Sự mất tích bí ẩn và cái chết của “người phụ nữ bị ghét nhất nước Mỹ”

Thứ Bảy, 06/02/2021, 13:24
Bà Madalyn Murray OHair - được mệnh danh là “Người phụ nữ bị ghét nhất nước Mỹ” - đã không còn nổi tiếng như những năm 1960, khi bà cố gắng ép các trường học toàn quốc không được bắt trẻ em cầu nguyện, nỗ lực xoá bỏ dòng chữ “Chúng ta tin vào Chúa” trên các đồng xu, và khởi kiện cả Giáo hoàng.

Tên tuổi nhà hoạt động này chỉ được nhắc đến một lần nữa khi bà cùng con trai và cháu nội bị bắt cóc, sau đó giết hại dã man vào năm 1995.

Người mẹ kiện tất cả các trường học cả nước vì yêu cầu trẻ em cầu nguyện

Madalyn sinh năm 1919 tại Mỹ, và trái với suy nghĩ của nhiều người, bà lớn lên trong một gia đình rất sùng đạo. Bà được rửa tội, đi lễ nhà thờ mỗi cuối tuần, học trường đạo và theo học trường cao đẳng Ashland - một ngôi trường được bảo trợ bởi Giáo hội Giám lý Liên hiệp. Bà kết hôn khi mới 22 tuổi, nhanh chóng sinh con rồi nhập ngũ để tham gia chiến đấu trong Thế chiến Thứ nhất, sau đó ngoại tình với người đồng đội đã có vợ William Murray, Jr.

Cuộc tình kết thúc trong cay đắng khi Will từ chối ly dị vợ để cưới người tình vì đạo Thiên chúa cấm ly dị; tuy nhiên Madelyn vẫn tự ý theo họ của William để đặt tên cho con trai là William Garth Murray. 3 năm sau, Madalyn cùng cha mẹ, anh trai và 2 con cùng chuyển đến thành phố Houstons để cô có thể theo học Đại học Luật Bắc Texas. Cả nhà chuyển đến Baltimore năm 1952 và 3 năm sau, Madalyn có con ngoài giá thú với nhân tình Michael Fiorillo.

Có rất nhiều tranh cãi xung quanh lý do Madalyn đột nhiên trở thành người theo chủ nghĩa Vô thần. Tuy bản thân Madalyn từng tuyên bố rằng ở tuổi 12, bà đã đọc hết Kinh thánh trong 2 ngày và kinh hoàng trước  sự “thù ghét, tàn nhẫn, những cuộc giết chóc” được khắc họa trong đó, nhưng theo như con trai William của bà thì mẹ ông căm ghét Thiên chúa giáo vì tôn giáo này đã phá hoại hạnh phúc của bà với người tình.

William là “nhân vật chính” của một trong những câu chuyện truyền miệng nổi tiếng nhất về bà Madalyn: năm 1946, khi đang mang thai con trai, người phụ nữ này đã lao ra ngoài mặc cho lúc đó đang có bão, công khai chỉ trích Chúa để xem “liệu Chúa có thể trừng phạt người trần hay không”. Bà Madalyn không bị sét đánh và từ đó khẳng định mình chính là người đã chứng minh Chúa không tồn tại.

Vào năm 1960, Madalyn kiện trường của con trai vì vi phạm Tu chính án I của Hiến pháp Hoa Kỳ khi yêu cầu tất cả học sinh, kể cả những em được nuôi dạy theo chủ nghĩa Vô thần như William, phải cầu nguyện hằng ngày. Vụ kiện tưởng chừng phi lý và nhỏ nhặt này cuối cùng đã được xử tại Toà án Tối cao Mỹ năm 1963, với phần thắng thuộc về bà Madalyn.

Trong suốt quá trình kiện tụng, cả gia đình bà Madalyn thường xuyên nhận được những lời đe dọa nặc danh còn William liên tục bị bắt nạt ở trường. Nhà hoạt động đấu tranh bằng cách gửi thư đến những người ủng hộ để xin tài trợ, viết thư cho tạp chí Life để lên án Chúa và bị tờ báo này đặt cho biệt danh “Người phụ nữ bị ghét nhất nước Mỹ”. Cả gia đình rời khỏi Baltimore sau một cuộc xô xát với cảnh sát, chuyển đến sinh sống ở Hawaii và sau đó là Mexico. Sau khi bị chính phủ Mexico trục xuất, cả gia đình lại chuyển đến Austin, Texas. Tại đây, Madalyn dần ổn định cuộc sống, kết hôn với một người chỉ điểm của FBI tên Richard OHair và chọn theo họ chồng.

Ba nạn nhân: anh Jon, bà Madalyn và cô Robin O'Hair .

Đỉnh vinh quang của nhà hoạt động xã hội gây tranh cãi

Tại Texas - một trong những bang sùng đạo nhất nước Mỹ - Madalyn cảm thấy mình không thể hoà nhập với cộng đồng. Thế nhưng chính sự xua đuổi của mọi người đã cho người phụ nữ này thêm động lực để lập ra tổ chức Hội Những người vô thần ở Mỹ và bắt đầu xuất bản một tờ tạp chí cùng tên. Dần dần, Madalyn được biết đến và bắt đầu xuất hiện trên những chương trình truyền hình nổi tiếng bậc nhất thời bấy giờ. Bà được chú ý vì cách nói chuyện tuy khó nghe nhưng lại rất thông minh, có chính kiến và hài hước.

Thập niên 60 cũng đánh dấu những năm bà hoạt động xã hội năng nổ nhất: ngăn cản việc phát sóng truyền hình trực tiếp buổi rửa tội của phi hành gia Buzz Aldrin trên mặt trăng, khởi kiện bang Texas vì yêu cầu các quan chức phải “tin vào một thế lực Cõi trên” và thắng kiện… Tuy người phụ nữ này đã không thể yêu cầu chính phủ bỏ dòng chữ “Chúng ta tin vào Chúa” trên tiền xu và ngừng việc miễn thuế cho nhà thờ, nhưng bà Madelyn vẫn được mời đến những bữa tiệc chỉ dành cho những nhân vật “tai to mặt lớn” của ứng cử viên tổng thống Larry Flint, và thậm chí sau này còn trở thành người viết diễn văn chính cho ông.

Hội Những người vô thần ở Mỹ trở thành tổ chức Vô thần thành công nhất đất nước với 30 chi nhánh, một chương trình truyền hình cáp, và một chương trình phát thanh có mặt trên 150 kênh khác nhau. Vào năm 1987, Madelyn đã mua hẳn một dinh thự lộng lẫy, rộng hơn 1000 m2 tại Bắc Austin bằng tiền mặt. Tại dinh thự với một dây chuyền in ấn sách báo, một thư viện có 25.000 cuốn sách, trang hoàng thật lộng lẫy các văn phòng, Madalyn lãnh đạo 7 tổ chức con, được chính phủ miễn thuế nhà đất và liên tục đi kiện. Tuy thua nhiều hơn thắng, nhưng Madelyn càng lúc càng được chú ý và thu nạp được nhiều thành viên.

Đa số nhân viên của Madalyn cũng là những người bị xã hội ruồng bỏ: một người từng ngồi tù vì dọa ám sát Tổng thống Ronald Reagan, một nhà hoạt động vì quyền của người đồng tính, một cựu chiến binh mất niềm tin vào tôn giáo sau chiến tranh, những sinh viên đại học nổi loạn… Điểm chung của bọn họ là tất cả đều ngưỡng mộ Madalyn, nhưng bà thì khinh miệt mọi người. Bằng chứng là người phụ nữ này từng viết trong nhật kí năm 1979: “Chúng tôi không đủ tiền thuê nhân viên đàng hoàng nên mới phải làm việc với một đám những kẻ dưới đáy xã hội.”

Theo như lời kể của một người từng làm việc cho người phụ nữ này, bà Madalyn cùng con trai Jon và cháu nội Robin thường xuyên sỉ nhục, mắng mỏ tất cả mọi người và cãi cọ với nhau. Vào năm 1986, Jon - lúc đó 31 tuổi - trở thành chủ tịch Hội Những người vô thần ở Mỹ. Thế nhưng các cựu nhân viên đều nhận thấy người đàn ông này ngờ nghệch, không biết giao tiếp đàng hoàng mà chỉ biết mắng mỏ nhân viên, và cũng không có năng lực quản lý.

Anh ta nhanh chóng bị các hội viên ghét bỏ và bà Madalyn lại phải quay lại nắm quyền. Cô cháu gái Robin cũng nóng nảy và thường xuyên mất kiên nhẫn với mọi người xung quanh vì bị bà dạy hư. Được biết, Robin là con gái của ông William, con trai cả của bà Madalyn nhưng sau khi ông William quyết định theo đạo Thiên chúa giáo và cắt đứt quan hệ với gia đình, bà Madalyn đã nhận nuôi Robin và không cho cháu gặp bố.

Không chỉ chấm dứt quan hệ với người nhà, bà Madalyn từ mặt tất cả những người làm trái ý bà, những người quá tò mò và những nhân viên muốn tổ chức trở nên… dân chủ hơn. Bà còn ép con trai chia tay với bạn gái, phá hoại mối quan hệ của cháu nội với người yêu và kết cục là, cả 3 người chỉ có thể bấu víu vào nhau. Có lẽ để bù lại cho cuộc sống cô đơn, cả 3 đều sống sung túc, mặc đồ hiệu và đi siêu xe.

Cú trượt dài và cái kết bi thảm

Tuy những người lãnh đạo sống xa hoa là thế, nhưng Hội những người vô thần ở Mỹ gần như không có đồng nào trong tài khoản. Cho dù tổ chức khẳng định có tới 70.000 gia đình là hội viên nhưng trên thực tế, chỉ có khoảng 2.000 tới 2.500 người tham gia đóng khoảng 40 USD mỗi năm cho “đứa con tinh thần” của bà Madalyn.

Giống như những nhà truyền đạo trên TV mà bà vẫn luôn móc mỉa, Madalyn dần trở nên cực kì xuất sắc trong việc quyên tiền trên truyền hình bằng cách than nghèo kể khổ. Tuy nhận được kha khá tiền quyên góp nhưng hội những người vô thần ở Mỹ sớm lâm vào khủng hoảng trong những năm sau đó: càng ngày càng ít người chịu đóng tiền, chương trình phát thanh của hội không còn được lên sóng vì tỉ số người nghe giảm trầm trọng, còn Jon và Robin bị Sở Thuế vụ truy thu 1,5 triệu USD tiền thuế.

Nhận ra mình sớm lâm vào cảnh phá sản, bà Madelyn bắt đầu hành động. Đầu tiên, bà bán sạch thư viện được tổng cộng 3 triệu USD và đem giấu khoản tiền này đi. Sau đó, bà cùng con cháu bắt đầu bí mật chuyển tiền quỹ của hội ra các ngân hàng nước ngoài rồi sa thải một nửa số nhân viên. Các nhân viên còn tìm thấy hàng loạt thẻ căn cước giả, vé máy bay cũng như tàu thuỷ và một số lời mời cô cháu gái Robin đi giảng dạy ở nước ngoài.

Tháng 8-1995, Madalyn cùng Jon và Robin quyết định đi du lịch đến Virginia, rồi sau đó là New York. Cuối tháng 8-1995, các nhân viên của tổ chức đến cơ quan và tìm thấy một mẩu giấy để lại với nội dung: “Cả gia đình Murray - OHair phải đi có việc gấp, chưa rõ bao giờ sẽ về”. Một nhân viên cảm thấy nội dung mẩu giấy rất đáng nghi nên đã đến tận nhà bà Madalyn và tìm thấy thuốc cao huyết áp để quên trên bàn ăn và bữa sáng vẫn còn ăn dở trên bàn. Robin còn bỏ lại đàn chó mà cô gái yêu quý vô cùng.

Trong suốt một tháng tiếp theo, các nhân viên chỉ có thể liên hệ với nhà OHair qua điện thoại, và tất cả mọi người đều nhận ra bà Madelyn cùng con cháu đều đang rất sợ hãi và tình hình rất không ổn. Theo lời các nhân chứng thì có nhiều lần một người đàn ông lạ bắt máy rồi mới chuyển máy cho Jon. Lần cuối cùng bà Madalyn gọi điện đến tổ chức là ngày 29-9-1995, và từ đó trở đi không ai còn rõ tung tích của cả gia đình. Chính những hoạt động tài chính khả nghi của ba người đã khiến những người xung quanh cho rằng bà Madalyn ôm tiền bỏ trốn và không tìm kiếm bà khi cả 3 mất tích một cách bí hiểm.

Tên đồng phạm Gary Karr được đưa đi sau khi kết thúc phiên tòa.

Âm mưu của gã nhân viên phản trắc

Tuy cơ quan chức năng và công chúng không để tâm đến bà Madalyn lắm, nhưng các phóng viên lại cực kì chú ý đến vụ mất tích bí hiểm này. Tháng 12-1996, phóng viên trẻ John MacCornmack đã nhận thấy nhiều chi tiết khó hiểu trong vụ mất tích của gia đình tai tiếng. Đầu tiên là việc theo như tờ khai thuế của Hội những người vô thần ở Mỹ, quỹ của hội đã bị thâm hụt 625.000 USD và “có thể khoản tiền này đã bị Jon Murray lấy mất”.

Manh mối tiếp theo là vào đầu tháng 9-1995, có một người đàn ông tự xưng là Jon Murray đã bán chiếc xe sang của mình lấy 15.000 USD tiền mặt. Tuy nhiên theo như mô tả của người mua thì hắn chắc chắn không phải anh Jon. Ngoài ra, người mua còn gặp một người đàn ông và một người phụ nữ khi đi nhận xe - có lẽ là Jon và cháu gái Robin. 3 năm sau đó, nhà báo John và thám tử tư Tim Young biết được rằng rất nhiều nhân chứng đã trông thấy bà Madalyn cùng con và cháu trú tại một nhà trọ tên Warrens Inn. Mẩu thông tin giá trị nhất hai người có được đó là danh tính của một thi thể không đầu được tìm thấy trên bãi biển 3 năm trước, cùng thời điểm nhà OHair biến mất: đó là xác của Danny Fry, một tay lừa đảo có tiếng.

Theo như anh trai ruột và con gái của Danny, người đàn ông này đã bay đến Austin để tham gia một phi vụ làm ăn với David Waters - một kẻ từng ngồi tù vì tội giết người, và sau khi ra tù đã xin vào làm việc cho tổ chức của bà OHair nhưng bị bà đuổi việc khi hắn ăn cắp hơn 54.000 USD tiền quỹ. Sau khi sa thải David, bà Madalyn còn viết hẳn một bài báo tố cáo người đàn ông này và công khai quá khứ tù tội từ thời thiếu niên mà David luôn cố giấu kín. Ngoại hình của David khớp với người đã bán chiếc xe của anh Jon và các khoản chi tiêu của hắn cũng gần như trùng khớp với món tiền nhà OHair rút khỏi quỹ của tổ chức.

Những phát hiện của bộ đôi đã khiến FBI và Sở Thuế vụ chú ý đến vụ án. Sau khi xâu chuỗi các manh mối, cơ quan chức năng cho rằng rất có thể David, Danny và một đồng phạm tên Gary Karr đã cùng bắt cóc cả gia đình OHair, ép họ rút hết số tiền họ biển thủ để chúng tiêu xài, sau đó giết cả 3 nạn nhân để bịt đầu mối. Vài ngày sau, David và Gary giết luôn cả Danny vì Danny vốn nói nhiều và có tật “rượu vào lời ra”.

Khi bị bắt, David nhất quyết không khai ra nơi giấu xác các nạn nhân vì nếu phát hiện ra xác của gia đình OHair hắn chắn chắc sẽ phải nhận án tử hình cho tội bắt cóc và giết người, trong khi đó luật Texas không thể kết án thủ phạm tội giết người nếu không tìm thấy thi thể nạn nhân. Còn Gary, vốn từng ngồi tù 30 năm vì bắt cóc con gái của một thẩm phán, cũng không hé răng nửa lời. Vào tháng 8-2000, Gary phải nhận 2 án tù chung thân vì các tội danh rửa tiền, tiêu thụ đồ ăn cắp, cưỡng đoạt tài sản và phạm tội bạo lực còn kẻ chủ mưu Waters chỉ phải chịu 20 năm tù.

Đến tháng 1-2001, sau khi thoả thuận với FBI, David cuối cùng cũng đã chịu tiết lộ nơi hắn và đồng bọn chôn xác 3 nạn nhân: một nông trại bị bỏ hoang ở Texas. Thi thể của các nạn nhân bị huỷ hoại đến mức cảnh sát phải xác nhận danh tính của họ qua mẫu răng, ADN và với bà Madelyn, cảnh sát phải sử dụng số series trên chiếc hông giả còn sót lại trong nấm mồ. David qua đời trong tù năm 2003 vì ung thư phổi.   

Huyền Thi (Tổng hợp)
.
.