Philippines: Thách thức đối ngoại của ông Marcos Jr.

Thứ Hai, 13/06/2022, 18:34

Chính sách đối ngoại là một trong những vấn đề gây tranh cãi gay gắt nhất trong cuộc bầu cử quốc gia Philippines năm 2022. Ferdinand Marcos Jr., người giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Philippines hôm 11-5, đã nói rằng ông sẽ loại bỏ mô hình địa chính trị Chiến tranh Lạnh nhằm hình thành phạm vi ảnh hưởng giữa các cường quốc đang cạnh tranh trong khu vực.

Trong khi một số người nghĩ rằng chính sách đối ngoại của Philippines dưới thời ông Marcos Jr. sẽ là sự tiếp nối của chính sách đối ngoại độc lập của tổng thống sắp mãn nhiệm Rodrigo Duterte, tuy nhiên, cũng không ít dấu hiệu cho thấy ông Marcos Jr. sẽ chủ trương nghiêng về phía thân Trung Quốc. Và, ông Marcos Jr. sẽ phải đối mặt với áp lực từ một bộ phận cử tri cực đoan về điều này. Những yếu tố nền tảng và những hứa hẹn trong chiến dịch tranh cử có thể sẽ được thử thách trong bối cảnh tình hình chính trị trong nước và quốc tế đang diễn biến phức tạp. Điển hình như trường hợp ông Duterte, người ban đầu ấp ủ tham vọng tách Philippines khỏi Washington bằng cách xích lại gần Bắc Kinh nhưng cuối cùng lại không đạt được điều đó do những nỗ lực của các thể chế quốc phòng và đối ngoại của Philippines.

Philippines: Thách thức đối ngoại của ông Marcos Jr. -0
Ông Ferdinand Marcos Jr. gặp gỡ người ủng hộ sau chiến thắng bầu cử.

Khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đang tách ra thành hai khối kinh tế - chính trị: Một bên là Mỹ cùng các đồng minh và đối tác cùng chí hướng, bên còn lại là Trung Quốc và các nước tiếp nhận nhiều đầu tư kinh tế của nước này. Philippines đang đứng giữa cuộc cạnh tranh Mỹ - Trung ở khu vực này. Xu hướng hiện nay cho thấy quân đội của các cường quốc, bao gồm cả Trung Quốc, đang trỗi dậy và có khả năng đạt được “độ chín” về năng lực vào năm 2030. Điều này chứng tỏ họ sẵn sàng tăng cường sử dụng các phương tiện quân sự thông thường để đạt được mục tiêu chính sách đối ngoại trong bối cảnh cán cân sức mạnh đang thay đổi. Manila có thể phải đứng trước lựa chọn khó khăn giữa Bắc Kinh hay Washington trong tương lai.

Trong ngắn hạn, ông Marcos Jr. có thể sẽ nhấn mạnh vào việc biến kế hoạch đã đưa ra trong chiến dịch tranh cử của mình thành chính sách thực tế. Trong chiến dịch tranh cử, ông Marcos Jr. lập luận mạnh mẽ rằng việc lợi dụng Mỹ để giải quyết tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc có thể là công thức dẫn đến một cuộc chiến toàn lực. Vì vậy, thay vào đó, Philippines cần ưu tiên can dự song phương với Trung Quốc. Ngoài ra, Philippines có thể sẽ hỗ trợ Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) như một kênh ngoại giao khác để can dự với Trung Quốc trong việc giải quyết tranh chấp.

Philippines cũng có thể hoan nghênh các khoản đầu tư của Trung Quốc để tạo việc làm và xây dựng cơ sở hạ tầng, đặc biệt là trong quá trình phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, mức độ đảm bảo các cam kết của Trung Quốc được đánh giá là không cao. Vì thế, nếu ông Marcos Jr. chỉ chấp nhận các khoản vay ưu đãi của Trung Quốc mà không xem xét các nguồn vay khác, thì ông có thể sẽ vấp phải phản ứng dữ dội trong nước, vốn sụt giảm nghiêm trọng lòng tin vào Trung Quốc.

Và, trong bối cảnh có nhiều khó khăn liên quan đến quan hệ hợp tác với Trung Quốc, liên minh an ninh với Mỹ sẽ vẫn có giá trị. Bỏ qua các câu chuyện quá khứ, Washington có khả năng sẽ áp dụng cách tiếp cận thực dụng đối với Manila. Điều này phù hợp với tuyên bố gần đây của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ, Ned Price, rằng Washington sẵn sàng làm việc với chính phủ tiếp theo ở Philippines, vì thấy rằng các cuộc bầu cử năm 2022 được tiến hành phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế và không có sự cố nghiêm trọng.

Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là ông Marcos Jr. có ủng hộ quyết định thể chế hóa Thỏa thuận tăng cường hợp tác quốc phòng (EDCA), cho phép các lực lượng Mỹ đóng quân ở quần đảo Philippines hay không. EDCA nếu có, sẽ đóng vai trò là trụ cột hậu cần - chiến thuật - tác chiến của liên minh an ninh trong trường hợp có sự xâm lược. Vẫn chưa chắc chắn liệu ông Marcos Jr. có ủng hộ hoàn toàn EDCA hay không nếu ông cho rằng thỏa thuận này là công cụ để Mỹ áp đặt mô hình phạm vi ảnh hưởng như trong thời Chiến tranh Lạnh?

Do những áp lực chính trị trong nước và quốc tế, ông Marcos Jr. sẽ phải tuân theo sự dẫn dắt của tiến trình Philippines hóa chiến lược ngoại giao. Các mô hình mang tính học thuật hiện tại như cân bằng, theo số đông và phòng ngừa rủi ro khó có thể giải thích bức tranh toàn cảnh về hành vi của Philippines ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Khó có chuyện Manila sẽ cùng Washington tạo thế cân bằng với Bắc Kinh. Các nhà quan sát nước ngoài ám chỉ rằng ông Marcos Jr. sẽ đề phòng cả Mỹ và Trung Quốc. Tuy nhiên, mô hình phòng ngừa rủi ro không thể giải thích được các yếu tố trong nước và quốc tế thúc đẩy chính sách đối ngoại của Philippines. Chính quyền ông Marcos Jr. có khả năng sẽ thúc đẩy mô hình “Philippinedisation” - đôi lúc sẽ đối xử với Trung Quốc một cách chân thành trong khi củng cố cơ sở hạ tầng an ninh quốc gia nhưng cuối cùng sẽ đứng về phía Mỹ nếu xung đột giữa Bắc Kinh và Washington xảy ra.

Để chuẩn bị cho những vấn đề như thế, ông Marcos Jr. đã bày tỏ mong muốn có được một thư ký chính sách đối ngoại am hiểu nhiều lĩnh vực và được các đoàn ngoại giao tôn trọng. Tuy nhiên, cho đến nay ông vẫn chưa đề cử ai vào vị trí này. Người ta hy vọng ông Marcos Jr. đã học được từ những sai lầm trong chính sách đối ngoại trước đây để tìm ra cách đúng cho mình. Thực tế chính trị trong nước và quốc tế có thể sẽ là phép thử cho những tuyên bố của ông trong chiến dịch tranh cử. Sự do dự của ông Marcos Jr. có thể gây bất lợi cho Manila về mặt chiến lược và đặt ông vào tình thế chính trị không có lợi. Thách thức đặt ra đối với ông là phải phát triển một chiến lược lớn khả thi để có thể tránh được xu hướng tách rời đang diễn ra ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Xét về góc độ hệ thống, khu vực này vẫn còn đó và chính quyền ông Marcos Jr. nay mai sẽ làm tốt việc xây dựng một chiến lược an ninh quốc gia mang tính thực tế và phù hợp.

Huy Thông (Tổng hợp)
.
.