Nguyên dàn lãnh đạo CảngHàng không Quốc tế Phú Bài bị truy tố tội “Nhận hối lộ”:

Tòa sơ thẩm thực hiện không đúng quy định của pháp luật?

Thứ Tư, 07/06/2023, 09:03

Vụ án “Đưa hối lộ” và “Nhận hối lộ” giữa nguyên dàn lãnh đạo Cảng Hàng không Quốc tế Phú Bài (đóng tại phường Phú Bài, thị xã Hương Thủy, Thừa Thiên-Huế) và lãnh đạo, kế toán 2 hãng taxi đóng trên địa bàn là vụ án rất nghiêm trọng mà dư luận cũng như hàng trăm tài xế và các hãng taxi đang hoạt động trên địa bàn tỉnh đặc biệt quan tâm, theo dõi suốt thời gian qua.

Sau gần 2 năm kể từ khi những nguyên lãnh đạo Cảng Hàng không Quốc tế Phú Bài bị khởi tố, bắt giam và đưa ra xét xử sơ thẩm, đến nay, vụ án này vẫn chưa khép lại. Bởi, mới đây tại phiên Tòa phúc thẩm ngày 30/5, Tòa Cấp cao Đà Nẵng kết luận rằng, việc Tòa sơ thẩm xử phạt các bị cáo dưới mức thấp nhất của khung hình phạt và cho một số bị cáo được hưởng án treo là không đúng quy định của pháp luật...

Gây thất thoát hơn 12 tỷ đồng

Vụ án có 9 bị cáo, trong đó các bị cáo thuộc Cảng hàng không quốc tế Phú Bài bị buộc tội “Nhận hối lộ” gồm: Đỗ Chí Thành (SN 1962, trú thị xã Hương Thủy), Giám đốc; Lê Văn Lộc (SN 1967, trú TP Huế), Phó Giám đốc; Trần Xuân Long (1978, trú thị xã Hương Thủy), Chánh Văn phòng kiêm kế toán; Phùng Tuấn Dương (SN 1978, trú TP Huế), Phó Giám đốc; Lê Quốc Cường (SN 1979, trú thị xã Hương Thủy), Trưởng Phòng An ninh. Ngoài ra, còn có các bị cáo bị buộc tội “Đưa hối lộ” gồm: Nguyễn Văn Hiền (SN 1965, trú TP Hội An, Quảng Nam), Giám đốc Công ty CP Hoàng Phú Thịnh (Taxi Vàng); Nguyễn Tiến Đường (SN 1988, trú TP Huế), Giám đốc Công ty CP Taxi Thành Công Huế; Trần Đình Hải (SN 1969, trú TP Đà Nẵng), Giám đốc Công ty CP Hoàng Phú Thịnh; Lý Diệu Thanh (SN 1983, trú TP Huế), Kế toán trưởng Công ty CP Hoàng Phú Thịnh.

Tòa sơ thẩm thực hiện không đúng quy định của pháp luật? -0
Nguyên Giám đốc Cảng hàng không quốc tế Phú Bài Đỗ Chí Thành (thứ 3, từ phải sang) thời điểm bị Cơ quan điều tra bắt giữ.

Cảng hàng không quốc tế Phú Bài đóng tại phường Phú Bài (thị xã Hương Thủy, Thừa Thiên-Huế) do Đỗ Chí Thành làm giám đốc. Căn cứ Luật Hàng không dân dụng Việt Nam và Thông tư 17/2016 của Bộ Giao thông - Vận tải về quản lý khai thác cảng hàng không sân bay, Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam giao cho Cảng hàng không quốc tế Phú Bài triển khai lựa chọn đơn vị được nhượng quyền khai thác dịch vụ vận tải hành khách bằng taxi bằng hình thức đấu giá. Ngày 7/9/2017, Đỗ Chí Thành lập tổ đấu giá có 3 thành viên gồm Lê Văn Lộc, Trần Xuân Long và Lê Quốc Cường. Ngày 15/9/2017, Đỗ Chí Thành ban hành quy chế về việc đấu giá lựa chọn đơn vị nhượng quyền khai thác hành khách bằng taxi tại Cảng hàng không quốc tế Phú Bài. Ngày 27/9/2017, Cảng hàng không quốc tế Phú Bài tổ chức đấu giá nhượng quyền khai thác dịch vụ vận tải hành khách bằng taxi tại trụ sở Cảng hàng không quốc tế Phú Bài. Kết quả, 2 hãng taxi trúng đấu giá là Taxi Vàng 505 triệu đồng/tháng và Taxi Thành Công 180 triệu đồng/tháng. Theo quy chế, mức trúng đấu giá là 342,5 triệu đồng/tháng/1 hãng taxi (giá trung bình cộng lại của 2 hãng taxi trúng đấu giá), là giá ký hợp đồng nhượng quyền khai thác dịch vụ vận tải hành khách bằng taxi tại Cảng hàng không quốc tế Phú Bài.

Sau khi đấu giá xong, Nguyễn Tiến Đường đã gặp Trần Xuân Long để xin giảm giá ký hợp đồng, với lý do mức giá quá cao nên hãng taxi này không thể duy trì hoạt động khai thác nhượng quyền taxi trong thời gian dài. Lợi dụng mong muốn được giảm giá ký hợp đồng của các hãng taxi, Đỗ Chí Thành và Trần Xuân Long đã bàn bạc, thống nhất giảm giá ký hợp đồng nhượng quyền cho 2 hãng Taxi Vàng và Taxi Thành Công. Theo đó, thống nhất giảm cho Taxi Vàng từ 342,5 triệu đồng/tháng xuống còn 285,5 triệu đồng/tháng, giảm cho Taxi Thành Công xuống còn 200 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, giá ghi trong hợp đồng chính thức là 120 triệu đồng/tháng/1 hãng taxi. Số tiền chênh lệch còn lại, 2 hãng taxi phải đưa riêng cho Trần Xuân Long. Giám đốc 2 hãng taxi đều đồng ý dù biết đó là hành vi vi phạm pháp luật. Cơ quan điều tra khẳng định, trong thời gian từ tháng 10/2017 đến 31/12/2020, Đỗ Chí Thành và Trần Xuân Long đã nhận hối lộ của 2 hãng taxi này tổng số tiền hơn 6,2 tỷ đồng. Hành vi cho giảm giá ký hợp đồng trái quy định để nhận tiền hối lộ, các bị cáo đã gây thiệt hại cho Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam số tiền hơn 12 tỷ đồng.

Bên cạnh  đó, trong quá trình khai thác dịch vụ vận tải hành khách bằng taxi tại Cảng hàng không quốc tế Phú Bài, theo quy chế đấu giá của Cảng hàng không quốc tế Phú Bài và hợp đồng nhượng quyền taxi đã ký kết, đến đầu tháng 2/2018, Giám đốc Taxi Thành Công Nguyễn Tiến Đường muốn tăng thêm số lượng xe taxi để đáp ứng nhu cầu đón khách, đồng thời không để tình trạng xe taxi phải đỗ chờ ở QL1A bên ngoài cảng hàng không gây lộn xộn, mất an ninh, trật tự. Vì vậy, Nguyễn Tiến Đuờng gặp Trần Xuân Long, Đỗ Chí Thành xin được tăng thêm 12 vị trí đỗ chờ khai thác. Tại cuộc họp giao ban, Đỗ Chí Thành đồng ý và giao cho Trần Xuân Long, Lê Quốc Cường - Trưởng Phòng An ninh hàng không Cảng hàng không quốc tế Phú Bài thực hiện. Khoảng 2 ngày sau, khi thấy Taxi Thành Công có thêm 12 vị trí đỗ chờ và 1 vị trí đón khách tại Cảng hàng không quốc tế Phú Bài thì Giám đốc Taxi Vàng Nguyễn Văn Hiền cũng liên hệ Trần Xuân Long để hãng này có được 12 vị trí đỗ chờ khai thác và 1 vị trí đón khách tại Cảng hàng không quốc tế Phú Bài và Nguyễn Văn Hiền cũng đồng ý đưa số tiến 12 triệu đồng/tháng cho Trần Xuân Long. Sau đó, tại cuộc họp giao ban Cảng hàng không quốc tế Phú Bài, Đỗ Chí Thành giao cho Trần Xuân Long và Lê Quốc Cuờng phối hợp làm việc với Nguyễn Văn Hiền và Nguyễn Tiến Đường để đồng ý cho thêm 12 vị trí đỗ chờ khai thác và 1 vị trí đón khách. Số lượng 24 vị trí của 2 hãng taxi được đỗ chờ ở làn xe ô tô phía trước đài kiểm soát không lưu Cảng hàng không quốc tế Phú Bài và ở khu vực làn xe ô tô ở khu vục taxi đỗ chờ khai thác và 2 vị trí đón khách trước ga đến. Đối với việc thu số tiền 12 triệu đồng/tháng của 2 hãng taxi, Đỗ Chí Thành giao Trần Xuân Long và Lê Quốc Cường mỗi người thu tiền của một hãng taxi.

Tòa sơ thẩm thực hiện không đúng quy định pháp luật

Theo cáo trạng truy tố của VKSND tỉnh Thừa Thiên-Huế, hành vi của Đỗ Chí Thành, Trần Xuân Long, Lê Văn Lộc, Lê Quốc Cường, Phùng Tuấn Dương đã phạm vào tội “Nhận hối lộ”. Trong đó Đỗ Chí Thành, Trần Xuân Long, Lê Văn Lộc phạm vào khoản 4 Điều 354, Bộ luật Hình sự; Lê Quốc Cường và Phùng Tuấn Dương phạm vào khoản 2, Điều 354, Bộ luật Hình sự. Đối với Nguyễn Văn Hiền, Nguyễn Tiến Đường và Lý Diệu Thanh phạm vào khoản 4, Điều 364, Bộ luật Hình sự; Trần Đình Hải phạm vào khoản 3, Điều 364, Bộ luật Hình sự về tội “Đưa hối lộ”. VKSND tỉnh Thừa Thiên-Huế cũng phân tích tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự đối với một số bị cáo là phạm tội 2 lần trở lên. Đối với tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, các bị cáo trong vụ án này đều có nhân thân tốt, chưa có tiền án, tiền sự, thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải... Các bị cáo đã tự nguyện nộp lại số tiền khắc phục hậu quả. Trong đó, bị cáo Đỗ Chí Thành tự nguyện nộp lại số tiền hơn 2,3 tỷ đồng. Trần Xuân Long tự nguyện nộp lại số tiền 260 triệu đồng để khắc phục hậu quả và có nguyện vọng nộp thêm 1 tỷ 120 triệu đồng. Lê Văn Lộc tự nguyện nộp lại số tiền 812 triệu đồng. Phùng Tuấn Dương tự nguyện nộp lại số tiền 185 triệu đồng...

Tòa sơ thẩm thực hiện không đúng quy định của pháp luật? -0
Các bị cáo nguyên là lãnh đạo Cảng Hàng không Quốc tế Phú Bài tại phiên phúc thẩm do Tòa Cấp cao Đà Nẵng xét xử.

TAND tỉnh Thừa Thiên-Huế đã tuyên án sơ thẩm đối với 9 bị cáo còn lại: Đỗ Chí Thành 15 năm 6 tháng tù giam; Trần Xuân Long 15 năm 6 tháng tù giam; Lê Văn Lộc 9 năm tù giam; Phùng Tuấn Dương 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo; Lê Quốc Cường 2 năm 6 tháng tù về tội danh “Nhận hối lộ”. Đối với các bị cáo của 2 hãng taxi, tòa sơ thẩm tuyên Nguyễn Văn Hiền 7 năm tù giam; Nguyễn Tiến Đường 7 năm tù giam; Lý Diệu Thanh 3 năm tù treo; Trần Đình Hải 2 năm 6 tháng tù treo về tội danh “Đưa hối lộ”.

Sau phiên xét xử sơ thẩm, VKSND tỉnh Thừa Thiên-Huế nhận thấy rằng, bản án mà tòa sơ thẩm tuyên chưa hợp lý đối với các bị cáo, vì vậy, đã có kháng nghị yêu cầu xác định số tiền gây thiệt hại do hành vi nhận hối lộ của 3 bị cáo: Đỗ Chí Thành, Trần Xuân Long, Lê Văn Lộc là hơn 12 tỷ đồng và yêu cầu các bị cáo phải liên đới bồi thường thiệt hại. Đề nghị tăng hình phạt đối với bị cáo Lê Quốc Cường. Các bị cáo đều có đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Tại phiên phúc thẩm, sau quá trình xét hỏi và tranh luận cũng như lời nói sau cùng của các bị cáo, hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của các bị cáo; chấp nhận toàn bộ kháng nghị của VKSND tỉnh Thừa Thiên-Huế.

Hội đồng xét xử Tòa Cấp cao đã tuyên phạt nguyên Trưởng Phòng An ninh Lê Quốc Cường 7 năm tù thay cho bản án 2 năm 6 tháng tù của tòa sơ thẩm. Trước đó, tại phiên sơ thẩm, cáo trạng VKSND tỉnh Thừa Thiên-Huế cho rằng, Lê Quốc Cường ban đầu khai nhận hành vi phạm tội của mình nhưng sau đó đã phủ nhận toàn bộ lời khai trước. Tuy nhiên, cơ quan điều tra đã có căn cứ để xác định Lê Quốc Cường có nhận hối lộ từ Nguyễn Tiến Đường với số tiền 144 triệu đồng... Cụ thể, ngày 18/7/2021, Lê Quốc Cường khai nhận, vào đầu năm 2019, Nguyễn Tiến Đường đã gặp Lê Quốc Cường trao đổi việc chi cho Lê Quốc Cường số tiền 12 triệu đồng/tháng để có được 12 vị trí đỗ chờ và 1 vị trí đón khách. Lê Quốc Cường đã báo cáo lại Đỗ Chí Thành và được Thành đồng ý với lý do không làm ảnh hưởng đến Cảng hàng không quốc tế Phú Bài.

Lê Quốc Cường còn khai nhận, Nguyễn Tiến Đường là người trực tiếp đưa số tiền 12 triệu đồng mỗi tháng cho Lê Quốc Cường, trong đó có 1-2 lần, Nguyễn Tiến Đường đưa phong bì chứa tiền cho Lê Đình Thọ - Phó Phòng An ninh Cảng hàng không quốc tế Phú Bài để nhờ chuyển lại cho Cường. Vì vậy, xác định Lê Quốc Cường đã nhận số tiền 12 triệu đồng/tháng từ Nguyễn Tiến Đường trong năm 2019, với tổng số tiến 144 triệu đồng...

Đại diện VKSND tỉnh Thừa Thiên-Huế cho rằng, Lê Quốc Cường có nhiều thành tích xuất sắc trong công tác, được Bộ Giao thông - Vận tải, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam tặng nhiều bằng khen, giấy khen nên được hưởng tình tiết giảm nhẹ quy định tại điểm v, khoản 1, Điều 51, Bộ luật Hình sự. Vì vậy, hội đồng xét xử sơ thẩm tuyên Lê Quốc Cường 2 năm 6 tháng tù về tội “Nhận hối lộ”...

Ngoài ra, hội đồng xét xử Tòa Cấp cao Đà Nẵng nhận thấy, đây là vụ án có nhiều người cùng thực hiện tội phạm, tính chất và mức độ phạm tội của các bị cáo rất nguy hiểm cho xã hội; làm ảnh hưởng niềm tin của nhân dân, của doanh nghiệp đối với hoạt động đúng đắn của cơ quan nhà nước. Đồng thời, hành vi phạm tội của các bị cáo đều thuộc trường hợp nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng nhưng TAND tỉnh Thừa Thiên-Huế đều xử phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt và cho một số bị cáo được hưởng án treo là không đúng quy định của pháp luật.

Để giải quyết vụ án đúng quy định của pháp luật; áp dụng mức hình phạt tương xứng với hành vi phạm tội mà các bị cáo đã gây ra, hội đồng xét xử phúc thẩm kiến nghị Chánh án TAND Tối cao, Chánh án TAND Cấp cao tại Đà Nẵng xem xét, kháng nghị giám đốc thẩm theo hướng không xử dưới mức thấp nhất của khung hình phạt và không cho một số bị cáo được hưởng án treo.

Cụ thể, kiến nghị Chánh án TAND Tối cao xem xét, kháng nghị giám đốc thẩm theo hướng không áp dụng khoản 1, Điều 54 của Bộ luật Hình sự, tăng hình phạt đối với các bị cáo Đỗ Chí Thành, Trần Xuân Long. Kiến nghị Chánh án TAND Tối cao xem xét, kháng nghị giám đốc thẩm theo hướng không áp dụng khoản 1, Điều 54 và Điều 65 của Bộ luật Hình sự, không cho các bị cáo Phùng Tuấn Dương, Lý Diệu Thanh, Trần Đình Hải được hưởng án treo.

Hải Lan
.
.