Những thách thức đang chờ ông Yoon Suk-yeol

Thứ Tư, 30/03/2022, 13:50

Thách thức trực tiếp đối với tổng thống mới đắc cử Yoon Suk-yeol xuất phát từ yêu cầu giải quyết những vấn đề lớn còn tồn đọng dưới thời chính quyền Tổng thống Moon Jae-in và những cam kết tranh cử tham vọng.

Nhiệm kỳ kéo dài 5 năm của tân Tổng thống Yoon Suk-yeol, 61 tuổi, sẽ bắt đầu vào tháng 5. Ông dự kiến đặt ưu tiên hàng đầu vào việc tạo việc làm và nới lỏng các quy định để hỗ trợ phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19.

Cú huých cho lĩnh vực tư nhân

Các nhà phân tích cho biết, định hướng chính sách của Tổng thống đắc cử Yoon Suk-yeol rất rõ ràng. Ông nhấn mạnh đến vấn đề thúc đẩy “tăng trưởng cho khu vực tư nhân” để phục hồi nền kinh tế, trái ngược với sáng kiến “tăng trưởng dựa trên thu nhập” của Tổng thống Moon Jae-in vốn tập trung can thiệp tích cực của chính phủ trong việc phân phối của cải.

Những thách thức đang chờ ông Yoon Suk-yeol -0
Tổng thống đắc cử Hàn Quốc muốn tập trung phát triển khu vực tư nhân để tạo động lực cho nền kinh tế

Ông Yoon cũng đặt ra mục tiêu giảm thuế thu nhập và loại bỏ thuế nắm giữ bất động sản toàn diện. Tất cả các loại thuế này đều được xem là nguyên nhân khiến giá nhà đất tăng vọt ở Hàn Quốc thời gian qua.

Bên cạnh những khác biệt, ông Yoon đồng quan điểm với chính quyền Tổng thống Moon về vấn đề tạo việc làm và tăng phúc lợi, lưu ý rằng chu kỳ tăng trưởng, phúc lợi và việc làm là rất quan trọng để cải thiện tốc độ tăng trưởng tiềm năng của Hàn Quốc từ mức 2% hiện nay lên 4%. Ngoài ra, để giúp các doanh nghiệp nhỏ bị ảnh hưởng do đại dịch COVID-19, ông Yoon có kế hoạch chi 50.000 tỷ won (40,6 tỷ USD), ngoài khoản ngân sách 16.900 tỷ won đã được Quốc hội Hàn Quốc thông qua vào tháng 2 vừa qua theo đề xuất của chính phủ tiền nhiệm.

Khó khăn trước mắt

Thách thức đầu tiên sẽ là ổn định giá bất động sản. Tại Seoul và nhiều khu vực thành thị khác, giá trung bình của một căn hộ đã tăng gấp đôi kể từ năm 2017 lên mức 1,26 tỷ won (1,05 triệu USD) vào tháng 1-2022. Theo tiến sĩ Ji Yeol Jimmy Oh, phó giáo sư chuyên ngành tài chính, Đại học Hanyang (Hàn Quốc), bất động sản là một vấn đề lớn ở Hàn Quốc, nguyên nhân chính là do phần lớn tài sản hộ gia đình gắn liền với bất động sản. Cụ thể, 62% tài sản ròng của hộ gia đình là bất động sản.

Bài học lịch sử cho thấy rất khó để tăng nguồn cung nhà ở trong một thời gian ngắn. Tổng thống Roh Moo-hyun đã thúc đẩy dự án xây dựng 680.000 ngôi nhà vào những năm 2000. Tuy nhiên, dự án này cho đến nay vẫn chưa thành hiện thực. Chính quyền ông Moon Jae-in cũng không đạt được thành công trong việc kiểm soát giá nhà đất.

Vấn đề thứ hai là nợ hộ gia đình và nợ công tăng cao. Tính đến tháng 9-2021, tỷ lệ nợ hộ gia đình của Hàn Quốc ở mức 105,8% GDP, thuộc hàng cao nhất nhì thế giới và gần gấp đôi mức trung bình trong Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20). Cả Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đều đưa ra dự báo rằng trong vòng 5-10 năm tới, Hàn Quốc sẽ là một trong những quốc gia có mức vay nợ tài khóa gia tăng mạnh nhất.

Vấn đề thứ ba là thiếu việc làm. Dữ liệu của Chính phủ Hàn Quốc cho thấy kể từ năm 2017, trung bình mỗi năm Hàn Quốc tạo ra khoảng 173.000 việc làm mới, không thấm vào đâu so với cam kết của Tổng thống Moon Jae-in là trên 500.000 việc làm mỗi năm. Dữ liệu từ Liên đoàn Các ngành công nghiệp Hàn Quốc cho thấy cùng quãng thời gian này, các nhà sản xuất cũng đã chuyển 180.000 việc làm sang nước ngoài.

Hàn Quốc đang phải đối mặt với quá trình già hóa dân số, kéo theo gánh nặng nợ công, chi phí chăm sóc sức khỏe, an sinh xã hội và trên hết là áp lực quỹ lương hưu. Đây là hệ lụy của những vấn đề kinh tế - xã hội như tỷ lệ sinh thấp, già hóa dân số và tăng trưởng thấp.

Vấn đề nhạy cảm nhất là cách thức đối phó và xử lý đại dịch COVID-19. Hàn Quốc đang ghi nhận số ca nhiễm mới tăng mạnh chưa từng có. Tân Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol sẽ đối diện với áp lực trực tiếp trước mắt là sẽ dẫn dắt đưa ra các quyết sách nhằm ứng phó hiệu quả trong thời kỳ hậu đại dịch COVID-19, cùng những biện pháp vượt qua khủng hoảng kinh tế và khai thác các động lực phát triển mới để đưa đất nước tiếp tục giữ động lực tăng trưởng.

Kỳ vọng từ giới doanh nghiệp

Ngay sau chiến thắng của ông Yoon Suk-yeol, giới doanh nghiệp Hàn Quốc tỏ ra hào hứng trước các cam kết chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, phát triển ngành công nghiệp chất bán dẫn và thiết lập mô hình tăng trưởng mới.

Tuy nhiên, giới doanh nghiệp cũng không tránh khỏi lo ngại trước thực tế là đảng Dân chủ cầm quyền (DP) kiểm soát đa số ghế trong Quốc hội có thể cản trở những cam kết của tân tổng thống. Giới doanh nghiệp Hàn Quốc nhận định việc đạt được sự đồng thuận của Quốc hội là vấn đề mấu chốt đối với tân Tổng thống Hàn Quốc. Do nhiệm kỳ của Quốc hội khóa 21 sẽ kéo dài đến ngày 29-5-2024, Tổng thống đắc cử Yoon Suk-yeol sẽ gặp nhiều khó khăn, ít nhất là trong 2 năm đầu tiên của nhiệm kỳ Quốc hội hiện nay.

Truyền thông Hàn Quốc cũng bày tỏ lo ngại rằng có tiền lệ là các chính phủ đều cam kết sẽ dỡ bỏ các quy định nhưng thực tế lại làm ngược lại trong thời gian cầm quyền, với các quy định ngày càng nhiều thêm. Ngoài ra, ông Yoon Suk-yeol cũng đưa ra nhiều cam kết cơ sở hạn tầng bị cho là thiếu khả thi như xây dựng tuyến cao tốc Gyeongin, hệ thống đường sắt nối Busan, Ulsan và tỉnh Nam Gyeongsang và di dời tuyến Gyeongbu xuống lòng đất... Ngân sách đầu tư cơ sở hạ tầng của Chính phủ Hàn Quốc đã tăng lên 28.000 tỷ won trong năm 2022, tăng 5,7% so với năm 2021, sẽ tiếp tục tăng lên vượt 30.000 tỷ won vào năm 2025. Theo đó, ông Yoon Suk-yeol nhiều khả năng không thể thực hiện được cam kết. 

Các thống kê cho thấy, cựu Tổng thống Park Geun-hye giữ được 41% cam kết tranh cử, Tổng thống Moon Jae-in chỉ giữ được 18,3% cam kết và hiện chưa rõ con số này của tân Tổng thống Yoon Suk-yeol sẽ là bao nhiêu.

Hạnh Vân (tổng hợp)
.
.