Mở lại hồ sơ vụ thủ tiêu “điệp viên” Thái Khắc Chuyên

Thứ Bảy, 31/01/2015, 09:15
Bắt đầu từ cuối tháng 8/1969, cùng với nhiều tờ báo lớn ở Mỹ, hàng loạt các tờ báo xuất bản tại Sài Gòn đã cho đăng tải trên trang nhất loạt bài dài với những hàng tít đậm nét: "Phát hiện một điệp viên nhị trùng của Hà Nội ngay trong cơ quan CIA ở Việt Nam?", "Thái Khắc Chuyên, điệp viên nhị trùng hay tam trùng?", "Ai giết Thái Khắc Chuyên?"…

Nhưng phải đến 35 năm sau - năm 2014 - hồ sơ sự thật về vụ xử tử "điệp viên Thái Khắc Chuyên" mới được bạch hóa và một lần nữa, đã minh chứng cho tội ác lẫn sự thất bại của CIA trong cuộc chiến Việt Nam…

KỲ I: ĐIỆP VIÊN NHỊ TRÙNG HAY TAM TRÙNG?

1. Sinh năm 1938 tại miền Bắc Việt Nam, Thái Khắc Chuyên là con ông Thái Khắc Qui và bà Thái Thị Lục. Năm 1954, từ Hải Phòng, gia đình Chuyên theo tàu Mirabelle di cư vào Nam. Do thương nhớ ba đứa con trai và hai đứa con gái còn ở lại miền Bắc nên bà Lục quay về Bắc.

Vào Sài Gòn một thời gian ngắn, gia đình Chuyên lên Đà Lạt sinh sống theo chính sách "khu dinh điền, khu trù mật" của Ngô Đình Diệm. Thái Khắc Chuyên - lúc ấy 17 tuổi - phụ bán thuốc Tây cho một người anh trai. Được gần nửa năm, Chuyên về Sài Gòn đi học tiếp.

Giỏi tiếng Anh, nói tiếng "lóng" thành thạo như người Mỹ nhưng thi tú tài hai lần đều rớt, Chuyên trở lại Đà Lạt. Khi người Mỹ ra mặt công khai ủng hộ chính phủ Ngô Đình Diệm, Thái Khắc Chuyên xin được việc làm trong Hãng thầu RMK-BRJ - là hãng thầu của Mỹ đến Việt Nam để thi công xây dựng sân bay, đường sá, cầu cống, nhà cửa cho cố vấn Mỹ và các doanh trại, đồn bốt cho quân đội Sài Gòn bằng tiền viện trợ.

Tháng 5/1961, Tổng thống Kennedy ra lệnh gửi 400 lính biệt kích Mũ nồi xanh (Green Berets) sang Việt Nam nhằm đối phó với Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam vừa ra đời. Trong số 400 biệt kích Mũ nồi xanh ấy, có một đơn vị tình báo mang tên B57, bí danh Project Gamma.

Biết Mũ nồi xanh cần tuyển thông dịch viên, Chuyên bỏ Hãng thầu RMK-BRJ để đầu quân vào đơn vị này. Sau gần 7 năm hoạt động ở Mộc Hóa, Cần Thơ, Tây Ninh, Campuchia, địa điểm cuối cùng mà Chuyên được điều động đến là một căn cứ của Mũ nồi xanh, đóng tại thung lũng Ashau, Huế.

Nhưng chỉ hơn một tháng, nhân lúc trực thăng đáp xuống căn cứ Ashau để chuyển hàng tiếp liệu, Thái Khắc Chuyên lấy cớ bị ốm, xin ra Huế điều trị rồi đi thẳng về Tây Ninh. Ba hôm sau, căn cứ Ashau bị Quân Giải phóng tràn ngập.

Phù hiệu của Đơn vị Tình báo B57.

Sự trùng hợp này và nhiều sự kiện tương tự xảy ra sau đó khiến Bộ chỉ huy Mũ nồi xanh nghi Chuyên là gián điệp của Hà Nội. Họ đặt câu hỏi: "Tại sao một người giỏi Anh ngữ như Chuyên lại không ở Sài Gòn, nơi có thể dễ dàng tìm việc, lương cao như dạy học hoặc đi làm cho các sở Mỹ mà lại chọn những nơi nguy hiểm, lương thấp như căn cứ Ashau?".

Thời điểm ấy, lực lượng Mũ nồi xanh ở miền Nam Việt Nam chia thành nhiều tổ, đóng quân tại một số nơi như Mộc Hóa, Đà Nẵng, Tây Ninh, Cần Thơ, Pleiku. Riêng căn cứ của đơn vị tình báo B57 đặt tại Nha Trang, do CIA trực tiếp chỉ huy.

Theo sự phân công, Thái Khắc Chuyên làm phiên dịch viên cho tổ A 414, tổ trưởng là trung sĩ Alvin Smith, bí danh "Sands". Trong hồi ký, Sands không giấu giếm sự mến mộ của mình với Thái Khắc Chuyên: "Anh ta là người thẳng thắn. Khi nói chuyện, anh ta thường nhìn thẳng vào mắt người đối diện và sẵn sàng tranh luận cho đến khi vấn đề ngã ngũ…".

Chính vì thế, Sands đã nhiệt tình giới thiệu Thái Khắc Chuyên cho người phụ trách CIA ở miền Nam Việt Nam. Được CIA tuyển dụng với bí số SF7-166 rồi được giao nhiệm vụ thâm nhập vùng Lưỡi Câu, Mỏ Vẹt bên đất Campuchia để thu thập tin tình báo, cũng như tuyển chọn điệp viên người bản xứ nhưng hầu hết những báo cáo của Thái Khắc Chuyên đều bị đại úy Bob Marasco - một trong những chỉ huy đơn vị tình báo B57 chê là thiếu độ tin cậy.

Vẫn theo hồi ký của Sands, Thái Khắc Chuyên bị Bob đưa sang cơ quan "Dân sự vụ - Civil Affairs", là nơi lo về các hoạt động tâm lý chiến bằng những hình thức như giúp dân xây dựng nhà cửa, khám chữa bệnh, dạy học, dạy nghề miễn phí, còn trung sĩ Sands thì bị Bob gọi về Bộ chỉ huy B57 ở Nha Trang...

2. Tháng 3/1969, tại Nha Trang, khi sàng lọc các tài liệu, Sands phát hiện một tấm ảnh đen trắng do một nhóm biệt kích Mũ nồi xanh thu được. Trong tấm ảnh này là một chiến sĩ Quân Giải phóng với bộ quần áo bà ba đen, đội nón tai bèo, đứng cạnh một người mặc quân phục có vẻ như một sĩ quan Bắc Việt.

Khuôn mặt viên sĩ quan ấy lại rất giống Thái Khắc Chuyên (sau này trong hồi ký, Sands viết: "Khả năng nhận diện người châu Á, nhất là về tuổi tác của các bộ phận kỹ thuật Mỹ thường không chính xác. Viên sĩ quan trong ảnh có hàm răng hơi hô còn Chuyên thì không").

Tuy nhiên lúc ấy, Sands vẫn chuyển tấm ảnh cho Budge Williams - là chuyên viên phân tích của B57 nhưng Budge cũng không dám chắc. Đối chiếu với ảnh của Chuyên trong đơn xin việc thì chẳng ai khẳng định đúng sai, còn hồ sơ lý lịch của Chuyên lại không hề có ghi chú gì về tất cả các công tác tình báo đã làm từ ngày gia nhập B57.

Chỉ huy trưởng B57 là Bob Thrasher phân tích rằng lỗ tai của sĩ quan trong hình không giống tai Chuyên nhưng biết đâu khi chụp ảnh, bóng đen của chiếc mũ đã tạo nên sai biệt!

Tấm hình của Thái Khắc Chuyên được B57 đặt vào vị trí của người sĩ quan bộ đội đứng cạnh một chiến sĩ Quân Giải phóng để đối chiếu.

Trước khi mãn nhiệm kỳ phục vụ ở Việt Nam về Mỹ, Thrasher đề nghị cần làm rõ thêm về Thái Khắc Chuyên. Người thay thế Thrasher là Lee Brumley. Ngày 9/6/1969, Brumley tiến hành mở cuộc điều tra về lai lịch Thái Khắc Chuyên.

Brumley nghi Chuyên vừa là điệp viên của Hà Nội, vừa là điệp viên của Mỹ và của cả Việt Nam Cộng hòa (điệp viên tam trùng) vì các cơ sở nằm vùng người Việt ở Tây Ninh và Campuchia khi gửi tin về B57 đã cho biết có một điệp viên cộng sản hoạt động ngay trong lòng Sài Gòn nhưng họ không biết tên tuổi, hình dạng, chỉ biết vợ điệp viên ấy sống ở Tây Ninh.

Xâu chuỗi mọi sự kiện lại, Brumley nhận ra rằng Thái Khắc Chuyên đang ở thung lũng Ashau nhưng lại cáo bệnh để về Tây Ninh. Chuyên có ba anh trai và hai chị em gái còn ở ngoài miền Bắc. Hơn nữa, trong một cuộc hành quân mà Chuyên được B57 báo cho biết trước, một toán trinh sát Mũ nồi xanh đã bị Quân giải phóng phục kích, tiêu diệt gọn.

Lập tức, Brumley gửi điện văn về Sài Gòn, yêu cầu văn phòng CIA đặt trên lầu 2 tòa Đại sứ Mỹ gửi gấp chi tiết lý lịch mới nhất của Thái Khắc Chuyên cho B57 Nha Trang. Bản chi tiết này phải do nhân viên CIA người Mỹ trực tiếp đánh máy và phải được gửi theo máy bay của Air America dưới dạng tối mật để tránh lộ ra ngoài (Air America là Hãng hàng không Mỹ, vỏ bọc của CIA trong các phi vụ gián điệp).

Nhận được bản lý lịch, trong đó suốt gần 7 năm làm tình báo mà ở mục thành tích công tác của Thái Khắc Chuyên vẫn trống trơn, Brumley cho người sang Cơ quan Dân sự vụ tìm Chuyên nhưng nơi đây trả lời rằng anh ta đã bỏ việc, đi đâu mất.

Tiến hành lùng kiếm, hai sĩ quan CIA là Enking và Scrymgeour phát hiện nơi ở của Chuyên cùng vợ con tại căn nhà số 53/1/46 đường Phan Thanh Giản (nay là Điện Biên Phủ), Sài Gòn.

Theo dự định, khi tìm được Thái Khắc Chuyên, CIA sẽ đưa Chuyên đi điều tra khai thác tại đảo Okinawa hoặc Panama - là hai nơi duy nhất ngoài nước Mỹ mà CIA có nhà tù. Nhưng hai nơi đó xa, di chuyển phức tạp vì không thể đưa một người Việt ra sân bay, lên máy bay mà không thông qua hải quan cũng như an ninh cửa khẩu, còn nhà tù của chính quyền Sài Gòn thì CIA lại không tin tưởng!

Để xác minh Thái Khắc Chuyên có phải là điệp viên do Hà Nội cài cắm hay không, một mặt Brumley yêu cầu B57 Nha Trang gửi gấp máy phát hiện nói dối vào Sài Gòn, mặt khác đến nhà làm như thăm hỏi rồi mời Chuyên tham gia một công việc nhẹ nhàng, lương cao, không nguy hiểm. Nếu Chuyên đồng ý, cuộc phỏng vấn sẽ được tiến hành vào lúc 10h ngày 12/6/1969.

Thái Khắc Chuyên được lính mũ nồi xanh hộ tống đến biên giới để xâm nhập Campuchia.

Đúng 10h sáng ngày 12/6/1969, Thái Khắc Chuyên ăn mặc chỉnh tề, đến điểm hẹn gặp Sands và Ed Boyle, chuyên gia thẩm vấn của B57. Để chắc ăn, B57 phải dùng thông ngôn của đơn vị tên Tạ Xuân Cường, bí danh Joel vì đã hết tin Chuyên.

Trong cuộc thẩm vấn - chứ không phải phỏng vấn việc làm như Chuyên lầm tưởng - Chuyên khai đã bỏ Ashau và các nơi khác như núi Cô Tô, Cần Thơ, Mộc Hóa vì sợ chết!

Sau một ngày thẩm vấn, 7 giờ tối Chuyên xin về nghỉ vì mệt mỏi. Trên xe, Chuyên than phiền với Sands và Tạ Xuân Cường rằng những câu hỏi đặt ra với anh ta mang tính nghi kị và thù nghịch. Hơn nữa, hệ thống dây nhợ lòng thòng của máy phát hiện nói dối đã khiến Chuyên cảm thấy mình như một tội phạm.

8 giờ tối, Thái Khắc Chuyên được đưa trở lại nơi thẩm vấn. Lần này, Ed Boyle nhập đề trắng trợn: "Anh có làm gián điệp cho Hà Nội không?". Suốt 2 tiếng đồng hồ sau đó, Thái Khắc Chuyên vẫn một mực khẳng định là không, nhưng Chuyên lại không lý giải được những bất minh về thời gian đi lại, làm việc của mình.

Khi đưa Chuyên xem một báo cáo của trung sĩ Mũ nồi xanh McIntosh, trong đó có đoạn: "Ngày 19/2/1968, Chuyên và tôi cùng 10 người lính Việt Nam Cộng hòa tiến hành phục kích một toán Việt Cộng theo tin tình báo của B57.

Đến gần sáng, phát hiện Việt Cộng di chuyển về phía Mộc Hóa, tôi lập tức vỗ nhẹ vào vai Chuyên để Chuyên ra lệnh cho binh sĩ khai hỏa. Khi súng nổ, tôi thấy luồng đạn lại được bắn về một hướng khác, còn Chuyên thì mỉm cười. Lúc đó, tôi hơi lạ…", Boyle hỏi Chuyên nghĩ thế nào về những lời tường thuật này nhưng Chuyên vẫn nói mình không liên quan.

Gần 12 giờ khuya, Chuyên được hai người lính dân tộc Nùng đưa về nhà. Và đó cũng là  đêm cuối cùng Chuyên nhìn thấy mặt vợ con.

3. Sáng hôm sau, cuộc thẩm vấn tiếp tục. Máy phát hiện nói dối báo kết quả là Chuyên khai không đúng sự thật. Sự nghi ngờ của Boyle càng lúc càng tăng. Ra lệnh cho phụ tá Cotton tìm bác sĩ của B57 là Allison, Boyle đề nghị tiêm vào tĩnh mạch Chuyên các loại thuốc Saline, Thorazine, Sodium Pentathol - là những loại thuốc hướng thần, đưa con người vào trạng thái lơ mơ nhưng tiềm thức vẫn có thể trả lời mọi câu hỏi - mà vẫn không kết quả.

Theo nhận định của Boyle, Thái Khắc Chuyên đã bị Hà Nội "tẩy não" (?!) nên các biện pháp khai thác Chuyên đều không moi được điều gì.

Cuối cùng, B57 quyết định đưa Thái Khắc Chuyên về trụ sở ở Nha Trang để điều tra tiếp. Chiều thứ Sáu, ngày 13/6/1969, Chuyên bị bịt mắt và bị bó chặt trong một tấm "poncho" - là một tấm vải tráng nhựa, vừa có thể dùng làm áo mưa hoặc làm lều, hoặc để gói xác chết rồi được đưa ra sân bay Tân Sơn Nhất với ba lính Mũ nồi xanh mang theo tiểu liên XM18. Họ lên kế hoạch sẵn sàng ứng chiến nếu bị hải quan hay an ninh sân bay khám xét và bắt giữ.

Tại Tân Sơn Nhất, một máy bay vận tải nhỏ không số hiệu của Air America đã chờ sẵn. Cũng vào thời điểm đó, một chiếc xe gắn máy lặng lẽ ghé nhà Thái Khắc Chuyên, đưa cho vợ Chuyên là Phan Kim Liên một mảnh giấy với dòng chữ viết ngắn gọn: "Em và các con thân yêu, anh phải vắng mặt vài ngày vì công vụ. Đừng lo lắng! Anh chúc cả nhà vui khỏe. Hôn em...".

Vợ Chuyên đọc lời nhắn "hôn em" lạ thường chưa từng có của chồng mà lo sợ ra mặt. Linh tính báo trước một điềm chẳng lành đang sắp sửa xảy đến…

(Còn tiếp)

Cao Trí
.
.