Nhớ lại một trận đánh du kích kiểu mẫu

Thứ Ba, 07/09/2021, 22:01

Đó là đánh giá của Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi nói về trận đánh “Đồn Bần” ngày 12 tháng 3 năm 1945. Một trận đánh tiêu biểu cho phương châm “chủ động đánh địch” ngay cả khi còn chưa có chính quyền.

Kể chuyện làng Bần

Những ai đã từng xem bộ phim “Nổi gió” sản xuất năm 1966 của Đạo diễn Huy Thành, hẳn còn nhớ “căn cứ quân sự của quân đội Sài Gòn” do Trung úy Phương làm chỉ huy. Một căn cứ quân sự khá bề thế với hệ thống trại lính cùng lô cốt và hỏa lực mạnh được bố trí dày đặc. Phim còn có cảnh Trung úy Phương phóng xe Jep chạy “tít mù” trong căn cứ nữa. Thưa luôn, bối cảnh phim ấy được quay tại “Đồn Bần”.

t28 (1).jpg -0
Hình ảnh chị Vân đi giữa hàng lưỡi lê trong phim “Nổi gió”.

Lần đầu tiên tôi được vào “Đồn Bần” đâu như quãng năm 1961 hay 1962 gì đấy. Dạo cuối hè năm đó tôi chưa đi học nhưng cũng được mẹ cho về quê ngoại nghỉ chơi. Quê ngoại tôi ở làng Bần. Mẹ tôi kể: “Làng Bần” tên đầy đủ của làng là “Bần Yên Nhân”, cái tên là lạ ấy được giải thích là “Người nghèo yên phận”. Đó là một ngôi làng cổ có từ hồi gọi là bộ Dương Tuyền thuộc nhà nước Văn Lang xưa (Theo Đại Nam nhất thống chí).

Nhắc tới “Làng Bần”, đa số người nghĩ ngay tới món “Tương Bần” lừng danh từng đi vào ca dao gắn ghép với Thăng Long – Hà Nội. Nói thế cũng chưa đầy đủ bởi danh xưng “Bần” còn nhắc tới với nhiều làng quanh đó. Khi còn gọi là “Huyện Đường Hào” (từ thời Bắc thuộc) hay khi được gọi là “Đạo Bãi Sậy” (do Toàn quyền Đông Dương đặt ngày 25 tháng 2 năm 1890) thì danh xưng “Bần” đã định hình cho nhiều làng và “huyện trấn” hay “phủ lỵ” đều đặt ở Bần Yên Nhân.

Xưa khắp các làng quanh vùng Bần Yên Nhân đều là các làng có tên gọi bắt đầu bằng hai chữ “Bần Yên” rồi mới tới chữ thứ ba. Đấy, Bần Yên Nhân chẳng hạn. Đó là các làng như: Bần Yên Thổ, Bần Yên Lão, Bần Yên Phú, Bần Yên Hòa, Bần Yên Tập…..

Trải qua thời gian và dường như cái chữ đầu là “Bần” nghe nó có vẻ nghèo nghèo, nghe nó có vẻ không khá lên được nên các làng quanh vùng đều chẳng ai bảo ai, lần lượt bỏ đi chữ Bần” chỉ còn lại hai chữ tiếp theo, ví dụ như còn: Yên Phú, Yên Lão, Yên Thổ, Yên Hòa… Riêng làng Bần Yên Nhân (giờ là phường Bần Yên Nhân, thị xã Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên) thì không đổi.

Có điều người ở đây nếu nói “Bần Yên Nhân” tức là chỉ dãy phố dài chừng cây số nhưng người dân lại gọi là “Phố Bần” cho giản tiện. Đầu phố là “Đồn Bần”, cuối phố là kho lương thực. Gắn liền với phố Bần Yên Nhân là làng, người nơi đây cũng theo trào lưu mà gọi là làng Yên Nhân, gọi trong tâm tưởng thế thôi chứ từ hồi “hợp tác hóa” người ta đã đặt cho nó cái tên là “Cộng Hòa” cho nó sang sang và cũng để “tách hẳn” với phố Bần Yên Nhân vốn chung da chung thịt.

t28 (2).jpg -0
Đền thờ Đức Đông Hải Đại Vương ở làng Bần.

Bữa đó tôi được theo người lớn vào “Đồn Bần”, dạo đó đúng vào dịp kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh mùng 2 tháng 9 nên đơn vị bộ đội đóng tại “Đồn Bần” tổ chức trưng bày ảnh và hiện vật (dạng như Triển lãm nho nhỏ) nên mở cửa cho nhân dân các làng lân cận tới tham quan. Đồn Bần từ sau ngày giải phóng (1954) được quân đội ta tiếp quản và dân dã cứ nôm na gọi là “Doanh trại Bần”.

Thực ra đây là một căn cứ quân sự lớn có diện tích chừng gần 2km2. Tôi nhớ dịp tôi được vào thăm thì ở đây có hẳn một Trung đoàn Pháo binh đóng quân. Bộ đội ta không ở trong các hệ thống lô cốt hay trại lính bê tông nữa, những chỗ đó trở thành kho, thành nơi bảo quản vũ khí… còn bộ đội ta được ở trong những dãy nhà 2 tầng cái nào.

Những dãy nhà 2 tầng thoáng đãng ấy đều trông về hướng nam, gió nồm mát rượi, trước mặt là Quốc lộ 5 chạy ngang qua, bên kia quốc lộ là sông Bần chảy song song, bên kia sông là làng Buộm (thôn Giai Phạm hiện nay), quê hương của nữ sĩ Đoàn Thị Điểm đa đoan nỗi niềm chinh phụ.

Dạo bộ phim Nổi gió được quay ở “Đồn Bần” thì chính người dân làng Buộm trong vai quần chúng, tay cầm biểu ngữ, nón áo bà ba rầm rộ kéo nhau qua cầu tre lắt lẻo để lên đấu tranh với kẻ địch. Nghe đâu các nhà sản xuất phim đã gia công dựng lên những chiếc cầu tre lắt lẻo đó cho nó giống bối cảnh miền Nam.

Tôi đã xem bộ phim đó nhiều lần và đặc biệt ấn tượng với hình ảnh chị Vân, người chị gái của Trung úy Phương do diễn viên Thụy Vân đảm nhiệm, người phụ nữ ấy tay không đi giữa hàng lính súng giương lê dữ tợn. Vậy mà chị đã “khuất phục” được bọn lính và cuộc đấu tranh của bà con ta thắng lợi.

Làng Bần – làng quê giàu truyền thống

Về Bần Yên Nhân bây giờ không thể không tới thăm, tới lễ ở Đền Bần, người dân quen gọi là Đình. Đền Bần nghe đâu được lập từ hơn bảy trăm năm trước. Đền dựng ở giữa chợ Bần, một chợ to nhất nhì trong tỉnh. Đền Bần sau quãng thời gian khá là dài mai một thì nay vừa được trùng tu nâng cấp nên khá hoành tráng, sáng sủa và còn thơm mùi gỗ, mùi sơn mới. Ông Nguyễn Văn Trường, thủ từ Đền Bần, giới thiệu khái quát: Theo truyền tụng thì Đền Bần thờ “Đông Hải Đại Vương – Đoàn Thượng”.

t28 (4).jpg -0
Chùa Bình Tân nơi Xứ ủy Bắc kỳ từng họp.

Theo đó thì tướng quân Đoàn Thượng là vị tướng cuối thời nhà Lý (đời vua Lý Cao Tông và Lý Huệ Tông). Ông là hào trưởng vùng Hồng và là chủ soái của sứ quân họ Đoàn ở lộ Hồng Châu. Khi nhà Trần “tiếm quyền” nhà Lý, Thái sư Trần Thủ Độ rất muốn trọng dụng tướng Đoàn Thượng nhưng vị tướng người quê ở mạn Thanh Miện, tỉnh Hải Dương (xưa gọi là tỉnh Đông hay Xứ Đông) một mực trung quân với triều Lý không chịu nghe theo. Thuyết phục không được và đề phòng hậu họa, Trần Thủ Độ đã lập mưu giả làm lễ “Minh thệ”.

Tướng Đoàn Thượng vì cả tin nên một mình một ngựa đến, bị mai phục chém đầu sắp lìa khỏi cổ nhưng vẫn cố phi ngựa theo đường kinh lý (Quốc lộ 5 hiện nay) để về quê. Ngựa đến làng Bần thì đầu của Đoàn Thượng rơi xuống đất. Người dân làng Bần đã nhặt đầu ngài và làm lễ hóa chu đáo. Cảm phục trung thần Đoàn Thượng mà dân làng Bần đã cho lập đền thờ ngài ở chính nơi đầu ngài rơi xuống. Đầu rơi rồi nhưng ngựa vẫn phi, phi cho đến Mao Điền (huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương) thì mới chịu vật ngã hoàn toàn. Vậy nên có câu “Đầu Bần thân Mao” như truyền tích.

Tướng Đoàn Thượng sau khi mất được nhiều đời vua Trần, Lê và Nguyễn sắc phong là “Đông Hải Đại Vương Đoàn Thượng Thượng đẳng thần”. Theo truyền tụng thì đó là một vị thần thường hay linh ứng trợ giúp dân chúng.

Ở làng Bần có một ngôi chùa rất được người dân sùng kính, chùa Bình Tân. Quãng đầu những năm 40 của thế kỷ hai mươi, Bần Yên Nhân là nơi đi về của nhiều cán bộ cách mạng. Xứ ủy Bắc Kỳ từng đã có lần nhóm họp ở Chùa Bình Tân. Ông Ngô Văn Quý, thành viên ban trị sự xây dựng chùa, nét mặt hân hoan kể cho tôi câu chuyện: Có lần Xứ ủy nhóm họp nhưng không may có kẻ đã chỉ điểm cho mật thám Pháp. Lính Pháp mai phục trong hậu điện của chùa để hòng bắt gọn các cán bộ ta. Tình thế đúng là “ngàn cân treo sợi tóc” vì chẳng có cách nào để báo cho các cán bộ ta biết được.

Sáng hôm đó, theo lịch hẹn các cán bộ của ta từ nhiều hướng đi đến chùa giả như khách vãng cảnh vậy. Mật thám Pháp hí hửng vì sắp “hốt được mẻ lớn” nên chúng bắt vị sư trụ trì chùa ra sân tưới hoa như mọi bữa. Vị sư vừa tưới hoa vừa đảo mắt nhìn ra ngoài ngõ chùa. Ông vô cùng lo lắng khi thoáng thấy bóng người đi tới. Trong tình huống đó chợt vị sư nảy ra “sáng kiến”, ông thong thả rẩy từng hạt nước lên từng khóm hoa.

Vừa rẩy nước ông vừa đi dần ra ngoài cổng. Thấy một cán bộ đi vào, vị sư liền như vô tình rẩy nước tưới hoa mà rẩy cả lên người cán bộ đang tới rồi như nước trong chậu đã hết vị sư liền hắt cả vào người cán bộ. Thấy khác lạ nên người cán bộ kia lặng lẽ quay lui và kịp báo cho những cán bộ khác. Lính Pháp sáng đó nằm phục trong hậu điện muỗi đốt sưng người nhưng chẳng thấy cán bộ nào của ta tới cả. Chúng hậm hực rút quân. Hành động tỉnh táo và “sáng tạo” của vị sư trụ trì chùa Bần sáng đó đã góp vào công tác bảo vệ cách mạng một cách dân dã mà hiệu quả. l Trận đánh Đồn Bần “kiểu mẫu”

Cuộc “du hành” khắp trong đồn Bần năm đó đã để lại trong tôi nhiều dấu ấn. Trước tiên đó là một căn cứ quân sự lớn nằm giữa đồng bằng Bắc bộ chứ không phải có những nơi có vị trí núi cao hay hiểm thế. Tôi còn nhớ, quãng cuối hè năm 1969,  tôi lại có dịp được vào “Đồn Bần”. Hai năm trước máy bay Mỹ đã ném bom đánh phá “Đồn Bần” nên công tác sơ tán “đồn” đã được thực thi. Do vậy bọn trẻ con chúng tôi mới “thỏa thích” chạy chơi mỏi chân trong “đồn”. Chúng tôi còn tha hồ leo lên nóc lô cốt, leo lên sân thượng hệ thống trại lính.

Chà chà, nhà nối nhà dài rất dài và rộng rất rộng. Những ai đã xem bộ phim Nổi gió hẳn nhớ đến cảnh bà con ta nổi dậy phá ấp chiến lược và ùa vào căn cứ quân đội Sài Gòn. Đấy cái cảnh người người trèo lên nóc nhà hò reo vẫy cờ thật hồ hởi. Bọn trẻ chúng tôi cũng bắt trước cảnh phim, vừa hò reo, vừa chạy, vừa vẫy vẫy cờ lá chuối rồi ngỡ như mình đang... đóng phim ấy. Dịp đó tôi mới “phát hiện” ra là “Đồn Bần” còn có hẳn một trường bắn ở phía sau đồn. Chỉ riêng bức tường chắn đã cao tới mức ngọn tre chỉ lấp ló.

Một căn cứ quân sự lớn nằm sát Quốc lộ số 5 nên rất thuận lợi cho việc “tỏa đi” các nơi khác. Đặc biệt trong thời kỳ đấu tranh giành độc lập, trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, thì đây là một vị trí án ngữ “con đường giao liên” thâm nhập về nông thôn bao quanh Hà Nội. Bần Yên Nhân cũng là nơi các cán bộ của Xứ ủy Bắc Kỳ thường xuyên qua lại. Vị trí không chỉ thuận lợi giao thông – giao liên mà trên thực tế còn “nối thông” Hưng Yên nói riêng, các tỉnh đồng bằng Bắc bộ nói chung với Bắc Ninh – Bắc Giang để lên chiến khu Việt Bắc.

Người Pháp lập phủ lỵ ở Bần Yên Nhân nên xây dựng ở đây một đồn binh khá lớn, tuy gọi là đồn nhưng thực ra đó là một căn cứ quân sự với nhiều lớp rào thép gai cùng hệ thống lô cốt, hầm ngầm bê tông và được trang bị hỏa lực mạnh. Đồn Bần án ngữ ngay đường số 5 nên gây nhiều khó khăn cho cán bộ bí mật của ta mỗi khi đi về cơ sở. Nhận thấy cần phải “nhổ cái gai” Đồn Bần nên Xứ ủy Bắc Kỳ do đồng chí Nguyễn Khang chủ trì liền quyết định “đánh Đồn Bần”. Và nhiệm vụ ấy được giao cho đồng chí Nguyễn Phương Thảo (tức Trung tướng Nguyễn Bình huyền thoại).

Ngày 9-3-1945, Nhật đảo chính Pháp ở Đông Dương. Lính tráng trong đồn hoang mang, lo sợ. Nhận thấy cơ hội hạ đồn đã đến, đồng chí Nguyễn Phương Thảo lóe lên ý tưởng giả trang quân Nhật đến tước khí giới để thực hiện mục tiêu chiếm đồn nhanh gọn. Việc tấn công đồn được thực hiện theo 2 hướng. Từ trong đồn, cơ sở do ta gây dựng sẽ mở cửa cho quân ta tiến vào. Từ bên ngoài, lực lượng tự vệ khu Bãi Sậy của địa phương đóng giả làm quân Nhật do đồng chí Nguyễn Phương Thảo trực tiếp chỉ huy đánh từ bên ngoài vào.

Đêm ngày 12-3-1945, thực hiện đúng kế hoạch đề ra, khi các lực lượng đã tập trung ở khu vực cách đồn Bần Yên Nhân khoảng 200m, đồng chí Nguyễn Khang thay mặt Tổng bộ Việt Minh giao nhiệm vụ. Tới “giờ G”, đồng chí Nguyễn Phương Thảo cùng các đồng chí Việt Minh khác trong quân phục sĩ quan Nhật tiến về phía cổng đồn rồi tuốt gươm thị uy. Đúng lúc này, trong đồn vang lên một tiếng pháo, cổng đồn bung mở toang, lực lượng của ta ào ạt xông vào làm chủ đồn.

Trận thắng ở đồn Bần Yên Nhân đã thổi bùng lên cao trào kháng Nhật. Niềm tin của nhân dân vào Việt Minh ngày càng được củng cố. Gọi là “trận đánh kiểu mẫu” bởi trước đó chúng ta chưa hề có tiền lệ đánh đồn. Hơn nữa phải 6 tháng sau chúng ta mới giành được chính quyền nên trận đánh này diễn ra khiến quân Nhật và quân Pháp đều trở tay không kịp. Nhưng quan trọng hơn đó là bài học về Tranh thủ thời cơ. Lấy ít địch nhiều. Lấy yếu chế mạnh. Biến cái yếu của địch thành cái mạnh của ta và quan trọng là biết dựa vào quần chúng và phát động quần chúng cùng tạo thành lực lượng.

Nguyễn Trọng Văn
.
.