Ông Macron phải thỏa thuận với phe đối lập

Thứ Hai, 27/06/2022, 14:41

Mất 44 ghế trong cuộc bầu cử ngày 19-6 vừa qua đã khiến cho Liên minh trung hữu của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron mất quyền kiểm soát Quốc hội (Assemblée Nationale). Vì vậy, ông Macron đang có những cuộc đối thoại với lãnh đạo các đảng phái đối lập, bao gồm cả đảng cực hữu Rassemblement Nationale của bà Marine Le Pen.

Tổng thống Macron được cho là đã từ chối lời đề nghị từ chức của Thủ tướng Elisabeth Borne vì tin rằng chính phủ của ông cần phải đi đúng hướng. Lãnh đạo cực tả Jean-Luc Mélenchon đã thẳng thắn đề nghị bà Borne yêu cầu một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm để quyết định bà có tiếp tục tại vị hay không. Tuy nhiên, sau cuộc gặp giữa bà Borne và các nghị sĩ thuộc đảng Renaissance của Tổng thống Macron, bà Borne nhận được sự ủng hộ rất cao.

Ông Macron phải thỏa thuận với phe đối lập -0
Tổng thống Emmanuel Macron và bà Marine Le Pen tại cuộc họp ngày 21-6.

Tổng thống Macron cần thu hút sự ủng hộ từ các nghị sĩ không phải là người ủng hộ đương nhiên để phá vỡ thế bế tắc có nguy cơ làm tê liệt Quốc hội. Vì vậy, ông bắt đầu tiến hành loạt đối thoại trực tiếp với các đảng phái đối lập đã vươn lên mạnh mẽ trong cuộc bầu cử vừa qua. Tổng thống Macron đã hủy cuộc họp sáng Thứ ba (21-6) như thường lệ của Hội đồng Bộ trưởng để tổ chức cuộc họp kín với những nhà lãnh đạo của các đảng đối lập chính và các đồng minh tiềm năng trong nghị viện. Các cuộc họp tiếp tục kéo dài sang ngày Thứ tư (22-6). Điện Elysée cho biết Tổng thống Macron sẽ tìm kiếm “các giải pháp khả dĩ mang tính xây dựng” để giải quyết tình trạng bế tắc.

Nhìn lại cục diện chính trị Pháp sau cuộc bầu cử vòng 2 ngày 19-6 để thấy rõ điều đó. Kết quả thăng tiến vượt bậc của Nupes và RN khiến cho liên minh của ông Macron chỉ giành được 245 ghế trong cuộc bỏ phiếu vòng 2 vào Chủ nhật (19-6), thiếu 44 ghế so với 289 ghế cần thiết để nắm đa số tuyệt đối. Nupes đã giành được 131 ghế, trong khi RN giành được 89 ghế, một sự gia tăng uy tín chưa từng có. Phe cánh hữu truyền thống Les Républicains (LR) đã hợp lực với Union des Démocrates et Indépendants (UDI), chỉ chiếm 61 ghế.

Chiều 20-6, Tổng thống Macron đã mời lãnh đạo các đảng phái lớn đến Điện Elysée để họp bàn giải pháp liên minh nhằm phá vỡ bế tắc trong Quốc hội sau bầu cử.

Người đầu tiên họp với Tổng thống Macron vào sáng Thứ ba (21-6) là Christian Jacob - Chủ tịch đảng Les Républicains (LR) cực hữu, đứng thứ tư trong cuộc bầu cử xét về số ghế giành được, sau liên minh cánh tả Nupes của ông Mélenchon và đảng Rassemblement Nationale (RN) cực hữu của bà Le Pen.

Trước đó, ông Jacob đã nói trên đài phát thanh Pháp rằng sự bế tắc của Quốc hội là chưa từng có. “Chúng tôi chưa bao giờ rơi vào tình huống như vậy. Trách nhiệm thuộc về Tổng thống Pháp. Ông ấy đã có một nhiệm kỳ 5 năm không ra gì” - ông Jacob nói.

Tổng thống Macron bị những người không ưa thích cáo buộc là đã cố tình làm suy yếu các đảng cánh tả và cánh hữu truyền thống của Pháp kể từ khi đảng trung dung La République En Marche (hiện đổi tên thành Renaissance) của ông lên nắm quyền vào năm 2017, cho phép cánh tả cực đoan và đảng cực hữu phát triển mạnh mẽ. Ông Jacob cáo buộc Tổng thống Macron đã “lợi dụng chủ nghĩa cực đoan” cho các mục đích riêng của mình. “Ông ấy đã đặt đất nước vào tình thế này”. Ông Jacob đã tuyên bố hôm 20-6 rằng ông sẽ không có bất cứ sự liên minh nào với chính phủ hoặc tổng thống.

Cuộc gặp thứ hai tại Điện Elysée vào hôm 21-6 là với Olivier Faure, người đứng đầu đảng Xã hội (PS), một trong 4 đảng - cùng với đảng Cộng sản (PC) và Greens (EELV) - trong liên minh của ông Mélenchon. Ông Faure nói với các nhà báo trước cuộc họp: “Emmanuel Macron đã được bầu lại một cách hợp pháp nhưng ông ấy không được giao nhiệm vụ rõ ràng. Trước đó, ông Faure nói với đài FranceInfo rằng ông sẽ nói với tổng thống rằng “đất nước không ổn, nhưng nó không bế tắc và có những chính sách khả thi”. Ông kêu gọi tăng cường chi tiêu và lương hưu, đồng thời tăng lương tối thiểu và nói rằng phong cách chính phủ một người “giống như sao Mộc” của ông Macron cần phải chấm dứt.

Người thứ ba Tổng thống Macron gặp là bà Le Pen (cuộc họp diễn ra lúc 5h30 chiều 21-6). Không rõ liệu ông có gặp ông Mélenchon, người đứng đầu tổ chức cánh tả cực đoan La France Insoumise (LFI) hay không, bởi ông Mélenchon đã không ra ứng cử trong cuộc bầu cử vừa qua. Phiên họp đầu tiên của Quốc hội mới sẽ diễn ra vào Thứ ba tuần tới, ngày 28-6.

Tình hình chính trị nước Pháp sau cuộc bầu cử vòng 2 hôm 19-6 đang có những chuyển động mạnh mẽ từ phía các đảng phái đối lập. Hôm 21-6, lãnh đạo các đảng trong liên minh Nupes gồm PS, PC và EELV đã bác bỏ lời kêu gọi của ông Mélenchon thành lập một khối Nupes trong Quốc hội. Họ nói rằng họ muốn duy trì vị thế độc lập của từng đảng, không muốn “bị người khác dẫn dắt”. Sự bất đồng quan điểm này đã dẫn đến việc liên minh Nupes đã không tiếp tục tồn tại như trong giai đoạn bầu cử. Giới phân tích chính trị cho rằng, ông Mélenchon đã mắc sai lầm chiến thuật vì đã không tham khảo ý kiến các đồng minh Nupes trước khi tuyên bố ý tưởng liên minh trên báo chí.

Giới phân tích cũng cho rằng hiện chưa biết việc liên minh Nupes tan rã sẽ có lợi hay bất lợi cho Tổng thống Macron.

Antoine Léaument, thuộc đảng LFI, người được bầu vào Quốc hội trong danh sách liên minh Nupes, nói rằng điều quan trọng là phải đoàn kết để xóa tan ý tưởng rằng tổ chức Rassemblement National (RN) cực hữu của bà Le Pen đang là đảng đối lập chính.

Chỉ 2 tháng sau khi bầu lại ông cho nhiệm kỳ thứ hai tại Điện Elysée, cử tri Pháp đã quay lưng với liên minh Ensemble của Tổng thống Macron do sự vươn lên mạnh mẽ của các đảng phái cực tả và cực hữu. Chương trình nghị sự của ông sẽ bị dừng lại trừ khi ông có thể xây dựng được các liên minh mới trung hữu hoặc trung tả.

Trương Hùng (Tổng hợp)
.
.