Lebanon có tân Thủ tướng

Thứ Tư, 28/10/2020, 19:02
Ngày 22-10, Quốc hội Lebanon đã nhất trí đề cử ông Saad Hariri để Tổng thống Michel Aoun bổ nhiệm làm thủ tướng mới, thay thế ông Mystapha Adib đã từ chức vào cuối tháng 9 do không thành lập được chính phủ.

Như vậy ông Hariri sẽ được Tổng thống Michel Aoun bổ nhiệm làm thủ tướng mới thay thế ông Mustapha Adib, người được bổ nhiệm làm thủ tướng vào ngày 31-8 thay thế ông Hassan Diab từ chức sau vụ nổ kho hóa chất kinh hoàng ở cảng Beirut hồi tháng 8. Mustapha Adib được bổ nhiệm nhằm ổn định tình hình, tìm phương án tháo gỡ những khó khăn trước mắt và mời gọi sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế để khắc phục hậu quả vụ nổ cũng như khôi phục kinh tế đang rơi vào tình trạng trì trệ, dân tình đau khổ.

Tuy nhiên, Adib cũng là giải pháp tạm thời và nhiều người không tin tưởng rằng ông có thể trụ được lâu bởi những vấn đề gay go nhất ẩn sâu bên trong đòi hỏi phải có một chính khách am hiểu và sành sỏi những vấn đề đó để giải quyết.

Khó khăn lớn nhất ông Adib đối mặt ngay sau khi được bổ nhiệm làm sao tập hợp được những con người đáp ứng được yêu cầu của tất cả các bên, vừa làm hài lòng các đảng phái chính trị khác nhau, vừa được các cường quốc như Mỹ, Pháp,... ủng hộ. Kết cuộc, sau gần một tháng xoay xở không thành công, ông Adib đành phải từ chức, trả ghế thủ tướng lại cho quốc hội để tìm người khác.

Việc Adib không lập được chính phủ phản ánh tình trạng rối loạn, chia rẽ, thiếu sự thống nhất giữa các đảng phái trong việc hướng đến mục tiêu chung của đất nước. Nổi bật nhất trong các khó khăn khiến ông Adib phải “trả ghế” là tranh cãi xung quanh việc đảng phái nào nắm các vị trí chủ chốt trong nội các chính phủ và tranh cãi không thể giải quyết được.

Quay trở lại ghế Thủ tướng Lebanon, ông Hariri cũng sẽ đối mặt với những khó khăn, thách thức giống y như khi ông từ chức hồi tháng 10-2019. Khi đó, ông Hariri đã gặp phải hàng loạt cuộc biểu tình rầm rộ trên cả nước để phản đối tình trạng bất ổn kinh tế, nhất là việc chính phủ đưa ra các biện pháp tăng thuế nhằm bù đắp thâm hụt ngân sách. Tuy nhiên, sau khi ông từ chức, tình hình kinh tế Lebanon không tiến triển mà ngược lại, có chiều hướng ngày càng xấu đi.

Lebanon không thể trả được các khoản nợ vay quốc tế và nguồn ngân sách cũng không còn đủ để trang trải cho các nhu yếu phẩm thiết yếu như nhiên liệu, lương thực và thuốc men. Đồng tiền đã mất giá đến 80% và siêu lạm phát khiến cho tình trạng mất an ninh lương thực ngày càng trở nên nguy hiểm.

Trong khi đó, Lebanon lại trở thành tâm điểm của một cuộc đối đầu tiềm ẩn giữa chính quyền Mỹ và Iran cùng các đồng minh, trong đó đáng kể nhất là phong trào Hồi giáo Hezbollah đang có quyền hành rất lớn ở nước này. Các biện pháp mạnh tay của Mỹ nhắm vào Iran cũng đã phần nào tác động đến Hezbollah. Trước thềm cuộc bầu cử Tổng thống ở Mỹ, Lebanon càng chịu sức ép lớn trong cuộc giằng co qua lại giữa hai thế lực cường quốc.

Tân Thủ tướng Lebanon Saad Hariri.

Washington gia tăng áp lực đòi các vị trí chủ chốt trong chính phủ mới ở Lebanon, như Bộ trưởng Bộ Tài chính, phải được giao cho những chính khách kỹ trị. Pháp cũng yêu cầu Lebanon thành lập chính phủ kỹ trị nhằm chấm dứt sự tham gia của các khối chính trị bị tố cáo là “độc tài và tham nhũng”. Những yêu cầu này khiến Hezbollah và các đảng phái nhỏ phản đối, cho rằng Mỹ xâm phạm chủ quyền của Lebanon.

Trong khi đó, cộng đồng quốc tế đang gia tăng áp lực đòi Lebanon đồng ý để một ủy ban quốc tế tham gia điều tra vụ nổ ở cảng Beirut. Gần 3 tháng sau vụ nổ, cuộc điều tra của Lebanon chưa mang lại kết quả. Dư luận đang lo ngại cuộc điều tra đang bị thao túng bởi các chính khách có lợi ích liên quan vụ nổ.

Trở lại ghế thủ tướng lần này, ông Hariri không chỉ phải giải quyết những vấn đề khó khăn cũ mà còn đối mặt thách thức mới, đó là khôi phục lại Beirut và nền kinh tế Lebanon đang gần như suy sụp sau vụ nổ cảng Beirut. Thiệt hại do vụ nổ gây ra tính đến nay đã tăng lên 6 tỉ USD. Trong tình trạng kinh tế như hiện nay, con số này là quá lớn để Chính phủ Lebanon có thể tự xoay xở.

Tân Thủ tướng Hariri sẽ phải nỗ lực tối đa để vận động, thuyết phục các cường quốc, các nhà tài trợ quốc tế giang tay giúp đỡ Lebanon. Việc khôi phục các khu vực chịu ảnh hưởng của vụ nỗ là nỗ lực đầu tiên nhằm trước mắt ổn định tình hình dân cư mất nhà cửa, cứu trợ những người rơi vào hoàn cảnh thiếu đói do mất tài sản và mất cả việc làm.

Tuy nhiên, để nhận được tài trợ của quốc tế, ông Hariri lại phải làm những việc rất khó khăn, vốn là nguyên nhân thâm căn cố đế gây ra những trì trệ ngày hôm nay của Lebanon. Cộng đồng quốc tế, dẫn đầu là Pháp và Mỹ, đã đặt ra điều kiện tiên quyết để Lebanon nhận được tài trợ của họ là phải tiến hành cải cách toàn diện cả về chính trị lẫn kinh tế, trong đó nhấn mạnh vấn đề cải cách hệ thống chính trị, trục xuất các chính khách tham nhũng ra khỏi guồng máy quyền lực và thay bằng những con người mới, các chuyên gia kỹ trị, như Mỹ và Pháp yêu cầu.

Mục tiêu của cải cách theo các yêu cầu này chính là làm sao cắt đứt quyền lực của lực lượng Hezbollah trong hệ thống chính quyền Lebanon. Đây là vấn đề sinh tử của chính trường Lebanon, đụng chạm đến nó đồng nghĩa với việc chạm một tay vào chiếc hộp Pandora của Lebanon. Trong chính trường Lebanon, Hezbollah là phái chính trị duy nhất được quyền sở hữu lực lượng vũ trang và điều này buộc các đảng phái khác phải chấp nhận nếu muốn được yên ổn. Cắt đứt sự tham gia quyền lực của Hezbollah là đẩy họ trở lại thời kỳ bạo lực trước đây, được ví như “mở nắp chiếc hộp Pandora” vậy.

Thách thức thứ hai là ông Hariri phải nỗ lực khôi phục nền kinh tế trong điều kiện đại dịch COVID-19 làn sóng thứ hai đang bùng phát. Nhiệm vụ thứ hai này phải gắn liền với nhiệm vụ cải cách chính trị, bởi chính những con người trong bộ máy chính trị sẽ giúp Hariri hoàn thành cải cách, khôi phục kinh tế một cách hiệu quả.

Trương Hùng (Tổng hợp)
.
.