nói thêm rằng nhiều ngành công nghiệp trong khu vực không quan tâm xem nguồn ô nhiễm đến từ đâu, ai cần phải tuân thủ. Tháng 10 năm 2019, các công tố viên Chile đã buộc tội cho 6 giám đốc điều hành (CEO) của tập đoàn năng lượng nhà nước ENAP có liên quan đến khủng hoảng ô nhiễm trong năm 2018. 

Song ông Cristian Muga (một luật sư đại diện cho ENAP) đã phàn nàn với Hãng tin Reuters: "Thật không công bằng khi phạt tội các CEO của chúng tôi, sự cố đó là kết quả của nhiều hoạt động đang diễn ra trên vịnh Quintero".

Người nghèo dễ tổn thương

Sự thật là các cộng đồng dân cư đã tỏ ra quá yếu ớt trong việc chống lại cường quyền kinh tế. Bà Florencia Ortúzar nhấn mạnh: "Các khu hiến tế" thường xảy ra với những cộng đồng dễ bị tổn thương. Họ không có khả năng để đấu tranh hoặc chạy trốn". 

Tập đoàn Codelco chịu trách nhiệm cho 11% sản phẩm đồng của thế giới. Trung Quốc là một trong những nhà nhập khẩu đồng lớn nhất của Chile, và khoảng 60% tổng nhu cầu đồng dùng cho sản xuất điện năng. 40% năng lượng được sản xuất và tiêu thụ ở Chile đã đến từ đốt than, và 28 nhà máy nhiệt điện đang nằm ở 5 địa điểm trên khắp đất nước: các "khu hiến tế". 

Bà Florencia Ortúzar trăn trở: "Năng lượng của cả nước đang phụ thuộc vào những "khu hiến tế" khủng khiếp này, và oái oăm lại là những nơi tập trung đông dân nghèo, dễ bị tổn thương. Không có cách nào để dừng các nhà máy này khi chúng giữ cho Chile tiếp tục tăng trưởng".

Nên biết rằng nhiều doanh nghiệp ở Quintero-Puchuncaví thuộc sở hữu nước ngoài: Aes Gener (sở hữu phức hợp nhiệt điện Ventanas) là một nhánh của tập đoàn Aes (Mỹ); Enel (làm chủ một nhà máy nhiệt điện) đến từ Ý. Than dạt vào các bãi biển là được nhập khẩu từ Colombia, Australia và Mỹ. Lượng khí thải carbon trung bình trên đầu người ở Chile hiện là 5 tấn, ít hơn 1/3 so với Mỹ. 

"Nó là vấn đề toàn cầu. Các đại gia hải ngoại hủy diệt con người. Nhiều công ty tuyên bố chứng chỉ xanh nhưng họ vẫn có chút ít tội lỗi trong đó", bà Ortúzar cho biết. Cư dân Quintero đã đối mặt với ô nhiễm và một trận chiến phức tạp suốt nhiều năm, và nhu cầu của họ lại rất đơn giản. "Không hy vọng khu công nghiệp sẽ đóng cửa hoàn toàn. Chúng tôi chỉ muốn có hệ thống thông gió tốt hơn, các tập đoàn chịu khó đầu tư tiền để nâng cấp máy móc hoặc nhà máy của họ, và cả đầu tư cho thành phố nữa", bà Astudillo nói.

Cư dân Araya nói: "Chúng tôi bệnh tật do môi trường quá tệ: không khí, đất đai và nguồn nước". Đứa con gái của bà Araya chết do ung thư từ 8 năm trước ở tuổi 21, cô ấy khi được chẩn đoán u não và bệnh tình chỉ kéo dài đúng 27 ngày. Bà Araya quả quyết rằng bà chiến đấu với niềm tin sắt đá rằng cái chết của con gái mình có thể liên quan đến nạn ô nhiễm ở Quintero. 

Người mẹ đau khổ nói: "Từ trường hợp bệnh của cháu nhà tôi, tôi đã nhận thấy có nhiều trường hợp cũng phát ung thư tương tự, chúng tôi phải chiến đấu vì công lý".

Phan Bình (tổng hợp)
.
.