Vụ nổi loạn trên tàu Bounty: Công lý được thực thi

Thứ Tư, 30/01/2019, 08:42
Sau khi buộc thuyền trưởng Bligh và 18 người khác phải lên xuồng cứu sinh với số lương thực chỉ đủ dùng trong 5 ngày, hoa tiêu Christian ra lệnh cho các thành viên trong nhóm nổi loạn ném hết những chậu trồng cây bánh mì xuống biển.


Nhận định rằng Bligh có thể sẽ được các tàu buôn cứu vớt, và đảo Tahiti sẽ là mục tiêu săn lùng của Hải quân Hoàng gia Anh nên Christian cho tàu Bounty tiến về Tubuai, một hòn đảo nhỏ nằm ở phía nam, cách Tahiti 450 hải lý, bao bọc xung quanh là những rạn san hô, thuận tiện cho việc lẩn trốn…

Chiếm đảo Tubuai

9 giờ sáng ngày 28-5-1789, khi nhìn thấy tàu Bounty lừng lững tiến vào, một nhóm thổ dân trên đảo Tubuai trên những chiếc thuyền nhỏ đồng loạt lao ra. Chưa rõ họ có ý định tấn công hay không nhưng hoa tiêu Christian, người cầm đầu cuộc nổi loạn đã ra lệnh khai hỏa 4 khẩu đại bác cỡ nòng 50mmm. Kết quả là 10 thổ dân bị giết, số còn lại quay thuyền, bỏ chạy tán loạn.

Vài giờ sau đó, Christian cùng 15 thủy thủ lên bờ khảo sát. Họ nhanh chóng nhận ra đây là chỗ ẩn náu tốt nhất vì đảo có nước ngọt quanh năm, có nhiều rừng dừa và các cánh đồng trồng ngô của thổ dân. Tuy nhiên, để có thể định cư lâu dài, Christian phải tìm cách giảng hòa với thổ dân, đưa thêm lao động đến và nguồn cung cấp nhân lực lớn nhất vẫn là đảo Tahiti.

Ngày 6-6, chiếc Bounty trở lại Tahiti. Lúc gặp chúa đảo Tynah, hoa tiêu Christian bịa ra rằng thuyền trưởng Bligh đã thành lập khu định cư mới ở Aitutaki (một địa danh không có thật). Chính cái tên Bligh đã khiến chúa đảo Tynah gửi tặng nhiều món quà, bao gồm các loại gia súc như bò, dê, gà, lợn, cá khô, dừa khô, vải tự dệt của người Polynesia, đồng thời Tynah còn cho phép 30 thổ dân Tahiti, trong đó có 4 phụ nữ, đi theo Christian đến khu định cư mới.

Tranh vẽ mô tả thổ dân đảo Tubuai xông ra khi thấy chiếc Bounty xuất hiện.

Ngày 16-6, tàu Bounty cập đảo Tubuai. Những tháng tiếp theo, một bức tường lớn được xây dựng, bao quanh chỗ ở của nhóm nổi loạn cùng 30 người Tahiti mà Christian gọi là "Pháo đài vua George". Và mặc dù Christian đã cố gắng giảng hòa với thổ dân trên đảo bằng cách mỗi khi bắt được tù binh, Christian cho họ ăn uống tử tế rồi tha họ với những món quà nhưng những cuộc đụng độ vẫn liên tiếp xảy ra. Đến cuối tháng 8, chiến tranh kết thúc bằng một trận đánh với sự yểm trợ của những khẩu đại bác trên tàu Bounty. 66 thổ dân bị giết, nhiều người khác bị thương. Sau trận ấy, thổ dân rút sâu vào rừng, bỏ mặc một vùng lãnh thổ rộng lớn cho Christian kiểm soát.

Nhưng cũng từ đó, sự bất mãn trong hàng ngũ nhóm nổi loạn gia tăng, chủ yếu phát xuất từ nhu cầu tình dục vì chỉ có 4 phụ nữ Tahiti. Cuối cùng, trong một cuộc bỏ phiếu, 16 thủy thủ xin quay về đảo Tahiti, chỉ còn 8 người đồng ý ở lại với Christian. Ngay cả 30 thổ dân tình nguyện theo Christian đến "khu định cư mới của thuyền trưởng Bligh", họ cũng xin về.

Ngày 22-9, tàu Bounty đưa số người nói trên cập đảo Tahiti. 2 tháng trước đó, một tàu buôn Anh Quốc ghé đảo rồi khi nghe chúa đảo Tynah nói về "khu định cư Aitutaki", họ khẳng định đây là chuyện bịa vì trên vùng biển này, không một nơi nào có địa danh như vậy. Chưa hết, họ còn tỏ ra ngạc nhiên vì thuyền trưởng Bligh nổi tiếng là người cương trực trong giới hàng hải Anh Quốc nên chẳng có lý do gì để ông đánh lừa thổ dân. Họ cho rằng phải có một uẩn khúc nào đó nhưng thời điểm ấy, vụ nổi loạn trên tàu Bounty vẫn chưa được biết đến nên họ chỉ trao đổi với chúa đảo Tynah những gì họ nghe thấy mà thôi.

Bán tín bán nghi, chúa đảo Tynah đón tiếp Christian khá lạnh nhạt, khác hẳn với lần đầu tiên tàu Bounty cập bến. Lo sợ chuyện không hay xảy đến, tối 24-9 Christian tổ chức một bữa tiệc trên tàu Bounty với hơn một nửa khách mời là phụ nữ Tahiti để "mừng ngày sum họp". Đang khi bữa tiệc diễn ra tưng bừng náo nhiệt, Christian ra lệnh cho 8 thủy thủ còn đi theo anh ta là Young, Quintal, Brown, Martin, Williams, McCoy, Mills và Adams, cắt dây neo rồi giương buồm ra khơi. Trong số những người bị bắt cóc có 6 phụ nữ lớn tuổi, Christian thả họ xuống đảo Mo'orea gần đó, 20 người còn lại anh ta đưa về đảo Tubuai.

Với 16 thủy thủ xin ở lại Tahiti, họ bắt đầu tổ chức cuộc sống để khẳng định sự vô tội trong vụ nổi loạn tàu Bounty, trong đó thủy thủ Morrison dự định chèo thuyền đến Đông Ấn thuộc Hà Lan, khai báo với chính quyền thuộc địa  nhưng không thực hiện được vì không tìm ra chiếc thuyền chắc chắn, chịu nổi sóng gió. Những người khác học thổ ngữ Polynesia, lấy vợ Tahiti, ăn mặc như thổ dân, thân thể cũng đầy những hình xăm như dân bản xứ với hy vọng có một cuộc sống êm đềm cho tới ngày người Anh trở lại.

Số phận những kẻ nổi loạn

Về phía thuyền trưởng Bligh cùng 15 sĩ quan, thủy thủ và 2 nhà thực vật học trên chiếc xuồng cứu sinh, ngày 2-6-1789, để rút ngắn hành trình, sau khi đã vượt qua mũi York, điểm cực bắc của lục địa Australia, Bligh cho xuồng quay về hướng tây nam, đi qua một mê cung gồm những đụn cát, bãi đá ngầm và những hòn đảo nhỏ. Tuyến đường này không phải là đường qua eo biển Endeavour như Bligh đã dự định lúc đầu, mà là một lối đi hẹp hơn, về sau được gọi là "Kênh Hoàng tử xứ Wales". Thức ăn của họ phần lớn là cá, rong biển, trứng chim mà họ bắt được, hoặc tìm thấy trên các đảo nhỏ. Những cơn mưa gió mùa cung cấp cho họ nước uống và các dòng hải lưu đẩy xuồng đi nhanh hơn.

Tranh vẽ mô tả một thủy thủ cùng vợ là thổ dân Tahiti và đứa con trên đảo Pitcairn.

Ngày 11-6, Bligh đến biển Arafura. Vẫn còn cách khu định cư Coupang của Hà Lan ở Đông Ấn 1.100 hải lý (2.000km). 8 ngày tiếp theo là giai đoạn khó khăn nhất trong suốt cuộc hành trình kể từ khi họ bị buộc phải rời tàu Bounty. Thức ăn hết, nước uống chỉ còn một ít, những con sóng lớn liên tục xô đẩy khiến 18 người bị quăng lên quật xuống trong lòng xuồng. Và trong khi cơn tuyệt vọng ập đến, tất cả đều tin rằng họ sẽ chết thì bất ngờ chiếc tàu buôn Anh Quốc Union Jack đi ngang, nhìn thấy họ. Bligh viết trong nhật ký: "Tôi không thể nói được niềm vui và sự sung sướng khi nhìn thấy bờ biển Timor. Phước lành đã đến, chúng tôi đã được cứu sống".

Một tuần sau, nhóm của Bligh được tàu Union Jack đưa vào khu định cư Coupang thuộc Hà Lan. Tại đây, ông đã báo cáo toàn bộ diễn tiến cuộc nổi loạn cho chính quyền nhưng nhà thực vật học Nelson do quá kiệt sức sau gần 2 tháng lênh đênh trên biển, đã chết.

Ngày 20-8, nhóm của Bligh được đưa đến Batavia, nay là Jakarta, Indonesia để chờ tàu đi châu Âu. Lại có thêm đầu bếp Thomas Hall, 2 thủy thủ là Peter Linkletter, Robert Lamb và trợ lý bác sĩ phẫu thuật Thomas Ledward chết. Bligh cùng những người còn lại lên đường về Anh ngày 16-10-1789.

Tháng 4-1790, ngay khi thuyền trưởng Bligh về đến Anh Quốc, Hải quân Hoàng gia Anh đã cử chiếc tàu chiến Pandora dưới quyền chỉ huy của Đại úy thuyền trưởng Edwards đi bắt những kẻ nổi loạn, đưa về Anh xét xử. Chiếc Pandora đến Tahiti hôm 23-3-1791 và chỉ trong vài ngày, ngoại trừ 2 người đã chết do bệnh tật, 14 thủy thủ trên tàu Bounty còn sống nhanh chóng đầu hàng. Trong suốt những tuần sau đó, thuyền trưởng  Edwards cố gắng tìm kiếm tung tích tàu Bounty cùng Christian, kẻ cầm đầu cuộc nổi loạn nhưng không kết quả.

Ngày 8-5, Edwards cho tàu ra khơi, tiến hành lùng sục hàng trăm hòn đảo nhỏ ở phía nam Thái Bình Dương. Cuộc lùng sục kéo dài đến cuối tháng 8 nhưng vẫn chẳng hề có dấu vết gì của Christian. Trên đường trở lại Anh Quốc, chiếc Pandora mắc cạn ở rạn san hô Great Barrier rồi bị sóng lớn đánh đắm. 31 thủy thủ cùng 4 tù nhân thiệt mạng. Thuyền trưởng Edwards và những sĩ quan, thủy thủ còn lại đưa 10 tù nhân bị trói chặt tay chân lên chiếc xuồng cứu sinh. Ngày 17-9-1791, họ đến được khu định cư Coupang rồi sau đó lên tàu về Anh.

Cuối cùng là số phận của hoa tiêu Christian, kẻ cầm đầu cuộc nổi loạn. Sau khi bắt cóc 20 người Tahiti - trong đó có 12 phụ nữ - đưa về đảo Tubuai thì đầu tháng 10, Christian cùng tất cả lên chiếc Bounty, giương buồm đến đảo Pitcairn, cách Tahiti 348km. Tại đó, Christian cho tháo gỡ các cột buồm cùng xà dọc và boong tàu để lấy gỗ xây dựng. Phần còn lại của tàu, Christian đốt hết.

Cuộc sống trên đảo Pitcairn dần dà xảy ra mâu thuẫn. Christian và các thủy thủ đi theo anh ta ai cũng lấy vợ, có con và điều này đã khiến những thổ dân đàn ông Tahiti tức giận, nhất là khi họ thấy phụ nữ của họ được "chuyền từ ông chồng này sang ông chồng kia". Tháng 9-1793, 5 thủy thủ bị cánh đàn ông Tahiti giết chết, trong đó có Christian. Để trả thù, 4 thủy thủ còn lại giết 6 đàn ông Tahiti nhưng 2 người cũng bị thương nặng, chết sau đó vài ngày, chỉ còn thủy thủ Young và Adams sống sót. Tuy nhiên, có thông tin nói rằng Christian không chết mà trong lúc giao tranh hỗn loạn, anh ta bỏ chạy rồi bằng cách nào đó, trở về Anh, sống lén lút ở Plymouth.

Năm 1800, Young chết vì bệnh hen suyễn. Năm 1808, một chiếc tàu của thuyền trưởng người Mỹ là Topaz tình cờ ghé đảo Pitcairn rồi phát hiện cộng đồng Tahiti lai Anh Quốc, do Adams lãnh đạo nhưng mãi đến năm 1814, hai tàu chiến Anh Quốc là Briton và  Tagus mới đến.

Một thanh đà của tàu Bounty còn sót lại, hiện trưng bày tại Bảo tàng Hải quân Anh Quốc.

Chào đón họ, ngoài Adams thì còn có 2 con trai của Christian, 1 con trai của Adams, 2 con gái của Young cùng 40 người khác là vợ con của các thủy thủ đã qua đời. Khi tin tức về đến nước Anh, tòa án Anh Quốc quyết định không áp dụng bất kỳ biện pháp trừng phạt nào với những người trên đảo bởi lẽ lúc ấy, qua lời kể của Adams và của 10 thủy thủ bị tàu Pandora bắt ở Tahiti, hình ảnh thuyền trưởng Bligh xuất hiện như một con quái vật hống hách, còn Christian là nạn nhân của hoàn cảnh. Phải mãi đến cuối thế kỷ 20, đầu thế kỷ 21, qua nhiều cuộc điều tra của các nhà sử học Anh Quốc, danh dự thuyền trưởng Bligh mới được phục hồi.

Với 10 thủy thủ tham gia nổi loạn trên tàu Bounty rồi xin Christian cho ở lại đảo Tahiti, ngày 12-9-1792, Tòa Đại hình Anh Quốc mở phiên xét xử với tội danh nổi loạn. Kết quả 3 người bị treo cổ, 7 người còn lại được ân xá. Trong những năm tiếp theo, đảo Pitcairn trở thành nổi tiếng, rất nhiều tàu chở du khách đã ghé thăm để nghe Adams kể chuyện về vụ nổi loạn và về cộng đồng Taihiti lai Anh. Cũng trong những lần kể chuyện ấy, Edward Christian, con trai của Fletcher Christian với một phụ nữ Tahiti đã khẳng định tin đồn về việc cha mình trốn về Anh Quốc là chuyện không đúng sự thật.

Adams mất năm 1829. Trước đó, ông đã hướng dẫn cộng đồng cư dân trên đảo Pitcairn thu thập những tàn tích còn sót lại của tàu Bounty sau khi bị Christian đốt cháy. Được giới sưu tập cổ vật lịch sử săn lùng, những tàn tích ấy đã đem lại cho cộng đồng cư dân đảo Pitcairn nhiều công trình phúc lợi như đường sá, bệnh viện, trường học…

Vũ Cao (theo History)
.
.