Vĩnh Ô – tơi tả đất vàng

Kỳ I: Đột nhập Khe Môn

Chủ Nhật, 20/07/2025, 07:42

Từ ngày 1/7/2025, xã Bến Quan (tỉnh Quảng Trị mới) được thành lập trên cơ sở sáp nhập 4 đơn vị hành chính cũ, trong đó có Vĩnh Ô – địa bàn từng là “điểm đen” về nạn khai thác vàng trái phép suốt hơn ba thập niên qua. Từng là mái che của Trường Sơn đại ngàn và là mạch nguồn nuôi sống Bến Hải, Vĩnh Ô nay vẫn tiếp tục rớm máu bởi những nhát cuốc của “vàng tặc”.

Tài nguyên bị tàn phá, suối bị lấp dòng, rừng bị khoét ruột, kéo theo cả tệ nạn ma túy len lỏi theo dấu vàng vào rừng – một thực trạng nhức nhối chưa dễ dừng lại.

Kỳ I: Đột nhập Khe Môn -0
Đột nhập vào một hầm vàng ở Khe Môn.

Chúng tôi rời Đông Hà từ tờ mờ sáng 17/7/2025, ngược lên tuyến Hồ Chí Minh nhánh Tây trong cái nắng hừng hực đổ xuống từ sớm. Qua Bến Quan, đường ĐT571 dẫn lên Vĩnh Ô dài gần ba chục cây số, càng đi càng hẹp, lặn sâu giữa đại ngàn tĩnh mịch. Đến ngã ba Khe Than, chúng tôi rẽ vào rừng. Từ đây, hành trình không còn là chạy xe. Chúng tôi bỏ lại phương tiện bên bìa rừng, bắt đầu cuốc bộ.

Lối mòn xuyên rừng rộng 3 – 4 mét, rặt những vệt bánh xe lớn nhỏ đan chồng lên nhau. Có đoạn đá trơn nhẵn, có đoạn lởm chởm như răng cưa. Phần lớn là đường đất, chỗ mềm nhão, trơn như đổ mỡ, nước đọng đặc quánh màu vàng sậm; chỗ khác lại cứng như đá tổ ong. Dưới chân là bùn và đá, trên đầu là cây rừng vắt chằng chịt. Mỗi bước đi đều phải dè chừng. Sau gần ba giờ đồng hồ băng rừng giữa cái nắng hun rát và độ ẩm đặc sánh như lò hấp hơi, mồ hôi đổ ra rồi lại thấm ngược vào áo, chúng tôi đến được một điểm khai thác vàng mà người dẫn đường gọi là Khe Môn.

Đại công trường của “vàng tặc”

Giữa thâm u rừng già, Khe Môn hiện ra như một vết rách khổng lồ, xé toang sự im lặng của đại ngàn. Một công trường đục phá quy mô lớn như thể được tổ chức bởi một đội quân bài bản và liều lĩnh. Miệng hầm rộng gần sải tay người lớn, cao quá đầu, đủ để cả một toán người khuân vác đi lọt dễ dàng. Đường hầm chính dẫn sâu hơn 70 mét vào lòng núi, xuyên qua từng lớp đá đất, vách hầm màu vàng cam đặc trưng của đá biến chất, nhầy nhụa hơi đất và mùi hầm ủ suốt ngày đêm.

Từ đây, “vàng tặc” đã đào khoét thành nhiều nhánh phụ, mỗi nhánh dẫn tới một giếng sâu chọc thẳng xuống ruột núi. Tại miệng mỗi giếng, chúng lắp đặt hệ thống tời thủ công với dây cáp, ròng rọc, để kéo đất đá từ đáy giếng lên. Từng người thay phiên đào vét, xúc từng thúng đất, đưa lên mặt đất rồi đổ vào xe rùa, lặng lẽ vận chuyển ngược ra ngoài.

Kỳ I: Đột nhập Khe Môn -0
Sâu bên trong đường hầm là những giếng sâu xuyên thẳng xuống lòng núi.

Không còn là những mẻ đãi vàng thủ công bên suối như thời trước, công trường ở Khe Môn là một mỏ lộ thiên âm, nơi những kẻ đục khoét rừng đã tính toán rất kỹ kết cấu, đường thoát, cách vận chuyển và cả cách che mắt Kiểm lâm, Công an. Dây điện được luồn sát trần hầm, còn máy phát điện thì giấu trong hốc đá, có sẵn đường xả khói. Nhìn kỹ, mỗi giếng vàng như một miệng núi lửa bị xâu chuỗi trong lòng đất. Dưới đó, từng mét khối đất rừng bị moi rỗng, từng lớp địa tầng bị đảo lộn, từng giọt nước ngầm bị hút cạn.

Và trên mặt đất, rừng vẫn im lìm, như chưa từng hay biết về những cơn “sốt vàng” đang âm thầm rút tủy đất từ dưới chân mình. Sau khi lượng đất được vận chuyển ra bên ngoài, “vàng tặc” tiếp tục vận chuyển chúng đến tập kết, để sau đó bằng công nghệ ngâm ủ hóa chất, lọc lấy vàng tại những cái hố được xây dựng hình chữ nhật, sâu từ 1 – 1,5m, với bốn bên được dùng các bao tải chứa đầy đất, xếp cao làm bờ chắn.

Giữa rừng sâu Khe Môn, những lán trại tạm bợ của “vàng tặc” hiện ra âm thầm như những vết chắp vá giữa đại ngàn. Không có gì kiên cố. Chỉ là vài cọc gỗ rừng đóng sơ sài, bên trên phủ tấm bạt màu đỏ tím đã bạc nắng, sờn gió. Nền lán được kê bằng những tấm ván thô, cong vênh, ẩm mốc, bốc lên mùi đất rừng và mồ hôi tích tụ.

Dưới mái bạt thấp lè tè ấy là tất cả những gì của một cuộc sống trong rừng kéo dài nhiều tháng, thậm chí nhiều năm: một chiếc giường tre buộc vội, mắc màn mỏng chống muỗi vắt. Dưới gầm giường là máy nổ mini, bên cạnh là vài can nhựa, nồi niêu, xoong chảo. Quần áo giăng ngang sào tre, chăn màn vo lại một góc, vài bó rau rừng, chai nước uống, muối, mỳ tôm chất rải rác. Lán trại vừa là nơi trú ngủ, vừa là chốt điều phối hoạt động khai thác. Ở nhiều điểm, ngay bên cạnh lán là miệng hầm. Tất cả những thứ tưởng như tạm bợ ấy lại là dấu tích rõ ràng nhất cho một kiểu khai thác vàng có tổ chức, ăn sâu vào rừng và kéo dài dai dẳng. Nhìn qua thì hoang dại, chắp vá, nhưng lại không hề tự phát.

Phận người và tiếng thở của rừng

Vĩnh Ô, nơi nắng gió khốc liệt và vàng cũng khốc liệt chẳng kém. Nắng thì ai cũng thấy: nó táp vào mặt, hun đỏ vách núi, làm khô cằn từng mảnh lá rừng. Còn vàng, thứ kim loại mê hoặc ấy, thì ẩn sâu trong lòng đất Trường Sơn, hun hút dưới lớp đá tổ ong, rễ cây và những vỉa đất xốp mục. Người từ khắp nơi kéo về. Có người từ tận miền xuôi, có người rời quê ngược núi.

Họ gọi nhau là phu, là đội, là bạn đào. Nhưng thực ra tất cả chỉ là những thân phận rời rạc, cùng bị cuốn vào một cơn xoáy, nơi đồng tiền màu vàng và sốt rừng màu xám đứng chung một bàn cân. Họ cắm trại trong rừng, ăn ngủ cạnh hầm vàng. Áo thun bạc phếch vì nắng, quần rách gối vì bò trườn dưới lòng hầm. Có người đứng lặng, hai tay khoanh sau lưng, như đã quá mỏi để buông xuôi; có người ngồi bệt trên khúc cây, áo kéo cao, lưng phơi nắng, đôi mắt đục mỏi như vừa bước ra khỏi một đêm dài không giấc ngủ.

Không ai còn giữ dáng vẻ của tuổi thanh xuân. Da họ ngả vàng xám, thứ màu pha trộn giữa sốt rét rừng, thiếu ăn và hơi dầu máy. Cánh tay rám nắng, cẳng chân bám bùn, hơi thở đứt quãng. Và khi họ ngửa tay ra, cái người ta thấy không phải là bụi vàng lấp lánh, mà là một bàn tay trắng bợt, chai sần, lạnh rỗng. Giữa vùng rừng thiêng nước độc, họ lặn lội như những bóng mờ. Họ không phải là chủ nhân của giấc mộng vàng. Họ chỉ là người đi qua nó, cúi đầu mà đào, gắng sức mà cào bới, để rồi cuối cùng, thứ đọng lại là một cái lán tạm, một chiếc võng mục, vài viên thuốc ký ninh chống sốt và những cơn rùng mình trong đêm giữa đại ngàn.

Rừng Vĩnh Ô ngày trước xanh lắm. Cây mọc sát vách núi, suối chảy róc rách như câu hát cổ. Nhưng giờ thì… ông Mai Văn Đỗ – người dân Vĩnh Hà, cũng là thành viên Ban Quản lý rừng phòng hộ (RPH) lưu vực sông Bến Hải – chỉ tay về phía thượng nguồn rồi chùng giọng: “Họ đào cả núi. Đào tới tận ruột đất. Cứ mỗi lần đi kiểm tra là một lần thấy rừng mất thêm một mảng”.

Ở nơi đáng lẽ chỉ có gió ngàn và tiếng thú hoang, giờ vết cày xới loang lổ như vết thương rỉ máu. Cây rừng bị đốn hạ không thương tiếc. Gốc cây còn tươi, nhựa chưa kịp khô, đã bị cuốn trôi theo từng chuyến xe gùi, nhường chỗ cho lán trại, cho đường dây tời kéo vàng. Những quả đồi bị lột da. Mặt đất bị đào thành hố. Lòng núi bị đục thủng. Và tất cả, như một thứ ác mộng, đổ dồn xuống những dòng suối tưởng như mãi mãi trong lành. “Suối Khe Dẻ, Khe Mixi, Khe Môn, chỗ mô nước cũng đục. Cá chết nổi, có con sình không kịp trôi đi”, ông Đỗ kể, giọng ngắt quãng.

Nước bị chặn dòng, bị xới tung. Bùn đất hòa vào từng mạch chảy. Và rồi, mỗi trận mưa lớn lại như một nhát dao xé toang đất núi. Lũ quét tràn về, cuốn theo những gì con người không thể kiểm soát. “Chừ mưa một cái là lòng tôi cứ thắt lại. Không biết ở dưới kia, cây cầu nào trôi mất, bờ ruộng mô bị lở”, ông Đỗ nén tiếng thở dài, rồi nói tiếp: “Tồi tệ hơn là chất độc Xyanua, thứ được vàng tặc lén lút dùng để tách vàng khỏi đất, âm thầm ngấm vào lòng đất, theo suối trôi về hạ nguồn. Không ai biết đã bao nhiêu mạch nước bị nhiễm. Không ai dám chắc bữa cơm hôm nay có còn lành. “Tui ở Vĩnh Hà, dưới chân Vĩnh Ô. Bây chừ uống nước sông, rửa rau bằng nước khe cũng thấy ngại. Mấy đứa nhỏ tắm dưới suối về bị nổi mẩn, đỏ da. Thiệt lòng mà nói, tui lo lắm”, ông Đỗ lại thở dài.

Đó là nỗi lo không chỉ là rừng mất. Mà là mất niềm tin. Rừng đã từng là nơi che chở con người, bây giờ lại bị chính tay con người xẻ thịt, moi tim. Vàng thì chưa thấy, chỉ thấy một cánh rừng rách nát, một dòng sông cạn dần và đôi mắt của người giữ rừng ầng ậng nước như muốn khóc.

Trao đổi với PV Báo CAND, Trung tá Nguyễn Hải Đăng, Đội trưởng, Phòng Cảnh sát Kinh tế - Môi trường, Công an tỉnh Quảng Trị cho biết, sáng 16/7/2025, lực lượng đơn vị đã phối hợp Công an xã Bến Quan và Ban Quản lý RPH lưu vực sông Bến Hải, tổ chức kiểm tra, truy quét hoạt động khai thác vàng trái phép tại khu vực rừng phòng hộ thuộc địa bàn xã Vĩnh Ô (cũ). Tại hiện trường, lực lượng chức năng đã phát hiện, tổ chức tháo dỡ, tiêu hủy toàn bộ lán trại, máy móc, thiết bị, vật tư phục vụ cho hoạt động khai thác vàng trái phép.

Tham gia cùng đoàn, ông Trương Quang Long, Trưởng phòng Quản lý bảo vệ rừng, Ban Quản lý RPH lưu vực sông Bến Hải cho biết, lực lượng gồm 28 thành viên được chia thành 2 tổ. Tổ 1 đi vào lô 4, khoảnh 4; tổ còn lại vào lô 10, khoảnh 2 – Tiểu khu 576. Tại 2 điểm này, lực lượng phát hiện một số lán trại của “vàng tặc” dựng cạnh các hầm vàng, với các dấu vết mới, cũ lẫn lộn. Đặc biệt, tại lô 10, khoảnh 2, lực lượng đi vào kiểm tra 1 hầm vàng được đào sâu trong lòng núi. Bên trong, phát hiện một số vật dụng của các đối tượng cất giấu. Kiểm tra quanh phạm vi hầm vàng, phát hiện 1 chiếc máy phát điện và tổ chức tiêu hủy.

Theo ông Long, hầm này đã được đào trước đây để khai thác vàng trái phép. Sau nhiều lần bị truy quét, đẩy đuổi, “vàng tặc” đã rời đi, nhưng mới đây, chúng đã quay trở lại, với bằng chứng là các máy móc, thiết bị, vật tư phục vụ khai thác vàng mới được đưa vào; các dấu vết đào, vận chuyển đất đá từ hầm ra tập kết bên ngoài còn mới. Để ngăn “vàng tặc” tái diễn, đơn vị tiếp tục phối hợp các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương, theo dõi, nắm bắt sát tình hình để kiểm tra, kiểm soát bảo vệ rừng, truy quét, đẩy đuổi “vàng tặc” có hiệu quả.

Thanh Bình
.
.