Thi tướng Huỳnh Văn Nghệ: Còn lại thiên thu một chút tình

Thứ Tư, 31/12/2014, 16:50
Hóa ra tất cả như mây nổi/ Còn lại thiên thu một chút tình (Huỳnh Văn Nghệ).
Ông là một nhân vật đặc biệt: là một người yêu nước, một nhà chỉ huy quân sự tài ba, một nhà thơ lớn… Lẫy lừng trong vai trò chiến sĩ, cả lẫy lừng với sự nghiệp văn chương, ông đã để lại một huyền thoại đẹp về người anh hùng kiêm thi sĩ…

Hình ảnh một người anh hùng

Chính vì thế, ông được nhân dân tôn vinh gọi là "Thi tướng". Bên trong màu áo lính ấy là tâm hồn của một thi sĩ:

Có ai về Bắc ta đi với/ Thăm lại non sông giống Lạc Hồng/ Từ thuở mang gươm đi mở cõi/ Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long…

Những câu thơ hào sảng và kiêu hùng như giọng điệu của đấng quân vương, nhưng trong cái hào sảng kiêu hùng ấy, có chút gì như là tội nghiệp, bơ vơ. Câu thơ gợi nét gì vừa kiêu hãnh vừa đáng thương của một người con xa nhớ thương cố xứ. Tôi ngờ rằng trong dòng máu ông có căn cốt của một kẻ sĩ Bắc Hà…  Và ở ông hình như hào khí Nam Bộ xuất phát từ hào khí Thăng Long nghìn năm văn hiến. Nhà báo Huỳnh Văn Nam, nguyên Tổng giám đốc Đài Truyền hình TP HCM - người con trai của Thi tướng chia sẻ: "Viết được những câu thơ ấy bởi trong con người ba tôi, tình yêu lớn nhất là tình yêu đối với quê hương đất nước. Ông dung hòa được phong cách, nét văn hóa, phong tục tập quán của cả hai miền Nam - Bắc trong cuộc sống".

Thực vậy, bây giờ dân "phố nhà binh" Lý Nam Đế, Hà Nội vẫn còn nhớ về một con người tử tế biết hòa đồng tính cách và đặc biệt là một người nhân hậu sống để yêu thương con người. Ông "Bắc hóa" đến nỗi ngày về Nam sau giải phóng ông vẫn mang theo bên mình chiếc điếu cày, và rít thuốc lào nhả khói như những lão nông  miền Bắc thực thụ.  Làm sao một người con Nam Bộ lại có một tâm hồn hướng Bắc với tình cảm quá thân thương như vậy? Đó là một sự lạ, một bí ẩn mà ngoài ông ra không ai lý giải nổi.

Từ lâu  nói đến Huỳnh Văn Nghệ là người đời nhớ đến những huyền thoại xung quanh cuộc đời dâng hiến của ông cho quê hương đất nước. Tại chiến khu miền Đông một thời máu lửa, tên tuổi Huỳnh Văn Nghệ nổi lên bên cạnh những tên tuổi lớn như Lê Duẩn, Nguyễn Bình… Trong con người ông, hai phẩm chất nổi bật nhất là phẩm chất anh hùng và một tâm hồn, một trái tim thi sĩ. Hơn thế, một trái tim nồng nàn yêu thương quê hương đất nước con người. Chưa bao giờ là "tướng" nhưng đời vẫn gọi ông là "Thi tướng". Có lẽ bởi những gì ông đã dâng hiến cho đất nước quá xứng đáng để gọi ông như thế. Những chiến công và binh nghiệp lẫy lừng đã đưa tên tuổi ông đi vào huyền thoại. Bây giờ không biết gọi ông là võ tướng hay thi nhân...

Đỗ Thành chung vào năm 1932, Huỳnh Văn Nghệ làm công chức tại Sở Hỏa xa Đông Dương. Thời gian này, tham gia phong trào Đông Dương Đại hội vào năm 1936, bắt đầu hoạt động làm thơ, viết báo (tiếng Việt, tiếng Pháp) đăng trên các báo ở Sài Gòn với bút danh Hoàng Hồ. Năm 1937, ông được bí mật kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương lần thứ nhất.

Thi tướng Huỳnh Văn Nghệ.

Khởi nghĩa Nam Kỳ nổ ra và bị chính quyền thực dân đàn áp khốc liệt. Năm 1942, Huỳnh Văn Nghệ bị phát hiện và bị truy bắt, nhưng ông kịp đào thoát sang Thái Lan, hoạt động trong phong trào Việt kiều yêu nước, ra tờ báo Hồn cố hương, kêu gọi Việt kiều  hướng về Tổ quốc, ủng hộ cách mạng.

Năm 1944, ông trở về nước bắt liên lạc với ông Trần Văn Giàu, Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ và được giao lập khu nghĩa quân Đất Cuốc tại quê hương Tân Uyên. Năm 1945, lần thứ hai ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương, được giao nhiệm vụ là Thủ lĩnh Thanh niên Tiền phong tại Biên Hòa, và tham gia Tổng khởi nghĩa tháng Tám, trực tiếp chỉ huy bắt sống tỉnh trưởng và cảnh sát trưởng tỉnh Biên Hòa. Ông được giao nhiệm vụ Chỉ huy trưởng lực lượng Giải phóng quân Biên Hòa, cố vấn cho Ủy ban Kháng chiến miền Đông. Chi đội 10 Vệ quốc đoàn thành lập. Quân số của chi đội  trên 2.000 người, được tổ chức thành 3 đại đội.

Năm 1946, Tư lệnh Nam Bộ Nguyễn Bình phong Huỳnh Văn Nghệ làm Khu bộ phó Khu 7 (bấy giờ Khu bộ trưởng Khu 7 là Lê Văn Viễn, tức Bảy Viễn). Ông đã chỉ huy nhiều trận đánh lớn tại miền Đông. Đặc biệt, với trận La Ngà ngày 1/3/1948, đây là trận giao chiến lớn nhất Nam Bộ kể từ ngày giặc Pháp tái chiếm nước ta, tiêu diệt 2 đại đội địch, 63 xe camions và thiết giáp. Đơn vị ông được Chính phủ tặng thưởng Huân chương Chiến công, riêng Trung đoàn trưởng Huỳnh Văn Nghệ được Hồ Chủ tịch  gửi tặng một chiếc áo trấn thủ.

Những năm đánh Pháp ở bưng biền Nam Bộ, ở miền Đông gian lao mà anh dũng, ông là người chỉ huy tài ba dũng cảm. Tên ông làm quân thù khiếp sợ mỗi khi nghe đến… Từ năm 1950, Huỳnh Văn Nghệ từng là Ủy viên Thường vụ - Tỉnh đội trưởng Thủ Biên (Thủ Dầu Một và Biên Hòa), từng chỉ huy nhiều chiến dịch thắng nhiều trận đánh lớn. Hình ảnh Thi tướng dũng mãnh oai phong là thần tượng của lớp lớp thanh niên một thời nối chí anh hào lên đường ra trận, mơ thành dũng tướng như ông và cả mơ thành thi sĩ như ông…

Tôi là người lăn lóc giữa đường trần/ Không phân biệt lúc mài gươm múa bút.../ Trên lưng ngựa múa gươm và ca hát… Hình ảnh một võ tướng dáng uy nghi trên lưng ngựa bên tướng Nguyễn Bình súng kiếm liền hông bờm ngựa tung bay, vó ngựa bụi mù… luôn đọng trong tâm trí bao người. Người chỉ huy Đội 10 nổi tiếng "xuất quỷ nhập thần" với những chiến công vang dội Chiến khu D làm nên tên tuổi Huỳnh Văn Nghệ. Và huyền thoại những lần tay không tiếp cận với tướng Bình Xuyên Bảy Viễn…

Từ trái qua: các ông Huỳnh Văn Nghệ, Lê Duẩn, Nguyễn Bình, Dương Quốc Chính tại chiến khu.

Và phần thắng lại thuộc về tài cảm hóa và phẩm chất quân tử trượng phu của Huỳnh Văn Nghệ. Tự hào và xúc động khi nhắc đến người cha thân yêu của mình, ông Huỳnh Văn Nam tâm sự: “Cuộc đời của ba tôi là cuộc đời chiến trận, gắn liền với lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc. Chính vì thế, ông mang bản lĩnh, phong cách của một chiến binh, một người chỉ huy thực thụ.

Người anh hùng mang trái tim thi sĩ

Ông nổi tiếng vì khí phách tâm hồn đậm chất Nam Bộ, điển hình của người đất phương Nam vừa phóng khoáng vừa lãng mạn nhưng hào hiệp, sẵn sàng xả thân vì nghĩa trượng. Không hiểu sao mảnh đất Tân Uyên - Biên Hòa - Đồng Nai ấy lại là nơi sinh ra những tên tuổi văn chương lớn: Lý Văn Sâm, Hoàng Văn Bổn, Bình Nguyên Lộc và Huỳnh Văn Nghệ… Ông nổi tiếng bởi ngoài những tháng năm lăn lộn trong kháng chiến với vai trò một người chỉ huy lừng lẫy, ông còn một gia tài văn chương khá đồ sộ với những ấn tượng rất riêng và mang tầm vóc một văn tài. Huỳnh Văn Nghệ là một thi nhân đúng nghĩa:

Có ai về Bắc ta đi với/ Thăm lại non sông giống Lạc Hồng/ Từ thuở mang gươm đi mở cõi/ Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long… Bài thơ “Nhớ Bắc” viết từ năm 1946 là một trong những thi phẩm lớn của một thi sĩ hào hoa và lãng mạn. Ở Huỳnh Văn Nghệ nhiệm vụ chiến sĩ và sứ mệnh thi sĩ không phân biệt:

Tôi là người lăn lóc giữa đường trần,

Không phân biệt lúc mài gươm múa bút.

Đời chiến sĩ máu hòa lệ, mực

Còn yêu thương là chiến đấu không thôi

Suốt một đời gươm chẳng ráo mồ hôi

Thì không lẽ bút phải chờ kiếp khác.

Trên lưng ngựa múa gươm và ca hát,

Lòng ta say chiến trận đến thành thơ.

Ông là một cây bút lạ cả trong báo chí và văn chương. Với ông, văn chương mang tinh thần lịch sử. Ông làm sử bằng văn chương, nhất là lịch sử văn hóa vùng đất miền Đông nhiều lạ lùng bí ẩn… "Cái gì còn lại sau khi những cái khác đã mất đi, đó là văn hóa". “Quê hương rừng thẳm sông dài” là một cuốn sách nổi tiếng về vùng đất ấy. Thơ văn ông viết nhiều về những con người, sự tích, sự kiện… Chuyện kể rằng  có trường hợp  người lính tên là Nguyễn Văn Xiểng (Điểu Xiểng) hy sinh ở Xuân Lộc nhưng khi làm hồ sơ liệt sĩ không có cơ sở khẳng định trường hợp hy sinh ấy, may nhờ có bài thơ của ông mà sự kiện ấy được làm sống lại.  Sự kiện Nguyễn Văn Xiểng bị tra tấn, bị cột vào xe kéo lê trên đường và đã anh dũng hy sinh được ông kể lại:

Anh vẫn đứng lặng im

Hiên ngang như ngọn núi

Máu căm thù dâng lên trong mắt đỏ

Nhìn lũ giặc như hùm thiêng nhìn chó

Bỗng gầm lên mấy tiếng vang trời:

"Không, không đầu Tây

Tao thề chết tại đây!".

Chiếc xe hốt hoảng rồ ga

Phóng tới như điên khiến anh ngã gục.

Từ cao xa ngọn Chứa Chan còn thấy

Thấy một anh hùng dân tộc,

Đuổi theo xe như một khối căm hờn.

Máu anh đỏ mãi ruộng vườn

Núi rừng Xuân Lộc nhớ thương đời đời.

Trong bài thơ “Tiếng hát giữa rừng” viết về một người chiến sĩ bị thương hát Quốc ca giữa lúc cấp cứu cưa bỏ cái chân bằng cái cưa xẻ gỗ: Đoàn quân Việt Nam đi/ Chung lòng cứu quốc/ Anh lịm đi/ Hồi hộp cả núi rừng/ Tiếng hát mới chịu ngưng/ Ảnh Bác Hồ rưng rưng nước mắt/ Lửa căm hờn bỗng dựng cao đầu ngựa dậy/ Vang trời ngựa hý/ Chí phục thù cháy bỏng tay cương… Đó là nỗi đau trong tim người chỉ huy trước thân phận một người lính khi anh ấy hát trong cơn đau đớn. Trở lại bài thơ “Nhớ Bắc”, đôi chỗ làm ta bất ngờ bởi hồn thơ như làm bừng tỉnh những ai mơ hồ về đất nước. Người Việt dẫu ở đâu cũng nhủ lòng rằng mình cùng chung nòi giống Tiên Rồng: Ai nhớ người chăng, ôi Nguyễn Hoàng/ Mà ta con cháu mấy đời hoang/ Vẫn nghe trong máu buồn xa xứ/ Non nước Rồng Tiên nặng nhớ thương… Viết về dòng sông quê hương lại với cả nỗi niềm “Nhớ Bắc”: Có con sông chảy từ hướng Bắc/ Vượt núi rừng ghềnh thác/ Tràn vào Nam cuộn cả bóng mây cao… Cái con người mà cuộc đời nhiều sóng gió ấy, có tính cách và nhân cách một thi nhân đúng nghĩa. Tôi nhớ trên lối ngõ vào ngôi nhà lưu niệm Huỳnh Văn Nghệ có hai câu thơ cuối đời ông đầy chất lãng tử: Gửi lại bạn mấy vần thơ trên cát/ Và giờ đây tôi qua bến lên đường…

Ông khiêm nhường vậy. Huỳnh Văn Nghệ đã "qua bến" "lên đường" từ sau ngày giải phóng miền Nam ít lâu, nhưng tên tuổi người anh hùng cùng với thơ văn ông lạ lùng và ấn tượng sẽ còn lại với quê hương và đất nước.  Chao ôi, lẫy lừng trong vai trò chiến sĩ, và cả lẫy lừng với sự nghiệp văn chương, ông đã để lại một huyền thoại đẹp về người anh hùng kiêm thi sĩ…

Huỳnh Văn Nghệ (1914-1977) là một nhà hoạt động cách mạng và là một nhà chỉ huy quân sự Việt Nam, nổi tiếng về tài thi ca. Ông được Nhà nước  truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân năm 2010, và Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật.

Tân Linh
.
.