Xét xử vụ thu phí bảo kê các dịch vụ hỏa táng tại Thái Bình:

Lời xảo biện của Đường “Nhuệ” và đàn em

Thứ Hai, 22/11/2021, 13:20

Tại phiên xét xử vụ án “Cưỡng đoạt tài sản” xảy ra tại các cơ sở mai táng trên địa bàn tỉnh Thái Bình, Nguyễn Xuân Đường cùng đàn em đã có những lời “đấu tố” lẫn nhau, khai báo quanh co, thái độ bất nhất, nóng nảy khi xảo biện cho hành vi phạm tội của mình. Bản chất giang hồ của các bị cáo đã bộc lộ.

Bảo kê, ăn chặn nhiều tỉ đồng

Ngày 17-11, TAND tỉnh Thái Bình mở phiên hình sự sơ thẩm xét xử bị cáo Nguyễn Xuân Đường (tức Đường “Nhuệ”) và Nguyễn Thị Dương (vợ Đường) về hành vi thao túng, thu phí bảo kê các dịch vụ hỏa táng trên địa bàn tỉnh Thái Bình. Tòa án cũng xét xử 5 đồng phạm khác gồm Ninh Đức Lợi (SN 1974), Phạm Văn Úy (SN 1989), Nguyễn Khắc Nin (SN 1979), Bùi Mạnh Tiến (SN 1995, Tiến “trắng”, con nuôi Nguyễn Xuân Đường), Quách Việt Cường (SN 1974). Cả 7 bị cáo đều bị truy tố về tội “Cưỡng đoạt tài sản” quy định tại Điều 170 Bộ luật Hình sự năm 2015. Đây là vụ án được dư luận quan tâm do tính chất, mức độ nghiêm trọng của hành vi phạm tội cũng như đối tượng bị truy tố là vợ chồng Nguyễn Xuân Đường, đối tượng giang hồ, cầm đầu nhiều băng nhóm tội phạm trên địa bàn tỉnh Thái Bình.

Lời xảo biện của Đường “Nhuệ” và đàn em -0
Nguyễn Xuân Đường xảo biện, bộc lộ bản chất tại phiên xét xử.

Theo cáo trạng, trong khoảng thời gian từ cuối năm 2017 đến tháng 4-2020, Nguyễn Xuân Đường đã lợi dụng danh nghĩa và núp bóng Công ty TNHH Đường Dương do vợ là Nguyễn Thị Dương làm giám đốc để ép buộc các cơ sở dịch vụ tang lễ trên địa bàn phải hoạt động và nộp tiền theo yêu cầu của Đường, mặc dù công ty này không có chức năng hoạt động trong lĩnh vực hỏa táng, không đầu tư cơ sở vật chất và không được Công ty CP Dịch vụ tang lễ Hoàng Long (tỉnh Nam Định) ủy quyền.

Nguyễn Xuân Đường tự xưng là Chủ tịch Hiệp hội Tang lễ Thái Bình, tự ban hành quy chế hoạt động của Hiệp hội và Hợp đồng nguyên tắc giữa Công ty Đường Dương với các dịch vụ tang lễ Thái Bình. Trong đó, Nguyễn Thị Dương ký xác nhận biên nhận tiền do Phạm Văn Úy đưa và có ký Hợp đồng nguyên tắc và Quy chế hoạt động của Hiệp hội Tang lễ Thái Bình.

6 đồng phạm gồm Ninh Đức Lợi, Phạm Văn Úy, Nguyễn Khắc Nin, Bùi Mạnh Tiến, Quách Việt Cường, Nguyễn Thị Dương giúp sức cho Nguyễn Xuân Đường trong từng giai đoạn của quá trình cưỡng đoạt tài sản. Với mỗi ca hỏa táng, vợ chồng Đường cùng đàn em yêu cầu các đơn vị kinh doanh dịch vụ hỏa táng phải nộp về 500.000 đồng/ca. Số tiền này được các đơn vị kinh doanh dịch vụ hỏa táng nộp lại vào ngày 5 và 20 âm lịch hằng tháng. Nếu không chấp hành, nhóm này chặn xe, đánh đập và cắt địa bàn hoạt động.

Lời xảo biện của Đường “Nhuệ” và đàn em -0
Nguyễn Thị Dương tại phiên xét xử.

Theo đó, Quách Việt Cường, Ninh Đức Lợi giúp Đường nhận báo ca và thu tiền lần lượt là 288,5 triệu đồng và gần 2 tỉ đồng; Lương Trung Thái giúp Đường nhận báo ca và thu tiền báo ca 339 triệu đồng. Số tiền đều giao lại cho Phạm Văn Úy. Úy kiểm đếm và mang về cho Đường. Từ cuối năm 2017 đến tháng 4-2020, nhóm của vợ chồng Nguyễn Xuân Đường và đàn em đã chiếm đoạt của 25 bị hại tổng số tiền 2,469 tỉ đồng.

Lời khai bất nhất trong phiên tòa

Tại phiên xét xử, khi luật sư bào chữa cho Đường đưa ra các lí do tạm hoãn phiên xét xử thì Đường nổi nóng và đề nghị “tòa vẫn cứ xử, việc triệu tập bị hại vẫn cứ tiến hành, bị cáo chờ ngày này lâu lắm rồi. 2 năm qua bị cáo sống trong cay đắng, mang tiếng cả gia đình bị cáo “ăn trên xác chết”... Trước thái độ gay gắt của Nguyễn Xuân Đường, một luật sư bào chữa khuyên Đường bình tĩnh, bởi các luật sư đề nghị hoãn phiên tòa và triệu tập người bị hại xuất phát từ lợi ích của bị cáo.

Trong khi đó, ngay từ lúc mở đầu phiên tòa, bị cáo Bùi Mạnh Tiến tỏ ra nóng nảy và liên tục xin tòa xử mình 20 năm tù. Tiến “trắng” cho rằng, bản thân bị bố nuôi Nguyễn Xuân Đường và mẹ nuôi Nguyễn Thị Dương đối xử tệ bạc. “Tôi chẳng nợ nần gì ông bà ấy cả, chỉ có ông bà ấy nợ tôi”. Tiến thẳng thắn nói, bị cáo chỉ được cái mác con nuôi cho oai. Và, từ sau ngày 20-8, Tiến đã biết bị lừa. “Tôi xin tòa xử 20 năm và không tranh luận gì thêm”, Tiến “trắng” gay gắt tại tòa bất chấp thẩm phán, chủ tọa phiên tòa cắt lời, yêu cầu giữ bình tĩnh, nói ngắn gọn. Trước đó, ngày 25-10, tại phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử vụ án “Cố ý gây thương tích”, bị cáo Bùi Mạnh Tiến cũng cho rằng: “Ông Đường bán đứng tôi như Hải “bánh” bán đứng Năm Cam để được từ tử hình xuống chung thân”.

Giữ thái độ bất nhất, Đường “Nhuệ” liên tục phủ nhận tội danh cùng những lời xảo biện. Đường cho rằng, các cơ sở dịch vụ tang lễ tha thiết đề nghị làm Chủ tịch Hiệp hội Tang lễ Thái Bình. Do mọi người tha thiết mời mình vào làm để họ làm ăn yên ổn, nhờ đứng lên để bảo vệ họ.

Tiếp đó, Đường còn cho rằng, những lần đến họp, lúc đầu suy nghĩ là cho vui, giúp được ai cái gì thì giúp nhưng dần dần thấy thương cảm cho hoàn cảnh của các dịch vụ tang lễ ở Thái Bình bị “đì”, thương nhà có người chết nên sau đó đã đồng ý tham gia vào Hiệp hội. Đường ngụy biện, khi nhận làm giúp các dịch vụ là xuất phát từ cái tâm của bị cáo.

Tuy nhiên, Đường cũng thừa nhận, để hợp thức hóa việc “giúp đỡ” này, Đường yêu cầu mọi người phải làm giấy tờ gì đó để không vi phạm pháp luật. Nhưng, khi nói về bản Hợp đồng nguyên tắc giữa Công ty Đường Dương và các dịch vụ, Đường “Nhuệ” bao biện, đến giờ cũng chưa biết bản hợp đồng như thế nào. Mặc dù vợ Đường là người ký nhưng Đường nói bản hợp đồng chẳng có giá trị gì về pháp lý, có thể chỉ là thỏa thuận nào đó.

Lời xảo biện của Đường “Nhuệ” và đàn em -0
Các bị cáo tại phiên xét xử.

Về số tiền cáo buộc chiếm đoạt của các cơ sở dịch vụ gần tỷ đồng, Đường xảo biện rằng, bản thân có nhiều khoản tiền không thể nhớ được. Với số tiền các dịch vụ báo ca, Đường khai chi tiêu vào việc ăn uống, các hoạt động của Hiệp hội. Trước thông tin đang phải đóng tiền cố định ở Công ty Hoàng Long nhưng với Đường “Nhuệ”, các dịch vụ phải đóng thêm 500.000 đồng, Đường lý giải họ bỏ ra 500.000, mình được ăn, được uống (tổ chức liên hoan), đi lại công việc đúng giờ, không ai bắt nạt.

Khai báo tại phiên xét xử, Nguyễn Thị Dương khai nhận ký văn bản liên quan tới Hiệp hội Tang lễ tỉnh Thái Bình nhưng không đọc nội dung mà chỉ ký bởi tin tưởng chồng và làm việc đó để tạo điều kiện cho chồng kinh doanh, làm ăn với người khác. Làm việc với cơ quan chức năng, bị cáo thừa nhận đã vi phạm pháp luật song bác bỏ quan điểm luận tội cho rằng hành vi của mình là cưỡng đoạt tài sản.

Dương bao biện chưa từng gặp hay thu tiền của một đơn vị dịch vụ hỏa táng về số tiền 43 triệu đồng đã nhận từ đàn em của Đường. Bị cáo cho biết chỉ đi làm việc này theo lời chồng, không biết đó là tiền. Dương thừa nhận có lần đã gặp Quách Việt Cường (đàn em của Đường), song không trực tiếp nhận tiền. Số tiền đó Cường để vào ngăn kéo cho Đường rồi đi về. Tuy nhiên, tại phiên xét xử, chính các bị cáo thừa nhận những lần đến đưa tiền đều đưa trực tiếp cho Dương.

Cái giá phải trả cho việc ăn chặn

Tại phiên xét xử, Đường “Nhuệ” liên tục ngụy biện, cho rằng, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát truy tố bị cáo phạm tội cưỡng đoạt nhưng bị cáo không cưỡng đoạt ai.  Nguyễn Xuân Đường còn cho rằng, kiểm sát viên không giao cáo trạng cho mình và đề nghị được gửi đơn, tài liệu chứng cứ về những vi phạm tố tụng mà bị cáo phải chịu đến Cơ quan điều tra của Viện kiểm sát nhân dân Tối cao. Tuy nhiên, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình tham gia tố tụng tại tòa khẳng định, cáo trạng đã được kiểm sát viên giao cho bị cáo Nguyễn Xuân Đường, có biên bản bàn giao và bị cáo đã ký vào biên bản bàn giao. Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình đánh giá lời khai chối tội của vợ chồng Đường “Nhuệ” là không có căn cứ. Đường  không thành khẩn khai báo cho nên không được hưởng tình tiết giảm nhẹ.

Lời xảo biện của Đường “Nhuệ” và đàn em -0
Nhiều đối tượng trong vụ án này phải nhận tổng hợp mức án cho các hành vi phạm tội.

Sau 2 ngày xét xử sơ thẩm, hội đồng xét xử TAND tỉnh Thái Bình tuyên án. Nguyễn Xuân Đường với vai trò chủ mưu phải chịu mức án cao nhất là 15 năm tù. Các bị cáo khác có hành vi giúp sức cho Nguyễn Xuân Đường trong từng giai đoạn của quá trình “Cưỡng đoạt tài sản”. Các bị cáo Nguyễn Thị Dương 8 năm tù, Ninh Đức Lợi 13 năm tù, Phạm Văn Úy 13 năm tù, Nguyễn Khắc Nin 12 năm tù, Bùi Mạnh Tiến 12 năm tù và Quách Việt Cường 8 năm tù. Hội đồng xét xử tuyên, bị cáo Nguyễn Xuân Đường phải có trách nhiệm bồi thường cho 25 bị hại số tiền gần 2,5 tỉ đồng. Trong đó, Nguyễn Thị Dương đã khắc phục được 60 triệu đồng.

Vụ án được đưa ra xét xử, dư luận quan tâm bởi tính chất, mức độ nghiêm trọng của hành vi phạm tội. Số tiền 2,5 tỉ đồng chiếm đoạt của 25 bị hại trực tiếp là 25 cơ sở dịch vụ hỏa táng trên địa bàn tỉnh Thái Bình. Tuy nhiên, số tiền này thực chất được “cộng” trực tiếp vào tiền dịch vụ của gần 5 nghìn gia đình sử dụng dịch vụ hỏa táng. Bao gia đình trong lúc tang gia còn phải “gánh” trên lưng khoản chi phí chi trả cho những đối tượng giang hồ cộm cán tại địa phương, tổn thất này ai khắc phục, bồi thường?

Trước đó, Nguyễn Xuân Đường bị tuyên tổng mức án 7 năm tù về các tội “Cố ý gây thương tích” và “Xâm phạm chỗ ở của công dân”, tổng cộng Đường “Nhuệ” phải chịu 22 năm tù. Nguyễn Thị Dương đang chấp hành bản án 4 năm 6 tháng tù về các tội “Cố ý gây thương tích” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, tổng cộng đến nay là 12 năm 6 tháng tù. Bị cáo Bùi Mạnh Tiến đang chấp hành mức án 12 năm tù trong các vụ án khác, tổng cộng đến nay lãnh 24 năm tù.  Bị cáo Phạm Văn Úy đang chấp hành 22 năm tù trong các vụ án khác, tổng cộng hiện nay lãnh 30 năm tù.

Kim Sa
.
.