Cựu Tổng thống Ashraf Ghani, người làm nghèo đất nước Afghanistan

Thứ Tư, 15/09/2021, 12:29

Cựu Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani từng được đào tạo về kinh tế tân tự do bởi Ngân hàng thế giới (WB), được truyền thông lăng-xê là “nhà kỹ trị liêm khiết”. Tuy nhiên, trước khi Taliban tiến vào Kabul, ông Ashraf Ghani được cho là đã mang theo hơn 100 triệu USD. Bài điều tra công phu dưới đây của tác giả Ben Norton, một nhà báo, văn sĩ và là nhà làm phim.

Cánh tay của phương Tây

Có một cá nhân là biểu tượng cho sự tham nhũng, tội lỗi trong suốt quãng thời gian 20 năm qua ở Afghanistan, đó chính là cựu Tổng thống Ashraf Ghani. Khi Taliban tiếp quản đất nước của ông từ tháng 8-2021, hàng loạt thành phố đã rơi vào tay phiến quân mà không hề tốn bất kỳ viên đạn nào, thì bản thân ngài tổng thống đã lẩn như chạch. Nhà lãnh đạo đã đào tẩu sau khi khoắng số tiền 169 triệu USD từ kho bạc công. Theo mật báo thì Ghani đã nhét đầy tiền trong 4 chiếc ô tô và 1 chiếc trực thăng, trước khi bay đến Các tiểu vương quốc Ảrập thống nhất (U.A.E), nơi đã cấp cho ông ta chỗ tị nạn.

Cựu Tổng thống Ashraf Ghani, người làm nghèo đất nước Afghanistan -0
Tổng thống Mỹ Barack Obama và Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani tại Hội nghị thượng đỉnh Warsaw của NATO năm 2016.

Chính ông đã giúp NATO tiếp thị Afghanistan như một mô hình mới của nền dân chủ tư bản, một mô hình mà từ đó có thể xuất khẩu sang những phần khác của Nam bán cầu.

Được đào tạo tại Mỹ, ông tin tưởng vào sức mạnh của thị trường tự do. Nhằm thúc đẩy tầm nhìn của mình, ông đã sáng lập một tổ chức có tên là “Viện Hiệu quả nhà nước” (ISE) đặt trụ sở ở Washington, DC, tổ chức này có câu khẩu hiệu là “Hướng tiếp cận lấy người dân làm trung tâm đối với nhà nước và thị trường”, được dành riêng cho việc truyền bá những điều kỳ diệu của chủ nghĩa tư bản. Ghani đã thể hiện thế giới quan tân tự do của mình vào trong một cuốn sách đoạt giải mang cái tên “Điều chỉnh những quốc gia thất bại” (dày 265 trang và dùng đến 219 lần chữ “thị trường”).

Cựu Tổng thống Ashraf Ghani, người làm nghèo đất nước Afghanistan -0
Ông Ashraf Ghani và ông Frederick Kempe - Chủ tịch kiêm CEO của Hội đồng Đại Tây Dương, năm 2015.

Chỉ vài ngày sau khi Mỹ rút quân khỏi Afghanistan, tình trạng chủ trì đất nước của ông Ghani cũng thoái trào. Sự tan rã tức thời và thảm hại của chế độ này đã khiến các chính phủ phương Tây cùng đội ngũ phóng viên chính thống rối tơ vò. Khi họ điên cuồng tìm người để đổ lỗi thì Ashraf Ghani trở thành “dê tế thần”.

Kẻ làm nghèo đất nước 

Ashraf Ghani sinh ra trong một gia đình giàu có và nhiều ảnh hưởng ở Afghanistan, cha phụng sự trong hoàng cung và có kết nối tốt với nền chính trị. Thời trẻ, ông Ghani bỏ lại quê nhà để sang trời Tây. Người Mỹ bắt đầu nhắm tới kể từ khi ông học trung học ở tiểu bang Oregon, tốt nghiệp vào năm 1967.  Rồi ông theo học tại Đại học Mỹ ở Beirut và gặp vợ tương lai người Mỹ gốc Liban tên là Rula.

Năm 1977, ông quay lại Mỹ và tiếp tục sống 24 năm ở đây, rồi hoàn thành bằng thạc sĩ và tiến sĩ của Đại học Columbia tại New York. Thập niên 1980, ông nhận việc ở Đại học California, Berkeley (UCB) và Viện Johns Hopkins. Ông cũng thường xuyên xuất hiện trên truyền thông nhà nước Anh như là nhà bình luận hàng đầu của các dịch vụ Dari và Pashto liên kết với cơ quan tình báo của đài BBC.

Năm 1985, Chính phủ Mỹ đã trao học bổng Fulbright uy tín cho ông Ghani để theo học các trường Hồi giáo ở Pakistan. Ông đã sống nửa đời người ở Mỹ và gây dựng nên sự nghiệp như là một học giả. Năm 1991, ông quyết định rời học thuật để đặt chân vào thế giới chính trị quốc tế. Ông tham gia Ngân hàng Thế giới (WB).

Cựu Tổng thống Ashraf Ghani, người làm nghèo đất nước Afghanistan -0
Ông Ashraf Ghani (áo trắng) bắt tay Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và ông Abdullah Abdullah.

Tháng 12-2001, sau khi Ghani quay lại quê hương Afghanistan, rất nhanh chóng được bổ nhiệm là Bộ trưởng Tài chính trong chính phủ do Mỹ dựng lên ở Kabul và trở thành tổng thống (2014- 2021).

Bắt đầu từ năm 2005, Ghani truyền bá tư tưởng tân tự do của WB khi khẳng định rằng “chủ nghĩa tư bản đã trở thành một hình thức tổ chức xã hội không thể thay đổi của thế giới. Trên trang web của Chính phủ Afghanistan, ngay trong phần nói về tiểu sử tổng thống, ông bày tỏ niềm tự hào về khoảng thời gian làm việc cho chi nhánh WB ở Moscow.

Học giả Ashok Swain, giáo sư về hòa bình và nghiên cứu xung đột tại Đại học Uppsala (Thụy Điển) và là Chủ tịch về hợp tác nước quốc tế của UNESCO đã lưu ý rằng trong 20 năm qua “số lượng người Afghanistan rơi vào nghèo đói tăng gấp đôi, còn các khu vực dùng để trồng cây thuốc phiện thì tăng gấp 3”.

Cựu Tổng thống Ashraf Ghani, người làm nghèo đất nước Afghanistan -0
Ngoại trưởng John Kerry hòa giải hai ứng viên Abdullah Abdullah và Ashraf Ghani, tháng 7-2014.

Thủ lĩnh ban đầu của Afghanistan thời hậu Taliban, Hamid Karzai, ban đầu bị xem là con rối trung thành của phương Tây. Tuy nhiên, gần cuối nhiệm kỳ của ông (năm 2014), ông Karzai đã trở thành “nhà chỉ trích gay gắt” Chính phủ Mỹ. Karzai bắt đầu công khai chỉ trích lính Mỹ - NATO giết hại hàng vạn dân thường. Karzai cũng giận dữ khi bản thân mình bị kiểm soát và muốn tăng cường độc lập nhiều hơn: “Người Afghanistan thiệt mạng trong cuộc chiến phi lý”. Washington và Brussels đang vướng phải cái gai: suốt một thập niên, họ đầu tư hàng tỷ USD cho Chính phủ Afghanistan theo hình ảnh mà họ vẽ ra nhưng chiếc thuyền buồm mà họ chọn đang bắt đầu đứt dây.

Từ quan điểm của NATO, ông Ghani là một sự thay thế hoàn hảo cho Karzai, dù rằng ứng viên này bị chính người Afghanistan ghét cay ghét đắng. Trong cuộc bầu cử Tổng thống Afghanistan, ông Ghani lấy tư cách một ứng viên của Đồng thuận Washington và chỉ nhận chưa đầy 3% phiếu bầu, lèo tèo vài thành viên tinh hoa ở Kabul ủng hộ ông. Đến kỳ tranh cử năm 2014, ông đã thay đổi phương pháp tự lăng-xê bản thân và nhận được sử ủng hộ từ các đối thủ.

Song, dù đổi thương hiệu, ông vẫn đứng vị trí thứ hai, đối thủ của ông là Abdullah Abdullah đã thu được 45% số phiếu bầu, trong khi ông chỉ có 32% (hơn 1 triệu phiếu bầu). Tuy vậy, kết quả bầu cử bị trì hoãn và đến lần tranh cử tháng 6-2014, ông lật ngược thế cờ với số phiếu lên tới 56,4%. Ông Abdullah tố cáo Ghani đã “đánh cắp cuộc bầu cử” thông qua gian lận diện rộng.

Để giải quyết tranh cấp, chính quyền của Tổng thống Obama đã phái Ngoại trưởng John Kerry đến Kabul để hòa giải. Cuộc hòa giải của ông Kerry có kết quả khi thành lập một chính phủ đoàn kết dân tộc và buổi ban đầu Tổng thống Ghani đã chịu chia sẻ quyền lực với ông Abdullah, khi đó đảm nhận một chiếc ghế do Washington lập ra “Chủ tịch Afghanistan”. Một báo cáo vào tháng 12-2020 của Liên minh châu Âu (EU) kết luận rằng thực sự đã có gian lận tràn lan trong bầu cử. Hơn 2 triệu phiếu bầu (tương đương 1/4 tổng phiếu bầu) đã đến từ những điểm bỏ phiếu có dấu hiệu bất thường. Nhưng, dù có gian lận hay không thì ông cũng đã cán đích.

Cựu Tổng thống Ashraf Ghani, người làm nghèo đất nước Afghanistan -0
Ông Ghani hội kiến Tổng thống Joe Biden tại Nhà Trắng, ngày 25-6-2021.

Không hề để tâm tới những cáo buộc gian lận bầu cử, năm 2015, Hội đồng Đại Tây Dương (AC) đã tôn vinh ông Ghani “giải thưởng lãnh đạo quốc tế xuất sắc” với sự tôn vinh “cam kết quên mình và lòng can đảm đối với dân chủ và phẩm giá con người”. Buổi lễ trao giải của AC dự kiến tổ chức vào tháng 4-2015 nhưng ông không đến dự và con gái Mariam đã thay mặt cha đến nhận giải.

“Mối tình” của AC với Ghani kéo dài cho đến khi kết thúc nhiệm kỳ tổng thống. Mãi cho đến khi nghe tin ông ăn cắp của công và bỏ trốn khỏi đất nước vào tháng 8-2021, AC mới sực tỉnh. Sau gần 2 thập niên lăng-xê và tôn vinh Ghani, cuối cùng AC mới chua chát nhận sai. Ngày 25-6- 2021, tức chỉ vài tuần trước khi Chính phủ Afghanistan sụp đổ, ông Ghani đã gặp gỡ Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Nhà Trắng, nơi đây ông Biden nói với người đồng cấp Aghanistan về sự ủng hộ kiên định của Mỹ. Tới ngày 23-7-2021, ông Joe Biden lại tiếp tục trấn an Ghani thông qua cuộc điện đàm rằng Washington sẽ tiếp tục ủng hộ nước bạn. Nhưng, không có đội quân của NATO bảo vệ Kabul, quân Taliban đã nhanh chóng đánh úp chỉ trong vài ngày, cả chính phủ sụp đổ. Đến ngày 15-8-2021, ông và gia đình đã bỏ trốn với nhiều bao tải tiền nặng trĩu. 

Nguyễn Thanh Hải (Tổng hợp)
.
.