Haiti thêm rối ren khi Thủ tướng trở thành mục tiêu ám sát

Thứ Năm, 06/01/2022, 10:20

"Một nỗ lực đã được thực hiện nhằm chống lại cá nhân tôi. Cuộc sống của tôi đang bị đặt vào cửa tử", Thủ tướng Haiti Ariel Henry, người trên thực tế đang điều hành đất nước kể từ vụ ám sát Tổng thống Jovenel Moise hồi tháng 7 năm ngoái nói.

Vụ tấn công bất thành

Hãng tin Reuters ngày 3-1 cho hay, ít nhất 1 người đã thiệt mạng và một số người khác bị thương ở thành phố Gonaives của Haiti, trong một cuộc tấn công của băng nhóm vũ trang chống lại Thủ tướng Ariel Henry và đoàn tùy tùng của ông khi họ đang rời một nhà thờ sau thánh lễ kỷ niệm 218 năm Ngày Độc lập. Vụ tấn công khiến Thủ tướng Henry phải hủy bỏ lịch trình và không thể tham gia các sự kiện đã lên kế hoạch tại thành phố Gonaives.

Haiti thêm rối ren khi Thủ tướng trở thành mục tiêu ám sát -0
Thủ tướng Haiti Ariel Henry vừa bị ám sát hụt hồi cuối tuần trước. Ảnh: Getty

Trước khi buổi lễ được tổ chức, các nhóm vũ trang địa phương đã cảnh báo và đe dọa Thủ tướng Ariel Henry không được đến thành phố. Trong cuộc trả lời phỏng vấn sau đó, Thủ tướng Haiti cũng thừa nhận ông là mục tiêu chính của vụ ám sát. "Tôi biết mình đã mạo hiểm nhưng chúng ta không thể để những tên cướp giành được lợi thế ở bất kỳ hoàn cảnh nào", Thủ tướng Haiti nói với AFP trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại. Ông Ariel Henry cũng giải thích lý do rằng ông bất chấp lời đe dọa của các nhóm vũ trang, tới thành phố Gonaives tổ chức lễ kỷ niệm để thể hiện quan điểm cứng rắn và vai trò của chính phủ trong việc điều hành đất nước.

Cuộc chiến với các băng nhóm vũ trang

Haiti đang trải qua một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng ở mọi lĩnh vực. Một trong những khó khăn nhất phải vượt qua là hoạt động của các băng nhóm có vũ trang kiểm soát một phần Port-au-Prince và các khu vực khác. Tình hình ở quốc gia nghèo nhất Bắc bán cầu càng trở nên tồi tệ hơn sau vụ ám sát Tổng thống Jovenel Moise hôm 7-7-2021.

Sự gia tăng phạm vi hoạt động của các băng nhóm tội phạm trên khắp đất nước đang làm xói mòn hy vọng cải thiện điều kiện sống cho những người dân Haiti bình thường. Thống kê từ Trung tâm Phân tích và nghiên cứu nhân quyền, một tổ chức có trụ sở tại Port-au-Prince, cho thấy, ít nhất 950 vụ bắt cóc đã được ghi nhận ở Haiti vào năm 2021. Tháng 10 năm ngoái, 17 người Bắc Mỹ có liên hệ với một nhóm viện trợ Cơ Đốc giáo đã bị bắt cóc sau khi đến thăm một trại trẻ mồ côi gần thủ đô trong khu vực được gọi là “400 Mawozo”, tức thuộc sự kiểm soát của một trong những băng nhóm quyền lực nhất Haiti. Những con tin cuối cùng đã được thả hồi tháng 11. Tháng 4-2021, 10 người, trong đó có 2 giáo sĩ người Pháp, đã bị bắt cóc và giam giữ trong 20 ngày bởi “400 Mawozo” ở cùng khu vực.

Những câu hỏi còn bỏ ngỏ

Các nhà quan sát bình luận rằng, tình hình ở Haiti hiện càng trở nên tồi tệ không chỉ bởi sự can thiệp ngày càng sâu của các băng nhóm vũ trang mà còn bởi sự chia rẽ ngay trong nội bộ chính quyền. Từ cách đây 3 tháng, Chính phủ Haiti đã có nhiều tranh cãi, lục đục với các cáo buộc cho rằng Thủ tướng Arriel Henry đứng đằng sau vụ ám sát Tổng thống Jovenel Moise. Thủ tướng Haiti không đưa ra bình luận ngay cả khi các nhà điều tra vụ ám sát muốn hỏi ông về các cuộc trò chuyện điện thoại với một trong những nghi phạm chính. Cùng lúc đó, trong một cuộc phỏng vấn với New York Times, phu nhân của Tổng thống Jovenel Moise cho biết bà nghi ngờ những "đầu sỏ" giàu có phải chịu trách nhiệm cho một tội ác đã làm rung chuyển quốc gia nghèo khó đang phải vật lộn với một loạt cuộc khủng hoảng kinh tế, chính trị, nhân đạo và an ninh.

Ông Ariel Henry năm nay 71 tuổi, là bác sĩ giải phẫu thần kinh, đã trở thành nhà lãnh đạo đất nước Haiti (Thủ tướng và quyền Tổng thống) 2 tuần sau khi ông Jovenel Moise bị ám sát.

Ông Ariel Henry tham gia chính trường với tư cách là một nhà lãnh đạo của phong trào Hội tụ Dân chủ tìm cách lật đổ Tổng thống Jean-Bertrand Aristide - người bị buộc tội gian lận cuộc bầu cử Quốc hội Haiti năm 2000. Ông và Micha Gaillard đã lãnh đạo phe đối lập chống lại tổng thống tại các diễn đàn quốc tế. Sau cuộc đảo chính Haiti năm 2004, Ariel Henry đã kêu gọi một chính phủ chuyển tiếp dựa trên sự đồng thuận và các cuộc bầu cử mới.

Sau đó, ông trở thành một phần của "Hội đồng các nhà hiền triết", bao gồm 7 thành viên. Hội đồng này được Mỹ hậu thuẫn và bầu ra các thành viên của chính phủ chuyển tiếp. Khi đó, ông Ariel Henry đã ủng hộ René Préval làm Tổng thống và được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Y tế vào tháng 6-2006. Năm 2015, ông Ariel Henry được Tổng thống Michel Martelly chọn làm Bộ trưởng Nội vụ và Lãnh thổ, sau khi ông đạt được thỏa thuận với các đảng đối lập. Ngày 5-7-2021, ông được Tổng thống Jovenel Moise chọn làm thủ tướng tiếp theo của Haiti nhưng 2 ngày sau thì ông Moise bị ám sát khiến việc chuyển giao quyền lực bị đình trệ.

Vào thời điểm đó, Thủ tướng đương nhiệm Claude Joseph nắm quyền kiểm soát chính phủ, với sự hậu thuẫn của quân đội và được Mỹ thừa nhận là thủ tướng hợp pháp. Ngày 17-7-2021, một nhóm nhà ngoại giao nổi tiếng đến Haiti được gọi là "Nhóm nòng cốt", bao gồm các đại sứ tại Haiti đến từ Brazil, Liên minh châu Âu, Pháp, Đức, Tây Ban Nha và Mỹ, ngoài ra còn có các đại diện đến Haiti từ Tổ chức người Mỹ. Các tiểu bang và Liên Hiệp Quốc, đã kêu gọi Ariel Henry đảm nhiệm vai trò người đứng đầu chính phủ. 2 ngày sau, Claude Joseph thông báo rằng ông sẽ từ chức thủ tướng để ủng hộ Ariel Henry.

Trong lễ tuyên thệ nhậm chức thủ tướng ngày 20-7-2021, ông Ariel Henry đã kêu gọi sự thống nhất và tuyên bố ưu tiên khôi phục trật tự và an ninh trong nước. Nhưng, 2 tháng sau, rắc rối tiếp tục bủa vây tân thủ tướng. Từ tháng 10, Thủ tướng Ariel Henry đã bãi nhiệm tất cả các thành viên của Hội đồng Bầu cử lâm thời, tuyên bố dự định tổ chức cuộc trưng cầu dân ý về hiến pháp vào tháng 2 và tổ chức bầu cử trong quý 1 năm 2022.

Chi Anh
.
.