Những cơn say làm thay đổi thế giới

Thứ Năm, 01/07/2021, 07:19
Trong cuốn sách “Ivresses-Ces moments où lalcool changea la face du monde”, nhà báo Benoit Franquebalme đã kể lại 20 bước ngoặt lịch sử liên quan tới thứ đồ uống có cồn này. Tác giả nhấn mạnh rằng, uống rượu có thể làm xáo trộn mọi thứ trong nhiều trường hợp và hoàn cảnh khác nhau. Nhưng ít ai có thể nghĩ rằng, đôi lúc cơn say cũng có thể làm nên lịch sử nhân loại.


Tháng 3-1373, khi cuộc chiến giữa Anh và Pháp đã kéo dài được gần 40 năm, nhà quý tộc Bertrand du Guesclin cho quân bao vây Chizé ở Poitou (Pháp). Guesclin biết rằng, lực lượng quân Anh có khoảng 1000 người và muốn đánh người Pháp từ phía sau bằng cách băng qua rừng. Hiệp sĩ Guesclin làm gì để đối phó với quân Anh? Ông ta cho đặt 2 xe chở đầy rượu bên vệ đường và các quân lính Anh đã không thể cưỡng lại được.

Các thầy tu thời trung cổ trong hầm bia (tranh của Joseph Haier vẽ năm 1873).  Ảnh: librairiepantoute.com

Những người lính Anh sau nhiều ngày đánh trận rất mệt mỏi, thèm khát được uống rượu và “rượu đã làm bộ não của họ trống rỗng”. Người Pháp đã giành chiến thắng dễ dàng khi chiếm Chizé, sau đó là Niort, từ đó đặt dấu chấm hết cho sự thống trị của người Anh ở Poitou… Chiến thắng quân Anh nhờ rượu, nhưng chính nhà quý tộc Guesclin lại “ra đi” vì rượu. Ông qua đời vào tháng 7-1380 ở tuổi 60 sau khi uống quá nhiều rượu.

Rượu cũng là một yếu tố trong Chiến tranh thế giới thứ nhất (1914-1918). Vào thời điểm đó, Pháp có 480.000 cơ sở bán rượu, tính trung bình cứ 30 dân thì có 1 cơ sở. Người Pháp uống khoảng 300 lít rượu/người/năm. Vì vậy, khi chiến tranh nổ ra, không có chuyện cấm rượu bia trong chiến đấu mà ngược lại!

Trước mỗi cuộc tấn công, binh lính thường tụ tập uống rượu bởi lẽ nước luôn khan hiếm và bẩn. Tiêu thụ rượu thời kỳ đó tăng lên khủng khiếp. Thống kê cho thấy, 16 triệu hectolitres rượu (tương đương 1,6 tỷ lít) đã được tiêu thụ trong năm 1918, tương đương 3-4 lít/người/ngày.

Tổng thống Mỹ Abraham Lincoln là nguyên thủ quốc gia đầu tiên trong lịch sử nước này thiệt mạng do bị ám sát khi đang tại nhiệm. Tuy nhiên, người ta đã từng lật lại rằng Abraham Lincoln có thể thoát chết nếu như vệ sĩ của ông, John Frederick Parker, lúc đó không ngồi trong quán rượu cùng với người hầu gái và tài xế. John Frederick Parker đã không kịp trở tay để bảo vệ Tổng thống Lincoln.

Kẻ ám sát Tổng thống Lincoln là John Wilkes Booth đã bỏ trốn sau khi gây án. Sau 10 ngày lẩn trốn, Booth bị lực lượng chức năng Mỹ dồn vào một nhà kho gần Bowling Green, Virginia. Vào đêm 25 rạng sáng 26-4-1865, Booth đấu súng với giới chức trách và bị thương nặng và chết sau đó.

Sai lầm của vệ sĩ cũng dẫn tới cái chết của Tổng thống Mỹ John Kennedy gần 100 năm sau đó. Đúng ngày 22-11-1963, ngày Tổng thống John Kennedy bị ám sát tại Dallas, 7 vệ sĩ của ông, tương đương 1/3 quân số, đi làm muộn vì lý do đêm hôm trước họ uống quá nhiều rượu. Vì không tỉnh táo nên họ không nhìn thấy khẩu súng trường của sát thủ Lee Harvey Oswald nhô ra từ cửa hàng sách và nhắm vào đoàn xe diễu hành trong khi một số người qua đường lại nhìn thấy.

Mắt hoa, chân liêu xiêu khiến các vệ sĩ can thiệp rất chậm khi vụ việc xảy ra. Xem lại đoạn băng video về vụ ám sát Tổng thống John Kennedy kéo dài 25 giây đều thấy rõ, viên đạn đầu tiên không giết được ông. Thế nhưng, viên đạn thứ 2 đến sau 5 giây và vệ sĩ không kịp can thiệp dẫn đến cái chết của tổng thống. Trong 20 giây tiếp theo, không có đặc vụ nào ở hiện trường... Ngoại trừ người đã giúp Đệ nhất Phu nhân Jackie Kennedy nấp đằng sau chiếc capot.

Trong khi rượu làm thay đổi lịch sử theo chiều hướng tồi tệ hơn thì nó cũng đã ngăn chặn một số sự kiện bi thảm. Trước vụ lùm xùm Watergate, Tổng thống Mỹ Richard Nixon hiếm khi uống rượu. Ông bắt đầu uống nhiều hơn khi áp lực ngày càng tăng. Có khi ông nốc hết cả chai martini hoặc Manhattan.

Cũng có lúc Nixon say rượu và ngủ ly bì. Và một trong số những lần say xỉn đó của Nixon đã cứu thế giới thoát khỏi chiến tranh thế giới thứ ba. Theo cuốn sách của tác giả Benoit, năm 1973, chiến tranh Yom Kippur xảy ra giữa Israel và liên quân Arab. Israel được sự hỗ trợ của Mỹ trong khi các nước Arab được Liên Xô bảo hộ.

Khi chiến tranh lên đến đỉnh điểm, Liên Xô đe dọa sẽ đưa quân đổ bộ vào Trung Đông, điều này đặt nước Mỹ vào tình trạng báo động hạt nhân. Ngay lập tức, một “tối hậu thư” đã được gửi đến Washington vào lúc nửa đêm, đúng lúc Tổng thống Nixon đang ngủ. Mặc dù các thư ký cố gắng đánh thức Tổng thống nhưng do uống quá nhiều rượu trước đó, Nixon “ngủ say như chết”. Vì thế, họ quyết định không đánh thức tổng thống nữa. Nhờ đó, một cuộc chiến tranh hạt nhân đã không xảy ra.

Yên Bình
.
.