Người mã hoá bức điện mật của Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Thứ Tư, 12/05/2010, 11:35
Ông đã dành trọn tuổi thanh xuân của mình trên tuyến đường Trường Sơn huyền thoại, ông cũng chứng kiến bao đồng chí đồng đội đã ngã xuống trước ngày toàn thắng. Giữa những năm tháng máu lửa bi hùng đó, ông đã dịch, mã hóa và truyền đi hàng trăm ngàn trong tổng số gần 51 triệu bức điện của toàn ngành cơ yếu quân đội.

Ông cũng là người vinh dự được cấp trên lựa chọn để mã hóa và truyền đi bức điện của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử: "Thần tốc, thần tốc hơn nữa. Táo bạo, táo bạo hơn nữa...". Đó là Đại tá Nguyễn Đức Mãi, nguyên cán bộ cơ yếu Đoàn 559...

Không khó để tìm ra nhà Đại tá Nguyễn Đức Mãi ở thành phố Vinh, Nghệ An. Căn nhà nhỏ, giản dị nằm sâu trong ngõ số 10, đường Nguyễn Văn Cừ, nhưng dường như hỏi ai cũng đều biết ông. Thoạt nhìn không ai nghĩ người cựu binh này đã bước sang tuổi 85. Mấy năm gần đây, tuy bị căn bệnh tim hành hạ, nhưng do luyện tập dưỡng sinh thường xuyên, trông da dẻ ông vẫn hồng hào, giọng nói hào sảng. Đôi mắt ông rực sáng lên khi hồi ức lại những năm tháng thời chiến tranh máu lửa...

Tham gia khởi nghĩa cướp chính quyền trong Cách mạng tháng Tám 1945, sau đó công tác tại Huyện ủy Kỳ Anh (Hà Tĩnh), tháng 7/1950, chàng thanh niên trẻ Nguyễn Đức Mãi vinh dự được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam, sau đó ít ngày, ông xung phong nhập ngũ. Sau huấn luyện, ông được đơn vị cử đi học một lớp cán bộ công tác chính trị, đến năm 1952, sau nhiều lần thử thách, ông tiếp tục được đi học lớp cơ yếu. Từ đó, cuộc đời binh nghiệp của ông gắn liền với tín hiệu, ký hiệu, con số của ngành mật mã.

Gần chục năm sau đó, ông lăn lộn trên khắp các chiến trường miền Trung; đóng quân trên đảo từ Mũi Gòn, Hòn Én (Hà Tĩnh) đến Hòn La (Quảng Bình), đến miền Tây Vĩnh Linh trong biên chế quân số của Tiểu đoàn 25 thuộc Tỉnh đội Quảng Bình. Theo yêu cầu ngày càng cấp bách của chiến trường miền Nam, Đoàn 559 ra đời và ngày càng lớn mạnh; từ quy mô cấp sư đoàn đến binh đoàn bao gồm nhiều binh chủng hợp thành dưới sự chỉ huy của Tướng Đồng Sĩ Nguyên. Lực lượng cơ yếu của Đoàn 559 giữ vai trò "kết nối" sự chỉ đạo của Bộ Tổng tham mưu đến khắp các chiến trường. Ông là thế hệ lính cơ yếu đầu tiên của đơn vị chiến lược này.

Đồng chí Nguyễn Đức Mãi (người ngồi ngoài cùng bên phải) trong những năm ở Trường Sơn.

Lúc đầu đơn vị đóng quân tại Khe Hó (Vĩnh Linh), trụ sở đầu tiên của Đoàn 559, sau đó đơn vị rút về Làng Ho (Quảng Bình). Giai đoạn này cũng chính là thời điểm khó khăn nhất của đơn vị, vừa chiến đấu vừa xây dựng lực lượng. Trên đường Trường Sơn, lực lượng cơ yếu được thành lập 9 trạm, bắt đầu từ Làng Ho qua vùng Hạ Lào, Ka Ra Chê (Campuchia) rồi vòng về Lộc Ninh. Bấy giờ, điều kiện vô cùng khó khăn, ăn trong hang đá, ngủ dưới tán cây rừng, đối mặt với cái đói triền miên, rồi rắn độc, sốt rét, bom đạn của kẻ thù. Trong khi đó, địch lại liên tục tung các toán gián điệp, biệt kích và tổ chức các đợt hành quân quy mô lớn để càn quét, tìm diệt lực lượng ta, nên cứ hai ba hôm cả đơn vị lại phải di chuyển một lần để đảm bảo tuyệt đối bí mật.

Giai đoạn khó khăn nhất của ông và đồng đội phải trải qua, chính là những thời điểm khốc liệt nhất của cuộc chiến tranh. Lực lượng cơ yếu Đoàn 559 vừa phải chiến đấu như những đơn vị chủ lực thực sự trong Chiến dịch đường 9 Nam Lào, đợt Tổng tiến công và nổi dậy tết Mậu Thân 1968, đợt phản công mùa hè năm 1972, đặc biệt là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. --PageBreak--

Trong những thời khắc bi hùng nhất của cuộc chiến tranh, chính ông đã chứng kiến và mai táng hàng chục đồng đội mình, trong tổng số gần 600 cán bộ cơ yếu của Đoàn 559 ngã xuống trong những trận đánh, trận phục kích, trận B52 rải thảm của địch. Công việc cơ yếu khi đó chủ yếu được tiến hành vào ban đêm. Ban đầu, trang thiết bị thiếu thốn, chủ yếu làm thủ công nên càng khó khăn bội phần. Tuy nhiên, các ông đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đảm bảo liên lạc thông suốt, an toàn và bí mật tuyệt đối trong suốt những năm ác liệt của cuộc chiến tranh...

Lật giở từng trang kỷ yếu về các thế hệ lính cơ yếu, trong đó có bức điện mật do chính tay ông mã hóa và truyền đi năm xưa của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, khuôn mặt ông ngập tràn xúc động. Ông vẫn coi đó là vinh dự nhất của cuộc đời mình. Ngày 7/4/1975, ông nhận được chỉ thị từ Ban Cơ yếu Bộ Tổng tham mưu, giao một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, đó là mã hóa bức điện mật của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, truyền tới tất cả các đơn vị trên đường Trường Sơn, với nội dung: "Thần tốc, thần tốc hơn nữa. Táo bạo, táo bạo hơn nữa. Tranh thủ từng giờ, từng phút xốc tới mặt trận. Giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng. Truyền đạt tức khắc tới đảng viên và chiến sĩ".

Ông kể: "Nhận được nội dung bức điện mật quan trọng này, lúc đó tôi rất lo, làm sao hoàn thành thật tốt nhiệm vụ, chẳng nghĩ được điều gì khác cả". Ông phải mã hóa bức điện theo mã mới và phát trên làn sóng vô tuyến đến các đơn vị đang làm nhiệm vụ bảo vệ đường Hồ Chí Minh và đội hình hành quân đang rầm rập tiến vào Nam. Khi phát lên vô tuyến thì có nghĩa là cả quân ta và quân địch đều thu được tín hiệu, nên yếu tố bảo mật là quan trọng nhất. Giây phút đó ông đã rất hồi hộp và lo lắng, nhưng bản lĩnh người chiến sĩ cơ yếu được tôi luyện mấy chục năm trên đường Trường Sơn đã khiến ông xác định tư tưởng, tập trung vào công việc.

Bức điện mật của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Ngày hôm sau, ông và anh em trong đơn vị cơ yếu phải dò sóng, nghe ngóng xem kẻ địch có phát hiện được nội dung bức điện không, nhưng "nó" đã được đảm bảo yếu tố bí mật tuyệt đối, các lực lượng của địch không có phản ứng lớn. Tuy nhiên, phải nhiều ngày sau, khi tiếp nhận, mã dịch và chuyển ra Bắc những trận đánh thắng của quân và dân miền Nam trên khắp các chiến trường, ông mới cảm thấy sung sướng và thở phào nhẹ nhõm vì đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, kịp thời truyền đạt sự chỉ đạo của Bộ Tổng tham mưu, trực tiếp là Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Mệnh lệnh của Đại tướng ngay sau đó đã được các cánh quân tiếp nhận và là "kim chỉ nam" tiến thẳng vào sào huyệt của kẻ thù. "Khi tiếp nhận tin và mã dịch bức điện báo tin quân ta đã tiến quân vào Dinh Độc Lập, anh em trong đội cơ yếu của tôi đã ôm nhau khóc òa sung sướng" - ông Nguyễn Đức Mãi xúc động kể tiếp. Vào những ngày cuối cùng của cuộc chiến tranh, ông lại là người vinh dự đầu tiên ở Đoàn 559 mã dịch và truyền đi bức mật điện của Bộ chỉ huy mặt trận cánh Đông do Trung tướng Lê Trọng Tấn chuyển về Bộ Tổng tham mưu thông báo quân ta đã chiếm lĩnh Dinh Độc Lập, tiếp nhận sự đầu hàng của Tổng thống Dương Văn Minh và toàn bộ nội các chính quyền ngụy Sài Gòn...

Đất nước hoàn toàn giải phóng, Đại tá Nguyễn Đức Mãi tiếp tục gắn bó với ngành cơ yếu, nhưng trên cương vị Hiệu trưởng Trường Mật mã thuộc Bộ Quốc phòng. Đến năm 1991, ông mới chính thức nghỉ hưu. 41 năm quân ngũ là ngần ấy năm ông làm nhiệm vụ người chiến sĩ cơ yếu. Dù ở cương vị nào ông vẫn thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ kính yêu: "Mật mã phải bí mật, nhanh chóng, chính xác. Các chú làm mật mã phải bí mật và đoàn kết". Ông và đồng đội của mình, đã đóng góp những chiến công thầm lặng cho chiến thắng vĩ đại của dân tộc. Trong những ngày tháng 4 lịch sử này, ký ức một thời hoa lửa lại có dịp tràn về, khiến người cựu binh già bồi hồi, xao xuyến...

Phan Hoạt - Mạnh Hà
.
.