Cựu Tổng thống Colombia Alvaro Uribe bị điều tra

Thứ Tư, 01/08/2018, 20:03
Cựu Tổng thống Colombia Alvaro Uribe đang bị Tòa án Tối cao điều tra về nhiều tội danh khác nhau liên quan đến những hoạt động sát hại dân thường và những người theo quan điểm chính trị thiên tả trong giai đoạn ông nắm quyền từ năm 2002 đến 2010. Hàng loạt nhân chứng, vật chứng đang chống lại ông.

Ngày 25-7, cựu Tổng thống Colombia Alvaro Uribe đã tuyên bố sẽ từ chức nghị sĩ để dành thời gian “chiến đấu” chống lại cuộc điều tra của Tòa án Tối cao nhắm vào ông. Đồng thời, liên quan đến cuộc điều tra này, Uribe đã viết trên Twitter tố cáo Cơ quan Tình báo đối ngoại Anh MI6 đã thông đồng với Tổng thống Colombia sắp mãn nhiệm Juan Manuel Santos thu thập và cung cấp cho cơ quan điều tra những đoạn ghi âm làm bằng chứng gây bất lợi cho ông.

Tổng thống đương nhiệm Santos từng là Bộ trưởng Quốc phòng dưới thời ông Uribe làm tổng thống và hai ông từng là đồng minh thân cận của nhau. Đến khi ông Santos lên làm tổng thống kế nhiệm ông Uribe, mối quan hệ đó vẫn còn phần nào. Mọi chuyện bắt đầu xấu đi hẳn kể từ khi Tổng thống Santos theo đuổi mục tiêu hòa bình, tiến hành đàm phán và ký kết thỏa thuận hòa bình với nhóm du kích cánh tả Lực lượng Vũ trang cách mạng Colombia (FARC).

Việc Tổng thống Santos bắt tay với MI6 cung cấp bằng chứng cho cơ quan điều tra cũng là việc bình thường nhưng nó phản ánh mối quan hệ đối nghịch giữa hai ông. Không rõ ông Santos và MI6 đã cung cấp những đoạn ghi âm gì, nhưng các nhà điều tra đã từng nhắc đến những đoạn ghi âm nghe lén cuộc gọi điện thoại của ông Uribe với các thuộc cấp để chỉ đạo thực hiện chiến dịch sát hại dân thường và thành phần cánh tả Colombia.

Việc Tổng thống Uribe tuyên bố từ chức nghị sĩ ít nhất đã gây cú sốc cho nhiều người Colombia ủng hộ ông. Họ tin và kỳ vọng vào quyền lực của ông để giúp Tổng thống Ivan Duque đưa đất nước Colombia quay trở lại con đường chính trị bảo thủ, hữu khuynh. Chính niềm tin đó của những người ủng hộ ông Uribe đã giúp Duque giành chiến thắng trong cuộc bầu cử hồi tháng 6-2018.

Cũng chính niềm tin đó đã giúp Uribe thành công trong chiến dịch bác bỏ thỏa thuận hòa bình với FARC, đỉnh cao là cuộc trưng cầu dân ý năm 2016. Thỏa thuận sau đó đã phải điều chỉnh một số điều khoản và đã được Quốc hội Colombia thông qua, chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài hơn 50 năm, cướp đi sinh mạng của hơn 220.000 người, hơn 7 triệu người mất nhà cửa.

Cựu Tổng thống Colombia Alvaro Uribe.

Từ nhiều năm qua, ông Uribe đã bị các tổ chức giám sát nhân quyền cáo buộc rằng trong thời gian làm tổng thống, ông đã sử dụng các “biệt đội thần chết” cực hữu để thực hiện các chiến dịch tàn sát trong cuộc chiến với lực lượng du kích FARC. Đồng thời ông cũng bị cáo buộc đã chủ mưu cấu kết với lực lượng dân quân cực hữu (AUC) tổ chức một cuộc tàn sát người vô tội ở ngay tỉnh Antioquia, quê nhà của ông, vào năm 1997, khi ông làm tỉnh trưởng tỉnh này.

Cuộc tàn sát đã để lại hậu quả 15 người chết, hơn 1.000 người mất nhà cửa. Chưa hết, trong giai đoạn làm Tổng thống Colombia từ năm 2002 đến 2010, ông Uribe đã tiến hành một chiến dịch quy mô lớn truy lùng, ám sát hoặc thủ tiêu các thành viên du kích FARC và những người theo cánh tả ở Colombia.

Nhiều vụ ám sát đã trở nên điển hình cho tội ác chiến tranh, giết người không rõ lý do, chỉ vì người đó có quan điểm thiên tả hoặc ủng hộ lực lượng du kích FARC, như trường hợp một giáo sư đại học theo quan điểm thiên tả đã bị ám sát một cách trắng trợn vào năm 2004. Bên cạnh thành phần theo quan điểm thiên tả còn có nhiều trường hợp người dân vô tội đã bị bắt cóc đưa đến những vùng rừng núi hẻo lánh gần biên giới với Venezuela rồi bị tập trung thành từng tốp và giết chết, vùi lấp thi thể trong những mộ chôn tập thể.

Những trường hợp bị bắt cóc và giết hại này sau đó bị vu cáo là “du kích quân FARC” để hợp thức hóa những con số báo cáo giả mạo về thành tích “tiêu diệt phiến quân FARC” của chính quyền Uribe. Theo thống kê của các tổ chức nhân đạo, tổng số nạn nhân bị sát hại dưới thời Tổng thống Uribe đã lên tới hơn 10.000 người.

Các tổ chức nhân quyền đã kêu gọi cơ quan có thẩm quyền Colombia điều tra ông Uribe và các thuộc cấp của ông (trong đó có đương kim Tổng thống Santos) về các tội “giết người và tội phạm chiến tranh”, nhưng cho đến nay, những lời kêu gọi này chưa được đáp ứng. Chỉ những người trực tiếp chỉ huy các đơn vị “thần chết” đó mới phải chịu trách nhiệm cho tội ác đã gây ra.

Năm 2004, Jorge Noguera, Giám đốc Cục An ninh nhà nước (DAS), cơ quan tình báo mật vụ của Tổng thống Uribe, đã phải ra tòa lĩnh án vì vụ ám sát vị giáo sư đại học thiên tả kể trên. Sau đó, Maria del Pilar Hurtado, một giám đốc khác của DAS, phải tị nạn sang Panama để tránh truy cứu trách nhiệm.

Năm 2011, trước áp lực lớn từ dư luận trong nước và quốc tế, Tổng thống Santos đã ra lệnh giải tán DAS nhưng lại không tiến hành điều tra lại tất cả những tội ác mà cơ quan này đã gây ra.

Cuộc điều tra hiện đang tiến hành đối với ông Uribe liên quan đến các cáo buộc của Tòa án Tối cao nhắm vào ông Uriba, bao gồm “mua chuộc và trấn áp nhân chứng”. Các cáo buộc này được khởi xướng bởi thượng nghị sĩ Ivan Cepeda. Đã từ lâu, thượng nghị sĩ Cepeda đã luôn cố gắng tìm hiểu để làm rõ mối nghi ngờ xung quanh những lời tố cáo của các tổ chức nhân quyền về sự dính líu của ông Uribe với các nhóm “biệt đội thần chết”.

Uribe phản pháo bằng cách cáo buộc thượng nghị sĩ Cepeda mua chuộc và trấn áp nhân chứng để tạo ra chứng cứ “giả” trong cuộc điều tra của mình. Rốt cuộc, Tòa án Tối cao đã ra phán quyết bác bỏ lời cáo buộc của ông Uribe, đồng thời ra phán quyết cáo buộc chính Uribe là người đã “mua chuộc và trấn áp nhân chứng” và mở cuộc điều tra để làm sáng tỏ vấn đề này.

Cuộc điều tra đã thu thập được nhiều bằng chứng quan trọng, trong đó có những đoạn ghi âm kể ở phần trên. Một chi tiết khác góp phần làm phức tạp vụ án của Uribe, đó là em trai ông, Santiago Uribe, cũng đang chờ tòa xét xử vì những cáo buộc tương tự như ông, cũng điều hành các đội quân tử thần của riêng mình.

Giới phân tích đánh giá, mặc dù có những bằng chứng quan trọng chống lại ông Uribe nhưng ông vẫn còn đường thoát thân. Họ cho rằng, chính Tổng thống đắc cử Ivan Duque có thể giúp ông Uribe thoát thân bằng cách sử dụng quyền hạn tổng thống của mình để can thiệp vào tiến trình điều tra và xét xử của Tòa án Tối cao.

Thậm chí, một số ý kiến còn cho rằng, Tổng thống Duque có thể sử dụng quyền tối cao của mình để giải tán cơ quan Tòa án Tối cao hiện nay và bổ nhiệm lại các vị thẩm phán mới. Lẽ đương nhiên, những vị thẩm phán mới sẽ là người của Duque và việc họ đình chỉ cuộc điều tra là điều khó tránh khỏi.

An Châu (tổng hợp)
.
.