Penny Pritzker, sứ giả thương mại đắc lực của Tổng thống Obama

Thứ Năm, 15/10/2015, 20:55
Bộ trưởng Thương mại Mỹ Penny Pritzker hiện là một trong những phụ nữ lãnh đạo các cơ quan nhà nước của Mỹ, nhưng lại là người năng động bậc nhất, một mẫu người của công việc và làm việc không mệt mỏi, hơn cả đàn ông.

Năm nay 56 tuổi, Penny Pritzker sinh ra trong một gia đình có truyền thống kinh doanh. Ông nội bà là nhà sáng lập ra Tập đoàn Khách sạn Hyatt và truyền lại cho các thế hệ sau quản lý.

Pritzker bắt đầu tham gia công việc kinh doanh của gia đình bởi một quyết định táo bạo khi mới 16 tuổi. Năm đó, nhân sinh nhật thứ 80 của ông nội, Pritzker đã viết một bức thư gửi cho ông, trách móc tại sao ông chỉ nói chuyện làm ăn với "bọn con trai" mà không đếm xỉa gì đến bà. Ông nội bà đã trả lời rằng "Ông sinh ra trong thế kỷ XIX. Làm sao ông biết được bọn con gái có quan tâm đến kinh doanh hay không?". Thế là ông nội Pritzker đã dành cho cô cháu gái một khóa đào tạo về kế toán để có kiến thức tối thiểu làm kinh tế.

Hai năm sau, Pritzker theo học Đại học Harvard, và say mê lớp học nhập môn kinh tế và gây ấn tượng mạnh trong đám bạn học vì tinh thần học tập của mình. Hiện tại, Pritzker đang là một tỉ phú với tài sản trị giá 2,4 tỉ USD từ tài sản thừa kế là Tập đoàn Khách sạn Hyatt, và 5 doanh nghiệp do bà tự sáng lập.

Bà Penny Pritzker với vợ chồng Tổng thống Obama trong chuyến thăm Hawaii.

Việc tham gia bộ máy chính quyền đối với bà Pritzker đã để lại những kỷ niệm không vui. Bà nói, việc tham gia bộ máy chính quyền là một việc "không đúng đắn". Bà cho rằng quyết định đó không phải của bà, mà thực ra là một chọn lựa táo bạo của Tổng thống Obama.

Ngay cả các quan chức cố vấn của ông Obama cũng bày tỏ lo ngại khi ông Obama quyết định chọn một nữ chủ tịch tài chính giàu có làm thành viên nội các có thể ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh Tổng thống, gây dư luận đàm tiếu đối với chính sách cải tổ kinh tế của ông.

Mặt khác, Pritzker cũng từng làm chủ Ngân hàng Superior, phá sản năm 2001, một phần cuộc khủng hoảng tài sản thế chấp trong hệ thống ngân hàng Mỹ. Gia đình bà từng xây dựng các quỹ ủy thác ở nước ngoài như một phương án để né thuế ở Mỹ - một kiểu làm ăn luôn bị Tổng thống Obama lên án.

Kinh tế gia đình đã một lần cản trở con đường chính trị của bà. Với nền tảng là một nữ doanh nhân, Pritzker được ông Obama chọn làm Chủ tịch tài chính trong chiến dịch tranh cử năm 2008. Thông qua các mối quan hệ nghề nghiệp của cá nhân, bà đã trở thành nhịp cầu nối giữa ông Obama với giới tài chính ngân hàng, giới chủ doanh nghiệp và các lãnh đạo Do Thái, từ đó góp sức đắc lực giúp ông Obama huy động được 745 triệu USD cho quỹ tranh cử và giành chiến thắng.

Sau bầu cử, Pritzker chuẩn bị sẵn sàng tham gia chức Bộ trưởng Thương mại, nhưng đã bất ngờ rút lui vào phút chót để tập trung toàn tâm toàn ý giải quyết những bất ổn của doanh nghiệp gia đình do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế toàn cầu.

Với vai trò Bộ trưởng Thương mại Mỹ, Pritzker được giao những trọng trách khó khăn. Tuy nhiên, cho đến nay Pritzker đang cho thấy bà là một chọn lựa sáng suốt của Tổng thống Obama. Qua 2 năm làm việc, Pritzker đã gây được những ấn tượng tốt không chỉ trong giới chức Chính phủ Mỹ, các đồng nghiệp, đối tác ở nước ngoài mà còn với cả giới công nhân, thợ thuyền.

Bà gánh vác khối lượng công việc khổng lồ của Chính phủ Mỹ, phục vụ cho 2 hội đồng cố vấn về kinh tế và đi đầu thực hiện một chương trình kết nối giữa các trường đại học cộng đồng với giới doanh nghiệp để giúp nâng cao khả năng cạnh tranh của sinh viên trên thị trường lao động. Bà đã tích cực phối hợp với các lãnh đạo nghiệp đoàn thực hiện chương trình cải thiện kỹ năng cho người lao động, để giúp họ thành công.

Bà đã công du đến 33 quốc gia trên thế giới để mở mang giao lưu thương mại cho nước Mỹ. Thành quả ấn tượng nhất của Pritzker là thỏa thuận lịch sử của Hiệp định Đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) vừa đạt được hôm 5/10.

Bà Penny Pritzker (thứ 2 từ phải sang) trong chuyến công du Cuba mới đây.

Tiếp đến, khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến Mỹ, ghé qua thăm thành phố Seattle, Pritzker đã tiếp đón ông và đưa ra một thông điệp mạnh mẽ rằng Trung Quốc phải đối xử công bằng với các công ty Mỹ nếu ông muốn có thêm nhiều hợp tác kinh tế giữa hai nước.

Sắp tới, bà Pritzker có hai nhiệm vụ rất khó khăn, đó là xây dựng quan hệ hợp tác thương mại với Cuba, và "tiếp thị" Hiệp định TPP để Quốc hội phê chuẩn. Nhiệm vụ ở Cuba tuy khó nhưng không vượt quá khả năng tuỳ cơ ứng biến của Pritzker. Bà vừa thực hiện chuyến công du Cuba hôm 7/10, gặp gỡ các quan chức Chính phủ Cuba để thảo luận kế hoạch hợp tác thương mại giữa hai nước, nhằm đặt nền móng cho các quan hệ kinh tế sâu rộng hơn sau khi Chính phủ Mỹ chính thức gỡ bỏ cấm vận hoàn toàn đối với Cuba.

Nói rằng nhiệm vụ này khó là bởi vì Pritzker phải làm sao hòa hợp cho được tư tưởng kinh tế tư bản chủ nghĩa với hệ thống kinh tế xã hội chủ nghĩa của Cuba, nhằm mục tiêu cuối cùng là làm cho Cuba thay đổi, ít nhất là về mặt kinh tế.

Một trở ngại không nhỏ đối với nhiệm vụ này nằm ngoài khả năng kiểm soát của Pritzker: Quyết định của Quốc hội Mỹ đối với việc gỡ bỏ lệnh cấm vận của Mỹ đối với Cuba. Quyết định nhanh hay chậm, gỡ bỏ toàn bộ hay từng phần đều có ảnh hưởng nhất định đến khả năng thành công của Pritzker tại Cuba.

Nhiệm vụ khó khăn nhất chính là việc thuyết phục Quốc hội phê chuẩn Hiệp định TPP. Hiện nay, TPP đang bị nhiều giới, nhiều thành phần, nhiều chính khách ở Mỹ phản đối. Không chỉ đảng Cộng hòa mà ngay cả một số thành viên đảng Dân chủ, trong đó có cả các ứng cử viên tổng thống như ông Bernie Sanders và bà Hillary Clinton cũng lên tiếng phản đối Hiệp định TPP, cho nó là mối họa làm mất công ăn việc làm của công nhân Mỹ, là nguy cơ đối với nhiều ngành sản xuất ở Mỹ.

Thành bại của cuộc chiến trên Đồi Capitol chưa thể biết trước được, nhưng nó sẽ cho thấy giới hạn năng lực của Pritzker trong vai trò "sứ giả thương mại" của Tổng thống Obama.

An Châu (tổng hợp)
.
.