Cựu tổng thống Honduras - từ đồng minh đến tội đồ

Thứ Sáu, 13/05/2022, 22:00

Ngày 21-4-2022, ông Juan Orlando Hernandez, cựu Tổng thống Honduras đã bị các đặc vụ thuộc Cục Phòng chống ma túy Mỹ (DEA) còng tay rồi đưa lên trực thăng.

Sau khi hạ cánh xuống căn cứ không quân Hernan Acosta, ông Hernandez được chuyển sang một máy bay khác đến Mỹ để ra tòa với cáo buộc trong 10 năm cầm quyền, ông đã đồng lõa trong việc đưa… hơn 500 tấn ma túy cocain vào Mỹ…

Từ đồng minh chống ma túy, buôn người…

Juan Orlando Hernandez bắt đầu sự nghiệp chính trị của mình ở thành phố Gracias, tỉnh Lempira. Năm 1990, ông gia nhập đảng Quốc gia cánh hữu. Năm 1997, ông được bầu làm đại biểu quốc hội tỉnh Lempira.

her1.jpg -0
Cựu Tổng thống Hernandez bị áp giải ra sân bay để dẫn độ sang Mỹ

Năm 2010, Hernandez trở thành Chủ tịch Quốc hội Honduras. Những tai tiếng về lem nhem tiền bạc của gia tộc Hernandez cũng bắt đầu xuất hiện vào giai đoạn ấy, mà cụ thể là Hilda Hernandez, chị ruột Hernandez, người đứng đầu Bộ Hòa nhập và Phát triển xã hội Honduras đã biển thủ 360 triệu USD nhưng với tư cách chủ tịch, Hernandez ngăn cản quốc hội mở cuộc điều tra về chuyện này.

Năm 2013, Hernandez được bầu làm tổng thống. Các cuộc điều tra của Ủy ban chống tham nhũng Honduras cho thấy hàng triệu USD tiền biển thủ từ công quỹ đã được chuyển cho chiến dịch tranh cử của Hernandez. 4 năm sau, đến nhiệm kỳ thứ hai, Hernandez lại đắc cử trong bối cảnh nổ ra những tranh cãi về việc Tòa án Tối cao Honduras hủy bỏ nghị quyết “mỗi tổng thống chỉ được phép cầm quyền một nhiệm kỳ” nhằm dọn đường cho Hernandez tái tranh cử, cũng như những cáo buộc gian lận phiếu bầu.

Khi Hernandez lên làm tổng thống Honduras lần thứ nhất, ông được chính phủ Mỹ xem là đồng minh trong việc chống ma túy ở châu Mỹ Latin, đặc biệt là sau khi ông ký hiệp định với Mỹ, mở đường cho một số vụ dẫn độ những kẻ buôn người ở Honduras.Tuy nhiên ông Hernandez không ngờ rằng vài kẻ buôn người trong số bị dẫn độ đã đồng ý làm nhân chứng trước tòa án Mỹ, khai ra những chi tiết về sự liên quan giữa anh ruột ông là cựu đại biểu quốc hội Juan Antonio Tony Hernandez với các băng nhóm tội phạm, dẫn đến việc DEA bắt giữ Juan Antonio hồi tháng 11-2018 rồi kết án tù chung thân.

Trong phiên tòa xét xử Juan Antonio, các công tố viên Mỹ cáo buộc Joaquín Guzman Loera, bí danh El Chapo, kẻ đứng đầu băng nhóm ma túy Sinaloa Cartel khét tiếng nhất thế giới, đã nhiều lần đưa cho Juan Antonio những khoản hối lộ tổng cộng hàng triệu USD tiền mặt, nhờ “chuyển cho tổng thống”. Bằng chứng trong vụ án bao gồm một lô cocain bị DEA tịch thu mà những kẻ bị bắt đều xác nhận rằng số cocain ấy do Juan Antonio cung cấp, cùng 440.000 USD và mẩu giấy có dòng chữ bằng tiếng Tây Ban Nha: “JOH y su gente - cho JOH và người của ông ấy”. Chẳng khó khăn gì để các đặc vụ DEA hiểu rằng JOH là chữ viết tắt tên của Tổng thống Juan Orlando Hernandez. Chưa hết, Juan Antonio còn khai rằng trong cuộc bầu cử tổng thống, băng nhóm ma túy Sinaloa Cartel đã đưa cho ông ta 1,5 triệu USD để “gian lận phiếu bầu”, giúp Hernandez thắng cử.

Tuy nhiên, Washington vẫn không quay lưng lại với Hernandez. Ngay cả năm 2019, khi các công tố viên trong Bộ Tư pháp Mỹ bắt đầu công khai những mối liên kết giữa ông Hernandez với các nhóm buôn người, đồng thời còn có “các hoạt động rửa tiền và buôn bán ma túy quy mô lớn” thì mối giao hảo giữa Tổng thống Donald Trump và Tổng thống Hernandez vẫn “rất tốt đẹp”. Mãi cho đến tháng 3-2021, trong phiên tòa xét xử tay buôn ma túy người Honduras là Geovanny Fuentes Ramírez thì sự việc mới bắt đầu bung bét. Theo lời khai của Geovanny, thông qua một trung gian, cứ mỗi tháng ông ta lại chuyển cho Tổng thống Hernandez 25.000USD để được bảo vệ về mặt pháp lý. Thậm chí Hernandez còn đến thăm một phòng thí nghiệm núp dưới vỏ bọc “hóa chất dùng trong nông nghiệp” ở miền Bắc Honduras nhưng thực tế thì phòng thí nghiệm này mỗi tháng cho ra lò hàng trăm kg cocain. Quả bom tấn nổ tung giữa phiên tòa là lời khai của Geovanny: “Tôi đã chứng kiến một cuộc họp giữa Tổng thống Hernandez và tập đoàn ma túy Sinaloa Cartel. Kết thúc cuộc họp, ông Hernandez rời khỏi phòng với một chiếc cặp chứa đầy USD tiền mặt”.

her2.jpg -0
Một phòng điều chế cocain. những người làm việc phải đeo mặt nạ để tránh ngộ độc.

Trước những cáo buộc này, Hernandez liên tục lên tiếng phủ nhận. Ông này cho rằng đây là “đòn bẩn” của những nhóm đối lập nhằm hủy hoại thanh danh ông, cố tình xóa bỏ tất cả những gì ông đã làm cho Honduras. Trong một thông cáo báo chí, gia đình Hernandez đã mô tả Hernandez “là nạn nhân của những kẻ buôn ma túy tìm cách trả thù vì đã bị chính Hernandez cho phép dẫn độ sang Mỹ. Những kẻ này đã tìm kiếm các thỏa thuận nhận tội với tòa án Mỹ để được giảm án tù…”.

Tội đồ ma túy, buôn người

Ngày 20-1-2021, ông Joe Biden trở thành Tổng thống Mỹ. Thoạt đầu, ông vẫn duy trì mối quan hệ hợp tác nhất định với chính quyền của Tổng thống Hernandez bởi “tầm quan trọng chiến lược của Honduras trong các hoạt động ngăn chặn dòng người di cư bất hợp pháp sang Mỹ”. Đến tháng 3, sau phiên tòa xét xử tay buôn ma túy người Honduras là Geovanny Fuentes Ramírez, Bộ Tư pháp Mỹ bắt đầu trình lên Tổng thống Biden những chứng cứ, cáo buộc Hernandez trong suốt 10 năm cầm quyền, đã đồng lõa trong việc đưa 500 tấn cocaine vào Mỹ.

Một trong những hồ sơ của các công tố viên cho thấy ngay từ năm 2005, Juan Antonio, anh ruột Hernandez đã có những quan hệ mật thiết với trùm ma túy Victor Hugo Díaz Morales, bí danh El Rojo. Thông qua Juan Antonio, El Rojo đã hối lộ ông Hernandez (lúc ấy còn là đại biểu quốc hội) 40.000USD để nhận được sự bảo vệ của một số cơ quan thực thi pháp luật Honduras. Bằng sự bảo vệ ấy, El Rojo vững tâm điều hành đường dây mua bán, vận chuyển cocain ở Gracias, Lempira, là quê hương của Hernandez với những chiếc thuyền cao tốc hoặc những máy bay du lịch chở đầy cocain, từ Venezuela, Colombia đến Honduras. Do được Hernandez cung cấp những thông tin quân sự bí mật về việc phòng thủ biên giới nên những tàu và máy bay này thản nhiên vượt qua hàng rào quân đội, cảnh sát, đi từ Honduras đến vùng biển ngoài khơi bang Texas, Florida, Mỹ, để giao hàng. Một hồ sơ khác cho thấy Hernandez đã nhận 2 triệu USD là tiền thu được từ ma túy của Amilcar Alexander Ardon, Thị trưởng El Paraíso, một thành phố nhỏ nằm dọc biên giới với Guatemala đồng thời là một hành lang buôn bán ma túy trọng điểm.

her3.jpeg -0
Máy bay vận chuyển cocain bị cảnh sát Honduras bắt giữ

Ngày 27-1-2022, nhiệm kỳ tổng thống thứ hai của Hernandez kết thúc, ông không có quyền ra ứng cử lần thứ 3. Thay thế ông là Tổng thống Xiomara Castro nhưng chỉ vài giờ sau đó, Hernandez tuyên thệ nhậm chức đại diện của Nghị viện Trung Mỹ. Chức vụ ấy cho phép các thành viên của Nghị viện quyền miễn trừ truy tố nhưng quyền miễn trừ ấy có thể bị xóa bỏ hoặc đình chỉ nếu một quốc gia trong Nghị viện yêu cầu.

Trước sự việc này, Patrick Leahy, thượng nghị sĩ Mỹ tuyên bố: “Trong hàng chục năm sa đọa và không bị trừng phạt, các chính quyền Mỹ đã liên tiếp bôi nhọ danh dự của chúng tôi qua việc xem Hernandez như một người bạn, một đồng minh. Bằng cách viện hết lý do này đến lý do khác để bảo vệ một tổng thống điều hành đất nước như một doanh nghiệp tội phạm, các quan chức Mỹ đã đánh mất những gì chúng tôi đã làm với đối tác thật sự của chúng tôi là người dân Honduras”. Bà Norma Torres, dân biểu Hạ viện Mỹ nói thêm: “Chúng tôi kêu gọi Chính phủ Mỹ truy tố Hernandez và dẫn độ ông ta sang Mỹ vì đã kết thúc nhiệm kỳ tổng thống. Việc ông ta là thành viên Nghị viện Trung Mỹ không thể mang lại cho ông ta sự bảo vệ vì Hernandez không thể được quyền miễn trừ với tội danh ma túy…”.

Ngày 14-2-2022, Bộ Tư pháp Mỹ đề nghị Honduras bắt giữ Hernandez để dẫn độ sang Mỹ. Ngay hôm sau, 15-2, một thẩm phán của Tòa án tối cao Honduras đã ra lệnh bắt Hernandez rồi quản thúc tại nhà riêng của ông ta ở thủ đô Tegucigalpa. Ngày 21-4-2022, một nhóm đặc vụ DEA, Mỹ, từ Washington đến Tegucigalpa. Phối hợp với cảnh sát Honduras, họ còng tay Hernandez rồi áp giải ông ta lên một trực thăng. Khi hạ cánh xuống sân bay trong căn cứ không quân Hernan Acosta, Honduras, Hernandez bị đưa tiếp lên một máy bay của DEA để về Mỹ. Một nguồn tin giấu tên tiết lộ trong suốt thời gian bị quản thúc cho đến lúc lên máy bay, Hernandez tỏ ra khá bình tĩnh nhưng thỉnh thoảng ông ta vẫn thăm dò những người canh giữ ông: “Tôi có bị tử hình không? Còn nếu án tù thì tối đa bao nhiêu năm tù?”.

Trước đó 1 ngày, cựu chỉ huy cảnh sát Honduras là Juan Carlos Bonilla Valladares, bí danh El Tigre, đồng phạm với Hernandez cũng bị bắt rồi bị dẫn độ sang Mỹ. Trong những năm nắm quyền chỉ huy lực lượng Cảnh sát Honduras, El Tigre đã trực tiếp giám sát hàng chục tấn cocain được vận chuyển từ Colombia, Venezuela, Guatemala đến Honduras theo lệnh của Tổng thống Hernandez.

Ngày 21-4-2022, Tòa án liên bang New York công bố bản cáo trạng đối với Hernandez. Một đoạn trong cáo trạng nêu rõ: “Trong khi mục đích công khai là trở thành đồng minh với Mỹ thì ở sau lưng, Hernandez và đồng phạm đã góp phần biến Honduras trở thành một trong những điểm trung chuyển ma túy vào Mỹ lớn nhất thế giới…”. Bản cáo trạng không chỉ vạch ra từng chi tiết về mối quan hệ giữa Hernandez và các tập đoàn ma túy ở Honduras, Colombia, Venezuela, Mexico…, mà còn cho thấy sự liên kết giữa Hernandez và những tổ chức buôn người, bao gồm tên tuổi của những kẻ cầm đầu khét tiếng nhất vùng Trung Mỹ. Với sự giúp sức tích cực của Hernandez, ít nhất 50 tấn cocain đã được đưa vào nước Mỹ, mang lại cho ông ta hàng trăm triệu USD.

Bị đưa ra xét xử, Hernandez sẽ là tổng thống thứ hai của một quốc gia khác đứng trước vành móng ngựa tại một tòa án Mỹ. Trước ông ta, tháng 4-1992, Tổng thống Panama là ông Manuel Noriega cũng đã bị tòa án Mỹ kết án 30 năm tù với các cáo buộc tội phạm chiến tranh, buôn bán ma túy, gian lận và rửa tiền.

Sau 17 năm thụ hình, Manuel Noriega được ân xá nhưng ông ta lại bị dẫn độ sang Pháp để ra tòa về tội rửa tiền với án phạt 7 năm tù giam Ngày 23-9-2011, sau khi được Pháp ân xá, ông ta tiếp tục bị dẫn độ về Panama để xét xử tội ác chiến tranh. Hiện Manuel Noriega vẫn nằm trong nhà tù El Renacer, ngay bên cạnh kênh đào Panama.

Với Hernandez, qua những tội danh mà Tòa liên bang Mỹ cáo buộc, ông ta sẽ phải đối mặt với án tù chung thân. Mike Vigil, đặc vụ DEA, người đã nhiều năm theo dõi các đường dây đưa cocain từ Honduras vào Mỹ nói: “Vụ dẫn độ Hernandez là vụ án ma túy lớn nhất trong lịch sử tư pháp Mỹ. Việc ông ta bị bắt rồi ra tòa có khả năng tạo thành làn sóng chấn động khắp khu vực, là lời cảnh báo cho các quan chức có liên quan đến ma túy, hối lộ và buôn người...”.

Vũ Cao (Theo Latin America Today)
.
.