Chuyến thăm Iraq của Tổng thống Pháp:

Quyết tâm hơn bao giờ hết trong cuộc chiến chống khủng bố

Thứ Năm, 05/01/2017, 18:05
Ngày 2-1, Tổng thống Pháp Francois Hollande đã lên đường đến thủ đô Baghdad gặp gỡ các lực lượng Pháp hỗ trợ Iraq trong cuộc chiến chống IS. Vị nguyên thủ của quốc gia được xem là đầu tàu trong cuộc chiến chống khủng bố tại châu Âu đã được IS “chào đón” bằng loạt tấn công khủng bố gây thương vong cho hàng chục con người.

Ngay trong buổi gặp gỡ với Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi tại căn cứ của Cơ quan Chống khủng bố tại thủ đô Baghdad, ông Francois Hollande tuyên bố: “Việc áp dụng các biện pháp chống khủng bố ở Iraq đã ngăn chặn các cuộc tấn công khủng bố trên đất nước chúng tôi. Tất cả những gì góp phần vào việc tái thiết Iraq còn là điều kiện bổ sung tránh các hành động tiềm năng từ phía IS trên lãnh thổ của chúng tôi”.

Sau khi khởi sự với cuộc gặp gỡ các binh sĩ Pháp, Tổng thống Hollande đã hội đàm với Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi, Tổng thống Fuad Masum và Chủ tịch Quốc hội Salim al-Juburi. Sau đó, ông Hollande đã đến thăm khu vực người Kurd nằm xa trên miền bắc để gặp gỡ các binh sĩ Pháp đang làm nhiệm vụ ở đó và các giới chức địa phương.

Trong chuyến thăm lần này, theo thông tin từ Đài Truyền hình nhà nước Iraq, Tổng thống Hollande sẽ thảo luận với các lãnh đạo hàng đầu của nước này về việc “gia tăng hỗ trợ cho Iraq và những diễn biến mới nhất trong cuộc chiến chống nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng”.

Ngay trước khi Tổng thống Pháp đặt chân đến Iraq, vào ngày cuối năm, IS đã thực hiện 2 vụ nổ lớn tại khu mua sắm đông đúc ở trung tâm thủ đô Baghdad. Số người thiệt mạng trong vụ tấn công kép này đã lên tới con số 28 người và 54 người bị thương, tuy nhiên, đây chưa phải con số cuối cùng vì nhiều người bị thương rất nặng.

Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi (bên phải) tiếp Tổng thống Pháp Francois Hollande tại Baghdad, Iraq, ngày 2-1-2017.

Một đại diện của Bộ Nội vụ Iraq cho biết, một trong hai vụ là đánh bom liều chết, vụ còn lại là do thiết bị nổ gài sẵn. Tiếp đó, vào ngày đầu năm mới 2017, IS lại “nghênh đón” Tổng thống Pháp bằng vụ tấn công vào một chốt kiểm soát của cảnh sát gần thành phố Najaf phía đông bắc Baghdad, khiến 7 nhân viên an ninh thiệt mạng và 17 người bị thương, trong đó có dân thường. Phần nhiều nạn nhân là những người lao động công nhật đang tập trung tại “chợ nhân công” ở Sadr City, để chờ tìm việc. Đây là khu vực đông người Hồi giáo dòng Shiite sinh sống. Theo lời nhân chứng, một chiếc xe do kẻ đánh bom cảm tử lái đã tiếp cận đám đông và kích nổ.

Lần đến Iraq gần đây nhất của Tổng thống F. Hollande là vào năm 2014. Pháp là quốc gia đóng góp lớn thứ hai cho liên quân quốc tế do Mỹ dẫn đầu - lực lượng đã tiến hành hàng ngàn cuộc không kích nhằm vào IS tại Iraq và Syria, cũng như cung cấp nhiều thiết bị quân sự, đào tạo và cố vấn cho các lực lượng Iraq.

Theo số liệu của Bộ Quốc phòng Pháp, kể từ khi tham gia liên minh này vào tháng 9-2014, máy bay Pháp đã tiến hành khoảng 1.000 cuộc không kích và phá hủy hơn 1.700 mục tiêu. Hiện Pháp có 14 máy bay chiến đấu Rafale tại Jordan và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) đang tham gia các chiến dịch của liên quân.

Ngoài ra, Pháp còn có 500 binh sĩ đang huấn luyện và cố vấn cho các lực lượng tinh nhuệ của Iraq, các xe chở pháo CAESAR tại phía nam thành phố Mosul để hỗ trợ chiến dịch tái chiếm thành phố này từ tay IS. Thủ đô Baghdad của Iraq đã được đặt trong tình trạng báo động cao kể từ ngày 17-10 vừa qua - thời điểm quân đội nước này tiến hành chiến dịch quân sự lớn nhất kể từ năm 2003 nhằm tái chiếm thành phố Mosul - "thánh địa" của IS.

Chiến dịch có sự tham gia của khoảng 100.000 người, bao gồm các lực lượng quân đội và cảnh sát Iraq, các tay súng người Kurd và lực lượng dân quân Hồi giáo dòng Shiite.

Chưa đầy 1 năm kể từ loạt vụ khủng bố xảy ra vào tháng 11-2015 làm 130 người thiệt mạng, thế giới lại rúng động trước vụ tấn công bằng xe tải lao vào đám đông xem bắn pháo hoa mừng Quốc khánh Pháp 14-7, tại Nice. Vụ việc không chỉ nối dài danh sách các vụ tấn công tại Pháp từ năm 2012 đến nay mà còn cho thấy những lỗ hổng an ninh của Pháp, đặt dấu hỏi về hiệu quả chống khủng bố của Pháp trong thời gian qua.

Phát biểu trên truyền hình quốc gia, người đứng đầu nước Pháp cảnh báo “toàn thể nước Pháp đang bị đặt dưới mối đe dọa từ chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo” và tuyên bố sẽ tiếp tục duy trì 10.000 binh sĩ tham gia chương trình chống khủng bố của quân đội, thay vì giảm xuống còn 7.000 binh sĩ như thông báo trước đó.

Năm 2016 được đánh dấu bằng một cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố không ngừng nghỉ tại nước Pháp: Sửa đổi hiến pháp để có thể kéo dài thời gian của tình trạng khẩn cấp quốc gia lên 3 tháng so với quy định cũ là 12 ngày, cho phép tước quyền công dân Pháp đối với những người có 2 quốc tịch nếu bị kết tội khủng bố và sẽ bị cấm vào Pháp nếu có nguy cơ tiến hành hành động khủng bố, Tổng thống F. Hollande cam kết sẽ tăng ngân sách cho các lực lượng an ninh và quân đội nước này.

Hàng trăm cuộc truy lùng các phần tử khủng bố được lực lượng an ninh Pháp tiến hành trong suốt thời gian qua với mục đích truy quét và vô hiệu hóa bất cứ phần tử nào có ý định tấn công nước Pháp. Ông F. Hollande cũng kêu gọi các nước châu Âu cần phối hợp hành động cùng với Pháp để loại bỏ các nguy cơ khủng bố.

Hiện trường vụ tấn công khủng bố do IS tiến hành ở Baghdad. Ảnh: worldbullentin.

Từ trước đến nay, Pháp luôn được đánh giá “có vai trò quan trọng” trong giải quyết những điểm nóng tại các nước châu Phi, một trong những khu vực có dân số theo Hồi giáo đông đảo, nhất là tại khu vực Bắc Phi, tiếp giáp với lò lửa Trung Đông.  Kể từ năm 2014, Pháp tham gia tích cực trong liên minh quốc tế chống IS và là một trong những nước đầu tiên tham gia thực hiện các chiến dịch không kích IS. Cuộc chiến chống khủng bố chính là trung tâm của các mối lo lắng trong năm 2016.

Trong một thông báo được đưa ra vào trung tuần tháng 12 vừa qua, tân Thủ tướng Bernard Cazeneuve cho biết, kể từ đầu năm 2016, nhờ hoạt động tích cực của các cơ quan tình báo, các lực lượng chức năng của Pháp đã đập tan 17 âm mưu tấn công khủng bố và bắt giữ 420 cá nhân có liên hệ với các mạng lưới khủng bố tại Pháp, nhưng mối đe dọa này vẫn ở mức cao.

Trong số các âm mưu tấn công khủng bố bị phát hiện và đập tan, đáng chú ý có âm mưu của 2 kẻ khủng bố là phụ nữ trẻ được hướng dẫn từ Syria. Chúng dự định tiến hành vụ nổ ngay giữa trung tâm Paris bằng 5 bình khí gas đặt trong xe Peugeot 607 không biển số. Hay như kế hoạch gây ra vụ tấn công khủng bố vào ngày 1-12 của nhóm khủng bố gồm 7 người được tổ chức IS hướng dẫn chỉ huy từ Syria cũng bị phá cùng với các cuộc bắt giữ tiến hành tại các thành phố Strasbourg và Marseille.

Trong những sự kiện đặc biệt như Giải Vô địch bóng đá châu Âu 2016, Pháp đã huy động 90.000 cảnh sát, hiến binh nhằm đảm bảo an ninh trong vòng 30 ngày diễn ra sự kiện này. Trước đó vài tháng, các lực lượng an ninh và cứu hộ đã tiến hành nhiều cuộc diễn tập tình huống kể cả đối phó với cuộc tấn công hóa học.

Ở khía cạnh pháp luật, luật tình báo được thông qua đã tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan tình báo hoạt động. Quyết tâm hơn bao giờ hết trong cuộc chiến chống khủng bố, quốc hội nước này đã gia hạn lần thứ 5 về tình trạng khẩn cấp - điều này đã cho phép các cơ quan an ninh tiến hành 4.194 vụ lục soát, 517 vụ bắt giữ, 434 người bị quản thúc và tịch thu 600 loại vũ khí các loại.

Nằm trong khuôn khổ cuộc chiến chống khủng bố, kế hoạch Vigipirate được Hội đồng Quốc phòng và An ninh quốc gia điều chỉnh nhằm phù hợp với sự gia tăng của các mối đe dọa. Kế hoạch Vigipirate mới này nhằm đối phó với những dạng thức tấn công khủng bố mới như bằng súng, gây ra các cụ nổ, tấn công hóa học, đâm xe tải, tấn công tin tặc hay tấn công bằng thiết bị không người lái.

Đầu tháng 11-2016, Bộ Nội vụ Pháp quyết định đóng cửa 4 nhà thờ Hồi giáo do các cơ sở này bị cho là rao giảng hệ tư tưởng cực đoan. Quyết định này được đưa ra căn cứ theo Điều 8, Luật Khẩn cấp nhằm ngăn ngừa những lời nói kích động sự hận thù và bạo lực hoặc thúc đẩy hành động khủng bố.

Theo Bộ Nội vụ Pháp, tại các nhà thờ này thường diễn ra các "cuộc họp nhằm thúc đẩy hệ tư tưởng cực đoan, đi ngược lại với các giá trị của nền cộng hòa và có thể tạo ra nguy cơ nghiêm trọng đe dọa an ninh và trật tự công cộng". Kể từ tháng 12-2015 đến nay, tổng cộng, hơn 20 nhà thờ Hồi giáo và các địa điểm cầu nguyện bị cho là rao giảng các tư tưởng cực đoan ở nước này đã bị đóng cửa.

M.Q. (tổng hợp)
.
.