Đàm phán Brexit: Gần như trở lại vạch xuất phát

Thứ Năm, 27/09/2018, 20:52
Hội nghị thượng đỉnh không chính thức Liên minh châu Âu (EU) tại Salzburg, Áo, hôm 22-9 vừa qua vốn được trông chờ sẽ tạo ra bước đột phá về thỏa thuận Brexit (Anh rời khỏi EU), đã diễn ra trong rối loạn. Cuộc khẩu chiến giữa các nhà lãnh đạo EU với Thủ tướng Anh Theresa May đã khiến nỗ lực đàm phán hai bên kéo dài suốt hơn một năm qua gần như trở về “vạch xuất phát”.

Thậm chí, cuộc đối đầu tại Salzburg được giới phân tích mô tả là “thảm họa” trong bối cảnh nước Anh chỉ còn 6 tháng nữa sẽ chính thức rời khỏi “ngôi nhà chung” (ngày 29-3-2019).

Trước tuyên bố thẳng thừng của Chủ tịch Hội đồng châu Âu, ông Donald Tusk, cho rằng bản kế hoạch của Thủ tướng Anh Theresa May là "không thể làm được", chủ nhân nhà số 10 phố Downing đã phản ứng bằng hành động bỏ qua phong cách ngoại giao, cáo buộc EU đã không tôn trọng Anh, khi bác bỏ các đề xuất trong bản kế hoạch mà không đưa ra lời giải thích hoặc đề xuất thay thế thỏa đáng nào. Bà May thậm chí tuyên bố nếu Brussels không thay đổi lập trường, Anh sẵn sàng rời khỏi EU mà không cần thỏa thuận nào.

Bất đồng càng được đẩy lên đỉnh điểm khi Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk nói rằng mặc dù Anh "đã biết rõ chi tiết về lập trường của khối từ lâu nay, song người đứng đầu nước Anh vẫn “không nhượng bộ” tại hội nghị Salzburg và giới chức EU đã thất vọng về điều này.

Cụ thể, bản "Kế hoạch Chequers" của bà May đặt mục tiêu giữ nước Anh lại trong thị trường hàng hóa chung EU, loại trừ lĩnh vực dịch vụ, để đảm bảo duy trì thương mại tự do trong khối và không thiết lập đường biên giới cứng giữa Bắc Ireland (thuộc Anh) và Ireland (vốn là thành viên EU).

Trong khi các quan chức EU, một mặt cho rằng Anh không thể nào chỉ chọn những điều có lợi cho mình trong khi rũ bỏ những cái giá và trách nhiệm đi kèm, một mặt tỏ thái độ lạnh lùng với "Kế hoạch Chequers" của nước Anh.

Hiện nay, khi Anh rời EU, Bắc Ireland - vốn là lãnh thổ thuộc Anh - sẽ không bị cắt đứt hoàn toàn với Ireland (vốn thuộc EU) và do đó sẽ có quy chế khác biệt với phần còn lại của nước Anh, nếu không sẽ phải theo chân Anh ra khỏi EU hoàn toàn. Cả Anh và EU đều mong muốn duy trì đường biên giới mở giữa Ireland và Bắc Ireland.

Nếu một đường biên giới cứng được dựng lên, cuộc sống và sinh nhai của người dân ở hai phía sẽ bị gián đoạn, phá hoại nền hòa bình ở Bắc Ireland mà khó khăn lắm mới tạo dựng được. Anh và EU đã nhất trí là phải có điều khoản ràng buộc về pháp lý để đảm bảo rằng sẽ không có việc dựng lại các trạm kiểm soát hải quan hay các cửa khẩu biên giới. Tuy nhiên, London bác bỏ đề xuất của EU giữ Bắc Ireland ở lại trong liên minh hải quan của khối, còn phần còn lại của nước Anh phải ra đi.

Bà May nói rằng EU "đang phạm phải sai lầm cơ bản" nếu cho rằng bà sẽ đồng ý với "bất kỳ hình thức biên giới hải quan nào giữa Bắc Ireland và phần còn lại của nước Anh". Bà May thậm chí khẳng định: “Trong trường hợp không đạt được thỏa thuận nào, chúng tôi sẽ làm hết sức trong khả năng để không để quay lại tình trạng biên giới cứng giữa Bắc Ireland và Ireland".

Bà Theresa May đã có một kỳ họp thượng đỉnh EU khó khăn.

Trở về từ Salzburg, trong bài phát biểu được trực tiếp trên truyền hình ở số 10 phố Downing, bà May nói: “Tôi sẽ không đảo ngược kết quả của cuộc trưng cầu dân ý (trong đó người dân Anh đòi Brexit), cũng như tôi sẽ không làm tan rã đất nước”. Nếu như EU không đối xử tôn trọng hơn với nước Anh, kịch bản “xứ sở sương mù” rời khỏi “ngôi nhà chung” mà không đạt thỏa thuận nào là hoàn toàn có thể xảy ra.

Theo bà May, trong suốt quá trình đàm phán, nước Anh đã đối xử với EU hoàn toàn với sự tôn trọng và London cũng đòi hỏi điều tương tự từ EU. Bà May cũng thừa nhận các bên đang rơi vào bế tắc và nếu EU không xác định xem đâu là vấn đề thật sự để tìm ra giải pháp thay thế, quan hệ Anh - EU chắc chắn “xấu nhiều hơn tốt”.

Cứng rắn và quyết đoán với bên ngoài là vậy nhưng từ trong nước, vị thế tiếng nói của “bà đầm thép” thứ hai của nước Anh dường như bị lung lay khi bà đang phải lãnh đạo chính phủ mà không nắm đa số ở Hạ viện. Trong khi đảng Bảo thủ của bà bị chia rẽ giữa phe bài EU và phe ủng hộ EU, phe chủ trương Brexit đe dọa sẽ lật đổ bà nếu bà nhượng bộ EU quá nhiều.

Giới phân tích cho rằng những lời lẽ cương quyết của bà May chỉ là nhằm xoa dịu phe chống EU trong đảng của bà trước khi diễn ra hội nghị hằng năm của đảng Bảo thủ vào cuối tháng này, vốn được dự đoán là sẽ rất khốc liệt.

Trong khi đó, Công đảng đối lập tuyên bố không loại trừ khả năng về một cuộc tổng tuyển cử hoặc trưng cầu ý dân lần thứ hai về Brexit nếu Thủ tướng Theresa May không thể giành được sự ủng hộ của Quốc hội đối với thỏa thuận Brexit. Phó Chủ tịch Công đảng Tom Watson thậm chí cảnh báo chính phủ của Thủ tướng May đang bên bờ vực sụp đổ và kéo theo một cuộc bầu cử sớm.

Dù vậy, các nhà lãnh đạo EU đều nhận định rằng thời gian thực sự của cuộc đàm phán về Brexit đã đến và phải sử dụng những tuần tới để tạo đột phá. Thủ tướng Áo Sebastian Kurz  nhận định nếu các cuộc đàm phán thất bại, đó sẽ là điều khó khăn cho EU, đồng thời cũng là nỗi kinh hoàng với nước Anh.

Hiện, trưởng đoàn đàm phán của EU đã đưa ra giải pháp giảm nhẹ bất hòa với "lưới an ninh cải tiến", tuy nhiên, liệu Anh có chấp nhận giải pháp mới này hoặc một giải pháp tương tự hay không, Đại hội đảng Bảo thủ ở Anh vào đầu tháng 10 tới sẽ làm rõ câu trả lời và khi đó một thỏa thuận có thể được đưa ra trước trung tuần tháng 11.

Hội nghị thượng đỉnh EU dự kiến ngày 18 và 19 tháng 10 cũng sẽ là "thời điểm sự thật" khi thỏa thuận về các điều khoản tách ly và đề cương về giao thương giữa hai bên hoặc là sẽ được chốt lại, hoặc là sẽ không có thỏa thuận nào.

Bảo Trân (tổng hợp)
.
.