Hy Lạp: Alexis Tsipras trở lại “lợi hại” hơn xưa?

Thứ Sáu, 25/09/2015, 11:05
Kết quả cuộc bầu cử hôm 20/9 đã đem lại chiến thắng cho đảng Syriza của nhà lãnh đạo Alexis Tsipras. Điều này đồng nghĩa với việc ông Tsipras trở lại nắm quyền Thủ tướng Hy Lạp sau một tháng. Điều gì giúp ông Tsipras tái cử và ông phải đối mặt với những gì? Liên minh châu Âu nên mừng hay lo trước sự trở lại được đánh giá là lợi hại hơn xưa của ông Tsipras?

Thuyền trưởng đầy bản lĩnh quay lại con thuyền đã khẳm

Với 35,54% phiếu bầu so với 28,07% mà đảng đối lập Tân Dân chủ bảo thủ giành được, đảng cánh tả Syriza của ông Alexis Tsipras đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử trước thời hạn hôm 20/9.

Mặc dù vậy, đảng Syriza vẫn không đủ số phiếu đa số để thành lập chính phủ mà phải liên minh với đảng khác. Ngay sau khi kết quả được công bố, ông Tsipras đã xác nhận thông tin đảng Syriza một lần nữa liên minh với đảng Người Hy Lạp độc lập (ANEL) theo chủ nghĩa dân tộc. Liên minh Syriza-ANEL chiếm khoảng 155 ghế trong tổng số 300 ghế tại Quốc hội Hy Lạp, một con số tuy mong manh nhưng vừa đủ để giúp ông Tsipras thực hiện các kế hoạch cải cách của mình.

Chiến thắng này đã giúp ông Tsipras trở lại chiếc ghế Thủ tướng Hy Lạp sau một tháng từ bỏ. Trước đó, vào ngày 19/8, các thành viên trong đảng Syriza tuyên bố tách ra thành lập một đảng mới. 25 thành viên này nói việc họ rời khỏi hàng ngũ Syriza là để thể hiện sự thất vọng của họ đối với việc ông Tsipras đi ngược lại lời hứa không thực thi các biện pháp khắc khổ mới để đổi lấy kế hoạch cứu nguy của Liên minh châu Âu (EU).

Thủ tướng Tsipras ăn mừng chiến thắng của đảng Syriza trong cuộc bầu cử ngày 20/9

Ngày 20/8, ông Tsipras đã từ chức Thủ tướng và kêu gọi tiến hành cuộc tổng tuyển cử trước thời hạn. Ông nói rằng, đã gắng hết sức tranh đấu để giữ lời hứa và đã đồng ý với thỏa thuận tốt nhất mà ông có được. Việc ông Tsipras từ chức và kêu gọi bầu cử sớm nhằm dẹp một cuộc nổi loạn chính trị nội bộ của các thành viên đảng Syriza.

Ông Tsipras lên nắm quyền vào tháng 1/2015 nhờ cương lĩnh tranh cử là chống đối những khoản cắt giảm chi tiêu và tăng thuế mà những chủ nợ châu Âu của Hy Lạp đòi hỏi để đổi lấy thêm tiền cứu trợ - một gói ngân khoản kéo dài 3 năm trị giá 98 tỉ USD. Nhưng sau một loạt những cuộc đàm phán gay gắt với những phái viên châu Âu, ông Tsipras từ bỏ hầu hết những đòi hỏi, nói rằng Hy Lạp phải đối mặt với việc chắc chắn bị phá sản và rời khỏi nền kinh tế chung của khối 19 nước sử dụng đồng euro nếu không thuận theo những yêu cầu của chủ nợ.

Ngoài việc không có đối thủ nặng ký, sự trở lại của ông Tsipras là có thể hiểu được bởi những gì ông đã cống hiến cho Hy Lạp. Phe đối lập là đảng Tân Dân chủ trong suốt cuộc đối đầu với EU vừa qua gần như không có tiếng nói gì mới cho đường hướng giải quyết cuộc khủng hoảng nợ tại nước này. Trên tất cả các mặt trận, ông Tsipras gần như tả xung hữu đột với các chủ nợ quốc tế, tới mức mà người ta có cảm giác một mình ông như đang chống lại cả châu Âu.

Ông Alexis Tsipras và lãnh đạo đảng Người Hy Lạp độc lập (ANEL).

Khi bị dồn vào thế buộc phải lựa chọn để cứu đất nước trước nguy cơ vỡ nợ, ông Tsipras đã chấp thuận hy sinh chức vụ thủ tướng của mình để bảo vệ con thuyền Hy Lạp cập bến an toàn. Mặc dù con thuyền đó trở lại điểm xuất phát 8 tháng trước, nhưng những gì ông Tsipras làm đáng để người dân Hy Lạp trao cho ông chức thuyền trưởng một lần nữa.

Ngày 21/9, ông Alexis Tsipras đã tuyên thệ nhậm chức Thủ tướng Hy Lạp. Trong phát biểu đầu tiên sau khi trở lại cương vị Thủ tướng, Tsipras nói rằng ông cảm thấy mình được "chứng minh là đúng" và nói thêm đảng Syriza của ông sẽ nỗ lực tuân theo "một chỉ thị rõ ràng của cử tri" là xây dựng lại nền kinh tế Hy Lạp và "nâng cao niềm kiêu hãnh của đất nước".

Có gánh được tương lai Hy Lạp?

Tuy nhiên, ông Tsipras và chính phủ mới đang đứng trước những thách thức vô cùng to lớn. Sau kết quả bầu cử, người phát ngôn của đảng Syriza khẳng định Hy Lạp sẽ tuân thủ các thỏa thuận đã ký với các chủ nợ hồi tháng 7/2015, nhưng chính phủ sẽ tiếp tục thương lượng nhằm giãn nợ và giảm các khoản nợ. Việc tiến hành các cuộc thương lượng này được coi là một thách thức lớn đối với ông Tsipras và chính phủ của ông sau khi nhậm chức.

Không dừng lại ở đó, cuộc bầu cử vừa qua với tỉ lệ người đi bầu chỉ ở mức 54%, thấp chưa từng thấy kể từ 70 năm nay, phản ánh đúng những gì đang diễn ra với các cử tri Hy Lạp: họ không muốn tiếp tục các biện pháp "thắt lưng buộc bụng" quá hà khắc, nhưng cũng không còn con đường nào khác là vẫn phải đi theo chính sách của ông Tsipras, chấp nhận những thỏa thuận bất lợi với các chủ nợ để có thể được vay nợ.

Giới quan sát khẳng định: Dù liên minh với bất kỳ đảng nào, thì nhiệm vụ trước mắt và lâu dài đối với ông Tsipras và liên minh cầm quyền cũng rất nặng nề. Đó là tìm cách vực dậy nền kinh tế Hy Lạp đang trên bờ vực của sự phá sản vì nợ công chồng chất. GDP Hy Lạp hiện thấp hơn 25% so với năm 2009 và các nhà kinh tế tin rằng sẽ mất nhiều năm, thậm chí chục năm, để nền kinh tế trở lại với quy mô như trước kia.

Tỉ lệ cử tri đi bỏ phiếu hôm 20/9 thấp nhất kể từ 70 năm qua.

Nền kinh tế Hy Lạp được dự báo tiếp tục sụt giảm 2,3% trong năm nay và 1,3% nữa vào năm 2016. Do đó, ông Tsipras sẽ phải tiến hành những cải cách cấp thiết, vừa để cứu nguy nền kinh tế đang sa lầy, vừa tìm cách trả nợ cho các chủ nợ, nhưng cũng phải xoa dịu dư luận trong hoàn cảnh các biện pháp hà khắc có thể khiến dân chúng thêm phẫn uất, dẫn đến nguy cơ bất ổn ngày càng cao của nền chính trị nước này.

Chưa bao giờ cuộc bầu cử ở Hy Lạp được dư luận quốc tế theo dõi sát sao như vậy, bởi đảng nào thắng cuộc sẽ phải tiến hành các cải cách kinh tế sâu rộng theo như yêu cầu các chủ nợ đưa ra để đổi lấy gói cứu trợ 86 tỉ euro. Trước mắt, Chính phủ mới của Hy Lạp sẽ phải gánh vác những trọng trách nhằm vực dậy nền kinh tế, nhất là thực hiện chương trình cải cách kinh tế đi kèm với những điều kiện chặt chẽ của các chủ nợ quốc tế.

Thời gian sắp tới có lẽ mới là giai đoạn cam go và đầy thử thách đối với Hy Lạp. Thậm chí lần này những đòi hỏi của các chủ nợ còn khắc nghiệt hơn. Theo đó Quốc hội mới của Hy Lạp sẽ phải điều chỉnh ngân sách năm 2015 của nước này, trong đó có những thay đổi về thuế thu nhập và quỹ lương hưu. Nông dân sẽ là đối tượng chịu ảnh hưởng lớn khi thuế thu nhập của nhóm này dự kiến tăng gấp đôi, từ 13% hiện nay lên 26% vào năm 2017. Thuế giá trị gia tăng (VAT) tại Hy Lạp cũng sẽ tăng vào tháng 10 tới - lần tăng thứ hai trong năm nay.

3 cuộc bầu cử liên tiếp chỉ trong vòng 9 tháng qua, hàng loạt những cam kết được đưa ra nhưng tương lai của Hy Lạp giờ vẫn là một dấu hỏi lớn. Chấp nhận cải cách kinh tế sẽ giúp Hy Lạp thoát khỏi nguy cơ vỡ nợ và tránh viễn cảnh phải rời khỏi khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) nhưng gánh nặng thắt lưng buộc bụng giờ lại đè nặng lên đôi vai người dân. Thêm gói cứu trợ thứ ba, núi nợ công của Hy Lạp lại tiếp tục cao, lên tới 200% GDP. Theo kịch bản khả quan nhất cũng phải 15 năm nữa nợ công của Hy Lạp mới về được mức được Quỹ Tiền tệ quốc tế coi là bình thường.

Bên cạnh đó, là một quốc gia cửa ngõ châu Âu, Hy Lạp cũng đang phải gồng mình trước những làn sóng người di cư ùn ùn kéo về EU. Gánh nặng này có nguy cơ tăng cao khi các quốc gia Đông Âu lần lượt tuyên bố đóng cửa biên giới nhằm ngăn chặn người di cư và tị nạn đang hàng ngày vượt đường bộ qua các nước vùng Balkan tìm đường đến Tây Âu. Trong phát biểu hôm 21/9, ông Tsipras cho rằng tất cả các quốc gia châu Âu đều phải có trách nhiệm trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng này, đồng thời kêu gọi sự hỗ trợ nhiều hơn từ EU đối với những nước đang phải tiếp nhận dòng người di cư ồ ạt.

Theo ông Tsipras, EU đã không có các biện pháp để bảo vệ những nước tiếp nhận như Hy Lạp trước làn sóng người di cư đã vượt khỏi tầm kiểm soát. Hy Lạp là quốc gia cực Đông của EU với đường bờ biển dài khoảng 16.000km. Trong năm nay, đã có hàng chục nghìn người di cư tìm cách vào EU qua đường Hy Lạp.

Thắng lợi của đảng Syriza và của cá nhân ông Tsipras đang làm dấy lên hy vọng cho Hy Lạp và cho cả châu Âu. Hôm 21/9, các nhà lãnh đạo hàng đầu của EU đã chúc mừng cựu Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras, từ Chủ tịch nhóm Eurogroupe Jeroen Dijsselbloen đến Chủ tịch Nghị viện châu Âu, Martin Schulz, hay Ủy ban châu Âu. Đó là bằng chứng rõ rệt nhất cho thấy Syriza và ông Tsipras là những đối tác không thể thiếu của Bruxelles để giải quyết khủng hoảng Hy Lạp.

Người tị nạn đang đợi tàu đi Athens tại đảo Koss (Hy Lạp).

Lý do thứ hai khiến châu Âu hài lòng, đó là kết quả bầu cử Hy Lạp ngày 20/9 chứng minh rằng dù có bất đồng về phương pháp và tiến trình cải tổ, dù có chỉ trích chính sách của Bruxelles, nhưng khi trao cho Syriza và Tsipras quyền lực, đa số người dân nước này vẫn thiết tha với châu Âu. Hơn nữa, trong bối cảnh cả EU đang đương đầu với khủng hoảng người nhập cư, thì Bruxelles đã ý thức được rằng, hơn bao giờ hết Athens là một đồng minh mà EU không thể bỏ rơi.

Dự kiến trong vài tháng tới, bộ ba chủ nợ của Hy Lạp gồm EU, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) sẽ có cuộc đánh giá đầu tiên về những bước đi ban đầu của Hy Lạp để xem xét giải ngân một phần khoản cứu trợ mới đã thỏa thuận trị giá 86 tỉ euro (tương đương 97 tỉ USD).

Nhưng báo Libération của Pháp ra ngày 21/9 chỉ ra 3 khó khăn lớn đối với Thủ tướng Hy Lạp vừa tái đắc cử. Thứ nhất là sự khủng hoảng của thể chế dân chủ: một đa số áp đảo cử tri Hy Lạp không còn tin tưởng vào bầu cử, sau khi các áp đặt từ bên ngoài có thể buộc (chính phủ) phải làm ngược lại nguyện vọng của cử tri.

Khủng hoảng thứ hai là ngày càng có nhiều người Hy Lạp không còn tin tưởng vào ánh sáng tương lai, khi những đòi hỏi thắt lưng buộc bụng trả nợ dường như không có hồi kết. Và khủng hoảng thứ ba là về mặt địa chính trị, khi Hy Lạp – mắt xích yếu nhất của hàng rào bảo vệ biên giới châu Âu - gần như bất lực trước làn sóng người tị nạn ồ ạt.

Mộc Thạch - Bảo Trân (tổng hợp)
.
.