Những bí mật được tiết lộ sau gần nửa thế kỷ

Thứ Hai, 05/08/2019, 20:30
Tháng 1-1961, Trung tá Bobukh Anatolyi Vladimirovich là trưởng phi hành đoàn máy bay trực thăng có nhiệm vụ chuyển số máy bay trực thăng mà Chính phủ Liên Xô viện trợ cho Việt Nam sang sân bay Cát Bi, Hải Phòng và đào tạo phi công Việt Nam lái máy bay trực thăng.

Trung tá Bobukh Anatolyi Vladimirovich, phi công lái máy bay trực thăng sinh ngày 4-6-1933 tại  tỉnh  Donetsk. Ucraina. Tháng 1-1961, ông là trưởng phi hành đoàn máy bay trực thăng có nhiệm vụ chuyển số máy bay trực thăng mà Chính phủ Liên Xô viện trợ cho Việt Nam sang sân bay Cát Bi, Hải Phòng và đào tạo phi công Việt Nam lái máy bay trực thăng.

Theo yêu cầu của hai Nhà nước, những nhiệm vụ mà phi hành đoàn trực thăng của ông thực hiện ở Việt Nam đều được giữ bí mật. Mãi tới năm 2008, bí mật này mới được tiết lộ trong quyển 1 tập hồi ức "VIỆT NAM không thể nào quên" do Nhà Xuất bản QĐND vừa mới phát hành. Xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc trích lược bài hồi ức của ông với tiêu đề "Những chuyến công tác đặc biệt".

BÀI I: CHUYẾN CÔNG TÁC ĐẶC BIỆT SANG LÀO

Một đêm thứ Bảy trước thềm năm mới 1961, Đại tá Anokhin - Trung đoàn trưởng ra lệnh tất cả các thành viên trong đội bay trực thăng tập trung và giao nhiệm vụ chuyển số máy bay trực thăng viện trợ của Chính phủ Liên Xô sang Việt Nam. Trung đoàn trưởng quả quyết rằng, ở Hải Phòng đã có máy bay chờ sẵn để đưa chúng tôi trở về Liên Xô.

Do thời tiết ở Trung Quốc luôn luôn lạnh dưới -28 độ, nên sau hơn một tuần lễ chúng tôi mới hạ cánh tại sân bay Cát Bi. Thiếu tướng Antipov, Trưởng Tùy viên quân sự Liên Xô tại Việt Nam đã gặp chúng tôi để chúc mừng thành công của chuyến bay và thông báo do nhu cầu, chúng tôi phải ở đây vô thời hạn. Nhiệm vụ tiếp theo là đào tạo các phi công Việt Nam trong thời gian ngắn nhất.

Đang chuẩn bị khai giảng lớp học thì nhận được lệnh phi hành đoàn chúng tôi phải đưa máy bay về sân bay Gia Lâm Hà Nội. Tại Hà Nội, chúng tôi được biết quân đội của Đại úy Kong Le, ủng hộ Hoàng thân Su-va-na Fu-ma, đang bị lực lượng thân Mỹ đứng về phía Vua Lào bao vây Cánh Đồng Chum.

Trung tá Bobukh Anatoly Vladimirovich.

Chúng tôi được giao nhiệm vụ bay tới Lào để vận chuyển thực phẩm, đạn dược và thuốc từ sân bay Sầm Nưa đến Cánh Đồng Chum, và từ Cánh Đồng Chum chúng tôi sẽ đưa thương binh và người ốm về Sầm Nưa.

Nhiệm vụ này đã được chúng tôi hoàn thành tốt và lại có một nhiệm vụ đặc biệt khác đang chờ. Khi bay từ Lào trở về Hà Nội, chúng tôi phải bay qua tuyến mặt trận, luôn luôn có tiếng súng. Nên khi cần một phi hành đoàn thực hiện nhiệm vụ đặc biệt tiếp theo, một số phi công "cảm thấy không khỏe", riêng phi hành đoàn của tôi không có ai phàn nàn về sức khoẻ, và phi hành đoàn của tôi được giao nhiệm vụ đặc biệt này.

Khi gặp chúng tôi, Thiếu tướng Antipov giải thích ngắn gọn tình hình ở Lào, nơi đang có chiến sự ở thung lũng Cánh Đồng Chum. Quân đội của Đại úy Cong Le đã bị bao vây và đang cần sự giúp đỡ. Cách duy nhất để giúp đỡ người bị bao vây là đàm phán với Chính quyền của tỉnh Bắc Lào. Cần thuyết phục giới lãnh đạo Bắc Lào giúp đỡ đồng bào trong thời gian khó khăn này.

Trong các lần trao đổi bằng điện báo, đã có một thỏa thuận với giới Lãnh đạo của Bắc Lào về cuộc gặp gỡ của 2 phái đoàn. Địa điểm của cuộc gặp nằm trên lãnh thổ của Lào. Đây là địa điểm được bảo mật nghiêm ngặt. Nếu bên đối phương biết về địa điểm gặp của phái đoàn, họ sẽ ngăn cản cuộc họp và có thể cho quân nhảy dù xuống khu vực này.

Thiếu tướng cũng cảnh báo rằng chúng tôi được trao bí mật có tầm quan trọng quốc gia và chúng tôi phải chịu trách nhiệm về việc giữ gìn bí mật đó. Thiếu tướng chỉ trên bản đồ điểm mà phái đoàn sẽ được đưa đến. Đây là một vùng núi cao với một thung lũng sâu có dòng sông chảy đọc theo. Tín hiệu hạ cánh sẽ là ba đống lửa khi chúng tôi xuất hiện phía trên. Trong trường hợp không có lửa hoặc số đống lửa không phải là 3 thì không được hạ cánh và phải quay trở lại.

Thiếu tướng cho chúng tôi xem sơ đồ để chuẩn bị cho chuyến bay. Sau khi chuẩn bị xong, ông ra lệnh nộp bản đồ cho ông. Ông nói chúng tôi chỉ được nhận nó từ tay người đứng đầu phái đoàn vào thời điểm trước khi bay.

Tại chỉ huy sở sân bay, tôi đã làm quen với Giám đốc bay, với dịch vụ khí tượng. Theo dự báo thì thời tiết xấu, ban đêm và buổi sáng có sương mù thấp và mưa phùn; ban ngày sương mù đã được nâng cao, song các đám mây chỉ ở tầm cao 50-100m.

Chu kỳ thời tiết như thế này kéo dài hàng tuần lễ và mãi đến đầu  tháng hai, thời tiết mới không có sương mù. Các hành khách của chúng tôi đang đến trên 3 xe ô tô. Trưởng đoàn đã đưa cho tôi một gói trong đó có sơ đồ bay của chúng tôi. Trao đổi với nhau phải qua phiên dịch. Có hai phiên dịch: từ tiếng Lào và tiếng Pháp sang tiếng Việt và từ tiếng Việt sang tiếng Nga.

Trên máy bay có 7 hành khách và hàng hóa. Từ chỉ huy sở, chỉ huy chuyến bay đã quan sát tất cả những gì xảy ra ở gần máy bay trực thăng. Vì vậy, tôi vừa mới bắt đầu khởi động động cơ và bật radio, nghe thấy mật danh của tôi. Tôi được gọi vào liên lạc. Sau khi được phép cất cánh, tôi đã chọn độ cao, và lái máy bay theo các đồng hồ, ở độ cao 600 mét, chúng tôi ra khỏi những đám mây và bay theo tuyến đường.

Năm phút sau, tôi nhận ra chân trời đường hàng không "bị lật" nghiêng, và la bàn điện từ cho thấy đường bay không được xác định. Đang cố gắng thiết lập các thông số cần thiết của các thiết bị đồng hồ này, chúng tôi với hoa tiêu dẫn đường đã thấy rõ rằng các thiết bị này đã từ chối. Làm thế nào bây giờ? Quay trở lại và hạ cánh ở độ mây thấp mà không đọc được các thiết bị này là không thể.

Trong tình hình hiện tại, tôi đã giữ đường bay theo la bàn loại từ tính, và độ nghiêng được xác định theo chân trời đường không của phi công bên phải. Tôi quyết định tiếp tục bay dọc theo tuyến đường đến sân bay Điện Biên Phủ. Chúng tôi đã có kế hoạch hạ cánh tại đó để tiếp nhiên liệu. Một vài phút sau tôi nghe mật danh của tôi trên radio. Có người đang mời tôi vào liên lạc. Đó là phi công  máy bay "Li-2", bay cách bên phải tôi 2 km. Tôi thông báo vấn đề này cho phi công máy bay Li-2, nêu rõ tên của các thiết bị có sự cố.

Phi công máy bay Li-2 đã nhận được thông tin và khẳng định rằng sẽ gửi ngay thông tin này qua hệ thống điện báo telegraf. Phi công này yêu cầu tôi phải luôn giữ liên lạc với ông, vì ông luôn luôn bay cạnh tôi, trong trường hợp chúng tôi cần sự giúp đỡ. Tôi cảm thấy nhẹ nhõm vì tôi không cô đơn trên bầu trời này.

Đội bay của Đại úy Bobukh thăm bảo tàng ở Điện Biên Phủ, tháng 3-1961.

Chúng tôi bay đến Điện Biên Phủ một cách an toàn. Thời tiết dọc theo tuyến đường bay quang mây và xanh biếc. Chúng tôi đã hạ cánh, nạp thêm nhiên liệu và quyết định ngày hôm nay cần tiếp tục hoàn thành nhiệm vụ, mặc dù các thiết bị vẫn còn sự cố.

Chúng tôi bay đạt độ cao 2.500 mét và theo lộ trình đã chọn trên bản đồ, cho máy bay hướng sang Lào. Chúng tôi định hướng bằng mắt theo các ngọn núi và dọc theo các thung lũng. Có những đỉnh núi đạt độ cao tới 4.000 mét. Cuối cùng, theo thời gian ước tính, bằng trực quan, chúng tôi xác định thung lũng cần tìm có dải băng đáng chú ý là dòng sông.

Không hạ độ cao, chúng tôi bắt đầu bay dọc theo thung lũng. Tôi ra lệnh cho phi công hoa tiêu và kỹ thuật viên dùng mắt tìm kiếm khói từ đống lửa. Một lần đi ngang qua điểm, chúng tôi quay 180 độ và bay theo hành trình ngược lại. Và phi công bên phải nhìn thấy khói từ đống lửa.

Chúng tôi bay vượt qua ngay phía trên đống lửa, chỉ có khói, không còn lửa. Chúng tôi hạ độ thấp, quay lại 180 độ, cố gắng nhìn rõ, có thể xuất hiện khói của các đống lửa khác. Nhưng ngọn lửa đã cháy nay đã tắt rồi, và không xuất hiện những đống lửa mới. Chúng tôi rời khỏi địa bàn. Cần phải quyết định sớm: bay đi hay...

Chúng tôi quyết định bay lại ở độ cao cực thấp 30m và một lần nữa phải chú ý quan sát khi bay với tốc độ thấp. Tôi bay đến địa điểm, song không nhìn thấy một bóng người. Tôi quyết định hạ cánh xuống mép địa điểm, không tắt động cơ, giữ cho chiếc trực thăng ở tư thế cất cánh.

Chúng tôi nhìn thấy có một người xuất hiện. Ông dừng lại và đứng cách chúng tôi một trăm mét, ông không tới gần. Tôi ra lệnh cho thợ máy bay mở cửa và cử phiên dịch tiếng Pháp đi ra. Đồng chí phiên dịch nhanh chóng  ra khỏi máy bay  trực thăng, đi nhanh đến người đó. Họ nói chuyện với nhau.

Tôi không hiểu điều gì đang xảy ra. Tôi yêu cầu đồng chí Phan Nhu Can phiên dịch tiếng Nga chạy đến chỗ hai người, họ đều đứng và nói chuyện kèm theo các động tác bằng tay. Cuối cùng, đồng chí Phan Nhi Can giơ tay lên, vẫy tay trên đầu. Đó là một tín hiệu tắt máy đi. Ơn Đức Chúa Trời đã giúp chúng tôi.

Tôi tắt động cơ. Các đại biểu bước ra khỏi máy bay trực thăng trong lòng vẫn còn lo lắng và nhìn quanh. Các đồng chí phiên dịch đi tới chỗ các đại biểu, nói về một điều gì đó, sau đó mọi người đã thở phào nhẹ nhõm.

Khoảng 20 phút sau, hai người xuất hiện từ rừng cây phía bờ sông. Một người mặc quân phục, người thứ 2 mặc quần áo dân sự. Một cuộc trò chuyện ngắn đã diễn ra với sự trợ giúp của đồng chí phiên dịch tiếng Pháp.

Sau đó, các đồng chí phiên dịch lấy cái hộp đựng đồ và toàn bộ phái đoàn đi về phía bờ sông và biến mất sau rừng cây. Năm phút sau, đồng chí phiên dịch Phan Nhi Can trở lại và nói rằng có thêm ba người nữa đang ở bên sông, và các cuộc đàm phán đã bắt đầu.

Chẳng bao lâu đồng chí phiên dịch tiếng Pháp đã về và nói rằng các cuộc đàm phán đã kết thúc, và cả hai phái đoàn đều bay khỏi nơi này và tiếp tục các cuộc đàm phán ở Hà Nội. Cả hai đoàn đã đến, gồm có 10 người. Hành khách đã tăng gấp đôi. Cần sắp xếp chỗ ngồi như thế nào để không làm ảnh hưởng đến trọng tâm của trực thăng. Chúng tôi cất cánh nhẹ nhàng và đưa cả 2 phái đoàn về Điện Biên Phủ.

Chúng tôi biết là chiếc máy bay của chúng tôi đã được chuyên gia sửa chữa những hỏng hóc, bây giờ có thể đưa các đoàn về Hà Nội. Nhưng trời đã chuyển sang buổi tối. Chúng tôi trùm bạt cho máy bay và đi đến phòng điều  phối bay để đăng ký chuyến bay vào ngày mai. Kế hoạch bay của chúng tôi đã được chấp nhận. Nhưng ngày mai, ngày kia và... 17 ngày nữa chúng tôi vẫn chưa được bay. Mỗi ngày đến phòng điều phối bay, chúng tôi đều nghe câu: "không bay đi Hà Nội được!".

Tình hình này kéo dài đến ngày 20-2-1961, khi máy bay Li-2 từ Hà Nội bay lên Điện Biên Phủ đón chúng tôi về dự Lễ kỷ niệm ngày thành lập Quân đội Liên Xô (23-2).

Ngay sau ngày Lễ, phi hành đoàn chúng tôi được bay trở lại Điện Biên trên máy bay IL-14 cùng với Hoàng thân Su-va-na Fu-ma. Chúng tôi được giao nhiệm vụ dùng máy bay trực thăng đang ở Điện Biên đưa Hoàng thân đến Bắc Lào. Chúng tôi đến Điện Biên trời vừa tối. Các bạn Việt Nam tổ chức một bữa ăn tối, và chúng tôi được mời ngồi cùng một bàn với Hoàng thân.

Ngồi cùng bàn còn có những người từ sứ quán Liên Xô, họ cùng bay với chúng tôi trên máy bay IL-14.  Hoàng thân Su-va-na Phu-ma nâng cốc chúc mừng. Chúng tôi không hiểu Hoàng thân nói gì, nhưng chúng tôi uống một ly vodka của sứ quán...

Sau khi ăn tối, chúng tôi về phòng mình, một trong số những người ngồi cùng bàn đuổi kịp chúng tôi, dừng tôi lại và chỉ nói đủ cho hai người nghe. Ông ấy muốn tôi sẽ tìm ra bất cứ lý do gì để không bay sang Lào. Ông ấy nhấn mạnh từng lời như sau: "Chẳng có gì để Hoàng thân làm ở Lào, mọi công việc vẫn được thực hiện khi không có ông ấy".

Ngày hôm sau, tôi đã tìm ra lý do: những đám mây thấp, các đám mây che kín các đỉnh núi, máy bay không bay sang Lào được. Hoàng thân bay về Hà Nội.

Đến đây coi như kết thúc nhiệm vụ mà Thiếu tướng Antipov trực tiếp giao cho phi hành đoàn chúng tôi. Có thể nói rằng, chúng tôi đã đóng góp vào chiến thắng các lực lượng thân Mỹ tại Lào.

(Còn tiếp)

Ninh Công Khoát (dịch)
.
.