Ký ức một thời gieo chữ nơi Tây Bắc

Thứ Bảy, 19/06/2021, 13:33
Mùa hè năm 1959, trước thực trạng Khu tự trị Thái Mèo có gần 15.000 em nhỏ đang theo học vỡ lòng ở các bản làng và 35.000 người lớn đang học bổ túc văn hóa rất cần những giáo viên có trình độ, năng lực lên với đồng bào nâng cao dân trí, cải thiện dân sinh, Trung ương Đảng đã chỉ đạo Bộ Giáo dục nhanh chóng tuyển chọn 860 giáo viên ở các tỉnh miền xuôi xung phong lên phục vụ miền núi.

Những người giáo viên ấy đã bám bản, bám dân, vừa nỗ lực đưa chữ đến cho hàng vạn đồng bào dân tộc thiểu số, vừa là người cán bộ giúp đồng bào giác ngộ chính trị… Tôi may mắn được gặp những giáo viên đã từng lấy miền núi làm quê hương thứ hai, coi đồng bào các dân tộc thiểu số như anh em ruột thịt, cống hiến tuổi xuân cho Khu tự trị Thái Mèo (sau đổi tên thành Khu Tự trị Tây Bắc). Với họ, những tháng ngày gian khó mà vinh quang khi đem cái chữ đến cho đồng bào dân tộc vẫn luôn là những kỷ niệm không thể phai mờ.

Các cô giáo trẻ của ngôi trường "Ba đảm đang" ở Mường La.

1. Thầy giáo Nguyễn Văn Nhạn, hiện sống tại đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, Hà Nội là người đã từng đạt danh hiệu "Chiến sỹ thi đua toàn quốc" và được tặng Huân chương Lao động vì đã có thành tích khắc phục khó khăn gian khổ, góp phần thực hiện thắng lợi chính sách dân tộc của Đảng. Khi ấy, thầy Nhạn được phân công về dạy tại xã biên giới Chiềng Nơi, một khu vực có thể nói là gian khó nhất huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La. Bảy năm lăn lộn với Chiềng Nơi đã giúp thầy Nhạn trở thành người anh hùng của đồng bào dân tộc Mông.

Khi về bản, già làng đã nắm tay nhận làm con nuôi và bảo: "Thầy giáo là hạt vàng, hạt ngọc mà Đu (trời) đã cử xuống giúp dân Pu Nhung". Tự tay thầy cùng đồng nghiệp vào rừng chặt cây dựng trường, đóng bàn ghế cho các em ngồi học. Tự tay thầy đã bao lần đập vỡ bàn đèn thuốc phiện để vận động thanh niên Mông tránh xa khói thuốc.

 Đầu những năm 60, anh giáo trẻ mới 18 tuổi đã phải đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn gian khổ đã đành, nhưng cái khó hơn là làm thế nào ổn định được tư tưởng cho đồng bào, giúp đồng bào không còn mông muội đi theo lời lừa phỉnh của chúa phỉ Vàng Phao. Khu vực Chiềng Nơi có 6 phiêng, thì riêng phiêng Phù và phiêng Cẩm là địa bàn thường có gián điệp biệt kích nhảy dù hoặc phỉ Lào mò sang cướp bóc, giết hại dân làng.

Báo Nhân dân viết bài về sự kiện Bác Hồ đến thăm các giáo viên xung phong lên miền núi.

Vậy là vừa dạy học, thầy Nhạn còn tham gia cùng dân bản cảnh giới và tác chiến. Tình hình an ninh tạm yên, ông lại gùi từng gùi cây giống lên cho đồng bào trồng để có thêm nguồn rau, củ quả, giúp bà con nhìn ra sự quan tâm của Đảng và Chính phủ để yên tâm làm ăn sinh sống, không bị bọn người xấu lôi kéo.

Cùng với việc dạy học cho trẻ, thầy Nhạn nhận thấy trình độ của cán bộ xã còn thấp nên ông đã đề nghị huyện cho mở lớp bổ túc văn hóa cho cán bộ xã. Sau đó, ông tiếp tục xin mở một lớp đào tạo giáo viên là người dân tộc trên tinh thần tự túc mọi mặt. Tin Chiềng Nơi mở lớp đào tạo giáo viên người dân tộc lan tới khắp vùng, học sinh nhiều huyện khác cũng mang gạo tới xin học. Lớp học ven rừng của thầy giáo Nhạn ngày một đông.

Lớp học cho cán bộ người dân tộc ở Nghĩa Lộ (nay thuộc Yên Bái).

Vì là lớp học tự túc nên thầy trò phải tự lo lấy cái ăn. Ngoài giờ học chính, các em chia thành các đội như đội cá, đội rau, đội củi… thay nhau tăng gia sản xuất. Gạo tiêu chuẩn của thầy giáo chỉ để dành nấu cháo cho những học sinh ốm, còn tất cả ăn cây đậu thiều, rau rừng và rong rêu mọc dưới suối.

Trước kết quả đáng phấn khởi mà lớp đào tạo giáo viên người dân tộc đạt được, ông Trưởng Ty Giáo dục tỉnh Sơn La đã báo cáo thành tích về Bộ Giáo dục. Bộ lại cử người xuống kiểm tra thực tế và tổ chức… kiểm điểm thầy Nhạn vì… đã "mở lậu" lớp đào tạo Sư phạm. Mọi người chưa hết ngơ ngác thì vị cán bộ kia đã tiếp tục… tuyên dương thầy Nhạn dù ở vùng sâu nhưng đã làm đúng chủ trương của Đảng là: phải đào tạo cán bộ người bản địa, dân tộc nào cũng phải có cán bộ của dân tộc ấy. Vậy là trường Sư phạm vùng cao Sơn La đã ra đời từ lớp học đặc biệt ấy.

2. Cũng như nhà giáo Nguyễn Văn Nhạn, tháng 8-1959, nhà giáo Trần Hữu Dụng cùng hai người bạn thân là ông Vũ Thế Lộc và Lê An nhận quyết định lên công tác tại Khu tự trị Thái Mèo. Hành trang của ba thanh niên miền xuôi lên Tây Bắc chỉ có vài bộ quần áo, chồng sách giảng dạy và cặp bánh nướng mẹ gói dưới đáy ba lô. Ba người bắt xe từ bến Kim Mã lên đến Hoà Bình thì trời đã nhá nhem tối và phải mất 4 ngày sau cả ba người mới lên được Mộc Châu, Sơn La.

Vào thời điểm đó, toàn khu Thái Mèo có ba trường cấp II nên ba người được phân công nhận nhiệm vụ ở ba điểm khác nhau, chia tay chỉ nói được một câu: "Gắng khắc phục khó khăn, gian khổ mà vươn lên nhé…". Nhà giáo Trần Hữu Dụng khi ấy vừa tròn 20 tuổi trở thành hiệu trưởng đầu tiên của Trường cấp II Nghĩa Lộ. Từ đó, ông trở thành người con của các "ếm, ải" và là người thầy của các "noọng"  bé thơ.

Thầy giáo Nguyễn Văn Nhạn

Những ngày đầu, thầy trò vừa học vừa lao động để xây dựng lớp học, nơi ở. Thầy dạy trò chữ Quốc ngữ, trò dạy lại thầy tiếng Thái, tiếng Mông. Chỉ qua một mùa nương, các lớp học đã dần ổn định, tiếng mõ ngày ngày lại vang lên báo giờ lên lớp. Có cậu học trò người Thái nay đã lên chức ông nội vẫn còn nhớ hình ảnh thầy Dụng giữa đêm mùa đông cầm đèn soi kiểm tra giường ngủ của từng em xem đã đắp chăn kín chưa rồi mới về phòng ngủ. Cứ như vậy thầy Dụng đã gắn bó với Tây Bắc 12 năm ròng với nhiều vị trí công tác khác nhau, đã đặt chân lên hầu khắp 18 châu thuộc Khu tự trị.

Qua câu chuyện của thầy Dụng, chúng tôi biết đến nhiều tấm gương của các giáo viên miền xuôi đã cống hiến sức trẻ của mình trên vùng cao Tây Bắc như các thầy Hà Án, Phan Tất Ân, Đinh Văn Tư, Nguyễn Văn Bôn, Lê Xuân Kế, Nguyễn Văn Nhạn…, các cô giáo Lương Thị Tuyết,  Lương Thị Kiểm, Vũ Thị Hỷ, Phan Thị Lý, …

Thầy giáo Trần Hữu Dụng.

Trong số họ có người đã được phong Anh hùng Lao động, có người là Chiến sỹ thi đua toàn quốc, có người được tặng Huân chương Lao động… nhưng dưới đôi mắt của các em thơ người dân tộc, các thầy cô đều là những anh hùng. Các em học sinh ở vùng cao Lai Châu ngày ấy luôn nhớ hình ảnh cô giáo Lương Thị Tuyết ngoài lúc lên lớp lại ôm súng tham gia đội dân quân chống phỉ bảo vệ bản làng.

Những học sinh ở Thuận Châu chắc vẫn luôn nhắc về thầy Hà Án cùng anh em tự vệ xông lên bắn máy bay Mỹ trên bầu trời Tây Bắc... Trên các điểm trường, mỗi giáo viên là một người lính trực chiến hàng đêm. Rồi những tháng ngày thầy trò Trường nội trú Quân khu Tây Bắc Bế Văn Đàn dạy và học trong các lớp học tự tạo bằng cách nổ mìn phá đá khoét sâu vào lòng núi…

Ngày ấy, có một ngôi trường còn được gọi là "Trường ba đảm đang" - Trường cấp II huyện lỵ Mường La. Sáu cô gái trẻ gồm Chu Hồng Điệp (Bắc Ninh), Nguyễn Minh Tân (Hà Nội), Ngô Thị Chiêm (Thanh Hoá), Phạm Xuân Dung (Hải Hưng), Trần Thị Hường (Nam Định), Trần Thị Hạnh Nga  (Hà Nội) đã kiên gan bám trường, bám lớp, giữ vững trận địa học tập cho con em đồng bào trên đỉnh Pom-pa-đin lộng gió.

Mùa đông, lớp học ở trên cao hứng trọn giá rét qua từng cơn gió mùa Đông Bắc. Mùa hè, gió Lào thổi cháy cỏ cây, ve rừng kêu miên man không nghỉ. Bữa cơm của các cô nhiều khi chỉ có bột mỳ luộc ăn với đu đủ xanh nấu canh hoặc ngọn sắn luộc chấm muối. Do tính chất ác liệt của cuộc chiến tranh chống phá hoại lúc bấy giờ, trường "ba đảm đang" liên tục phải sơ tán để đảm bảo an toàn cho việc dạy và học. Những cô giáo miền xuôi đã không ngại khó, không sợ khổ mang vác tranh tre vượt đèo cao để tìm nơi dựng trường mới, lớp học của con em đồng bào Mường La trên đỉnh Pom-pa-đin vẫn vang tiếng trẻ đọc bài.

3. 62 năm đã qua kể từ ngày những thanh niên trí thức miền xuôi lên đường xây dựng và phát triển miền núi, đưa ánh sáng văn hóa tới các vùng cao, nơi có hàng trăm ngàn đồng bào các dân tộc đang phải sống trong cảnh nghèo nàn, lạc hậu.

Nhưng ký ức về một thời tuổi trẻ giữa núi rừng Tây Bắc vẫn không nguôi trong trái tim những người giáo viên năm ấy. Giờ đây, khi tuổi đã cao, họ vẫn hướng về vùng đất ấy, hướng về học sinh thân yêu. Những năm qua, đã nhiều lần các thế hệ giáo viên tình nguyện lên Tây Bắc gặp lại nhau, cùng nhau chung tay đóng góp quần áo, sách vở gửi lên Tây Bắc nhằm giúp đỡ các em học sinh có thêm áo ấm, có thêm sách vở tới trường.

Họ đã mang tinh thần yêu nước, tinh thần dân tộc và chủ nghĩa cách mạng lên với vùng cao, cùng đồng bào khắc phục khó khăn gian khổ để vừa nỗ lực đưa chữ đến cho hàng vạn đồng bào dân tộc thiểu số, vừa là người cán bộ quần chúng giúp đồng bào giác ngộ chính trị. Họ đã tạo nên sức bật mới cho giáo dục miền núi trong suốt những năm tháng ấy cho đến tận sau này.

Vân Anh
.
.