Ngã ba đường của ông Duterte

Thứ Hai, 09/05/2022, 18:24

Di sản chính sách đối ngoại với Bắc Kinh của nhà lãnh đạo Philippines, ông Rodrigo Duterte, đột nhiên bị rơi vào tầm ngắm của truyền thông và các nhà chính trị khi các khoản đầu tư mà Trung Quốc đã hứa hẹn mang lại cho nước này để đổi lấy các khoản nhượng bộ ở Biển Đông không được thực hiện.

Và, câu chuyện lại càng được nhắc đến nhiều khi các ứng cử viên đang rục rịch chuẩn bị cho các cuộc vận động.

Còn nhớ, ông Duterte đã từng thu hút cử tri bằng hành vi bất thường và gây sốc đặc trưng của mình, khi nói đùa rằng "sẽ lái moto nước gắn quốc kỳ Philippines tới bãi cạn Scarborough, ẩn ý thách thức việc Trung Quốc chiếm đóng các bãi đá mà Philippines tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông. Sau khi đắc cử vào năm 2016, vị tổng thống  theo chủ nghĩa dân túy này đã tích cực tranh thủ sự ủng hộ của Trung Quốc như một đối tác giúp Philippines  phát triển  và thậm chí còn đi xa tới mức "gạt sang một bên" chiến thắng lịch sử của nước này trước Trung Quốc trong vụ kiện liên quan đến Biển Đông tại Tòa Trọng tài. Ông Duterte đã trở thành Tổng thống Philippines đầu tiên chọn Bắc Kinh là điểm công du nước ngoài đầu tiên của mình, lựa chọn khác biệt với trước đây (thông thường là Washington hay Tokyo).

Ngã ba đường của ông Duterte -0
Lực lượng Mỹ và Philippines chụp ảnh chung tại cuộc tập trận Balikantan trong khuôn khổ VFA

Trong chuyến thăm tháng 10-2016 của ông Duterte, Trung Quốc đã đề xuất cung cấp cho Philippines khoản đầu tư 24 tỷ USD, bao gồm các dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn trong khuôn khổ Sáng kiến "Vành đai và Con đường" (BRI). Ngay sau đó, hai bên thậm chí đã thảo luận về các cuộc tuần tra chung ở bãi cạn Scarborough đang bị tranh chấp gay gắt, cũng như các kế hoạch bảo tồn hệ sinh thái chung tiềm năng trong khu vực có nguồn thủy sản dồi dào.

Tuy nhiên, khi ông Duterte bước vào những tháng cuối cùng của nhiệm kỳ, hai nước đã không thể thông qua được dù chỉ một dự án cơ sở hạ tầng đắt đỏ. Philippines và Trung Quốc cũng không ký kết bất kỳ thỏa thuận hợp tác nào về lãnh hải tranh chấp hoặc một thỏa thuận quốc phòng quy mô lớn. Nếu có, thì các tranh chấp ở Biển Đông cũng đã tiến triển tới mức khó có thể giải quyết, với việc Trung Quốc hiện đã quân sự hóa toàn bộ các cấu trúc địa hình mà Philippines tuyên bố chủ quyền trong khu vực.

Những năm gần đây cũng chứng kiến sự gia tăng căng thẳng trên biển, bao gồm sự cố bãi Cỏ Rong (năm 2019), khi đó lực lượng dân quân biển Trung Quốc bị nghi đánh chìm một tàu cá Philippines và sự cố đá Ba Đầu (năm 2021), khi lực lượng bán quân sự Trung Quốc bao vây khu vực mà Philippines tuyên bố chủ quyền ở Trường Sa. Gần đây nhất, cảnh sát biển Philippines cũng tiết lộ các lực lượng Trung Quốc liên tục có hành vi quấy rối, như tại bãi cạn Scarborough, ít nhất đã 4 lần tàu Philippines chạm trán cự ly gần với tàu Trung Quốc. Philippines đã chính thức phản đối hành vi quấy rối của Trung Quốc đối với các cuộc tuần tra của lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines trong bối cảnh tình cảm chống Bắc Kinh ở nước này đang gia tăng.

Chỉ có điều, sự tranh thủ chiến lược của ông Duterte đối với Trung Quốc đến nay được đánh giá là không những không tạo ra được bước đột phá lớn nào mà thậm chí còn có thể khuyến khích cường quốc châu Á này áp đặt các yêu sách của mình khắp các lãnh hải của Philippines. Thay vì ngoại giao "bẫy nợ", ông Duterte, một "tân binh" trong lĩnh vực địa chính trị, đã rơi vào "bẫy cam kết" của Trung Quốc khi đưa ra các nhượng bộ chiến lược trong tương lai để đổi lấy các cam kết đầu tư mà đa phần cho đến nay thấy là... viển vông!

Để làm hài lòng Bắc Kinh, chính quyền ông Duterte thậm chí còn đình chỉ các cuộc tập trận và tham gia quy mô lớn kết hợp với Mỹ về quân sự, bác bỏ kế hoạch tuần tra chung Philippines - Mỹ ở Biển Đông, ngăn cản việc thực thi đầy đủ Thỏa thuận Hợp tác quốc phòng tăng cường (EDCA), thậm chí còn đe dọa chấm dứt liên minh Mỹ - Philippines đã kéo dài cả thế kỷ. Giữa lúc xuất hiện những bất đồng về các vấn đề nhân quyền, ông Duterte thậm chí đã đi xa tới mức đơn phương hủy bỏ, ít nhất là tạm thời, thỏa thuận các Lực lượng viếng thăm Philippines - Mỹ (VFA) vào năm 2020. Về phần mình, Trung Quốc đã đề xuất các thỏa thuận về cùng phát triển với Philippines ở Biển Đông, đồng thời tiếp tục quân sự hóa các cấu trúc địa hình có tranh chấp ở đây, tiến hành các cuộc tập trận hải quân quy mô lớn trong khu vực và triển khai một lực lượng lính bán quân sự và hải cảnh với quy mô lớn nhất từ trước tới nay để đe dọa các tàu, trong đó có cả tàu của Philippines, trong khu vực.

Tuy nhiên, càng ngày người ta càng thấy những hứa hẹn đầu tư quy mô lớn của Trung Quốc đa phần là viển vông. Các nhà quản lý kinh tế và các nhà kỹ trị hàng đầu đã công khai phàn nàn về sự chậm trễ trong các dự án của Trung Quốc, trong khi nước này tiếp tục hối thúc Philippines đưa ra nhiều nhượng bộ hơn, bao gồm cả một thỏa thuận về cùng phát triển được đề xuất trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Philippines. Và, trong khi các nhà ngoại giao cấp cao của Philippines phản đối mọi thỏa thuận chia sẻ tài nguyên với Trung Quốc, mà có thể vi phạm Hiến pháp Philippines cũng như phán quyết của Tòa Trọng tài năm 2016, thì quân đội Philippines do Mỹ huấn luyện đồng thời cũng né tránh mọi thỏa thuận quốc phòng lớn với cường quốc châu Á.

Ngay sau đó, Bắc Kinh bắt đầu chỉ trích việc chính quyền ông Duterte không cấm các sòng bạc trực tuyến khét tiếng của Trung Quốc, vốn bị cáo buộc là nơi ẩn chứa nhiều hoạt động tội phạm và do đó, đã bị cấm hoạt động ở Trung Quốc đại lục. Căng thẳng giữa hai bên đã lên cao độ mới khi một tàu dân quân Trung Quốc bị nghi ngờ đâm vào một tàu đánh cá Philippines ở bãi Cỏ Rong, một khu vực giàu tài nguyên mà Bắc Kinh yêu sách. Trong khi đó, nhận thức được Philippines dễ bị tổn thương và mong muốn nước này bớt nghi ngờ về độ tin cậy của Mỹ, cả chính quyền ông Trump trước đây và chính quyền ông Biden hiện nay đã nâng cao quan điểm bằng cách công khai làm rõ rằng Hiệp ước phòng thủ chung Philippines - Mỹ có thể được khởi động để chống lại bất cứ bên thứ ba thù địch nào.

Huy Thông (Tổng hợp)
.
.