Ngăn chặn nạn bạo hành phụ nữ

Thứ Ba, 30/11/2021, 15:30

Đại dịch COVID-19 không những ảnh hưởng nghiêm trọng tới sản xuất, kinh doanh mà còn tác động mạnh tới mỗi gia đình. Đặc biệt khi thực hiện giãn cách xã hội, tình trạng mất việc làm, kinh tế khó khăn, không ít người phụ nữ đã trở thành nạn nhân của bạo lực gia đình. Thời gian gần đây, trên địa bàn TP Hà Nội đã xảy ra những vụ việc nghiêm trọng...

Bầm dập vì một comment trên mạng

Mới đây, trên mạng xã hội Facebook xuất hiện clip ghi lại hình ảnh một người phụ nữ bị bạo hành rất dã man, khiến dư luận bất bình, thậm chí phẫn nộ.

Theo thời gian được ghi lại là vào buổi chiều ngày 9-11-2021, một thanh niên bất ngờ từ cửa tiến vào nhà, rồi liên tiếp dùng chân đá vào mặt, vào người một cô gái. Cô gái chỉ bất lực chịu trận, không hề phản kháng. Sau nhiều cú đá liên tiếp, cô gái đổ gục xuống nền nhà. Trước khi bỏ đi, người đàn ông cầm lấy điện thoại ném mạnh xuống đất, và còn "bồi" thêm một cú đạp vào mặt nạn nhân.

2.jpeg -0
Cấn Ngọc Phán sẽ phải trả giá đắt cho hành vi Cố ý gây thương tích.

Clip này đã gây nên một làn sóng phản ứng mạnh mẽ trên mạng xã hội. Hầu hết các user facebook đều tỏ ra xót thương người phụ nữ, bày tỏ sự phẫn nộ trước hành vi côn đồ, hung bạo của nam thanh niên. Sự việc cũng được xác định xảy ra tại xã Phùng Xá (huyện Thạch Thất, TP Hà Nội).

Xác định tính chất nghiêm trọng của vụ việc, Cơ quan công an đã nhanh chóng vào cuộc và xác định người phụ nữ bị bạo hành là chị Nguyễn Thị Thuỷ (sinh năm 1991, trú tại thôn Bùng, xã Phùng Xá – làm nghề bán hải sản). Kẻ côn đồ là Cấn Ngọc Phán (sinh năm 1992, cùng trú tại thôn Bùng). Nguyên nhân của vụ việc cũng được làm rõ.

Trước đó vào khoảng tháng 7-2021, Cấn Ngọc Phán sử dụng tài khoản Facebook có tên là “Thẩm Phán” vay của chị P.T.X. (sinh năm 1991, trú tại xã Phùng Xá, Thạch Thất) số tiền 500 ngàn đồng. Ba tháng sau, do nhiều lần đòi tiền mà Phán không trả nên chị X. đã sử dụng Facebook đăng bài viết lên trang cá nhân của Phán với nội dung: “Phán ơi, chị nhắn tin không trả lời, sang chảnh lên em”. Sau đó, chị Nguyễn Thị Thủy đã vào bình luận với nội dung: Phán là chủ quán hát karaoke mà nợ tiền không trả.

Khi truy cập vào tài khoản facebook của mình, Phán vô cùng tức giận khi đọc thấy bình luận của chị Thủy. Gã nhanh chóng xoá bài viết kia đi và nghĩ cách trả thù. Khoảng 15 giờ 30 phút ngày 9-11-2021, Phán đi xe máy đến gặp chị Thủy tại cửa hàng hải sản “Chiến Thủy”.

Thấy chị Thủy đang ngồi ghế ở trong quán và sử dụng điện thoại di động, đối tượng đã dùng chân phải đá liên tiếp vào mặt, ngực, sườn, bụng... khiến chị Thủy nằm bất động trên sàn. Lúc này điện thoại Iphone 7 Plus màu vàng của chị Thủy rơi ra, Phán nhặt điện thoại lên rồi đập nát. Tiếp đó đối tượng bỏ trốn khỏi địa phương.

Chị Thủy được người thân đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Thạch Thất rồi chuyển lên Bệnh viện Quân y 103. Kết quả thăm khám của bệnh viện xác định: Nạn nhân bị xuất huyết dưới nhện thái dương, dập não xuất huyết bao trong phải, vỡ gan bao phân thùy IV độ I.

Theo thượng tá Trần Khải Hoàn, Trưởng Công an huyện Thạch Thất, sau khi clip trên được đưa lên mạng xã hội đã nhận được sự quan tâm từ dư luận xã hội. Hành vi côn đồ của đối tượng là rất dã man, khiến nhiều người bất bình. Cơ quan công an đã khẩn trương thu thập tài liệu chứng cứ để xử lý nghiêm đối tượng Cấn Ngọc Phán trongthời gian sớm nhất.

Ngày 12-11-2021, Công an huyện Thạch Thất phối hợp Công an phường Ô Chợ Dừa (quận Đống Đa, Hà Nội) bắt giữ đối tượng Phán khi gã đang lẩn trốn trên địa bàn phường. Ngay sau đó Phán đã được di lý về Công an huyện Thạch Thất tạm giữ để tiếp tục điều tra làm rõ. Cấn Ngọc Phán có một tiền án về tội “Cướp tài sản”, đối tượng này cũng đã nhiều lần phải đi cai nghiện ma túy.

Ngăn chặn nạn bạo hành phụ nữ -0
Chị Thủy bị Cấn Ngọc Phán hành hung chỉ vì một comment trên mạng xã hội.

Tại địa phương, Phán đang kinh doanh một quán karaoke. Ngày 16-11-2021, Cơ quan công an đã tiến hành khởi tố bị can Cấn Ngọc Phán về tội "Cố ý gây thương tích” theo khoản 3, Điều 134 Bộ luật Hình sự và tội "Hủy hoại tài sản" theo khoản 1, Điều 178 Bộ luật Hình sự và được Viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn.

Nếu như việc chị Thủy bị bạo hành là do mâu thuẫn trên mạng xã hội, thì thời gian gần đây nhiều chị em phụ nữ lại bị chính những người mình yêu thương nhất bạo hành...

Vợ bị bạo hành do... chồng mất việc

Ngôi nhà bình yên (Trung tâm Phụ nữ và Phát triển thuộc Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam) thời gian gần đây đón khá nhiều phụ nữ trên địa bàn TP Hà Nội đến lánh nạn do bị chồng bạo hành. Một trong số đó là trường hợp của chị N.T.N (trú tại huyện Ba Vì, Hà Nội).

Theo chị N. từ khoảng hai năm trở lại đây chị liên tục bị chồng bạo hành. Anh ta thường xuyên "thượng cẳng chân, hạ cẳng tay" người vợ. Không những thế, anh ta còn liên tục nguyền rủa, xúc phạm danh dự của chị N. và bố mẹ chị. Đỉnh điểm anh ta còn cầm búa đập vào người vợ đã cùng chung sống 20 năm.

Cũng theo chị N., sự việc bắt đầu khi chồng chị bị mất việc do đại dịch COVID-19. Một mình chị đi làm công nhân, gồng gánh nuôi cả gia đình. Mặc dù vậy tối về nhà chị vẫn lao vào cơm nước, và phải chịu cả những trận đòn của người chồng.

Lý do người chồng đưa ra mỗi khi bạo hành với chị N. đơn giản vì anh ta nghĩ "tao không có việc, không kiếm được tiền, mày coi thường tao" và "mày đi làm là mày đi với trai". "Nếu tôi tiếp tục ở lại căn nhà đó, tôi sẽ chết, hoặc là bị chồng đánh chết, hoặc là tôi sẽ tự chết đi cho đỡ khổ..." - Chị N. tâm sự trong nước mắt.

Giữa tháng 8-2021, Ngôi nhà bình yên tiếp nhận cuộc điện thoại từ chị P.T.O. về việc xin tạm lánh tại Ngôi nhà bình yên do bị chồng bạo hành. Chẳng ai có thể ngờ chị O. đến trong tình trạng bị bạo lực nghiêm trọng, toàn thân bị đánh, tinh thần hoảng loạn.

Ngăn chặn nạn bạo hành phụ nữ -0
Hình ảnh bà mẹ mới sinh con hai tháng tuổi đã bị chồng bạo hành.

Ba mẹ con đến xin tạm lánh khi trên người không mang theo được bất kỳ thứ gì, giấy tờ tùy thân đã bị người chồng xé hết. Người mẹ chỉ kịp mang theo 2 đứa con đi tìm kiếm sự an toàn. “Tất cả các cuộc điện thoại làm ăn, đối tác của em cũng bị anh ta đe dọa”, "em đã chịu đựng hơn mười năm nay…” - chị O. tâm sự. Song theo một cán bộ của Ngôi nhà bình yên - dù nói vậy song người phụ nữ vẫn tần ngần không quyết định dứt khoát việc tố cáo người chồng vũ phu, chỉ mong sự việc sớm được giải quyết để về nhà.

Còn nhớ vào tháng 8-2019, chị Vũ Thị Thu L. 29 tuổi, bị chồng là Nguyễn Xuân Vinh 33 tuổi, trú tại chung cư CT1B, Thạch Bàn, Long Biên bạo hành dã man, khi mới sinh con được 2 tháng tuổi.

Chị L. cho biết vợ chồng chị kết hôn được 10 năm, trước đây hai người đã xảy ra mâu thuẫn, chồng chị đã có những hành vi bạo lực và chửi bới vợ. Hai vợ chồng chị đã từng ly hôn. Song vì thương con nên hai người quay lại với nhau nhưng không đăng ký. Khi sinh bé thứ hai, hai người mới đăng ký kết hôn lại. Tuy nhiên, những ngày tháng đen tối lại đeo bám chị L. Thậm chí, ở thời điểm đang mang thai, chị L. cũng bị chửi bới, đánh, bỏ mặc cả tháng không quan tâm...

Người thân chị chia sẻ: “Chị L. bị chồng đánh đập và hành hạ dã man trong khi mới sinh được khoảng hai tháng. Bị chồng đánh đập rất dã man nhưng không dám buông tay mà vẫn phải ôm chặt con...”.

Ứng xử thế nào với nạn bạo hành?

Theo số liệu thống kê của Trung tâm Phụ nữ và Phát triển, 6 tháng đầu năm 2021, Tổng đài ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới (1900969680) đã tiếp nhận hơn 1.300 cuộc gọi - tăng khoảng 140% so với năm 2020, trong đó 83% các cuộc gọi liên quan đến bạo lực gia đình.

Nếu tính riêng số trường hợp được tham vấn về bạo lực gia đình đã tăng gần 60% so với năm 2020 và tăng hơn 230% so với năm 2019. Từ khi đợt dịch thứ 4 bùng phát, 30% các cuộc gọi vào tổng đài là cuộc gọi yêu cầu giải cứu khẩn cấp do bị bạo lực gia đình của các phụ nữ khu vực miền Nam. Tại Hà Nội, Ngôi nhà bình yên đã tiếp nhận, hỗ trợ 74 trường hợp, tăng 120% so với cùng kỳ năm 2020 (54 người).

Chia sẻ khảo sát đối với 300 phụ nữ tại Hà Nội về vấn đề bạo lực gia đình trong bối cảnh dịch COVID-19 còn rất phức tạp, bà Khuất Thu Hồng, Trưởng Mạng lưới Ngăn ngừa và Ứng phó Bạo lực giới tại Việt Nam cho biết, có tới 99% phụ nữ thừa nhận thời gian diễn ra dịch bệnh cũng là lúc gia đình xuất hiện nhiều mâu thuẫn, trong đó phần lớn nguyên nhân do người chồng gây ra; 88% nói bị bạo lực tinh thần khi thường xuyên bị chồng hành hạ, dằn vặt, xúc phạm; hơn 80% cho biết luôn luôn bị chồng kiểm soát, cảm thấy nặng nề; hơn 25% phải chịu đựng bạo lực tình dục…

“Đáng nói, có khoảng 60% phụ nữ cho biết, con cái mình phải chứng kiến cảnh bố bạo hành với mẹ và đây mới chính là điều khiến họ cảm thấy đau đớn nhất. Hơn 50% cho hay họ không biết tìm kiếm sự giúp đỡ ở đâu nhất là trong bối cảnh phải cách ly xã hội. Nhiều người trong số đó đã muốn tự kết liễu đời mình. Có người kể đã đi ra sông mấy lần nhưng khi nghĩ tới con nhỏ lại quay về và cảm thấy vô cùng khổ sở với cuộc sống luôn bị hành hạ, đọa đày…”, bà Hồng cho biết thêm.

Theo bà Dương Thị Ngọc Linh, Giám đốc Trung tâm Phụ nữ và Phát Triển, Hội LHPN Việt Nam, phụ nữ khi bị bạo lực gia đình, nguy cơ mất an toàn cao, cần thiết phải rời khỏi nhà, đến nhà tạm lánh nhằm đảm bảo tính mạng của bản thân và con cái trước khi giải quyết vấn đề theo quy trình của pháp luật. "Điều quan trọng và cần thiết đối với mỗi nạn nhân là hãy lên tiếng, đứng lên tìm kiếm sự hỗ trợ".

Đồng quan điểm, bà Lê Thị Phương Thúy, chuyên gia về bạo lực giới cảnh báo. Để không bị chồng bạo hành, bà Thúy cho rằng trong cuộc sống thường nhật, người vợ cần có sự cân bằng với chồng về “quyền lực”, lợi ích, vị trí, tiếng nói trong gia đình và cả sự yêu thương. Người vợ không nên yêu chiều chồng một cách quá mức, nhất là với những yêu cầu vô lý, thái quá của chồng. Đó là cách tốt nhất để người vợ không rơi vào “thế yếu” và những tình huống nguy hiểm bởi những hành vi bạo lực.

Thành phố Hà Nội đẩy mạnh công tác phòng ngừa, phát hiện và ngăn chặn, xử lý kịp thời các vụ việc bạo lực, xâm hại đối với phụ nữ và trẻ em

Mới đây UBND TP Hà Nội có kế hoạch số 232 về thực hiện Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2021. Tháng hành động năm nay với chủ đề: “Đảm bảo an sinh xã hội, tăng quyền năng và tạo cơ hội cho phụ nữ và trẻ em gái nhằm thực hiện bình đẳng giới và xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới”.

Theo đó, từ ngày 15-11 đến 15-12-2021, các cấp, các ngành thành phố sẽ đẩy mạnh phổ biến, tuyên truyền, giáo dục về các chính sách an sinh xã hội, bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới, đặc biệt là các chính sách hỗ trợ phụ nữ và trẻ em bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19. Đồng thời, các cấp, ngành cung cấp kiến thức, kỹ năng bảo vệ, phòng ngừa bạo lực cho phụ nữ và trẻ em, các thành viên trong gia đình, người làm công tác bình đẳng giới, góp phần giảm thiểu, tiến tới chấm dứt tình trạng bạo lực, xâm hại đối với phụ nữ và trẻ em…

Yên Chi
.
.