Nga - Phương Tây cùng tìm gỡ nút thắt

Thứ Hai, 10/01/2022, 07:20

Quan hệ Nga - Phương Tây trong những năm gần đây luôn trong tình trạng căng thẳng ở nhiều khía cạnh, nhất là việc NATO mở rộng tới cửa ngõ nước Nga. Vấn đề Ukraine đang một lần nữa khiến quan hệ hai bên rơi vào vực sâu từ những tháng cuối năm 2021 và dự báo sẽ còn kéo dài trong năm 2022.

Bằng một loạt hành động bạo lực và bất hợp pháp - ném bom Nam Tư, xâm lược Afghanistan, Iraq, bắn phá lãnh thổ Pakistan - và bằng cách đối xử khinh thường với Nga, Washington, chìm trong niềm kiêu hãnh "siêu cường duy nhất trên thế giới", đã đánh thức nước Nga và đưa nước này thoát khỏi thời gian “chịu đựng”. Tại hội nghị an ninh Munich năm 2007, ông Putin nói rằng hành vi của Mỹ đang phá hoại các mối quan hệ hòa bình dựa trên luật pháp quốc tế.

Ông nói rằng sự thống trị độc quyền của Washington trong các mối quan hệ thế giới không còn chỗ cho lợi ích và mối quan tâm của các nước khác, đồng thời ông chỉ trích việc Washington sử dụng vũ lực một cách thiếu kiềm chế trong quan hệ quốc tế. Khi ấy, Washington và những đồng minh đã rất ngạc nhiên vì Tổng thống Vladimir Putin can đảm đứng lên thách thức trật tự thế giới do Mỹ dẫn đầu. Mỹ và các đồng minh đã kinh ngạc một lần nữa vào năm 2015, khi ông Vladimir Putin ngăn chặn cuộc xâm lược của chính quyền Obama vào Syria và cùng với quân đội Syria, đánh bại những người lính đánh thuê mà Washington cử đến để lật đổ Tổng thống Al-Assad.

Nga-phương Tây  cùng tìm gỡ nút thắt -0
Phái đoàn Mỹ, Nga sẽ họp vào ngày 10-1-2022 với căng thẳng Ukraine là chủ đề chính

Đối mặt với việc Washington phá vỡ các thỏa thuận kiểm soát vũ khí đã ký kết trong nhiều thập kỷ, vào năm 2018, ông Vladimir Putin bất ngờ công bố về các hệ thống vũ khí mới, chẳng hạn như tên lửa hạt nhân siêu thanh và tên lửa xuyên lục địa, khiến các chuyên gia độc lập nhận ra rằng Mỹ đã đột ngột tụt xuống hạng hai về công nghệ vũ khí. “Không ai lắng nghe chúng tôi. Bây giờ bạn sẽ phải lắng nghe chúng tôi", ông Putin khi ấy nói. Nhưng, Washington vẫn quá tự tin về sự toàn năng của mình. Washington thậm chí cho rằng có thể đưa Ukraine và Gruzia vào NATO. Phản ứng của Điện Kremlin trước sự kiêu căng của Washington: "Hãy ra khỏi cửa nhà chúng tôi, nếu không chúng tôi sẽ đuổi bạn ra ngoài". Đó là một yêu cầu không thể thương lượng.

Trước sự tung hô của các phương tiện truyền thông Mỹ, vốn chỉ phục vụ cho các nhóm lợi ích đang kiểm soát nước Mỹ, bản thân người dân Mỹ không biết rằng chính phủ của họ đang gây ra một tình huống, trong đó Nga cảnh báo Washington rằng: "Hãy di dời các căn cứ của bạn và các cuộc tập trận quân sự của bạn ra khỏi biên giới chúng tôi hoặc bạn sẽ phải gánh chịu hậu quả".

Năm 2022 đang mở ra với 2 cuộc khủng hoảng chưa từng có. Đầu tiên là nỗ lực của các chính phủ phương Tây sử dụng COVID-19 để biến các nền dân chủ đang sụp đổ thành các quốc gia chư hầu. Thứ hai là viễn cảnh của một thế giới bị hủy diệt, do thiếu các nhà lãnh đạo thông minh và có trách nhiệm trên khắp thế giới phương Tây. Giới thống trị phương Tây phục vụ cho các nhóm lợi ích. Tình hình cực kỳ nghiêm trọng khi Nga phải đối mặt với một quốc gia thù địch mà các nhà lãnh đạo của quốc gia này bị ngắt kết nối với thực tế.

Ông Biden chỉ hiện diện một phần thời gian trong cuộc khủng hoảng Nga-Mỹ với tư cách là cố vấn cho những nhân vật bảo thủ trong Trung tâm An ninh Mỹ mới, được tài trợ bởi tổ hợp an ninh-quân sự Mỹ và các công ty dầu mỏ vốn ghét Nga. Quan chức Bộ Ngoại giao, người giám sát việc lật đổ chính phủ được bầu ở Ukraine, hiện là Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ. Những người xúi giục chính quyền ông Clinton ném bom Nam Tư vào những năm 1990 và tất cả các cuộc chiến tranh bất hợp pháp của Washington trong thế kỷ 21 hiện đều là một phần của chính quyền Tổng thống Biden bây giờ.

Về phần mình, các thượng nghị sĩ của cả hai đảng ở Mỹ yêu cầu ông Biden “đối cứng” với Tổng thống Putin. Chủ tịch Ủy ban Quốc gia đảng Cộng hòa Ronna McDaniel đã chỉ trích ông Biden chấp nhận cuộc điện thoại của Tổng thống Putin tuần trước. Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Roger Wicker, thành viên của Ủy ban Vũ trang Thượng viện, đã kêu gọi "hủy diệt" khả năng quân sự của Nga ở Biển Đen và từ chối loại trừ một cuộc tấn công hạt nhân phủ đầu vào Nga. Michael McFaul, người mà ông Obama cử đi làm Đại sứ Mỹ tại Nga, đã gọi việc Tổng thống Vladimir Putin yêu cầu Mỹ tôn trọng an ninh của Nga là "sự hoang tưởng".

Những đảng viên Dân chủ và Cộng hòa không ai kêu gọi chính quyền "dừng lại". Làm thế nào để chính quyền Biden nhận ra rằng Điện Kremlin đã chịu đựng hết nổi? Người dân Mỹ thậm chí không nhận thức được rằng Washington đã tạo ra một cuộc khủng hoảng.

Chính phủ Nga đã đi đến kết luận rằng nhiều năm họ chấp nhận các hành động khiêu khích và lăng mạ, thay vào đó dựa vào các nỗ lực ngoại giao để đạt được một thỏa thuận hòa bình và hợp lý, đã không có kết quả. Như ông Vladimir Putin đã nói, "Chúng tôi đã ủng hộ và cổ vũ cho hòa bình nhưng bây giờ họ đang ở ngay trước cửa của chúng tôi và chúng tôi không có nơi nào để lui".

Cuộc khủng hoảng quan hệ châu Âu-Mỹ đang mở ra một chân trời mới cho Nga. Ngày 5-1-2022, Pháp đã kêu gọi các nước châu Âu phối hợp chặt chẽ trong các cuộc đàm phán sắp tới với Nga về cấu trúc an ninh ở châu Âu. Sau các cuộc điện đàm với nhiều đồng nhiệm các nước thành viên Liên minh châu Âu, Ngoại trưởng Jean-Yves Le Drian của Pháp, nước đảm trách chủ tịch luân phiên của EU trong 6 tháng đầu năm 2022, nhấn mạnh, các thành viên EU “phải có trách nhiệm đóng góp và tham gia tích cực, thông qua các đề xuất cụ thể”,  cũng như phối hợp chặt chẽ trong các cuộc thảo luận được dự trù với Moscow.

Thứ hai tới, khi Nga và Mỹ sẽ gặp nhau tại Geneva, các ngoại trưởng và bộ trưởng quốc phòng của EU sẽ họp tại Bruxelles để thống nhất quan điểm của EU trong hồ sơ Ukraine và về các mối đe dọa đang đè nặng lên cấu trúc an ninh ở châu Âu. Bởi vì mục tiêu là để tránh một cuộc gặp riêng giữa Moscow và Washington mà châu Âu và Ukraine có thể sẽ bị gạt sang một bên.

Mộc Thạch  (Tổng hợp)
.
.