Xót xa những phận người

Thứ Hai, 25/03/2019, 17:35
Thời gian gần đây, tội phạm mua bán người tiếp tục có những diễn biến phức tạp. Tại Nghệ An, chỉ tính riêng trong năm 2018, lực lượng chức năng đã phát hiện, bắt giữ, khởi tố 16 vụ, 26 đối tượng có hành vi mua bán người, mua bán trẻ em và tiếp nhận, hỗ trợ, giải cứu 40 nạn nhân liên quan.

                                       

Trở về từ bên kia biên giới

Ngày 27-2-2019, chị Trương Thị Thìn (SN 1967, trú tại xóm Nam Lộc, xã Nghĩa Long, huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An) bất ngờ trở về sau 23 năm mất tích, đã khiến mọi người sửng sốt, bất ngờ.

Theo lời kể của người phụ nữ này, năm 1997, khi ấy chị đang là mẹ của hai con nhỏ 5 tuổi và 3 tuổi. Trong một lần sang xã Nghĩa Long để cắt thuốc nam chữa bệnh đau chân, chị Thìn bị một người phụ nữ ở xã này lừa đưa đi chữa bệnh, đưa lên xe ô tô, sau đó bị lừa cho uống thuốc mê rồi bán sang Trung Quốc. Tại xứ người, chị được định giá bằng nhân dân tệ, bị gả bán cho một người đàn ông bản địa ít hơn mình 7 tuổi, sống ở đảo Hải Nam.

Đau đớn, chị đã tìm đến cái chết hai lần nhưng được phát hiện và can ngăn. Thời gian qua đi, chị sinh cho nhà chồng 2 đứa con, tạm chấp nhận cuộc sống làm vợ, làm mẹ nơi xứ người. Trong thời gian đó, chị đã gửi hàng nghìn lá thư về Việt Nam nhưng không nhận được hồi âm.

Chị Thìn (áo kẻ) trở về từ Trung Quốc sau 23 năm lưu lạc.

Gần đây, chị Thìn may mắn gặp một người Việt Nam, người này đã hướng dẫn chị dùng mạng xã hội nên nhờ đó, chị đã kết nối được với người thân, họ hàng ở quê nhà. Biết chị chưa thể quên được quê hương, bản quán nên người chồng tốt bụng đã bán 3 con bò đưa tiền cho vợ về quê.

Gần 1 tháng kể từ ngày trở về, mặc dù chị Thìn đã làm đơn tố giác kẻ đã đang tâm bán mình 23 năm trước ra cơ quan chức năng, nhưng do vụ việc xảy ra đã quá lâu, nên đến nay, Công an huyện Nghĩa Đàn vẫn chưa thể truy tố đối tượng ra pháp luật theo yêu cầu và đề nghị của bị hại.

Một trường hợp khác, là chị Hồ Thị Hoa sinh năm 1969, trú tại phường Mai Hùng, thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An cũng vừa may mắn trở về từ bên kia biên giới sau tròn 20 năm bị lừa bán.

Trong suốt thời gian nói trên, chị Hoa phải làm vợ của người đàn ông lớn tuổi, sống cuộc sống khổ cực, thường xuyên bị chồng đánh đập. May mắn được giải thoát khỏi kiếp vợ người, song khi trở về vào tháng 12-2018 vừa qua, chị Hoa xót xa hơn khi chồng cũ đã có gia đình mới, hai đứa con đang làm ăn tận miền Nam nên chị không còn nơi tá túc, phải ăn nhờ ở đậu nhà người chị gái.

Theo lời kể của người phụ nữ này, năm 1998 khi cần tìm một công việc làm thêm và vì quá tin người bạn thân nên đã bị lừa bán sang Trung Quốc. Trong 20 năm làm vợ xứ người, chị Hoa đã phải 5 lần vượt cạn, bị ngược đãi khi chồng và gia đình chồng không cho tiếp xúc, gần gũi với con.

Không những thế, chị còn bị hành hạ cả thể xác lẫn tinh thần. Đến lúc lâm bệnh nặng, chị bị đuổi ra khỏi nhà, 2 tháng sống vạ vật gầm cầu, ngày ăn xin, nhặt ve chai kiếm sống. Cho đến một ngày, chị Hoa may mắn gặp người phụ nữ đồng hương Nghệ An, người này đã đăng ảnh kèm thông tin lên mạng xã hội nên con cái chị Hoa ở Việt Nam biết tin, đã tìm cách đưa mẹ về đoàn tụ.

Công an huyện Kỳ Sơn đấu tranh với các đối tượng mua bán bào thai qua biên giới.

Câu chuyện của chị Thìn, chị Hoa chỉ là hai trong hàng trăm trường hợp của những người phụ nữ bị lừa bán sang bên kia Trung Quốc may mắn được giải thoát, trở về từ bên kia biên giới sau một thời gian dài bị lừa bán. Hằng năm, trên địa bàn Nghệ An nói riêng và cả nước nói chung, chuyện những người phụ nữ bị lừa bán đi vẫn thường xuyên xảy ra và có những người may mắn được giải thoát trở về.

Mỗi năm, cơ quan chức năng đã tiếp nhận, phối hợp và giải cứu hàng trăm nạn nhân mua bán người. Đại tá Phạm Hoài Nam - Trưởng phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Nghệ An cho biết, mỗi năm trên địa bàn tỉnh Nghệ An xảy ra từ 12 - 16 vụ mua bán người.

Trước đây, nếu như nạn nhân chủ yếu là phụ nữ, trẻ em có độ tuổi từ 14 - 30 thì gần đây, xuất hiện tình trạng mua bán trẻ sơ sinh, thậm chí cả mua bán bào thai qua biên giới.

Muôn kế lừa đảo buôn bán người      

Trong khi những người phụ nữ bị lừa bán may mắn trở về, vấn đề giải quyết việc làm cũng như hỗ trợ họ tái hòa nhập cộng đồng đang là bài toán khó đối với nhà chức trách, thì vẫn còn không ít trường hợp tiếp tục bị dụ dỗ, lừa bán sang Trung Quốc, khởi đầu những tấn bi kịch nhói lòng.

Lợi dụng sự thiếu hiểu biết, đánh vào tâm lý khát khao tìm kiếm việc làm, muốn thoát khỏi cảnh đói nghèo của những sơn nữ ở các địa bàn vùng cao, biên giới, tội phạm mua bán người tiếp tục có những chiêu bài dụ dỗ, lừa gạt để đưa người qua bên kia biên giới, biến họ thành những món "hàng người" với lợi nhuận kếch sù.

Mới đây nhất, vào ngày 6-3-2019, Cơ quan CSĐT Công an huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An đã khởi tố, bắt tạm giam 2 đối tượng Ngân Thị Đua sinh năm 1988 và Vi Thị Hoài Thanh sinh năm 1980, cùng trú tại huyện Tương Dương để điều tra về tội mua bán người dưới 16 tuổi, quy định tại Điều 151 Bộ luật Hình sự.

Trước đó, vào tháng 8-2014, biết Lô Thị Q., sinh năm 1999 và Nguyễn Thị Thanh Th., sinh năm 2000, cùng trú tại bản Mon, xã Thạch Giám, huyện Tương Dương có nhu cầu tìm việc làm, Thanh và Đua đã móc nối, đưa sang Trung Quốc bán với giá 120 triệu đồng mỗi người.

Sau một thời gian, do khúc mắc trong việc chia chác số tiền có được từ việc bán người, Thanh và Đua đã xảy ra mâu thuẫn, sau đó Ngân Thị Đua đã tố cáo Vi Thị Hoài Thanh ra cơ quan công an. Đồng thời, các nạn nhân cũng lần lượt được trở về, tố cáo hành vi của kẻ buôn người với cơ quan công an.

Trước đó không lâu, vào ngày 26-2-2019, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Nghệ An cũng đã phối hợp với tổ chức Rồng Xanh, giải cứu thành công nạn nhân Moong Thị M., SN 2001, trú tại xã Hữu Kiệm, huyện Kỳ Sơn bị lừa bán sang Trung Quốc.

Hai đối tượng bị bắt trong đường dây này là hai chị em ruột Hùng Thị Niệm, SN 1989 và Hùng Thị Liêm, SN 1996, trú tại bản Thái Lâm, xã Thanh Sơn, huyện Thanh Chương. Niệm từng là nạn nhân của tội phạm mua bán người, đang làm vợ và sinh sống ở Trung Quốc. Biết nhu cầu tìm việc làm của không ít sơn nữ ở các huyện miền Tây xứ Nghệ, Niệm đã móc nối với em gái đang sinh sống ở Việt Nam để đưa người sang bán.

Tháng 7-2016, biết em M. có nhu cầu kiếm việc làm, Niệm lừa gạt M. đi làm công nhân nhà máy, sau đó cấu kết với em gái đưa sang Trung Quốc bán với giá 7 vạn nhân dân tệ. Số tiền này, Niệm gửi cho gia đình nạn nhân 20 triệu đồng, trả công em gái 10 triệu đồng.

Về nạn nhân, do phải sống cuộc sống khổ cực, bị ép làm vợ người đàn ông đáng tuổi cha chú, Moong Thị M. đã liên tục cầu cứu cơ quan chức năng nên Phòng Cảnh sát hình sự Công an Nghệ An đã tiếp cận được thông tin, phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan, giải cứu thành công nạn nhân, qua đó có đủ cơ sở để khởi tố, bắt giam hai chị em ruột để truy tố ra pháp luật hành vi mua bán người.

Khi nạn nhân trở thành tội phạm

Đại tá Nguyễn Hữu Cầu - Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An cho biết, một số người đã từng là nạn nhân trong các vụ mua bán người, vì hám lợi đã trở về quê hương lừa bán chính người thân, bạn bè của mình. Nạn nhân trong các vụ mua bán người chủ yếu là quen qua mạng xã hội, thân quen bạn bè, thậm chí không ít trường hợp là mẹ chồng, nàng dâu hoặc anh em, ruột thịt máu mủ với nhau vẫn đang tâm lừa bán.

Lực lượng Công an tuyên truyền, tổ chức cho phụ nữ vùng cao ký cam kết không ra nước ngoài bán con.

Số liệu thống kê từ Công an tỉnh Nghệ An cho thấy, trong năm 2018, lực lượng chức năng toàn tỉnh đã phát hiện, bắt giữ, khởi tố 16 vụ, 26 đối tượng có hành vi mua bán người, mua bán trẻ em và tiếp nhận, hỗ trợ, giải cứu 40 nạn nhân liên quan. Tuy nhiên, tình hình tội phạm mua bán người, mua bán trẻ em trên địa bàn tiếp tục diễn biến phức tạp, phương thức, thủ đoạn hoạt động ngày càng tinh vi.

Tính đến thời điểm hiện nay, Nghệ An còn 263 phụ nữ, trẻ em vắng mặt lâu ngày tại địa phương nghi là nạn nhân của tội phạm mua bán người. Đối với tội phạm mua bán bào thai qua biên giới, cơ quan chức năng cũng đã thống kê, trên địa bàn huyện Kỳ Sơn có ít nhất 25 trường hợp phụ nữ dân tộc thiểu số mang thai sang Trung Quốc đẻ, trong số đó đã xác minh làm rõ 6 trường hợp sau khi sinh con đã bán con lại bên Trung Quốc rồi trở về.

Đối với loại tội phạm này, Đại tá Nguyễn Hữu Cầu cho biết, rất khó để xử lý vì vướng mắc chế tài, quy định. Theo đó, trong Bộ luật Hình sự sửa đổi năm 2017, có 5 tội liên quan đến hành vi mua bán người nhưng không nhắc đến việc mua bán bào thai.

Bị hại trong các vụ án này chính là những bào thai, chưa sinh nở nên chưa thể gọi là bị hại. Trong trường hợp sinh nở "mẹ tròn" nhưng "con không vuông" (mất trong bụng mẹ, hoặc chết khi vừa sinh ra) thì rất khó để xác định bị hại.

Công an Nghệ An cũng đã trao đổi với Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và Cục Cảnh sát Hình sự (Bộ Công an) về hiện tượng trên để có cách xử lý hiệu quả. Trong khi đó, thời gian qua Nghệ An đã mạnh tay, quyết liệt đấu tranh với tội phạm này.

Hai mẹ con trong đường dây đưa phụ nữ mang thai sang Trung Quốc bán bị bắt giữ.

Theo số liệu của Bộ Công an, từ năm 2010 đến hết quý 3-2018, cả nước xảy ra hơn 3.000 vụ mua bán người với hơn 4.500 đối tượng lừa bán gần 7.000 nạn nhân. Tội phạm mua bán người xảy ra trên phạm vi 63 tỉnh, thành. Tại Nghệ An, chỉ tính riêng trong năm 2018 và 3 tháng đầu năm 2019, lực lượng chức năng toàn tỉnh đã phát hiện, bắt giữ, khởi tố 19 vụ, 29 đối tượng có hành vi mua bán người, mua bán trẻ em và tiếp nhận, hỗ trợ, giải cứu 42 nạn nhân liên quan.

Trước tình hình đó, ngày 9-1-2019, UBND tỉnh Nghệ An cũng đã ban hành Văn bản số 213/UBND-NC về việc tăng cường công tác phòng, chống mua bán người, mua bán bào thai trên địa bàn.

Công an tỉnh Nghệ An cũng chỉ đạo lực lượng công an các cấp, tăng cường công tác quản lý nhà nước về An ninh trật tự, nhất là quản lý nhân hộ khẩu, tạm trú, tạm vắng, quản lý đối tượng, quản lý người nước ngoài, phụ nữ lấy chồng Trung Quốc về địa phương và các cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự… không để tội phạm mua bán người, mua bán bào thai lợi dụng hoạt động.

Thiên Thảo
.
.