Brazil: Ông Bolsonaro nỗ lực “lấy lại lòng tin”

Thứ Ba, 03/05/2022, 09:36

Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro đang thực hiện kế hoạch đi khắp đất nước Brazil để vận động, lôi kéo nhằm gây dựng lại lòng tin vốn đã mất trong lòng người dân Brazil qua đợt dịch COVID-19 trong gần 2 năm qua. Kết quả có đạt được như mong muốn hay không còn phải chờ xem.

Ngày 25-4, một “sô” nói chuyện diễn ra tại thành phố Parnamirim ở vùng duyên hải cực Đông Brazil với hàng nghìn người hâm mộ Tổng thống Jair Bolsonaro tập trung để nghe ông nói chuyện. Họ hò reo, tán thưởng từng lời nói của ông. Phong cách nói chuyện của ông Bolsonaro vẫn luôn như thế, gay gắt, cực đoan chủ nghĩa, kiểu như cựu Tổng thống Mỹ Trump, một thương hiệu. Khí thế hừng hực như một “chiến binh” là thứ giúp ông Bolsonaro thu hút người ủng hộ trở lại, sau thời gian khá dài trượt dốc bởi chính sách sai lầm trong chống dịch COVID-19.

Brazil: Ông Bolsonaro nỗ lực “lấy lại lòng tin” -0
Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro giữa vòng vây người ủng hộ

“Brazil là trên hết” - câu khẩu hiệu đặc trưng của Tổng thống Bolsonaro từ khi ông lên nắm quyền vào năm 2018 gây sửng sốt và lo ngại trên toàn thế giới. Trong khoảng thời gian gần 3 năm ông Bolsonaro cầm quyền với những quyết sách gây sốc, giới phân tích và truyền thông quốc tế từng gọi ông là “mối hiểm họa cho thế giới”, còn giới chính trị đối lập trong nước thì gọi ông là “kẻ gây đại họa cho đất nước Brazil”. Tuy nhiên, với những người ủng hộ thì ông là một “người tốt”, là người bình thường, giản dị như bao người bình thường. Họ tôn sùng ông vì ngưỡng mộ tính cách khác thường của ông.

Theo các nhà quan sát Brazil, Tổng thống Bolsonaro lại bắt đầu chiến dịch lôi kéo cử tri để chuẩn bị cho cuộc tái tranh cử vào tháng 10 tới đây, khi 150 triệu người dân Brazil đi bỏ phiếu để bầu nhà lãnh đạo mới. Nhiệm kỳ hiện tại của ông Bolsonaro sẽ kết thúc vào tháng 1-2023. Mục tiêu của ông là lôi kéo hàng triệu cử tri đã quay lưng với ông trong thời gian qua do các chính sách điều hành đất nước gây tranh cãi của ông.

Nhiệm kỳ tổng thống của ông Bolsonaro được đánh dấu bởi hàng loạt vấn đề, trong đó nổi cộm nhất là cuộc chiến chống đại dịch COVID-19. Tổng thống Bolsonaro từng đối mặt sự phản đối mạnh mẽ của đa số dân chúng Brazil, bị giới chính trị đối lập cáo buộc đưa đất nước Brazil vào “thảm họa COVID-19” do không triển khai các biện pháp chống dịch kịp thời, dẫn đến việc Brazil có hơn 30 triệu người nhiễm bệnh và hơn 660 nghìn người chết (tính đến ngày 28-4). Đi liền với đại dịch là “khủng hoảng kép” về kinh tế khiến cho đời sống người dân gặp nhiều khó khăn, nhất là dân nghèo. Những khoản trợ cấp khó khăn trong các chương trình an sinh xã hội chỉ đáp ứng phần nào nhu cầu đối với một bộ phận thật sự khó khăn. Phần còn lại vẫn phải tự lo liệu trong dịch bệnh.

Hàng loạt vấn đề gây bức xúc khiến cho một nhóm nghị sĩ kêu gọi quốc hội luận tội và phế truất ông. Thế nhưng, việc ông Bolsonaro vẫn tại vị đến hôm nay là điều khiến nhiều người ngạc nhiên.

Cuộc bầu cử Tổng thống Brazil vào tháng 10 tới được dự báo sẽ là cuộc đua “song mã” giữa đương kim Tổng thống Bolsonaro và cựu Tổng thống Luiz Inacio Lula Da Silva. Từ khi được trả tự do sau sự cố ngồi tù năm 2018 do cáo buộc tham nhũng, ông Lula Da Silva được cho là đã trở lại với một khí thế vô cùng mạnh mẽ. Chính trường Brazil từ khi ông thoái vị đã xảy ra nhiều biến cố và cũng chứng kiến những cuộc thay ngôi, đổi chủ ồn ào, gây tranh cãi.

Trong những giai đoạn biến động đó, người ta lại nhớ tới ông Lula Da Silva, vị tổng thống đầu tiên của giai cấp công nhân, nhà lãnh đạo thiên tả mẫu mực của Nam Mỹ một thời. Tỉ lệ cử tri ủng hộ ông từ khi ông thoái vị cho đến khi ông ngồi tù rồi được trả tự do trong hơn 3 năm qua chưa bao giờ sụt giảm.

Bước vào năm 2022, khi Brazil chuẩn bị cho một cuộc đua mới, sự hiện diện của ông Lula Da Silva đã khiến cho cơ hội tái cử của ông Bolsonaro trở nên khó khăn hơn. Hiện tại, tỉ lệ cử tri ủng hộ ông Lula Da Silva đang vượt lên trước ông Bolsonaro với khoảng cách khá xa. Không chỉ cử tri Brazil, ông Lula Da Silva còn được cả thế giới ủng hộ, đẩy ông Bolsonaro về phía yếu thế rất rõ ràng. Ngược lại, những gì ông Bolsonaro đã thể hiện trong hơn 3 năm qua khiến hơn một nửa người Brazil tuyên bố sẽ không bao giờ bỏ phiếu cho ông.

Nói như thế không có nghĩa là ông Bolsonaro hoàn toàn thất bại trong lòng cử tri. Vẫn còn đó thành phần có tư tưởng cực hữu luôn đi theo ủng hộ ông Bolsonaro dù trong bất cứ hoàn cảnh nào. Như cuộc huy động lực lượng đông đảo ở thành phố Parnamirim, ở đó người ta tung hô, sùng bái ông Bolsonaro như một thần tượng bất khả xâm phạm, ông Bolsonaro vẫn là hiện thân của một hiện tượng văn hóa đột biến trong chính trị Brazil, thứ mà giới bình luận gọi là “văn hóa Trump” và ông còn được gọi là “Trump của Brazil”.

Với những người được hưởng chính sách an sinh xã hội do chính phủ của ông thực hiện, như chương trình xã hội mang tên Auxílio Brasil hỗ trợ các gia đình gặp khó khăn, thì ông Bolsonaro cũng là một người đáng ngưỡng mộ như ông Lula Da Silva. Các chính sách xã hội tương tự như thời ông Lula Da Silva được chính phủ của ông Bolsonaro triển khai ở một số vùng nông thôn nghèo khó đã tạo ra một tình thế giằng co chính trị khó đoán định: ngay cả những người từng ủng hộ ông Lula Da Silva hiện nay cũng ủng hộ ông Bolasonaro do được hưởng chính sách an sinh xã hội tương tự như họ từng được hưởng dưới thời ông Lula Da Silva.

Giới quan sát cũng lo ngại rằng cuộc đua căng thẳng tháng 10 tới có thể sẽ diễn ra những màn bạo lực chính trị vốn từng xảy ra ở Brazil trong những năm gần đây. Năm nay, tình hình sẽ càng trở nên đáng lo ngại hơn với việc hàng nghìn khẩu súng các loại được phép lưu hành trong xã hội bởi chính sách “ủng hộ” súng nguy hiểm của ông Bolsonaro. Cách dùng ngôn từ gây hấn, dễ tạo ra xung đột của ông Bolsonaro được xem là chất kích thích châm ngòi cho những vụ bạo lực, sẽ khiến cho tình hình an ninh trong cuộc bầu cử khó kiểm soát hơn.

An Châu (Tổng hợp)
.
.