Người đàn bà trong cuộc tình 40 năm của cố Tổng thống Nelson Mandela

Thứ Tư, 11/04/2018, 07:45
Ngày 2-4 bà Madikizela-Mandela đã ra đi mãi mãi mang theo nhiều bí mật của cuộc đời một nữ tướng. "Bà đã chiến đấu dũng cảm chống lại chế độ phân biệt chủng tộc và cống hiến cả cuộc đời mình vì sự tự do của đất nước", đại diện gia đình bà Madikizela-Mandela cho hay.

Trong lời chia buồn gửi tới gia đình bà Winnie Madikizela, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa nhấn mạnh, bà  Winnie Madikizela mãi mãi của "biểu tượng khát khao tự do cho dân tộc Nam Phi".

Tình yêu Madikizela-Mandela-Nạn nhân của nạn phân biệt chủng tộc

Ngày 26-9-1936, cô bé Nomzamo Winifred Zanyiwe Madikizela đã cất tiếng khóc chào đời ở làng Mbongweni, thuộc huyện Bizana, tỉnh Cap Oriental, miền Nam Nam Phi. Madikizela là con thứ tư trong một gia đình có 8 anh chị em. Bố mẹ của Madikizela đều là giáo viên. Ông Columbus là giáo viên lịch sử còn bà mẹ Gertrude là giáo viên dạy môn khoa học. Mẹ của Madikizela mất khi cô bé mới lên 9 tuổi. Madikizela được hàng xóm đánh giá là một cô bé thông minh, nhanh nhẹn. 

Winnie Mandela và Nelson Mandela cùng con gái năm 1962. Ảnh: Getty Images.

Sau khi ra trường, Madikizela theo học ngành công tác xã hội tại Trường Jan Hofmeyr ở Johannesburg bất chấp ngành giáo dục bị cấm đoán trong thời kỳ apartheid. Madikizela sau đó còn lấy bằng quan hệ quốc tế của trường Đại học Witwatersrand.

Madikizela lần đầu tiên gặp Nelson Mandela vào năm 1957. Khi đó ông Nelson đang là một luật sư và mới ly dị vợ được một năm. Còn Madikizela là nhân viên công tác xã hội da đen đầu tiên của thành phố Johannesburg. Trong cuốn tiểu sử của mình, nhà lãnh đạo Nelson Mandela kể rằng, ông nhìn thấy bà trước cổng một bệnh viện ở Soweto. Khi đó Madikizela là một cô gái trẻ đẹp và ngay lập tức Nelson muốn làm quen với cô gái này. Thế nhưng, với Winnie, cuộc gặp đầu tiên của hai người thực ra đã diễn ra ở nhà người bạn Olivier Tambo.

Trai tài gái sắc gặp nhau, tình yêu nảy nở nhanh chóng nên chỉ một năm sau họ tổ chức đám cưới. Nhưng hạnh phúc của họ không trọn vẹn. Madikizela chỉ sống với chồng được vài năm ở thị trấn Soweto, trước khi ông Nelson đi vào hoạt động bí mật cho đến khi bị bắt năm 1963 vì chống lại chế độ Apartheid thượng tôn người da trắng ở Nam Phi. Trong thời gian ông bị giam ở Robben Island, hai vợ chồng rất ít gặp nhau, chỉ trao đổi thư 2 lần trong năm. Nhưng những bức thư này luôn bị kiểm duyệt, đôi khi còn bị xé nát.

Jean Guiloineau, tác giả cuốn tiểu sử Payot et Rivages xuất bản năm 1994 viết về cuộc đời Nelson Mandela, và là người dịch cuốn "Những bức thư từ trong tù của Nelson Mandela" (Les lettres de prison de Nelson Mandela) sẽ xuất bản vào tháng 7 tới, cho biết trong những bức thư gửi từ nhà tù tới người vợ Winnie Madikizela, ông Nelson đã gửi gắm rất nhiều lời yêu thương. 

Ông không quên mối quan hệ giữa hai người khi đó có lời đồn đoán bà có nhân tình bên ngoài. Trong các bức thư, ông luôn chia sẻ với vợ cách nuôi dạy hai cô con gái. Ông ủng hộ bà trong việc bảo vệ những đứa trẻ, động viên bà nỗ lực hơn nữa trong công việc bởi ông không thể làm gì khác ở trong tù ngoài việc viết thư.

Theo Jean Guiloineau, trong suốt 27 năm ông Nelson ở trong tù, bà Winnie Madikizela đã nhiều lần vượt đường sá xa xôi đi thăm chồng. Cuộc gặp chỉ có 40 phút để họ nói những điều cần thiết. Trong những cuộc gặp đó, Winnie Madikizela như một cầu nối, cung cấp những thông tin chính trị quan trọng bên ngoài nhà tù cho chồng.

Được ví như "nữ tướng" của chồng, trong suốt 27 năm ông Mandela bị giam giữ, bà Madikizela-Mandela cũng đã bị bắt giam nhiều lần vì tham gia chống lại chế độ apartheid và vận động thả ông Mandela cả trong lẫn ngoài nước. Năm 1986, Winnie Madikizela đã có một câu nói nổi tiếng: "Chúng tôi không có súng, chúng tôi chỉ có đá, hộp diêm và xăng. Tất cả chúng tôi, tay trong tay, với hộp diêm và lốp xe, chúng tôi sẽ giải phóng đất nước". Cảm phục sự cống hiến của bà Madikizela cho đất nước, người dân Nam Phi coi bà là một nữ anh hùng và gọi bà bằng cái tên trìu mến: "Mẹ đất nước".

 Winnie Madikizela và Nelson Mandela năm 1990. Ảnh:AFP.

Năm 1990, ông Mandela được trả tự do. Hình ảnh của cặp đôi Mandela-Madikizela đi bộ tay trong tay đã được truyền đi khắp thế giới.

Những tưởng sau giông tố sẽ là ngày bình yên. Nhưng thực tế lại không như vậy. Sau khi ông Mandela được trả tự do, quan hệ giữa vợ chồng ông trở nên xấu đi, nhất là khi sự nghiệp chính trị của bà Madikizela liên tục dính líu tới nhiều vụ bê bối. Năm 1991, bà Madikizela bị cáo buộc "vi phạm nhân quyền nghiêm trọng" vì liên quan tới vụ bắt cóc và sát hại Stompie Moeketsi Seipei, một cậu bé 14 tuổi.

Năm 1992, hai người chấp nhận ly thân một cách hòa bình. Sự tách biệt này vừa mang tính đa cảm vừa chính trị. Winnie Mandela cảm thấy mình bị đẩy ra bên ngoài đảng ANC, đã nhiều lần chỉ trích người chồng nổi tiếng của bà trong thỏa thuận lịch sử với những người da trắng để chấm dứt sự chia rẽ.

Còn Nelson Mandela, 27 năm bị tù đầy cũng khiến tình cảm vợ chồng bị nguội lạnh. Danh tiếng của Winnie Mandela càng tụt dốc khi bà bị ông Mandela sa thải khỏi nội các năm 1995 vì cáo buộc tham nhũng. Một năm sau, họ ly hôn. "Tôi có mối quan hệ tốt với Mandela, nhưng tôi không phải sản phẩm của Mandela. Tôi là sản phẩm của quần chúng, của kẻ thù", bà tuyên bố.

Nói về cuộc tình gần 40 năm của Madikizela và Nelson Mandela, nhà văn Jean Guiloineau nhận xét: "Cả hai đều trả giá đắt cho lịch sử. Họ chắc chắn là một trong những nạn nhân lớn nhất của phân biệt chủng tộc".

Kiên cường "Mẹ đất nước"

Dù đã ly hôn với ông Mandela, bà vẫn là tâm điểm của sự chú ý và các cuộc tranh cãi. Năm 2001, bà Madikizela bị kết án 4 năm tù liên quan tới vụ bắt cóc và sát hại một cậu bé 14 tuổi. Năm 2003, bà lại rơi xuống vực thẳm khi bị cáo buộc gian lận tài chính. Bà chỉ ra tù sau khi thắng kiện trong một phiên tòa xử kháng cáo. "Những năm tù giam đã làm tôi cứng cỏi. Khi cơn đau trở thành một cách sống, tôi không còn cảm thấy sợ nữa, bà Winnie đã nói về cuộc đời mình như vậy.

Năm 2009, bà Madikizela giành một ghế trong quốc hội, vẫn được đảng cầm quyền ANC và người ủng hộ kính trọng. Sau đó, bà Madikizela-Mandela được bổ nhiệm chức Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Khoa học và Công nghệ, và là thành viên Quốc hội. Bà cũng là cựu Chủ tịch của Liên đoàn Phụ nữ Quốc hội châu Phi. Lần cuối cùng bà Madikizela xuất hiện trước công chúng là tại Hội nghị Đại hội dân tộc Phi (ANC) hồi tháng 12-2017, tại đây bà được chào đón nồng nhiệt.

Nữ luật sư Samia Maktouf chụp ảnh cùng bà Winnie Mandela. Ảnh: lexpress.fr.

Đối với nữ luật sư Samia Maktouf, sự ra đi của "Mẹ đất nước" là một tổn thất sâu sắc. Samia Maktouf là người Pháp gốc Tunisia, từng gặp bà Winnie Madikizela lần đầu tiên năm 2015. Samia Maktouf nhớ lại: "Tôi gặp bà Winnie Madikizela vào cuối năm 2015, tại Đại hội hằng năm của ANC. Tại Đại hội, bà Winnie cho rằng, châu Phi cuối cùng đã giải phóng khỏi ách thuộc địa, nhưng ANC cần phải cải cách toàn diện để thích ứng với thế giới đương đại. Bà hỏi tôi: "Bạn không sợ khi đang sống ở Pháp ư?". Câu hỏi này thật khó trả lời đối với tôi bởi lẽ nước Pháp vừa chứng kiến một loạt vụ tấn công khủng bố nhằm vào tòa soạn báo Charlie-Hebdo và Hyper-Cacher".

Trong cuộc gặp cuối cùng, Samia Maktouf đã cho bà xem một tác phẩm vừa ra mắt mùa thu 2017. "Sau đó, chúng tôi ăn trưa ở nhà hàng Pigalle nằm trong khách sạn Michelangelo de Jo'Burg cùng với 5 vị khách nữa, trong đó có 2 người Afrikaners (người da trắng Nam Phi) và thống đốc Nigeria. Cuộc nói chuyện tập trung gần như hoàn toàn vào chủ nghĩa khủng bố và số phận của nữ sinh Chibok bị bắt cóc vào giữa tháng 4-2014 bởi các lực lượng thánh chiến Boko Haram. Khi nói về các nữ sinh bị bắt cóc, mặt bà Madikizela đanh lại. Tôi hiểu trong lòng bà đang trào dâng sự tức giận. Bà hỏi tôi: "Điều gì đã xảy ra với những cô gái bị bắt cóc chưa có cơ hội trở về này? Lòng bà đau đáu một nỗi buồn xa xăm. 

Vào thời kỳ đó, sức khỏe của bà Winnie đã yếu đi vì bệnh kiết lỵ. Bà ăn rất ít và toàn là những thực phẩm không đường. Samia Maktouf đã mang từ Paris cho bà nhiều loại thực phẩm không đường. 

Vài tuần sau, bà Winnie nhập viện vì bị nhiễm trùng thận và phải nằm viện trong 10 ngày. Cách đây một tuần, người thân phải đưa bà trở lại bệnh viện  ở thành phố Johannesburg nhưng ngày 2-4 bà đã ra đi mãi mãi mang theo nhiều bí mật của cuộc đời một nữ tướng. 

"Bà đã chiến đấu dũng cảm chống lại chế độ phân biệt chủng tộc và cống hiến cả cuộc đời mình vì sự tự do của đất nước", đại diện gia đình bà Madikizela-Mandela cho hay. Nhưng có một điều chắc chắn rằng bà Madikizela-Mandela mãi mãi là một trong những biểu tượng cuối cùng của cuộc đấu tranh chống phân biệt chủng tộc.

Trong lời chia buồn gửi tới gia đình bà Winnie Madikizela, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa nhấn mạnh, bà  Winnie Madikizela mãi mãi của "biểu tượng khát khao tự do cho dân tộc Nam Phi". "Đối mặt với sự bóc lột, bà là nhà vô địch đại diện cho công lý và bình đẳng. Bà là biểu tượng bất biến về khát khao tự do của nhân dân Nam Phi", Tổng thống Cyril Ramaphosa nói.

Yên Phúc
.
.