40 ngày là tù binh của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam: Tự do

Thứ Hai, 08/06/2015, 15:40
Tám người chúng tôi, 3 người Mỹ và 5 người lính vừa Việt vừa Campuchia hành lý trên vai, leo lên chiếc xe khách nhỏ đã chờ sẵn. Một cảm giác lạ lùng đến với tôi sau gần 40 ngày luôn phải đi vào ban đêm thì nay được đi giữa ban ngày.

1. Cuối cùng, ngày tự do cũng đến nhưng trước đó, anh Hai cho chúng tôi biết sẽ phải tham dự một cuộc họp báo. Cơm trưa xong, chúng tôi được dẫn đến một căn nhà có những bậc thềm xi măng thay vì chiếc cầu thang bằng gỗ.

Theo chân anh Ba, anh Tư và người du kích Campuchia tên Ban Tun, chúng tôi vào căn phòng chính. Giữa phòng là một cái bàn phủ khăn nylon màu hồng với ba chiếc ghế. Trên bàn có hai bình hoa nhựa còn phía sau là hai lá cờ mà lần đầu tiên chúng tôi mới thấy. Đó là quốc kỳ cách mạng Campuchia với hai dải màu xanh dương nằm ở phía trên và phía dưới, còn chính giữa là ngôi đền Angkor màu trắng trên nền đỏ cùng hàng chữ tiếng Pháp viết tắt F.U.N.K (Front Uni National du Kampuchea - Mặt trận Liên hiệp Quốc gia Campuchia).

Vài phút sau đó, 8 người đàn ông vừa Việt, vừa Campuchia xuất hiện, trong đó có viên sĩ quan phản gián đã thẩm vấn chúng tôi. Một người Việt và một người Campuchia, cổ quàng khăn màu xanh, ngồi xuống rồi người Campuchia tự giới thiệu rằng mình là Tư lệnh Quân khu 203 Campuchia.

Ngay lập tức, một người Việt Nam đặt một máy ghi âm và micro trước mặt ông tư lệnh và cuộc họp báo bắt đầu. Theo ông, F.U.N.K đã kiểm soát toàn bộ 3 tỉnh phía đông Campuchia là Kratie, Stung Treng và Mondul Kiri cùng 40 thị trấn nằm ngoài 3 tỉnh này. Bên cạnh đó, ông cũng cho biết các điệp viên CIA đã cài người vào các cơ quan ngoại giao của Pháp, Australia, Nhật, Sài Gòn, Đài Loan tại Phnôm Pênh và đã thực hiện cuộc lật đổ Hoàng thân Sihanouk. Ông khẳng định F.U.N.K đã tiêu diệt 3.000 quân Mỹ và 20.000 quân Việt Nam Cộng hòa..

Hai tiếng sau, ông tư lệnh mới phát biểu xong vì cứ nói hết một hai câu bằng tiếng Campuchia, người phiên dịch phải dịch câu nói đó sang tiếng Pháp khiến chúng tôi không còn thời gian để đặt câu hỏi với ông. Tiếp theo, ông bắt tay chúng tôi rồi rời khỏi căn nhà cùng với viên sĩ quan phản gián và những người trong nhóm.

Theo lời anh Ba, chúng tôi sẽ khởi hành đến tự do vào buổi chiều. Dùng hai chiếc khăn tay của tôi và một mảnh vải trắng rồi buộc vào một thanh tre, anh làm cho tôi một lá cờ mà anh gọi là "cờ đình chiến". Anh dặn: "Nếu bị tấn công, đừng chạy theo chúng tôi nữa mà hãy đứng lại rồi giương cao lá cờ lên. Đừng quan tâm đến chúng tôi. Nhớ nhé".

Nhà báo Michael Morrw (đứng giữa, hàng bên trái) cùng các đồng nghiệp trở lại thăm nơi ông đã bị bắt.

Tám người chúng tôi, 3 người Mỹ và 5 người lính vừa Việt vừa Campuchia hành lý trên vai, leo lên chiếc xe khách nhỏ đã chờ sẵn. Một cảm giác lạ lùng đến với tôi sau gần 40 ngày luôn phải đi vào ban đêm thì nay được đi giữa ban ngày.

Chạy khoảng 1 giờ, xe tiến vào một ngôi làng lớn. Ở đó, người ta đã tổ chức một cuộc mít tinh với khoảng 2.000 người tham dự. Tôi, Michael và Beth được mời lên sân khấu, đứng cạnh bục diễn thuyết, sau lưng chúng tôi là những biểu ngữ: "Nhân dân Kh'mer muôn năm'", "Tình đoàn kết nhân dân Đông Dương muôn năm" và đặc biệt là "Chúng tôi cám ơn nhân dân Mỹ ủng hộ cuộc đấu tranh vì độc lập của chúng tôi".

Một sĩ quan bước đến micro và đọc một bài diễn văn ngắn, nội dung chính là bày tỏ sự cám ơn "nhân dân Mỹ ủng hộ cuộc đấu tranh của chúng tôi". Ngay khi Beth đang nói lời đáp từ thì một cơn mưa lớn trút xuống khiến cuộc mít tinh phải dừng lại. Trú mưa trong một phòng học, tôi bất ngờ khi nhìn thấy người sĩ quan miền Bắc Việt Nam cao lớn mà dường như luôn luôn có mặt vào những thời điểm quan trọng nhất. Sau cái bắt tay nồng nhiệt, ông nhắc lại những chỉ dẫn cuối cùng về việc sử dụng lá cờ đình chiến rồi đưa cho mỗi người chúng tôi một tờ giấy viết bằng tiếng Campuchia nhưng trên đó, họ tên của chúng tôi được viết đúng nguyên bản: "Hãy trình giấy này cho các đơn vị khác của Mặt trận mà các anh gặp. Nhưng đừng bao giờ đưa ra cho lính Campuchia, lính miền Nam Việt Nam hay lính Mỹ trên đường các anh về Sài Gòn".

2. Tưởng là nhìn thấy tự do nhưng không ngờ cơn mưa lớn đã khiến đoạn đường đất dẫn ra Quốc lộ 1, xe khách không đi được vì bùn lầy nên chúng tôi phải đợi qua ngày mai. Nháy mắt với chúng tôi trước khi chia tay, ông cao lớn nói: "Lần sau nếu có vào vùng giải phóng, hãy vui lòng chờ thư mời để chúng tôi có thể lo cho các anh chu đáo hơn".

Đến lượt anh Hai chào chúng tôi. Tôi và Michael ôm hôn anh còn Beth thì đưa bàn tay ra nhưng anh Hai có vẻ bối rối. Trong một bài báo về sau này, Beth viết: "Tôi quên mất anh ấy là người Việt, không có thói quen hôn tay phụ nữ khi từ biệt và tôi cảm thấy xấu hổ vì cử chỉ ngốc nghếch của mình". Anh Tư xúc động nhất, anh ôm cả ba chúng tôi rồi nói anh tin chắc sẽ gặp lại chúng tôi ngày chiến thắng.

Bây giờ chỉ còn lại 3 nhà báo chúng tôi, anh Ba và một du kích người Campuchia gốc Hoa, tên Wang. Chúng tôi lên đường vào chiều hôm sau trên một chiếc xe Jeep thay vì xe khách. Đang chạy, đột ngột anh Ba quát lên: "Trực thăng" trong khi cả ba chúng tôi chẳng ai nhìn thấy gì. Người tài xế nhanh chóng cho xe chạy vào một căn nhà sàn ven đường rồi chui xuống gầm nhà trong lúc 3 chiếc trực thăng lượn theo hình vòng cung một đoạn rồi bay thẳng.

Nhà báo Elizabeth, ảnh chụp khi bà đọc lại bài báo của mình viết về những ngày ở Campuchia.

Chúng tôi dừng lại nghỉ ngơi hai lần ở hai ngôi làng. Theo kế hoạch, sẽ có mấy chiếc xe gắn máy đón chúng tôi tại điểm hẹn vào lúc chập choạng tối. Tại ngôi làng đầu tiên, bất chấp những lời giải thích của Wang, một phụ nữ thấp béo, tay cầm cây cuốc chim la lớn: "Tụi Mỹ à", rồi giơ cây cuốc lên cao như có ý muốn bổ vào đầu chúng tôi. Một thanh niên với một dải băng trên mắt, chen vào nhìn chúng tôi trừng trừng. Michael hỏi bằng tiếng Việt: "Anh bị thương à?". Anh ta trả lời, giọng không hề hối tiếc: "Đúng thế, bị thương vì đánh quân xâm lược Mỹ".

Ở điểm hẹn, đã có 4 chiếc xe gắn máy do Nhật Bản sản xuất, đợi sẵn, tài xế là người Campuchia. Chúng tôi mỗi người leo lên một xe. Bánh xe lăn theo lối mòn ngoằn ngoèo trong những khu rừng hoặc những bờ đất hẹp giữa hai thửa ruộng với tốc độ có khi lên đến 30km/giờ. Gặp những hố ngập nước hay những ổ gà sâu hoắm, xe trườn qua chậm chạp, nước ấm do ánh nắng ban ngày đun nóng thỉnh thoảng lại tóe vào chân tôi.

Sau ba tiếng đồng hồ nhồi lắc trên xe gắn máy, cả nhóm dừng lại cạnh một hàng cây trong lúc anh Ba và một tài xế người Campuchia vẫn tiếp tục đi. Tôi hỏi người du kích gốc Hoa tên Wang: "Chúng ta đang ở đâu": Wang cho biết: "Cách Quốc lộ 1 khoảng 200 mét. Anh Ba đi trinh sát để xem có an toàn không".

Nửa tiếng chờ đợi dài như nửa thế kỷ nhưng cuối cùng anh Ba và người tài xế cũng quay lại. Mất thêm vài phút nữa, mấy chiếc xe gắn máy đã chạm mặt với một đoạn cong cong của Quốc lộ 1 rồi vượt qua đường, đến một dãy phố hầu hết là những cửa hàng buôn bán. Theo lệnh anh Ba, tất cả các xe đều phải đỗ dưới mái hiên của một quán ăn, nơi ánh trăng không soi tới. Một du kích gọi ông chủ quán rồi qua vài câu trò chuyện, ông đem bánh và nước trà mời chúng tôi.

Trong khi chúng tôi thưởng thức món bánh nướng ngọt ngào của người Hoa, Michael nghe anh Ba và Wang đang cố thuyết phục ông chủ tiệm cho chúng tôi ngủ nhờ đến sáng. Tuy nhiên, ông chủ tiệm có vẻ sợ. Cũng dễ hiểu thôi: Ban ngày, dù muốn dù không ông cũng phải tuân phục chế độ Lon Non, còn ban đêm, ông phục vụ những yêu cầu của du kích. Ông không muốn đem sinh mạng, nhà cửa, tài sản ra để đánh cược với việc chứa chấp 3 người chúng tôi mà theo suy nghĩ của ông, dù chúng tôi là nhà báo nhưng đều là… Mỹ!

Cuối cùng, một du kích nảy ra sáng kiến: Anh ta nhìn thấy một cái quán bỏ không gần đó. Quán chỉ có mái lá che phía trên, sàn bằng tre còn xung quanh trống hốc trống hoác. Hốt một bó rơm từ một cây rơm ở đâu đó, anh ta trải xuống sàn tre làm chỗ ngủ cho chúng tôi.

Cuộc chia tay giữa anh Ba, Wang và chúng tôi diễn ra đầy xúc động. Cả hai lần lượt ôm lấy chúng tôi rồi hứa sẽ tìm gặp lại nhau sau ngày chiến thắng. Câu cuối cùng tôi hỏi anh Ba là "mấy giờ rồi". Anh đáp: "Mười một giờ kém mười". Trong một bài báo của mình, Beth viết: "Nước mắt tôi ướt đẫm gò má khi anh Ba thay vì ôm tôi, anh chỉ khẽ chạm lên vai tôi rồi sau đó, họ biến mất trong bóng đêm. Nếu có một người nào đó mà tôi mong muốn gặp lại nhất trong cuộc đời mình thì đó chính là anh".

3. Trời sáng, Quốc lộ 1 đổi chủ. Thay vì du kích thì bây giờ là chiếc xe Jeep của quân đội miền Nam Việt Nam với những người lính, súng chĩa ra phía trước, đi dò đường. Khoảng một tiếng sau, xe đạp, xe gắn máy, xe lôi và đôi lúc là một chiếc xe khách chạy theo hướng từ Sài Gòn lên Phnôm Pênh, máy nổ ầm ĩ.

Người dân Campuchia chạy ra khỏi làng mạc để tránh những cuộc ném bom của không quân Mỹ.

Trời càng lúc càng nóng. Đợi suốt 1 tiếng mà chẳng thấy có chiếc xe khách nào từ Phnôm Pênh về Sài Gòn. Lại thêm 1 tiếng nữa trôi qua trong khói bụi. Một nhà sư ở một ngôi chùa gần đó đem cho chúng tôi nước trà nhưng chỉ giúp chúng tôi đỡ khát trong chốc lát. Một nhóm học sinh Campuchia thấy chúng tôi đứng bên lề đường với lá cờ trắng méo mó vì không có gió đã dừng lại, hỏi chúng tôi bằng tiếng Anh là ai, làm gì. Michael trả lời rằng chúng tôi là nhà báo Mỹ bị hư xe, đang tìm cách về Sài Gòn. Các học sinh nói ban đầu, họ tin là người Mỹ và Nam Việt Nam đến giúp họ. Nhưng rồi bom đạn trút xuống làng xóm họ, lính miền Nam Việt Nam cướp phá, lấy đi tiền bạc và tài sản trong nhà họ thì họ không còn niềm tin nào nữa...

Cuối cùng, may mắn đã đến khi chúng tôi lên được một chiếc xe mui trần của quân đội miền Nam Việt Nam nhưng nó chỉ cho chúng tôi đi nhờ một đoạn. Ngay lúc ấy, trong đầu tôi đã nhen nhóm những ý tưởng đầu tiên về hồi ký "Forty days with the Enemy". Kế tiếp, chúng tôi quá giang một đoàn xe quân sự trở về từ Phnôm Pênh sau khi đã vận chuyển binh lính và hàng tiếp liệu lên cho nơi này. Dồn hết vào buồng lái, Michael nói với tài xế chúng tôi là nhà báo và trong một trận đánh, chúng tôi bị lạc khỏi đơn vị lính Mỹ mà chúng tôi đi theo, mất hết hành lý.

Đoàn xe quân sự chạy qua hàng loạt các trạm kiểm soát, các chòi canh, bốt gác nhưng chẳng ai hỏi han chúng tôi điều gì. Lá cờ "đình chiến" xem ra không có dịp phát huy tác dụng của nó. Sau cùng, xe dừng lại ngay trước cổng vào của một đơn vị "quân vận" (vận tải quân sự) ở Sài Gòn và người tài xế cho biết chỉ có thể đưa chúng tôi đến đây. Vẫy một chiếc taxi, cả ba chúng tôi leo lên, về thẳng nhà Michael.

Sau khi ăn rồi tắm vội vàng, tôi vào USO (Cơ quan Hỗ trợ quân đội Mỹ trong các dịch vụ tinh thần, phúc lợi và giải trí - United Service Organizations) rồi  điện thoại về Washington, ở đó lúc ấy là 4 giờ sáng. Tôi nghe điện thoại viên nói với đầu dây bên kia: "Có một cuộc gọi từ Richard Dudman ở Sài Gòn".

Trong ống nghe, là tiếng thở gấp rồi giọng vợ tôi run rẩy, lặp đi lặp lại tên tôi đến mấy lần: "Ôi! Richard! Richard! Richard!"…

Cao Trí (lược dịch từ hồi ký “Forty days with the Enemy”)
.
.