INF coi như đã ngã ngũ

Thứ Ba, 25/12/2018, 15:43
Việc Mỹ và NATO một lần nữa đưa ra tối hậu thư cho Nga trong việc thực hiện Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) năm 1987 và phản ứng cứng rắn từ phía người đứng đầu nước Nga cho thấy phần nào “cái chết” của Hiệp định vốn giúp ổn định an ninh thế giới trong hơn 30 năm qua.

Ngày 18-12, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg nói rằng liên minh này cho Nga cơ hội cuối cùng để tái thực thi Hiệp ước INF, thúc giục tiến hành trong vòng 60 ngày. Trước đó, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói rằng Nga có 2 tháng để quay lại thực hiện INF. Theo ông Stoltenberg, Nga vi phạm hiệp ước vì nước này đã thông qua việc triển khai tên lửa Novator 9M729 (được NATO gọi là SSC-8). Ông cũng lưu ý rằng NATO sẽ đáp trả trong trường hợp INF bị hủy bỏ.

Đáp trả lời tuyên bố trên, cũng ngày 18-12, trong cuộc họp mở rộng của Hội đồng Bộ Quốc phòng Liên bang Nga, Tổng thống Vladimir Putin cho biết Moscow sẽ không gặp nhiều khó khăn trong việc tiến hành nghiên cứu và phát triển (R&D), cũng như chế tạo ra tên lửa phóng từ mặt đất để đáp trả việc Mỹ rút khỏi Hiệp ước INF. Nguyên thủ Nga cũng cảnh báo, trong trường hợp không có thỏa thuận, Moscow sẽ phát triển 2 loại tên lửa tầm trung Kalibr (của hải quân) và Kh-101 (của không quân) thành tên lửa có thể bắn từ đất liền.

Cũng trong trong cuộc họp của Bộ Quốc phòng Nga ngày 18-12, Tổng thống Putin tuyên bố rằng Hoa Kỳ đã rút khỏi Hiệp ước INF với lý do bịa đặt và chính họ từ lâu đã vi phạm nghĩa vụ của mình. Lấy ví dụ về sự phá hoại Hiệp ước INF, ông Putin đã trích dẫn việc lắp đặt hệ thống phòng thủ tên lửa trên đất liền Aegis ở Romania, thứ sẽ sớm xuất hiện ở Ba Lan. Phản ứng của ông Putin cho thấy giờ đây Nga sẽ không thỏa hiệp trong vấn đề an ninh quốc gia dưới mong muốn hoặc sức ép của Mỹ, theo chuyên gia quân sự Nga Igor Korotchenko.

Trước đó, ngày 15-12, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu đề nghị đồng nhiệm Mỹ Jim Mattis bàn cụ thể về các bất đồng liên quan đến Hiệp ước INF mà Tổng thống Mỹ từng dọa hủy bỏ. Nhưng Mỹ từ chối. Bộ trưởng Nga phê phán Hoa Kỳ đã không tích cực “đối thoại một cách hợp lý và chuyên nghiệp với Nga nhằm giải quyết các vấn đề cấp bách về an ninh trong khu vực và an ninh quốc tế”.

Để chuẩn bị cho kịch bản xấu nhất là Mỹ sẽ rút khỏi Hiệp ước INF, Lực lượng tên lửa chiến lược của Nga đã chuẩn bị một số biện pháp làm giảm hiệu quả của hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ, theo chỉ huy Lực lượng tên lửa chiến lược Nga, ông Sergei Karakaev. Ông thông báo rằng, Nga đã phát triển một số "biện pháp kỹ thuật quân sự", giúp giảm hiệu quả của hệ thống phòng thủ tên lửa tiềm năng của Mỹ ở châu Âu.

"Các biện pháp này chủ yếu liên quan tới việc tạo ra các tổ hợp tên lửa có trang bị hệ thống phòng không hiện đại, các thiết bị quân sự tiềm năng với sức sống cao hơn trước".

Đặc biệt, theo ông Karakaev, các cuộc thử nghiệm bắn tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Sarmat đã được thực hiện thành công. Trong thời gian sắp tới đây, tại sân bay vũ trụ Plesetsk sẽ diễn ra các cuộc thử nghiệm tên lửa đạn đạo xuyên hành tinh. Dự kiến vào năm 2021, tổ hợp Sarmat sẽ tham gia vào phiên chế của Trung đoàn tên lửa Uzhur, ông Karakaev cho biết.

Tổng Thư ký NATO Stoltenberg ngày 18-12 đưa ra tối hậu thư với Nga để thực hiện Hiệp định INF.

Vị chỉ huy Lực lượng tên lửa chiến lược Nga cũng nói rằng, xí nghiệp sản xuất NPO Mashinostroyeniya ở ngoại ô Moskva đã bắt đầu việc sản xuất hàng loạt tổ hợp tên lửa Avangard với đầu đạn siêu thanh.

Ngoài ra, Lực lượng tên lửa chiến lược sẽ tiếp tục nỗ lực cải thiện quỹ đạo bay và khả năng đạn đạo của tên lửa liên lục địa (ICBM). Ngoài ra, còn có kế hoạch tạo ra các phương tiện để phá hủy bằng biện pháp hỏa lực hay phá hỏng chức năng của các thiết bị thông tin tình báo, thiết bị điều khiển và thiết bị tấn công của hệ thống phòng thủ tên lửa.

Trong những năm gần đây, Moscow và Washington thường xuyên cáo buộc nhau vi phạm Hiệp ước INF. Mỹ đòi thanh sát loại tên lửa Novator 9M729 (được NATO gọi là SSC-8) mới của Nga. Tuy nhiên, ngày 19-12, Nga nói sẽ không để Mỹ làm điều đó. Moscow nói rằng phạm vi của tên lửa đặt nó hoàn toàn ngoài hiệp ước và không bay xa được như Washington cáo buộc, nghĩa là Nga hoàn toàn tuân thủ INF. Nga đã cáo buộc Mỹ ngụy tạo cái cớ sai lạc để rút khỏi một hiệp ước mà họ vốn dĩ muốn rời bỏ để phát triển tên lửa mới.

Nga cho biết tên lửa SSC-8 chưa được thử nghiệm ở tầm xa hơn mà Washington cáo buộc. Thứ trưởng Ngoại giao Sergei Ryabkov, trong một cuộc phỏng vấn với nhật báo Kommersant ngày 19-12, đã cáo buộc Washington về những nỗ lực “cực kì soi mói” để phơi bày hoạt động sản xuất tên lửa của Nga và nói rằng trước đây Washington đã từ chối các yêu cầu của Nga xem bên trong các tàu ngầm của Mỹ theo một hiệp ước kiểm soát vũ khí khác. Bất cứ một cuộc thanh sát nào như vậy - nếu diễn ra - không nên đơn phương mà nên diễn ra ở cả hai nước, ông Ryabkov nói thêm.

Sự cương quyết trong quan điểm của hai phía phần nào cho thấy việc Mỹ chính thức rút khỏi Hiệp ước INF chỉ còn là ngày một ngày hai. Có một chi tiết ít được báo giới chú ý trong bài phát biểu của ông Putin ngày 18-12 nhưng lại liên quan tới tương lai của INF. Tổng thống Nga cho biết sẵn sàng đàm phán lại Hiệp ước INF, để mở rộng cho một số quốc gia khác tham gia. Dù không chỉ đích danh, Trung Quốc là nước mà Moscow nhắm đến. Trên thực tế, Mỹ muốn thông qua Nga để gây áp lực thúc Trung Quốc tham gia một hiệp ước INF mới.

Theo một số nguồn tin quân sự, nếu Bắc Kinh tham gia INF, thì 95% số tên lửa của Trung Quốc vi phạm hiệp định. Các tên lửa tầm trung trên bộ của Trung Quốc, có tầm bắn từ 500 đến 5.500 km, đang đe dọa các căn cứ quân sự Mỹ, cũng như nhiều quốc gia đồng minh ở châu Á.

Chuyên gia quân sự Nga, ông Alexandre Golts, không tin là Bắc Kinh sẽ tham gia INF vì điều đó đồng nghĩa với việc Trung Quốc phải hủy bỏ hơn 90% số vũ khí hạt nhân hiện nay. Nói như vậy cũng có nghĩa là Mỹ sẽ đơn phương rút khỏi Hiệp ước INF khi thời hạn tối hậu thư cho Nga, 60 ngày (kể từ đầu 12-2018) kết thúc.

M.T. (tổng hợp)
.
.