Thần tốc gọi tên thủ phạm gây trọng án

Thứ Ba, 26/01/2021, 11:05
Ở các Phòng Cảnh sát hình sự, cán bộ chiến sĩ Đội Trọng án luôn được mệnh danh là những người lính chiến và tinh nhuệ. Bởi đối tượng mà Đội Trọng án điều tra, bắt giữ luôn là những kẻ gây án nghiêm trọng nhất. Với Đội Trọng án Phòng Cảnh sát hình sự (CSHS) Công an Bình Thuận cũng không nằm ngoài “quy luật” ấy. Nhưng, bằng tinh thần trách nhiệm với công việc, họ luôn hoàn thành nhiệm vụ trong thời gian ngắn nhất...


1. Ngày 23-3-2020, tại chùa Quảng Ân (khu phố 4, thị trấn Tân Nghĩa, huyện Hàm Tân) xảy ra vụ trọng án. Hung thủ đã ra tay sát hại Thượng tọa Thích Nguyên Lộc và mẹ con người làm công quả, bà Nguyễn Thị Phượng và con gái là Nguyễn Thị Bảo Yến (sinh năm 2001). Tuy bị đánh nhiều nhát vào người và vùng đầu nhưng bà Phượng vẫn cố gắng kêu cứu và được đưa đi cấp cứu trong tình trạng nguy kịch. Con gái bà, không được may mắn như mẹ... Hai nạn nhân tử vong ở gian trước căn nhà, đều bị đánh vào vùng đầu bằng vật tày. Gian nhà sau và nhà vệ sinh có nhiều vết máu, nhiều vết chân lạ.

4h sáng ngày 24-3, công tác giám định tử thi mới hoàn thành. Chuyên án được xác lập. Đại tá Phạm Thật, Phó Giám đốc Công an tỉnh, trưởng ban chuyên án trực tiếp chỉ đạo công tác điều tra phá án.

Nguyễn Thanh Tâm tại cơ quan điều tra.

Vụ án xảy ra nơi tôn nghiêm, hai nạn nhân thiệt mạng thì một là người tu hành, người còn lại là một cô gái trẻ nên không ít lời dị nghị. Án mạng có thể do mâu thuẫn tình cảm, liên quan đến chức vị, giết người cướp của, hay chỉ là mâu thuẫn cá nhân...? Nếu là giết người cướp tài sản thì sao điện thoại, cùng 2 chiếc xe máy trong căn phòng này vẫn còn nguyên, phòng không có dấu hiệu xáo trộn, lục lọi?

Từ các dấu vết trên cánh cửa và các dấu vết chân tại căn phòng, nơi sư trụ trì bị sát hại, qua rà soát, sàng lọc thì Nguyễn Thanh Tâm (sinh năm 1989, ngụ tại Tân Nghĩa, Hàm Tân) là đối tượng có nhiều dấu hiệu khả nghi nhất. Tâm là một phật tử gần gũi với sư trụ trì chùa Quảng Ân. Tâm đang gặp khó khăn về tiền bạc. Trước đó vài ngày, Nguyễn Thanh Tâm từng đến chùa hỏi mượn tiền của sư thầy. Đáng chú ý, sau khi vụ án xảy ra, Nguyễn Thanh Tâm đã không có mặt ở địa phương. Thêm nữa, không biết Tâm kiếm đâu ra tiền để trả nợ cho một số người quen trước khi biến mất.

Trinh sát đã tỏa đi nhiều nơi từ Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh, thậm chí lên biên giới Tây Nam để truy tìm đối tượng. Chỉ trong thời gian ngắn, ban chuyên án xác định được nơi Tâm lẩn trốn. Tổ công tác do Thượng tá Ung Chiêu Thành, Phó trưởng Phòng CSHS, Công an Bình Thuận, phó ban chuyên án dẫn đầu đã lên đường vào TP Hồ Chí Minh. Thời điểm ấy, Bình Thuận là địa phương có ổ dịch COVID-19 nên việc đi lại bị hạn chế. Tuy nhiên, cái khó ló cái... may, nhờ vậy tổ công tác phối hợp với Công an phường Long Thạnh Mỹ, quận 9, khéo léo “mời” được Nguyễn Thanh Tâm về để... xét nghiệm COVID-19.

Tang vật cơ quan chức năng thu hồi từ kênh nước đen.

Nguyễn Thanh Tâm bị tuyên án tử hình.

Tâm cho biết vào TP Hồ Chí Minh chạy Grab. Cơ quan chức năng yêu cầu Tâm viết lịch trình di chuyển để truy vết và lấy máu để xét nghiệm. Khi kiểm tra hành chính, trinh sát phát hiện trên tay Tâm có vết thương. Trước đó tại hiện trường, cơ quan điều tra phát hiện trong rất nhiều vết máu, có một vết máu “lạ”, hình tròn ngay cửa phòng sư thầy. Cơ quan điều tra cho rằng, có thể nghi can trong lúc mở cửa đột nhập vào phòng đã bị thương. Qua giám định, vết máu “lạ” và máu của Tâm là một.

Lúc đầu Tâm khai báo quanh co, mâu thuẫn về thời gian, vết thương ở tay do sửa ống nước... Nhưng sau khi có kết quả giám định mẫu máu, Tâm đành “xin điếu thuốc” rồi cúi đầu thừa nhận hành vi. Tâm khai giết người để cướp tài sản, trả nợ.

Bắt được thủ phạm nhưng việc thu hồi tang vật khác cũng không kém phần gian nan. Trên đường chạy trốn, Tâm đã vứt bỏ túi đựng điện thoại, chìa khóa và chuỗi tràng hạt của nạn nhân xuống kênh nước thải đoạn qua đường Võ Nguyên Giáp, TP Biên Hòa, Đồng Nai. Thiếu tá Đinh Hữu Ân, cán bộ điều tra và Thượng tá Ung Chiêu Thành đã phải lội xuống kênh nước đen ngòm, rác rến và xác động vật chết, người rọi đèn pin, người lật từng bịch rác, suốt mấy tiếng đồng hồ từ chiều đến tối mới tìm được tang vật trước sự chứng kiến của đại diện Viện kiểm sát và Công an TP Biên Hòa. Lên bờ, cơ thể dính toàn sình lầy, ngứa ngáy nhưng ai nấy đều thở phào vì đã tìm được vật chứng của vụ án.

Ngày 7-9-2020, Nguyễn Thanh Tâm đã bị TAND tỉnh Bình Thuận tuyên án tử hình về tội “giết người” và “cướp tài sản”.

Cơ quan công an kiểm tra hiện trương vụ án tại chùa Quảng Ân.

2. Nhưng đó chỉ là một trong những vụ án được Phòng CSHS Công an tỉnh Bình Thuận khám phá trong thời gian ngắn nhất. Một vụ án khác cũng được khám phá trong thời gian rất nhanh.

5h sáng ngày 2-6, chị Đào Thị Kiều Trang (sinh năm 1985, trú phường Xuân An, TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận) ra mở cửa quán cà phê để bán hàng như thường lệ. Khoảng 5 phút sau, có một thanh niên chạy xe máy, mặc áo khoác màu đen, đeo găng tay, bịt khẩu trang, đeo balô đi vào quán. Lợi dụng lúc chị Trang sơ hở, đối tượng dùng búa đánh liên tiếp vào đầu nạn nhân. Chị Trang tri hô, anh Đào Hùng (sinh năm 1995, em ruột chị Trang) chạy ra thì bị đối tượng tiếp tục dùng búa đánh vào đầu làm anh Hùng ngã xuống sàn nhà.

Ngay sau đó, đối tượng xách túi, mang theo chiếc búa, bỏ chạy ra ngoài đường, lấy xe máy tẩu thoát theo hướng ra Bắc. Chị Trang và anh Hùng được đưa đi cấp cứu. Rất may cả hai không bị nguy hại đến tính mạng.

Do tính chất nghiêm trọng của vụ án, Công an tỉnh Bình Thuận báo cáo và đề nghị Cục CSHS, Bộ Công an phối hợp, đồng thời ra quyết định khởi tố vụ án giết người.

Trích xuất camera và qua lời khai của nhân chứng, cơ quan chức năng phát hiện đối tượng có thân hình cao to, mặc áo phản quang. Ngay lập tức, 2 tổ trinh sát được cử lên đường truy tìm theo 2 hướng Bắc - Nam.

Tổ ngược ra Bắc phát hiện đối tượng đi tới một cây xăng thuộc tỉnh Ninh Thuận thì mất hút. Tại vị trí đó chỉ có một con đường có thể ra Bắc. Nhận định đối tượng đi đường xa, mệt mỏi, người phải ăn, xe phải đổ xăng, lãnh đạo ban chuyên án đã chỉ đạo rà soát những điểm đối tượng có thể dừng chân. Phân tích nghiệp vụ, các trinh sát phát hiện đối tượng đã đổi hướng vào Nam. Đúng như nhận định “đói phải ăn”, nghi can đã ghé một quán ăn bên đường, sau đó tiếp tục hành trình chạy xe máy vượt hơn 1.400 km ngược ra Bắc.

Đối tượng Mai Quốc Nam tại cơ quan điều tra.
Mai Quốc Nam giả đi vệ sinh, vào tận quầy tấn công chủ quán (ảnh cắt từ camera an ninh).

Khi xác định nghi can đang có mặt tại nhà số 253 phường Kim Mã, Ba Đình, Hà Nội, Công an Bình Thuận đã cử đoàn công tác ra Hà Nội phối hợp với Cục CSHS, Công an Hà Nội, Công an quận Ba Đình, tổ chức truy bắt.

Sáng 5-6-2020, sau khi sử dụng ma túy đá, lo sợ bị bắt giữ, Mai Quốc Nam (sinh năm 1981, quê Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình) leo lên tum của ngôi nhà lẩn trốn. Các tổ công tác nhanh chóng chia làm nhiều mũi, một tổ lên xe thang kêu gọi đối tượng đừng manh động, ra đầu thú, một mũi khác triển khai các biện pháp cứu nạn, cứu hộ.

Nam liên tục tục nhảy qua 30 ngôi nhà khác mới dừng lại. Dưới sự chỉ đạo của Thiếu tướng Trần Ngọc Hà, Cục trưởng Cục CSHS, hơn 20 cán bộ chiến sĩ của Cục CSHS và Công an tỉnh Bình Thuận, cùng gần 100 cán bộ chiến sĩ của Phòng Cảnh sát cơ động, Cảnh sát PCCC&CNCH Công an TP Hà Nội, Công an quận Ba Đình, Công an phường Kim Mã cùng tham gia truy bắt đối tượng.

Khi bị bắt, Nam khai đầu tháng 4-2020 đã trộm một chiếc Exciter ở TP Hồ Chí Minh sau đó lắp biển số giả để sử dụng. Khi chạy ra đến TP Phan Thiết, Bình Thuận, Nam đã gây ra vụ án.

Mới đây nhất, cuối tháng 11-2020, Phòng CSHS đã bắt giữ Lê Thị Chanh (sinh năm 1972, ngụ tại thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế), kẻ sát hại bà Nguyễn Thị Lan, một phụ nữ đơn thân tại thị trấn Phan Rí Cửa, huyện Tuy Phong ngày 30-11-2020 để cướp vàng.

Đại tá Phạm Thật, trưởng ban chuyên án cho biết, trong quá trình xác minh, điều tra, trinh sát phát hiện trước ngày vụ án xảy ra, người thân của nạn nhân có đưa người tình là một phụ nữ trung niên từ TP Hồ Chí Minh về. Nhưng, sau khi vụ án xảy ra, người này bặt vô âm tín. Tuy nhiên, người thân của nạn nhân khai người phụ nữ này đã lên xe về Huế từ trước đó. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, ban chuyên án xác định người phụ nữ này không về Huế mà vẫn có mặt tại thị trấn Phan Rí Cửa, mới rời đi vào khuya 30-11, đúng ngày xảy ra án mạng. Cơ quan điều tra đã lần ra dấu vết khi Chanh đang lẩn trốn trong một khách sạn tại huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh. Sau 12 ngày gây án, Chanh đã bị bắt.

Chanh khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội. Không những thế, Chanh còn khai đã thủ sẵn một con dao với mục đích sát hại lễ tân khách sạn tại nơi thuê trọ để lấy tài sản. Vì thế, nếu không kịp thời bắt giữ, rất có thể Lê Thị Chanh lại gây thêm tội ác.

Nhận định về thành công của các chuyên án, Đại tá Trần Văn Toản, Giám đốc Công an tỉnh Bình Thuận đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ chiến sĩ Phòng CSHS. Cùng đó là sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt và có trách nhiệm của các đơn vị nghiệp vụ, sự hỗ trợ kịp thời của Bộ Công an, công an các địa phương, quần chúng nhân dân... Đó chính là các yếu tố quyết định sự thành công.
Văn Hào
.
.