Hé lộ về siêu tên lửa của Nga khiến Mỹ lại "nổi đóa"

Thứ Năm, 04/10/2018, 14:29
Với tầm bắn chạm mốc 5.000km cùng công nghệ ưu việt và hành trình bay phức tạp, tên lửa hành trình 9M729 mới của Nga được coi là mối đe dọa không thể đối phó đối với Mỹ và đồng minh NATO.

Đại diện thường trực của Mỹ tại NATO, bà Kay Bailey Hutchison, ngày 2-10 bất ngờ tuyên bố nước này sẽ tung đòn tiêu diệt những loại vũ khí mà Nga bí mật phát triển các tổ hợp tên lửa hành trình bị cấm bởi Hiệp ước Các lực lượng Hạt nhân Tầm trung (INF), vốn được hai nước ký kết từ năm 1987.

Một tên lửa hành trình Nga được phóng đi trong cuộc tập trận Zapad-2017. Ảnh: EPA

Trong một bình luận sau đó trên Twitter, bà Hutchison đã "chữa" lại rằng, bà không hàm ý về một cuộc tấn công phủ đầu nhằm vào Nga. "Ý tôi là Nga cần trở lại tuân thủ Hiệp ước INF hoặc chúng tôi buộc phải sử dụng năng lực để bảo vệ các lợi ích của Mỹ và NATO", bà Hutchison phân trần.

Tuy nhiên, lời giải thích đã không được người Nga chấp nhận. Trong một tuyên bố đáp trả, Bộ Ngoại giao Nga cho rằng bình luận của bà Hutchison là "khiêu khích, thiếu tính xây dựng" và Moscow sẽ tham vấn thêm các chuyên gia quân sự để có những phản ứng thích hợp.

Theo tờ Gazeta của Nga, những bình luận qua lại gần đây đã cho thấy bất đồng giữa hai biên liên quan đến INF và những lo lắng của Washington liên quan đến việc Moscow liên tục sở hữu những loại tên lửa vượt trội, nằm ngoài khả năng đánh chặn của nước này.

Tên lửa Kalibr được phóng đi từ tàu chiến Nga. Ảnh: Sputnik

Tờ này cho biết, mẫu tên lửa hành trình Nga khiến Mỹ lo ngại chính là Novator 9M729, phiên bản trên mặt đất của tổ hợp tên lửa hành trình tầm xa trên biển Kalibr-NK, được trang bị hệ điều khiển và dẫn đường hiện đại.

Các nguồn tin quân sự tiết lộ, ở phiên bản trên tàu chiến, tên lửa Kalibr-NK có thể tiêu diệt các mục tiêu ở khoảng cách từ 350km đến 2.600km. Còn với phiên bản trên đất liền, tên lửa 9M729 được cho là có thể tấn công mục tiêu từ khoảng cách hơn 200km cho đến 5.000km.

Ngoài ra, tên lửa này có thể xuyên thủng các lá chắn hiện đại nhờ hành trình bay phức tạp, dẫn đường bởi hệ thống định vị Glonass và GPS. Ở pha cuối, đầu tự dẫn radar chủ động trên tên lửa được kích hoạt, tên lửa sẽ tự động tìm kiếm mục tiêu bằng các dữ liệu đã được cung cấp rồi lao vào mục tiêu ở tốc độ siêu lớn bằng đầu đạn nặng tới 450 kg.

Hồi tháng 4, Tướng John Hyten, chỉ huy Bộ Tư lệnh Chiến lược Mỹ, từng thừa nhận 9M729 có thể đánh bại mọi lá chắn phòng thủ của Mỹ và đồng minh châu Âu, nhất là khi phóng với số lượng lớn. Bởi vậy, Washington đã quá nóng lòng kêu gọi đồng minh NATO ngăn Nga ngừng triển khai tên lửa hành trình 9M729.

Thiện Minh
.
.